Myanmar kỳ bí - Kỳ 1: Mandalay, cố đô trầm mặc

15/04/2014

Không chỉ là vùng đất hành hương linh thiêng của những Phật tử, Myanmar còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn chờ đợi những ai đam mê du lịch khám phá.

Bài và ảnh: Thắng Thế

Myanmar cách Việt Nam chỉ qua một khoảng lãnh thổ mỏng manh của nước Lào, nhưng khí hậu lại mang những nét khác biệt lớn. Myanmar có ba mùa rõ rệt. Mùa hè, từ tháng ba đến tháng sáu. Mùa mưa, từ tháng bảy đến tháng chín. Và mùa đẹp nhất cho du lịch - mùa thu, từ khoảng tháng mười đến tháng hai.

Tôi mất hai chặng bay để đến được Yangon từ Hà Nội. Hành trang mang theo vẫn là bộ máy ảnh quen thuộc, kèm theo tấm bản đồ về một cung đường gồm những điểm đến tôi lựa chọn cho mình để khám phá Myanmar. Đó là Yangon, Mandalay, Bagan và Inle Lake - những điểm đến mà ở đó tôi có thể tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá về văn hoá, lịch sử, con người Myanmar và quan trọng hơn là mang về những tấm ảnh đẹp chụp đất nước Myanmar kỳ thú.

Tôi dành ngày đầu tiên ở lại Yangon. Tìm hiểu sơ qua về một số thông tin, kinh nghiệm cần thiết cho hành trình của mình và lên lịch trình thứ tự cho những điểm đến. Và tôi đã chọn Mandalay là nơi đầu tiên để khám phá và trải nghiệm.

Tôi đến Mandalay lúc trời vừa sáng, sau một hành trình dài suốt một đêm bằng xe bus lữ hành. Mandalay trong tìm hiểu của tôi là một thành phố thanh bình và đặc trưng văn hoá Myanmar nhất, nên đó cũng là lý do tôi chọn Mandalay cho trải nghiệm đầu tiên của mình. Xe taxi đưa tôi về khách sạn trên con đường bừng sáng dần trong sương sớm. Bên đường là những người dân tập thể dục, xa xa một vài nhà sư đi hành khất và bất ngờ hơn là thành trì cổ kính của vương triều phong kiến cuối cùng của Myanmar hiện ra bề thế và trầm mặc bên dòng kênh nước xanh biếc bao quanh kinh thành.

 

Con người Myanmar nói chung rất thân thiện và mến khách. Họ có rất nhiều điểm thú vị, lạ lẫm và độc đáo. Đàn ông Myanmar mặc váy, nhai trầu. Phụ nữ Myanmar vẽ lên mặt một loại phấn thảo dược làm cho gương mặt họ luôn nổi bật. Phần lớn dân số Myanmar theo Phật giáo, đôi lúc tôi có cảm giác ở đây Phật tử đông hơn những người dân bình thường. Người Myanmar ở Mandalay đúng là “Myanmar” nhất. Họ hiền hoà hơn cả những người hiền hoà tôi gặp ở Yangon. Và tôi bắt đầu trải nghiệm Mandalay cùng những con người như thế.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi trở lại thành cổ Mandalay khi nắng chưa lên. Bức tường thành tinh xảo với kiến trúc đặc trưng độc đáo trầm mặc trong bình minh, in bóng dưới làn nước tĩnh lặng. Mandalay làm tôi nhớ đến Huế. Cung điện bằng gỗ được xây dựng năm 1857-1859, khi vua Mindon đưa thủ đô từ Amarapura về Mandalay, dựng dựa trên những tính toán thiên văn và điềm tốt lành ngay dưới chân đồi Mandalay. Đây là nơi ở của hai vị vua cuối cùng của vương triều này.

Tôi thuê một chiếc xe cũ kỹ cùng anh lái xe thân thiện, chạy dài trên con đường bao quanh kinh thành. Nó quá rộng lớn. Thật đáng tiếc khi toàn bộ cung điện xây bằng gỗ đã bị bom đạn phá huỷ trong thế chiến thứ II. Nhưng tôi nghĩ, những gì còn lai đây đã là quá tuyệt vời. Chính sự không trọn vẹn lại mang đến cảm giác suy tưởng mơ hồ, kì bí.

Xa xa trong tầm mắt là đồi Mandalay, trên đỉnh đồi ánh lên những mái chùa vàng khổng lồ. Tôi muốn có mặt ở đó, để ngắm nhìn kinh thành từ trên cao. Để lên được đỉnh đồi, anh lái xe mách cho tôi hai giải pháp là đi xe vòng vèo qua các cung đèo quanh co, hoặc leo bộ qua mấy ngàn bậc thang. Tôi đánh liều chọn leo bộ, rất cao và xa. Từ chân lên đến đỉnh mất hơn một giờ đồng hồ. Nhưng tôi cũng không có gì phải hối tiếc.

Chặng đường leo bộ đưa tôi qua các ngôi chùa nguy nga được nối dài với nhau trên triền đồi, với rất nhiều những pho tượng Phật khổng lồ.Trên đỉnh đồi Mandalay có ngôi chùa Sutaungpyi, độc đáo với hệ thống gạch gương lát trên tường phản chiếu ánh sáng khiến chùa trở nên vàng rực rỡ và lấp lánh giữa ngọn núi mỗi khi được mặt trời chiếu rọi. Tất nhiên, giống như những nơi linh thiêng khác ở Myanmar, du khách phải ăn mặc kín đáo và đi chân trần lên những ngôi chùa, không kể thời tiết nóng hay lạnh. Từ Sutaungpyi, du khách có thể nhìn ra mọi hướng. Tôi đã được ngắm thành cổ từ đỉnh Mandalay. Sự tiếc nuối vô cùng lớn về một kinh thành với biết bao cung điện nguy nga đã không còn hiện hữu.

Rời Sutaungpyi, tôi hướng đến chùa Mahamuni, nơi có pho tượng Phật mặc áo bào và đội nón ấn tượng với lớp lá vàng trên thân tượng dày 6 inch do các Phật tử qua bao đời dán lên. Đặc biệt nhất là “lễ rửa mặt Phật” diễn ra lúc 4 giờ sáng trong không khí thiêng liêng, trang trọng. Cạnh cổng phía tây chùa Mahamuni là làng nghề chạm khắc đá truyền thống Kyauksittan. Không gian ở đây chìm trong lớp bụi đá mù mịt, có thể với du khách việc này hơi ô nhiễm, nhưng tôi thì thích không khí đó. Làng Kyauksittan được thành lập ngay khi vua Mindon xây dựng thành phố Mandalay. Tôi đã thấy ở đó có rất nhiều tượng đá và các đồ vật trang trí khác. Những bức tượng đá ở đây có kích cỡ từ bé xíu cho đến những bức cao tới chục mét. Nghe nói, làng Kyauksittan là nơi cung cấp tượng đá cho toàn bộ đất nước Myanmar.

Tôi đang trên đường đến hồ Taungthaman, nơi có cây cầu U Bein nổi tiếng. Tôi đã từng xem nhiều bức ảnh của các nhiếp ảnh gia trên thế giới, và tôi thực sự mong muốn được nhìn thấy U Bein, ngắm mặt trời lặn khuất dần phía sau cây cầu.

U Bein (hoặc U Bain) là biểu tượng của sự kết nối, cổ kính, đơn giản và bền bỉ ở ngoại ô Mandalay. Hàng nghìn cột, ván, thành cầu đều được làm bằng gỗ tếch mà không dùng một chiếc đinh nào. Vị thị trưởng tên U Bein đã tận dụng gỗ tếch dư thừa trong cung điện cổ xưa bỏ lại ở cố đô Amarapura và cho xây cầu khoảng năm 1850, sau khi hoàng đế Mindon rời kinh đô. Cây cầu hiện chỉ cho phép người đi bộ và những người bán hàng rong qua lại, nhằm phục vụ du khách. Lượng du khách đặt chân lên cầu ngày nay cũng không kém gì số người dân địa phương qua lại trên cầu hàng ngày. Thành phố không thống kê bao nhiêu người đến thăm cầu mỗi ngày, nhưng đây là điểm đến mà bất cứ du khách nào đến Mandalay đều không thể bỏ qua.

