Năm 2007, 500 ha ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình (Mù Căng Chải) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 14/9 đến 20/9/2012 tại Yên Bái sẽ diễn ra Tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch với lễ mừng cơm mới, triển lãm ảnh về ruộng bậc thang; phiên chợ vùng cao - ẩm thực, múa khèn, hát giao duyên... của người Mông. Đặc sản: Chè suối Giàng, gạo nếp và gà đồi Tú Lệ, ếch núi trên Mù Cang Chải, măng chua, thịt lợn luộc, lợn nướng lá dong, thịt trâu gác bếp, rượu táo mèo. |
Bài và ảnh: Lam Linh
Tháng 9, thời tiết chưa quá lạnh nhưng cũng đủ cho bạn diện những chiếc khăn quàng, áo ấm, găng tay khi muốn làm một vòng hành trình chiêm ngưỡng những kiệt tác thiên nhiên và con người trên vùng cao Tây Bắc vào thời điểm quyến rũ nhất trong năm. Lúc này, tiết trời se se dìu dịu, không khí dễ chịu và mát mẻ, điều kiện rất tuyệt vời cho một chuyến đi dài.
Xa ngái Mù Căng Chải – Yên Bái
Đường lên xứ Mù duy nhất con đường quốc lộ 32. Từ Hà Nội vượt qua đèo Khế để sang đất Yên Bái rồi từ đó, cứ theo con đường này qua Nghĩa Lộ mà thẳng đến với Mù Căng Chải. Ngay từ Văn Chấn, hai bên đường đã ngút ngàn những thửa ruộng tuyệt đẹp. Để khi đến Tú Lệ, những thửa ruộng của bản làng người Thái đã thơm hương ngào ngạt. Nếu vào đúng mùa gặt, bạn có thể được ăn những bát cơm gạo mới. Còn nếu đến sớm hơn một chút, hãy thưởng thức thử món cốm thơm được làm từ gạo nếp Tú Lệ trứ danh. Cuối chiều, khi những cô gái chàng trai người dân tộc Thái trở về nhà sau một ngày làm đồng rộn rã, là lúc dòng suối nước nóng giữa những cánh đồng đông người nhất. Người Thái tắm dưới suối, tự nhiên trong thiên nhiên tươi đẹp.
Từ Tú Lệ đến Mù Căng Chải phải vượt qua con đèo 20km Khau Pạ. Con đèo ngày nay không còn quá nguy hiểm, nhưng bạn hãy cẩn thận. Giữa lưng chừng đèo, cảnh sắc của những cánh đồng lúa ngả màu dưới thung lũng tuyệt đẹp là một trong những khung cảnh bất cứ ai cũng muốn chiêm ngưỡng. Bạn sẽ tìm được cho mình một điểm tuyệt đẹp để dừng chân nơi lưng chừng đèo, thả hồn với thung lũng ngập tràn sắc xanh, sắc vàng, bên ly cà phê ấm bốc khói.
Trên đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất toàn Mù Căng Chải, những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ, đùa nghịch bên những hàng rào. Năm trăm hécta ruộng này chính là di tích, di sản của người Mông được nhà nước công nhận. Người dân tộc vùng cao Yên Bái làm ruộng trên những sườn núi cao. Người Thái lập bản dưới vùng thấp, trồng nếp nương trong thung lũng Tú Lệ. Còn người Mông giỏi trèo đèo vượt núi, họ đã biến những sườn núi non hiểm trở thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của người Dao, người Mông, người Hà Nhì, người Giáy, người Tày, người Xa Phó, người Nùng, người Pa Dí… đời này nối tiếp đời kia đã và đang kiến tạo nên những kiệt tác.
Tháng 9 và 10 là thời điểm đẹp nhất trong năm để tham quan các vùng ruộng bậc thang nổi tiếng Tây Bắc. Đây cũng là thời điểm khách du lịch Châu Âu, giới trẻ yêu du lịch khám phá nô nức thuê xe máy chiêm ngưỡng Tây Bắc. Các vị khách nước ngoài có thể tìm thuê xe Minsk và xe cào cào với hướng dẫn viên tại các cửa hàng thuê xe máy trên phố cổ Hà Nội. |
Bồng bềnh trong biển mây Y Tý – Lào Cai
Đường tới Y Tý được chia làm ba. Một đường bắt đầu từ dưới chân đèo Ô Quy Hồ dốc ngược lên. Một đường được đi xuyên từ Bát Xát – Bản Vược qua Mường Hum mà vào và đường thứ ba là từ tận A Mú Sung, điểm gần sát với Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào.
