Vị của mùa thu

25/09/2020

Thời điểm rõ rệt của mùa thu là khi ta nghe thấy bài xướng ca muôn loài - ngậm ngừng và se sẽ, lấp ló và ríu rít, thoát thai và trầm bổng. Khung cảnh đó, lòng chông gai hóa dịu hiền, tiếng Kim Oanh tấu khúc Ta nằm ru hạ ngủ, mùa thu chính thức sang.

Mùi thu

Quẩn quanh quanh quẩn nhịp phố hè, nhận ra trong tiết trời đã báo điểm mùa thu sang. Tiết trời mùa thu hơi ẩm, như giọt nước lăn tròn ủ ê trong kẽ lá, nhẹ rung hồn cây xõa bóng tỏa ánh lan dài, đưa hơi nắng thở chín muồi đẩy vào trong không gian, quy-hợp thành cảnh muôn biếc vàng ươm, rơi thun thút hững hờ.

Cơn gió thu lay rung rinh những cành hoa cũ, khí lạnh mùa thu như bông hé nụ bên thềm gió động chiều tà… khắp không gian ngật ngà niềm ngây dại của phố phường chớm nở.

Ảnh: Chu Đức Anh

Ảnh: Chu Đức Anh

Trong bốn mùa, thu đâu phải mùa hòa hợp đứng giữa, mà là mùa đem theo xoay vần chuyển vụ, là cái nhen nhóm khăng khít của toàn thể tháng ngày. Cũng chẳng rực rỡ như hoa mùa hạ, không ngây ngất như nụ tầm xuân, từng cánh hoa thu chỉ ngơ ngàng rủ bóng, tỏa sắc hương đượm đà. Có mùi gì mà thơm như mùi thu giữa đất trời tình ái. Khung cảnh tưởng điêu tàn hóa lại làm lòng xốn xang.

Vị của mùa thu

Lẽ thường khi tiết trời thay đổi thì tình cảm cũng đổi thay. Thu đến, thoát ra khỏi gắt gỏng bực dọc trong cơn điên ngọn lửa mùa hạ, nhân gian đều trở nên mềm mại. Tiết trời ảnh hưởng đến người nên cũng ảnh hưởng đến vị. Nói đến vị, cần biết rằng ngũ vị vốn chẳng do con người mà sinh cũng chẳng vì con người mà thành, thế mà trong cái miệng ta lại có thể trở nên hòa hợp, để rồi quy ra một chuẩn mực “ngon”. Thử hỏi ngon ở đâu mà ra, thế nào là ngon, cái gì đang quy định sự ngon ở đời, ở người đây?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Gia vị của ẩm thực là sự thanh lọc, điều tiết các vị sao cho đủ dinh dưỡng và thuận tự nhiên; cái ngon chính là từ sự đồng điệu ấy mà thành. Vị ngon là cái báo hiệu của sự hòa hợp giữa bản thể với muông sinh, giữa khí chất một người với sự sinh trưởng tốt tươi của muôn loài. Vậy nên ăn gì để thấy ngon - thực chất chỉ là khi ta tìm được cái “vị” bù đắp vào phần còn thiếu sót ở tinh thần mình, là thực ẩm hòa quyện xuất vị ngon.

Ảnh: Vũ Bảo Khánh

Ảnh: Vũ Bảo Khánh

Giờ thì bàn đến cái vị của mùa thu. Vị mùa thu không đắng chẳng cay, không nhạt chẳng ngọt mà chính là mặn. Nghe vẻ như vô lý, ấy thế mà lại là vậy. Đầu tiên là khi hương nồng đẩy vị, mùi thơm ngào ngạt chẳng đan quyện ngay đây mà cứ phất phới theo gió tỏa đi thật xa, cả đất trời cùng hít hà cái hương thơm ấy, vậy nên vị tan biến chậm hóa đậm đà. Tâm tình thỏng thảnh ngậm vị lâu, người nấu, người ăn trong cái tâm tình đó rõ cũng thấy mặn mà.

Tiếp đó, phải nói đến riêng mùa thu của Hà Nội. Muôn vị ẩm thực đều do đất tạo thành, cái mùi hương tinh túy lại do trời mà ra. Hà Nội chẳng phải đẹp nhất nhưng là nơi nghìn năm văn hiến hội tụ - đâu tự nhiên mà “người Hà Nội” thế hệ này nối thế hệ khác cứ truyền nhau một nếp sống trầm lắng đến thế - nên là dù chẳng đẹp nhất, nhưng lại đặc biệt vô cùng. Nơi đây đất rồng thiêng đã chọn, cũng nơi đây bồi đắp khí chất người anh hùng ngạo nghễ gọi rồng bay. “Tinh hoa hội tụ” - nghe thì tự hào đấy, nhưng ai hiểu thấu tinh hoa cũng biết trong tinh hoa có vị chát, cả chát lẫn đắng, của ngàn năm lịch sử. Thế nên ẩm thực mùa thu Hà Nội đâu thể xem thường. Ấy là tổng hòa của phố phường náo nức, của thâm trầm tích tụ; nơi bốn bề khí xấu bị tiêu tan, hồn người được dung dưỡng.

Ảnh: Giang Trịnh

Ảnh: Giang Trịnh

Tôi như đang vẽ một tấm địa đồ, bạn cầm nó đi theo cảm nhận mình mà tự đến với vị của mùa thu Hà Nội.

Dẫu sao, ăn ở đâu không quá quan trọng, nếu cứ ăn từ Tâm mà ra.

Nhật Tâm
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES