Những kiệt tác hội họa về mùa thu khiến lòng người xao xuyến

16/09/2020

Mùa thu dịu dàng đã là nàng thơ của bao họa sĩ tài danh trên khắp thế giới, với một chút buồn man mác, của những con đường phủ lá cây khô, những cơn gió heo may cuộn dài trên phố, những vạt nắng hanh hao cuối cùng còn sót lại trước khi tiễn hè đi.

Thời tiết mùa thu thật thất thường. Có những ngày trời xanh trong vắt như pha lê, nắng ửng vàng lấp lánh. Có những ngày khác mây sà xuống thấp, sương xám lãng đãng quanh những cành cây bắt đầu rụng lá. Mùa thu vui hay buồn, cảnh vật tươi tắn hay ảm đạm, dường như đều là phản chiếu tâm trạng của con người.

Lá thu (John Everett Millais, 1855)

Lá thu (John Everett Millais, 1855)

John Everett Millais đã ghi lại những cảm xúc độc đáo của mùa thu trong hai bức tranh: Lá thu (1855) và Tháng 10 giá lạnh (1870). Cả hai bức tranh đều được vẽ ở Perth, Scotland, nơi Millais sống. Trong Lá thu, bốn thiếu nữ đang gom lá, chất thành một đống và đốt lửa trại. Những cụm khói màu xám bắt đầu bốc lên. Khu vườn phía sau tối tăm với những cây cao mảnh khảnh, đây đó vài đám mây vương như tơ xanh trên nền trời ửng màu vàng cam rực rỡ. Mặt trời lặn khuất bóng trên gương mặt các thiếu nữ. Má họ ửng hồng như cũng nhuốm màu lá đỏ. Người xem như cảm nhận được tiếng những chiếc lá xào xạc giòn tan, làn khói ấm tỏa ra trong buổi chiều tà se lạnh. Millais vẽ nhiều loại lá, đủ hình dạng và màu sắc, rơi rụng, được xếp thành từng lớp, như báo hiệu thời khắc giao mùa, lại như gợi lên những suy nghĩ về tuổi thanh xuân, rực rỡ trong thoáng chốc rồi nhanh chóng tàn lụi theo dòng chảy bất biến của thời gian.

Tháng 10 giá lạnh (John Everett Millais, 1870)

Tháng 10 giá lạnh (John Everett Millais, 1870)

Tháng 10 giá lạnh lại gợi lên cảm nhận của người xem về cả thời tiết lẫn tâm trạng, được truyền tải trong phong cảnh mùa thu phương Bắc. Một bầu trời điểm xuyết vài dải mây nhạt nhòa soi bóng xuống mặt sông Tuy phẳng lặng. Từ trên bờ sông, mặt nước chỉ là một dải ánh sáng dẫn thẳng đến ngọn đồi xanh mờ ảo phía xa. Một doi đất nhỏ ở giữa sông với những hàng cây hun hút, đám lau sậy ven bờ ken dày như một tấm thảm vàng, tầng tầng lớp lớp đều như cô lập người xem ở bên ngoài bức tranh, bên phía nỗi cô đơn, lạnh lẽo và u ám.

Nhưng ẩn khuất trong Tháng 10 giá lạnh vẫn có một vẻ đẹp tĩnh lặng, trong những đám mây sáng ửng màu ngọc trai dịu dàng, trong những cánh chim xa bay đầy tự do, nổi bật trên phông nền rộng lớn, hoang sơ của những đám lau sậy vàng rực ven mặt nước. Trong nỗi buồn của mùa thu, vẫn có hy vọng.