Con đường xuyên bản vượt núi cao, băng rừng sâu, chạy sát sạt ven những vách đá dựng đứng không rào chắn. Rừng nối rừng. Lác đác có một vài bản nhỏ trên những con đường gập ghềnh.
Những đám mây xốp trắng dưới bầu trời xanh ngăn ngắt bao bọc toàn bộ vùng thung lũng. Tia nắng mặt trời phản chiếu những ánh lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Vùng đất Y Tý nằm sâu trong núi, tứ bề là núi cao, quanh năm mây mù che phủ. Trên độ độ cao 2.000 mét, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San có đỉnh cao tới 2.660 mét, hiếm khi thấy được ánh mặt trời soi đủ cả ngày. Bởi thế nhiều người gọi Ý Tý bằng cái tên "vùng đất mù sương”.
Phiên chợ sớm đông đúc người qua lại. Đủ cả các dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông, Giáy với những bộ trang phục sặc sỡ. Người mang theo đám trẻ, người cưỡi ngựa, kẻ đi bộ hành, đi với vợ xuống phiên chợ giữa núi rừng Tây Bắc. Có cảm giác như người ta đang cưỡi mây xuống chợ khi ánh nắng mặt trời càng làm vẻ đẹp của thung lũng mây thêm huyền ảo. Sản vật đơn giản với dăm quả trứng, vài ba chiếc váy, rượu nhà tự nấu… Chị em xúng xính trong những chiếc váy đủ màu, khăn quàng đầu sặc sỡ, khiến cả khu chợ giống một vườn hoa di động. Chợ tan, người vãn, các cô gái dân tộc vẫn còn nấn ná ở lại, nghỉ chân trên những tảng đá ven núi, cùng nhau nói chuyện, hong nắng, ngắm cảnh mây trời và thêu thùa.
Vượt qua Dền Sáng, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đã đến độ chín vàng. Trên ruộng, nhấp nhô những tà váy đỏ, váy hồng, lúi cúi gặt hái. Từ Mường Hum đến Y Tý, đâu đâu cũng ngập trong lúa vàng, mây trời và nằng tựa mật ngọt rải khắp mọi ngả đường.
Hoàng Su Phì – Bát ngát mùa vàng
Đường vào Y Tý khá xấu với nhiều đoạn đường trơn trượt nên khi đi bạn nên sẵn sàng găng tay và bọc gối, vừa tránh bị lạnh vừa bảo đảm tay và đầu gối không bị xây xước khi gặp nguy hiểm. Nhiệt độ vùng núi chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm, nên mang đủ khăn, mũ len, găng tay, áo khoác ấm, túi ngủ, chăn mỏng. Y Tý chỉ có nhà nghỉ duy nhất của chị Hầu Thu Mỷ, rất ít phòng. Bạn tránh đi đêm khi vào khu vực này. Báo cáo trưởng bản khi đến các nơi và mang theo đầy đủ giấy tờ cá nhân. Từ Y Tý, có thể xuyên xuống các xã Lao Chải 1, Lao Chải 2, nơi có những ngôi nhà trình tường đẹp nhất Lào Cai và có thể xuyên vào Hồng Ngài, xã sâu nhất trong mảnh đất này. |
Mảnh đất Hoàng Su Phì nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ mùa thu nào cũng thu hút đông đảo giới trẻ. So với đường đến Mù Căng Chải, đến với Hoàng Su Phì, bạn chịu nhiều vất vả và khó khăn hơn với quãng đường dài.
Từ Y Tý – Lào Cai, để đến với Hoàng Su Phì, chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường “khó nhằn”, xuống Lào Cai, đến Bắc Hà, từ đây vượt qua 40km đường sang Xín Mần, một trong những đoạn đường ngổn ngang và cực khổ nhất để đến Hoàng Su Phì. Thời tiết đẹp, không mưa là một may mắn lớn cho cánh chạy xe. Hoàng Su Phì đón “những bước chân không mỏi” bằng những thảm lúa vàng tuyệt đẹp từ chân đến tận đỉnh núi.
Đến với Hoàng Su Phì, bạn sẽ được thỏa sức tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thư giãn thoải mái trong bầu không khí trong lành với núi rừng trùng điệp và tiếng suối róc rách reo vui. Hoàng Su Phì có 4 làng văn hoá, du lịch là Nậm Hồng, Giàng Thượng, Phìn Hồ và Làng Giang.
Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn cho những tour du lịch cộng đồng, đặc biệt là đến với khu du lịch sinh thái Pan Hour bên dòng suối Thông Nguyên. Giữa khung cảnh rất yên bình và lãng mạn, sự trẻ trung hồn nhiên của những cô gái Dao sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Không những thế, đến đây du khách có dịp tìm hiểu về đời sống văn hoá của đồng bào Dao - chiếm tới 80% dân số ở đây.
Mùa lúa tại Hoàng Su Phì được trồng một năm một lần. Vào tháng 5 là mùa đổ nước, tháng 9 là mùa gặt, cả hai thởi điểm đều tuyệt đẹp, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đến sáng tác. Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 2 lên phía Bắc chừng 320 km, đến Việt Quang thì có đường rẽ vào Hoàng Su Phì; rẽ vào con đường độc đạo dẫn tới huyện biên giới vùng cao này. Con đường ngoằn ngoèo bám theo núi và rất ít phương tiện xe cộ đi lại. Từ đây, bạn có thể chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh 1, Tây Côn Lĩnh 2, những địa chỉ nổi danh đang được các bạn trẻ yêu thích. Cây lúa tại Hoàng Su Phì thân dài hơn so với Mù Căng Chải; các thửa ruộng cũng ở cao hơn. Ruộng bậc thang có ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhưng tập trung phần lớn ở Bản Luốc, Bản Phùng, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ với tổng diện tích gần 765 ha. |
Thông tin thêm:
Chuẩn bị cho một chuyến “phượt”
Thời tiết thuộc vùng núi và lúc này đang chuyển mùa nên bạn nhớ mang theo áo khoác dày và khăn choàng ấm.
Khi chạy xe máy, bạn lưu ý tốc độ và xe cộ qua lại. Không đi tốc độ quá cao và tránh đeo bám gần nhau. Không chạy khi trời đã tối muộn, tránh bị sương mù. Nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Nên có bộ đồ sửa xe với săm, lốp thay thế.
Hành trang y tế mang theo, bạn nên có: thuốc đau đầu, thuốc cảm sốt, thuốc đi ngoài, thuốc dị ứng, kháng sinh, thuốc đầy hơi, C sủi, vitamin 3B, bông băng, thuốc sát trùng, dầu gió, dầu xoa, salonpas… Với đoàn đông, bạn nên mua với số lượng nhiều hơn và chia cho khoảng 2 – 3 người mang.
Các thành viên trong đoàn phải nắm chắc lịch chạy và bản đồ địa lý trong tay, hãy nắm rõ những điểm bạn sẽ đến và tên cùng số điện thoại của tất cả các bạn trong nhóm đi cùng.
Trang bị kỹ các vật dụng cá nhân cần thiết như quần áo, áo ấm, găng tay, mũ bảo hiểm, bọc gối, áo mưa, ủng đi mưa, bọc đồ cá nhân, đồ y tế cá nhân (ngoài các đồ đoàn đã chuẩn bị), túi ngủ…
Khi cất đồ vào ba lô, hãy xếp gọn vào các túi ni lông trước khi xếp đồ để tránh đồ bị ướt hay khi gặp trời mưa.
Các vật dụng khác: dây thừng, dây chằng đồ và một số vật dụng nhỏ như dao, kéo…
Cách ràng buộc đồ trên xe: gọn gàng, thuận tiện và không bị vướng khi đi trên đường.
Một đoàn chạy xe máy chỉ nên dừng ở top dưới 5 xe 10 người, vừa dễ dàng giao lưu trò chuyện, vừa kiểm soát dễ khi đi trên đường và khi đến các địa phương xa cũng dễ liên lạc nơi ăn chốn ngủ.
Vài địa chỉ cho thuê xe máy tại Hà Nội:
- Hoàng Motor: 27 Ngõ 62 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa - Tel: (04) 66 50 50 19 - HP: 092 829 0000 / 0922 586 122 / 0904 23 23 41
- Nguyễn Thanh Tùng: 1017 Hồng Hà, Hoàn Kiếm – HP: 0913 532 229
- Bác Trung: 51 Đội Cấn – HP: 091.241.0562
- Vietnam Heart Travel: 119 Âu Cơ, Tây Hồ – HP: 091 33 44 069 (Mr. Thiệp)
- Cùng các địa chỉ thuê xe trên phố cổ Đinh Liệt, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm…