Số phận của một vở kịch trong hai đại dịch

22/04/2020

Vào năm 1634, sau trận đại dịch hạch, ngôi làng nhỏ ở xứ Bavaria xây dựng vở kịch kể về những khổ nạn và sự phục sinh của Jesus. Thường được biểu diễn 10 năm một lần, nhưng năm nay, vở kịch này phải hoãn lại vì một đại dịch khác, Covid-19.

Vào năm 1634, vở kịch Cuộc Thương Khó được trình diễn lần đầu tiên tại Oberammergau - một ngôi làng nhỏ yên bình ở vùng núi Alps thuộc xứ Bavaria, miền đông nam nước Đức. Chuyện kể rằng, cách đây hơn 400 năm, khi quân Thuỵ Điển tràn vào qua Bavaria và mang theo bệnh dịch hạch, chỉ trong vài tuần mà dân số trong làng mất đi một nửa. Lúc đó, không ai biết lý do tại sao. Dân làng nghĩ rằng họ bị Chúa trừng phạt, vì thế, họ thề hứa rằng: nếu trận dịch này ngừng lại thì họ sẽ diễn vở kịch Cuộc Thương Khó cứ mười năm một lần. Kể từ ngày đó, trong làng không ai còn bị chết vì dịch nữa. Và lời hứa ấy, dân làng Oberammergau còn giữ đến ngày nay.

Làng Oberammergau ở xứ Bavaria

Làng Oberammergau ở xứ Bavaria

Vở kịch Cuộc Thương Khó của làng Oberammergau được cho là vở kịch nghiệp dư thành công nhất thế giới với lượng diễn viên hùng hậu gồm 1.800 người lớn và 550 trẻ em. Từ năm 1680, vở kịch được biểu diễn vào những năm tròn chục. Vậy là, cứ mười năm một lần, cuộc sống bình thường trong làng như ngưng lại, không chỉ dân làng háo hức chuẩn bị cho vở kịch mà du khách trong nước và quốc tế cũng đổ xô đến xem. Theo truyền thống mà người dân làng Oberammergau vẫn giữ từ nhiều thế kỷ qua, các diễn viên của vở kịch phải là người sinh ra trong làng, nếu không thì cũng phải là người cư ngụ trong làng được ít nhất 20 năm hoặc đã kết hôn với một người dân làng trên 10 năm.

Adam và Eve trong vườn địa đàng, một cảnh trong vở kịch năm 2010

Adam và Eve trong vườn địa đàng, một cảnh trong vở kịch năm 2010

Từ năm 2018, các diễn viên đã được phân vai và dân làng đã bắt đầu chuẩn bị cho vở kịch lần thứ 42, với hàng nghìn bộ trang phục đã được đặt may và nhiều người đàn ông bắt đầu để để râu và tóc dài. Các nhà hàng và khách sạn trong vùng cũng bắt đầu cải tạo và trang trí lại để chuẩn bị cho sự kiện một thập kỷ mới có một lần. Theo như dự kiến, vở kịch ở làng Oberammergau lần thứ 42 sẽ được trình diễn từ ngày 16/5 đến ngày 4/10/2020, mỗi tuần sáu lần và như thường lệ sẽ kéo dài khoảng năm giờ đồng hồ, có nghỉ giải lao ở giữa. Mỗi buổi biểu diễn sẽ có khoảng 4.500 khán giả.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vở kịch Cuộc Thương Khó được trình diễn lần trước là vào năm 2010 với tổng số khán giả đến từ khắp thế giới là 515.000 người.

Cảnh đóng đinh trên thập tự giá

Cảnh đóng đinh trên thập tự giá

Nhưng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chính quyền đã buộc phải hoãn vở kịch của thập kỷ này sang năm 2022 bởi phần lớn khán giả là những người trên 60 tuổi, thuộc nhóm có nguy cơ cao. Đồng thời, các buổi diễn tập cũng gặp khó khăn, có những cảnh yêu cầu 700 đến 800 người cùng xuất hiện trên sân khấu. Trong số 5.200 dân làng, có khoảng 2.500 người tham gia vào vở kịch với tư cách là diễn viên, thành viên của dàn hợp xướng hoặc dàn nhạc, hoặc kỹ thuật viên, nhân viên hậu trường.

Frederik Mayet đóng vai Jesus Christ trong Cuộc Thương Khó năm 2010

Frederik Mayet đóng vai Jesus Christ trong Cuộc Thương Khó năm 2010

Đây không phải là lần đầu tiên vở kịch phải hoãn lại hoặc hủy bỏ. Năm 1770, Đại Công tước xứ Bavaria Maximilian III đã cấm tất cả các vở kịch tái hiện cuộc thương khó của Jesus, nhưng người kế nhiệm là Karl Theodor đã cho phép làng Oberammergau diễn kịch vào năm 1780. Những biến động của các cuộc chiến của Napoleon cũng dẫn đến cuộc trình diễn năm 1810 được tổ chức vào năm 1811 (và 1815); rồi Thế chiến I (1914-1918) khiến cuộc trình diễn năm 1920 được dời lại vào năm 1922; sau đó, Thế chiến II (1939-1945) đã khiến cuộc trình diễn năm 1940 bị hủy bỏ.

Có lẽ một sự kiện được khai sinh ra từ khủng hoảng cuối cùng sẽ, không thể tránh khỏi, trở thành "nạn nhân" của những cuộc khủng hoảng khác.

Hà Lê - Nguồn: SCMP
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES