Mê hoặc. Tuyệt vời. Đồ sộ. Đáng kinh ngạc. Chưa từng thấy.
Đó là các từ ngữ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội để diễn đạt những gì người dân ở quận Jalandhar, bang Punjab, Ấn Độ đang cảm thấy.
Balbir Singh Seechewal, nhà hoạt động vì môi trường ở bang Punjab, nói rằng ông chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. "Chúng tôi có thể nhìn thấy những ngọn núi phủ tuyết từ mái nhà của mình. Và không chỉ vậy, chúng tôi còn có thể ngắm sao vào ban đêm", ông Seechewal cho biết.
Cựu vận động viên cricket Ấn Độ Harbhajan Singh cũng nói rằng đây là một trải nghiệm chưa từng có. "Tôi chưa bao giờ thấy núi Dhauladhar từ sân thượng nhà mình ở Jalandhar. Chưa bao giờ tưởng tượng rằng điều này là có thể. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về tác động của ô nhiễm môi trường do chúng ta gây ra với trái đất," Singh đăng trên Twitter.
Ấn Độ, một đất nước gần 1,4 tỷ dân, đã bị phong tỏa để ngăn chặn đại dịch COVID-19 kể từ ngày 22/3. Không chỉ giao thông công cộng, mà hầu hết các ngành công nghiệp cũng ngừng hoạt động. Điều này đã giúp đưa mức độ ô nhiễm xuống mức thấp đến khó tin. Ủy ban Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho biết chất lượng không khí ở nước này đã được cải thiện đáng kể.
Riêng tại Delhi, chỉ số PM10 ngày 23/3 đã giảm tới 44% với ngày hôm trước. Theo Đơn vị Tình báo Dữ liệu Ấn Độ Ngày nay (DIU), từ ngày 16-27/3, chỉ số chất lượng không khí được cải thiện trung bình 33% trên cả nước.
Dữ liệu trên mạng cho thấy, trung bình, các thành phố của Ấn Độ có AQI là 115 trong khoảng thời gian từ 16-24/3. Chất lượng không khí bắt đầu cho thấy sự cải thiện từ ngày đầu tiên của đợt phong tỏa 21 ngày. Chỉ số AQI trung bình đã giảm xuống còn 75 trong ba ngày phong tỏa đầu tiên, theo báo cáo.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết giới hạn an toàn cho chất lượng không khí là khi bụi mịn PM2.5 dưới 20 mg/m3. Ấn Độ thường ghi nhận mức độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 100 mg/m3, gấp năm lần so với giới hạn an toàn.
Việc đóng cửa các doanh nghiệp và mọi hoạt động cộng đồng nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến việc giảm nồng độ NO2 gây ô nhiễm trên toàn thế giới, theo quan sát của Cơ quan vũ trụ của Liên minh châu Âu (ESA) và các dữ liệu từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P.