Phong cảnh mùa thu (Vincent van Gogh, 1885)

Phong cảnh mùa thu (Vincent van Gogh, 1885)

Phong cảnh ở Arles gần Alyscamps (Paul Gauguin, 1888)

Phong cảnh ở Arles gần Alyscamps (Paul Gauguin, 1888)

Phong cảnh Alyscamps (Vincent van Gogh, 1888)

Phong cảnh Alyscamps (Vincent van Gogh, 1888)

Dù buồn hay vui, màu sắc của mùa thu thường trầm và ấm: vàng, cam, đỏ, nâu. Như trong những bức tranh vẽ phong cảnh mùa thu tại Alyscamps, một nghĩa địa La Mã cổ đại ở Arles, Pháp, van Gogh hào phóng tuôn màu vàng rực rỡ trên hai hàng cây dương, tương phản mạnh mẽ với những dãy bia mộ đá. Gauguin đi cùng ông đến Alyscamps ngày hôm đó và đã chọn đưa vào trong tranh của mình một góc nhìn khác về nơi này, một con đường rợp bóng cây đầy lãng mạn lưu dấu chân những giai nhân. Trong những ngày cuối tháng 10 năm 1988, hai họa sĩ đã miệt mài vẽ sáu bức tranh ở Alyscamps, cho đến khi một cơn mưa kéo đến mang theo hơi lạnh chấm dứt mùa thu.

Đại lộ Mùa thu ở Paris (Childe Hassam, 1886-89)

Đại lộ Mùa thu ở Paris (Childe Hassam, 1886-89)

Rừng bạch dương (Gustav Klimt, 1902)

Rừng bạch dương (Gustav Klimt, 1902)

Tháp Eiffel lúc hoàng hôn (Henri Rousseau, 1910)

Tháp Eiffel lúc hoàng hôn (Henri Rousseau, 1910)

Cảnh thu (Pierre Bonnard, 1912)

Cảnh thu (Pierre Bonnard, 1912)

Cây mùa thu (Egon Schiele, 1911)

Cây mùa thu (Egon Schiele, 1911)

Mặt trời mùa thu (Egon Schiele, 1912)

Mặt trời mùa thu (Egon Schiele, 1912)

Các họa sĩ dường như chưa bao giờ tiếc công dát vàng lên những bức tranh về mùa thu, từ Childe Hassam, Gustav Klimt cho đến Henri Rousseau, Pierre Bonnard và Egon Schiele. Màu vàng của nắng trời, lá khô, hoa cúc và cánh đồng lúa chín... hay là màu vàng bất tận của cánh rừng bạch dương trong tranh của Levitan đã khiến bao người thương nhớ nước Nga. Dòng sông uốn lượn men theo vàm cỏ thoai thoải nối với rừng cây, gợi lên cảm giác bâng khuâng vô định. Bầu trời xanh trong veo với những tầng mây lơ lửng bay theo làn gió nhẹ và những vạt nắng yếu ớt trải dài, tạo nên sự huyền ảo lung linh của thời khắc giao mùa, tươi sáng nhưng vẫn ẩn khuất nỗi buồn man mác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Mùa thu vàng (Levitan, 1895)

Mùa thu vàng (Levitan, 1895)

Công viên Hyde (Camilie Pissaro, 1890)

Công viên Hyde (Camilie Pissaro, 1890)

Với độ chính xác màu đáng kinh ngạc, Công viên Hyde ở London, Anh trông đẹp hơn bao giờ hết trong tranh của Camille Pissaro, khi vẻ đẹp của thiên nhiên được phô bày một cách trọn vẹn mà không hề trần tục. Họa sĩ người Anh Joseph Mallord William cũng đã bộc lộ rõ tài năng tái hiện sự kỳ diệu của thiên nhiên bằng màu nước và sơn dầu, đã giúp nâng tầm thể loại tranh phong cảnh lên đúng vị trí của nó, như khung cảnh mùa thu ngoạn mục trong Suối nguồn lười biếng. Mùa thu trong tranh của Jean-Francois Millet thì nhuốm màu trầm hơn, nhưng không u buồn mà trái lại, thấm đẫm phong vị thanh bình êm ả của chốn đồng quê thôn dã sau mùa gặt.