Tôi đến Taungthaman khi chiều đang buông. Nắng nhuộm vàng mặt hồ sóng sánh. Xa xa thấp thoáng những mái chùa vàng lẩn khuất trong sương chiều. U Bein thật đẹp và kỳ thú. Đã xem ảnh, đã hình dung, nhưng tôi quả thực vẫn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cây cầu dài hết tầm mắt xa xa phía chân trời.

Tham quan U Bein, du khách có thể đi trên cầu, hoặc có thể ngắm cây cầu từ mặt hồ. Ở Taungthaman có một bến thuyền với hàng trăm chiếc để phục vụ du khách. Những chiếc thuyền ở đây rất đẹp, chỉ ngồi trên chúng thôi đã là một điều rất tuyệt vời. Tôi thuê một chiếc thuyền, với giá 10.000 Kyat (tương đương 200.000 VND) cho khoảng 2 tiếng trên hồ. Ông lái thuyền là một người rất dễ mến. Tôi được ông chở đi xuyên qua cây cầu, ngắm nó từ hai phía xuôi và ngược nắng, sau đó dừng lại xa xa trên mặt hồ, chờ hoàng hôn buông trên U Bein.

Tôi ngồi nhìn mặt trời trôi dần về chân trời. Mọi thứ trở nên yên ả, chỉ để thấy mặt trời đang tròn xoe và đỏ dần. Dòng người cứ tấp nập đi qua cầu nhưng cảm giác của tôi như bị đóng băng. Tôi chụp được những tấm hình tĩnh lặng hơi man mác buồn và vương vấn.  Tôi đã được ngắm nhìn, được cảm nhận buổi chiều hoàng hôn đẹp nhất cuộc đời như thế…

>>> Đón đọc kỳ 2: Khám phá miền đất lửa Bagan

Thông tin thêm:

+ Vị trí: Mandalay là thành phố lớn thứ 2 của Myanmar, cách Yangon 700km về phía bắc. Mandalay là trung tâm thương mại nhộn nhịp và một kho lưu trữ văn hóa Myanmar cổ đại. Được đánh giá là một phòng trưng bày nghệ thuật và kiến trúc Myanmar, Mandalay nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc đá, gỗ, bạc, đúc đồng, làm vàng lá, thảm trang trí, vải lụa, và nghệ thuật và thủ công truyền thống khác.

+ Đi lại:

- Từ Yangon đến Mandalay hiện đã có tuyến xe bus chất lượng cao, giá khoảng 20.000 Kyat (420.000 VND) chất lượng tốt. Ngoài ra còn có đường bay nội địa và tàu hoả cũng như các tuyến xe bus loại thường.

- Ở Mandalay có xích lô và taxi và một số loại hình như xe bus dạng nhỏ. Taxi ở Mandalay (và Myanmar nói chung) khá rẻ so với Việt Nam. Nếu bạn đàm phán tốt, giá có thể chỉ khoảng 350 Kyat/km, tương đương 7.000 VND.

+ Những danh thắng nổi tiếng ở Mandalay:

- Tu viện Shwenandaw với những điêu khắc cực kỳ tinh xảo

- Kuthodaw Paya - ngôi chùa có bộ kinh Phật lớn nhất thế giới với 729 “trang sách” được tạc trên đá cẩm thạch

- Đồi Mandalay với hành trình bách bộ lên đỉnh núi ngắm hoàng hôn bên dòng Ayeyarwady

- Cung điện hoàng gia

- Chùa Mahamuni

- Cầu U Bein và tu viện phật giáo ở Amarapura

- Bảo tháp Mingun

+ Lưu trú: Khách sạn ở Myanmar nói chung đắt hơn Việt Nam. Khoảng 35.000 Kyat (700.000 VND) cho một phòng khách sạn bình dân.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES