Công viên quốc gia Kruger đã tạm dừng hoạt động từ ngày 25/3 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhân viên kiểm lâm Richard Sowry hôm 16/4 đã kịp ghi lại hình ảnh một đàn sư tử nằm ngủ ngon lành trên đường cái, ngay gần khu nghỉ dưỡng của Công viên quốc gia Kruger (Nam Phi).
Theo nhân viên Isaac Phaala, những chú sư tử này thường chui trong các bụi rậm. “Chúng rất thông minh. Khi không thấy người, chúng sẽ chiếm ngự những con đường khô ráo ngay”, Phaala giải thích.
Mới đây, một nhóm chơi golf trong Công viên quốc gia Kruger cũng chụp được khoảnh khắc sư tử đuổi bắt linh cẩu trên thảm cỏ sân golf.
Trước đó, nhiều hình ảnh từ khắp nơi trên thế giới cũng cho thấy động vật hoang dã đang “tranh thủ” khám phá đường phố khi loài người ở nhà chống dịch. Tuy nhiên, những cuộc dạo chơi hiếm hoi này tiềm ẩn không ít rủi ro.
Sau khi Công viên quốc gia Yosemite ở bang California (Mỹ) đóng cửa ngày 20/3 trong đợt phong tỏa chống dịch Covid-19, các loài động vật hoang dã ở đây đang khá thoải mái tận hưởng khoảng thời gian thư thả, vắng bóng con người. Hiện vẫn chưa rõ khi nào Công viên quốc gia Yosemite sẽ mở cửa trở lại cho du khách.
Từ 11/3, Israel bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội và đóng cửa nhiều địa điểm công cộng để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Cả nước đồng loạt đóng cửa, các loài thú hoang liền chớp thời cơ này và tràn vào thành phố kiếm ăn.
Nhiều loại động vật hoang dã cũng đang đi lang thang khắp các thành phố và thị trấn ở Pháp, theo ông Romain Julliard, trưởng bộ phận nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp. Những con cáo là động vật tiên phong. “Khi một nơi trở nên yên ả, chúng sẽ có mặt ở đó”, ông Julliard cho biết.
Ở phía bắc xứ Wales, từng đàn dê núi Great Orme Kashmiri "chiếm đóng" các con đường vắng của thị trấn Llandudno. Trước khi xảy ra dịch bệnh, chúng sống trên một ngọn đồi gần thị trấn và hiếm khi đi vào đó. Cảnh sát địa phương nhận được nhiều cuộc gọi báo cáo về đàn gia súc đi thong thả giữa đường, leo hàng rào để kiếm thức ăn. Tuy nhiên, họ không can thiệp bởi chúng tự biết tìm đường quay về.
Người dân New Delhi (Ấn Độ) phát hiện những con khỉ tìm thức ăn trong một con hẻm có các cửa hàng đóng cửa tránh dịch. Giữa tháng 3 vừa qua, một đàn khỉ cũng vô tư tràn vào một cửa hàng gần ngôi đền Prang Sam Yod tại tỉnh Lopburi, Thái Lan để lục tìm những gì còn sót lại.
Từ tháng 3, thủy cung Shedd ở Chicago (Mỹ) đóng cửa để tránh dịch. Nhờ đó, chú chim cánh cụt Wellington lần đầu có cơ hội khám phá bể cá trong ngôi nhà của mình. Các nhân viên thủy cung cho biết trong thời gian ngừng đón khách du lịch, ngoài việc duy trì thức ăn cho các con vật, họ cũng để chúng tự do khám phá xung quanh và thể hiện các hành vi tự nhiên.
Ở Venice (Italy), những con kênh màu xanh trong vắt thu hút các loài chim biển, thiên nga, cá tung tăng bơi lội khi vắng bóng du khách và những con thuyền gondola.
Tại Hong Kong và nhiều thành phố châu Âu như Barcelona, Roma, những con lợn rừng thản nhiên lang thang trên đường, trong khi trước đây chúng chỉ sống ở những quả đồi phía xa. Nhiều người Roma còn không dám dắt chó đi dạo ở vùng ngoại ô vì những đàn lợn rừng ngày càng đông và hung hãn.
Trong khi đó, ở thủ đô Santiago của Chile, một con báo lớn chơi đùa bên cạnh những chiếc xe ô tô bị bỏ lại, trước khi được cảnh sát bắt và thả về tự nhiên.
Không thể phủ nhận một tác động tích cực của đợt phong tỏa này đã mang lại cho thế giới là một bầu không khí trong sạch hơn. Các thành phố lớn như Los Angeles và New Delhi đã chứng kiến mức giảm ô nhiễm không khí rất lớn.
Nhiều ngành công nghiệp cũng như dịch vụ du lịch đã hạn chế hoạt động, dẫn đến sự thay đổi tích cực về môi trường. Một số nhà hoạt động cho rằng sựutái xuất của nhiều loài động vật hoang dã là bằng chứng cho thấy con người đã gây quá nhiều áp lực lên thế giới tự nhiên.