Myanmar kì bí - Kỳ cuối: Yangon, xưa và nay

23/07/2014

Rời Inle trên chiếc xe trông hơi nhỏ bé giữa màn đêm buông chùng, sáng hôm sau tôi đã đặt chân đến Yangon. Nhìn qua khung cửa, những mái chùa nâu trầm dần hé mình dưới bầu trời dần xanh rực, từng chiếc xe thồ, xe chở khách tự chế trôi tuột qua, tiếng chuông của chúng leng keng văng vẳng. Nắng bắt đầu phủ lên thành phố, xa xa hướng xe chạy đến, chùa Shwedagon, biểu tượng huy hoàng của Yangon vàng rực trên đỉnh đồi Singuttara.

Bài và ảnh: Lê Thắng

Không như những nơi ở Myanmartôi đã đi qua, Yangon là thành phố đa dạng và đặc sắc. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Yangon là nghệ thuật kiến trúc và con người. Những đặc điểm giao thoa giữa văn hoá Phật giáo cùng với  nền văn minh tư bản, được người Anh mang đến khi cai trị nơi đây đã tạo nên một thành phố kỳ lạ, cũ kỹ nhưng cũng đầy mới mẻ. Tôi đã thấy ở đây những trường phái kiến trúc khác lạ. Sự đa dạng tôn giáo bao gồm Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo cùng những công trình, những nét văn hoá gắn liền với cuộc sống của người địa phương.

Những đặc điểm giao thoa giữa văn hoá Phật giáo cùng với  nền văn minh tư bản, được người Anh mang đến khi cai trị nơi đây đã tạo nên một thành phố kỳ lạ, cũ kỹ nhưng cũng đầy mới mẻ.

Khách sạn nơi tôi ở nằm trên một con phố cổ tại Downtown Yangon và nằm trong tuyến đường đi bộ được “lưu truyền” trong một cuốn sách của dân du lịch. Tôi bắt đầu khám phá Yangon theo tuyến đường đó. Buổi sáng Yangon yên bình kỳ lạ, chim bồ câu nhiều vô kể, từng đàn xà xuống đường, ăn thức ăn người dân chia cho chúng. Khi một chiếc xe chạy qua, đàn chim lại bay lên rợp kín khoảng trời cũ kỹ.

Những khu phố có cách đặt tên rất lạ, từng con đường song song với nhau được đánh theo số thứ tự, rất dễ nhớ cho việc tìm đến một địa điểm nào cần tìm. Những khu chợ có ở khắp mọi nơi, với đầy đủ những mặt hàng dân dụng và đặc biệt là những món ăn, đồ uống hè phố. Tôi đã đi hết tuyến đường trong buổi sáng nắng chang chang của Yangon, điểm dừng chân là một quảng trường cạnh chùa Sule, nơi đây là khu trung tâm hành chính với những toà trụ sở còn nguyên kiến trúc của người Anh cùng những công trình đặc sắc khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Xuôi ra phía bờ sông, qua những toà nhà được bảo tồn nguyên vẹn là bến phà ra ngoại ô. Tôi đã mua cho mình chiếc vé để qua sông, hơi lạ chút là giá vé cho du khách cao gấp 20 lần so với người địa phương, tuy nhiên vẫn rất rẻ so với những dịch vụ vận tải ở Việt Nam, và quan trọng hơn cả là được đi trong bạt ngàn chim hải âu, được thấy một làng quê thanh bình, đơn sơ cách không xa một đô thị khổng lồ.

Giao thông của Yangon cũng được xem như một nét độc đáo của thành phố có bề dày lịch sử này. Ngoài những loại hình phương tiện nhiều màu sắc, người Anh đã mang đến và để lại cho Yangon một di sản, đó là tuyến đường sắt nội đô vòng quanh thành phố. Người dân Yangon vẫn coi đây là phương tiện giao thông hữu hiệu, nhất là với người lao động nghèo, còn với du khách, đây lại là phương tiện và môi trường lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người bản địa. Cũng như vé qua phà, vé tàu cho du khách cũng đắt hơn đôi chút. Mất khoảng 4 giờ đồng hồ cho một hành trình như thế, một vòng tròn chu vi đời sống bao quanh Yangon.

Tôi đang tìm đến chùa Shwedagon, kiệt tác kiến trúc của Yangon, công trình mà tôi đã thấy ngay khi đặt chân đến mảnh đất này. Hầu như người Myanmar nào cũng mơ ước được một lần hành hương tới ngôi chùa huyền thoại, là niềm tự hào ngàn năm tuổi của Yangon và cả đất nước Myanmar. Tháp vàng của Shwedagon cao 99m, bao quanh là 1.000 chùa nhỏ với những nét kiến trúc sinh động và khác lạ. Tôi nghe nói ngôi chùa được dát, chạm khắc… tổng khối lượng tới 90 tấn vàng cùng hàng chục nghìn viên kim cương, đá quý… Đây thật sự là điều kỳ thú đến mức khó tưởng tượng.

Tôi đến chùa vàng từ lưng chừng chiều, đi vòng quanh, chụp ảnh mỏi rã rời chân tay, cho tới khi mặt trời lặn, ngôi chùa lên đèn óng ánh vàng mà vẫn chưa khám phá hết được những không gian bên trong. Những đoàn người hành hương từ lúc nào đã phủ kín sàn quanh tháp chính đang cầu nguyện. Tôi mải mê chụp một đoàn Phật tử đang thắp dần từng ngọn nến, bất chợt giật nảy mình vì một ngôn ngữ lạ cất lên “Này, chụp gì thế!?”. Rõ ràng tôi đang ở Myanmar, sực tỉnh buông máy nhìn lên, tôi bắt gặp những nụ cười hiền từ của những vị sư từ Việt Nam hành hương sang đây. Họ nhận ra tôi là “đồng hương”, hỏi tôi đến từ đâu, và câu trả lời là “Hà Nội”. Thật vui khi bất chợt lại gặp được người cùng tổ quốc ở một nơi kỳ diệu như thế.

Chào từ biệt các sư thầy, tôi rời Shwedagon, đồng hồ đã chỉ 9 giờ đêm. Đêm Yangon yên bình đến lạ, đô thị náo nhiệt ồn ã ban ngày như ngủ say, đường xá vắng lưa thưa, thi thoảng mới thấy một chiếc xe chạy vút qua.

Yangon là thủ đô cũ của Myanmar, từ năm 2006 trở về trước. Cùng với những con phố cổ kính ở Downtown, Yangon sở hữu những toà nhà chọc trời cùng những khu thương mại rộng lớn. Tôi đang ở Yangon, ngày cuối cùng, sau khoảng thời gian lang thang mua sắm đồ lưu niệm làm quà tại khu chợ nổi tiếng Bogyoke Aung, khu chợ mà du khách có thể mua mọi thứ của Myanmar, từ những sản phẩm công nghiệp, những món đồ cũ kĩ thời thuộc địa còn sót lại cho tới những món đồ thủ công tinh xảo được sản xuất ở khắp mọi miền đất nước.

Myanmar cũng có một góc khác, với dáng nét hiện đại như những đô thị trẻ khác. Đó là những toà nhà chọc trời, và ở Yangon thường là những quán bar sang trọng, sở hữu những góc nhìn tuyệt vời. Tất nhiên, tôi không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức đồ uống ở đây và ngắm nhìn thành phố từ một nơi như thế. Tôi đã dành buổi chiều cuối cùng ngồi trên tầng thượng của toà nhà cao nhất Yangon. Từ đây có thể nhìn thấy mọi góc của thành phố. Cảm giác thật đặc biệt khi được ngắm nhìn mọi cảnh vật từ một nơi như thế, tôi đã thấy được trọn vẹn từng khu phố, từng ngôi chùa, dòng sông, bến cảng. Thấy lại những tuyến đường mình đã đi qua trong những ngày lang thang khám phá Yangon.

 

Mặt trời dần xuống thấp, nắng khuất dần trên từng khu nhà cũ kỹ, chùa Sule ánh vàng rực nhô cao trên nền tím thẫm trong không gian của khu Downtown. Phía bên này, Shwedagon vàng óng trong ánh chiều rồi rực sáng đèn trong làn sương nhẹ phía chân trời.Tạm biệt Yangon, tạm biệt Myanmar, hẹn gặp lại trong một hành trình khác.

Thông tin thêm:

+ Phương tiện:

Đến Yangon bằng đường hàng không, có nhiều lựa chọn:

- Bay cùng Vietnam Airlines từ Hà Nội, TP. HCM

- Bay cùng Air Asia, quá cảnh ở Bangkok

+ Đi lại:

- Đến Yangon từ Inle, Mandalay, Bagan… bằng xe bus, giá trung bình 20 USD, tương đương 22.000 Kyat

- Di chuyển trong thành phố bằng taxi, giá khoảng từ 350 - 400 Kyat, tương đương 7.000 - 8.000VND

- Di chuyển trong thành phố bằng các phương tiện công cộng, như xebus, xe “lam”, “xích lô” và các loại thuyền, phà.

+ Tiền tệ: 100USD tương đương khoảng 9.000Kyat. Ở Myanmar có thể sử dụng USD nhưng phải còn mới, không nhàu bẩn. Tờ USD có mệnh giá thấp thì giá trị thấp.

+ Lưu trú:

- Khách sạn, nhà nghỉ ở Yangon khá đắt đỏ so với Việt Nam, thấp nhất khoảng 30 - 40 USD/ngày đêm, tương đương 27.000 - 35.000Kyat

- Khách sạn hạng sang ở Yangon có nơi có giá khoảng 1.000 USD/đêm, tương đương 9.000Kyat.

+ Ẩm thực:

- Có đủ loại nhà hàng ở Yangon, từ sang trọng đến bình dân, từ Âu đến Á…

- Ẩm thực hè phố của Yangon khá thú vị, nhất là ở những khu chợ nhỏ ở Downtown.

+ Mua sắm: Chợ Bogyoke Aung ở Yangon có mọi sản vật của Myanmar, giá rất rẻ nhưng du khách đừng quên mặc cả. 

RELATED ARTICLES