Suối nguồn lười biếng (J.M.W Turner, 1834)

Suối nguồn lười biếng (J.M.W Turner, 1834)

Cánh đồng cỏ khô (Jean-Francois Millet, 1873)

Cánh đồng cỏ khô (Jean-Francois Millet, 1873)

Nhưng mùa thu cũng là mùa của những vấn vương, thương nhớ và hoài niệm. Trong những cơn mưa chợt đến, chợt đi, cảnh vật chuyển màu héo hắt, dễ khiến con người cảm thấy buồn vu vơ, và có gì đó như là cô độc. Mùa thu trong tranh Wassily Kandinsky sao mà lạnh lẽo đến thế, tán lá đỏ kia có sưởi ấm lòng người được chút nào không?

Mùa thu ở Murnau (Wassily Kandinsky, 1908)

Mùa thu ở Murnau (Wassily Kandinsky, 1908)

Còn Edward Hopper lại níu giữ khoảnh khắc mùa thu tàn phai ở Cape Cod, với con đường hoang vắng như được quan sát cảnh từ cửa sổ của một chiếc xe đi ngang qua, khắp đất trời như chuyển màu xám tĩnh lặng để nhường chỗ cho đông về.

Tháng 10 ở Cape Cod (Edward Hopper, 1946)

Tháng 10 ở Cape Cod (Edward Hopper, 1946)

Những bức tranh mùa thu của Paul Klee lại trừu tượng hơn và bảng màu cũng đa dạng hơn. Nhìn qua thì có vẻ đơn giản, trẻ con và ngây thơ, tranh của ông đã sử dụng nhiều phương pháp như màu nước, mực, dầu, phấn màu, kết hợp chúng với nhau, phức tạp và đa dạng cả về kỹ thuật và màu sắc, từ đơn sắc đến đa sắc.

Sứ giả của mùa thu (Paul Klee, 1922)

Sứ giả của mùa thu (Paul Klee, 1922)

Hoa mùa thu (Paul Klee, 1922)

Hoa mùa thu (Paul Klee, 1922)

Diana trong cơn gió thu (Paul Klee, 1921)

Diana trong cơn gió thu (Paul Klee, 1921)

Nói về những bức tranh phong cảnh đẹp nhất của mùa thu thì không thể bỏ qua Claude Monet và những tác phẩm của ông về vùng nông thôn Pháp. Cách sử dụng màu sắc và những nét bút vẽ mềm mại của ông gần như hoàn hảo. Điều đó thể hiện trong những bức tranh về mùa thu ở Argenteuil hay Con đường trên đảo Saint Martin.

Con đường trên đảo Saint Martin (Claude Monet, 1881)

Con đường trên đảo Saint Martin (Claude Monet, 1881)

Claude Monet vẽ Hiệu ứng mùa thu ở Argenteuil vào cuối năm 1873, thời điểm mà phong trào Ấn tượng bắt đầu nở rộ tại Paris. Khi ấy, Argenteuil là một trung tâm công nghiệp đang phát triển ở ngoại ô Paris, đồng thời là một đề tài xuất hiện thường xuyên trong tranh của nhiều họa sĩ Ấn tượng vì thị trấn nhỏ này đóng vai trò như một khu nghỉ dưỡng cuối tuần cho giới thị dân Paris. Bức tranh mang màu sắc rực rỡ của một ngày thu đầy nắng lấp loáng trên mặt nước khi cây lá và bầu trời phản chiếu xuống dòng sông Seine. Sự tương phản nổi bật giữa những tán lá vàng và làn nước trong xanh có thể khiến người xem liên tưởng đến những bức tranh khắc gỗ của Nhật Bản.

Hiệu ứng mùa thu ở Argenteuil (Claude Monet, 1873)

Hiệu ứng mùa thu ở Argenteuil (Claude Monet, 1873)

Mùa thu trên sông Seine ở Argenteuil (Claude Monet, 1873)

Mùa thu trên sông Seine ở Argenteuil (Claude Monet, 1873)

Với hơn 30.000 tác phẩm, nhưng Katsushika Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh khắc gỗ 36 cảnh núi Phú Sĩ, trong đó Sóng lừng ở Kanagawa đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản. Hokusai còn có một loạt tranh nổi tiếng khác được sử dụng làm minh họa cho cuốn sách Hiaku-nin-isshiu (Những bài ca của một trăm nhà thơ). Bài thơ đầu tiên là Hoàng đế Tenchi, kể về việc Hoàng đế đã trú mưa trong một túp lều bên đường trong khi xem những người thợ gặt làm việc. Trong bức tranh minh họa, vài lữ khách đi ngang qua một con đường hẹp nơi những người nông dân đang đang gánh lúa về. Phía xa xa là vài túp lều đơn sơ ẩn giữa những tán cây, đằng sau là những ngọn đồi thấp thoáng trong màn sương. Ở giữa bức tranh, ba ngọn cây cao vút, mảnh mai nổi bật trên nền trời hoàng hôn. Nét bút của Hokusai uyển chuyển và tự do, dù bức tranh sử dụng màu sắc trầm buồn, nhưng khúc chiết và lắng đọng tinh thần hội họa Nhật Bản.

Những người nông dân khi thu về (Katsushika Hokusai)

Những người nông dân khi thu về (Katsushika Hokusai)

Jasper Francis Cropsey thường được gọi là “họa sĩ của mùa thu” với hàng chục bức tranh phong cảnh mùa thu rực rỡ, phần lớn ở vùng Đông Bắc Mỹ như New York và New Jersey. Phong cảnh nước Mỹ hiện lên trong tranh của Cropsey thường rộng lớn, khoáng đạt mà yên bình, ấm áp với tông màu vàng, cam và đỏ lộng lẫy. Khi Nữ hoàng Victoria đến xem triển lãm của Cropsey ở London, bà cho rằng những bức tranh không hoàn toàn chân thực và họa sĩ đã phóng đại về màu sắc mãnh liệt của những tán lá thu ở quê nhà. Cropsey đã cho gửi những chiếc lá vàng, lá đỏ từ Mỹ sang Anh để chứng tỏ cho Nữ hoàng và cả thế giới thấy vẻ đẹp diệu kỳ của mùa thu Bắc Mỹ trong tranh của ông là hoàn toàn chân thực. Đây có lẽ là trường hợp một nghệ sĩ phải chứng minh rằng mình “không dùng filter” đầu tiên trong lịch sử!

Mùa thu trên sông Hudson (Jasper Francis Cropsey, 1860)

Mùa thu trên sông Hudson (Jasper Francis Cropsey, 1860)

Hồ Greenwood (Jasper Francis Cropsey, 1875)

Hồ Greenwood (Jasper Francis Cropsey, 1875)

Một buổi sáng mùa thu (Jasper Francis Cropsey, 1890)

Một buổi sáng mùa thu (Jasper Francis Cropsey, 1890)

Tháng 10 (Jasper Francis Cropsey, 1887)

Tháng 10 (Jasper Francis Cropsey, 1887)

Bao năm qua, mùa thu dịu dàng đã là nàng thơ của bao họa sĩ tài danh trên khắp thế giới, với một chút buồn man mác, của những con đường phủ lá cây khô, những cơn gió heo may cuộn dài trên phố, những vạt nắng hanh hao cuối cùng còn sót lại trước khi tiễn hè đi. Người họa sĩ dường như cũng nhạy cảm hơn khi thu về, chỉ cần một chiếc lá rơi xào xạc, một giọt nắng rơi bên thềm cũng đủ để họ cầm cọ lên và tâm sự với mùa thu.

Hương Thảo
RELATED ARTICLES