Vườn quốc gia Cát Tiên nằm ở đâu?
Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (thuộc tỉnh Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lâm (thuộc Lâm Đồng); Bù Đăng (thuộc Bình Phước). Điểm du lịch này cách Hồ Chí Minh 150 km về hướng Bắc. Có 3 phần hợp thành vườn quốc gia Cát Tiên bao gồm: Cát Lộc, Nam Cát Tiên, Tây Cát Tiên.
Trong số đó, Nam Cát Tiên là điểm du lịch được người trẻ ở Sài Gòn lựa chọn nhiều nhất bởi khung cảnh nên thơ hữu tình, hệ sinh thái đa dạng với cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đây cũng là ngôi nhà chung của rất nhiều loại động vật quý hiếm. Một lý do khác để chọn Nam Cát Tiên làm điểm đến cuối tuần là vì nơi đây đã được quy hoạch đường đi khá tốt, dịch vụ hoàn hảo rất thích hợp để đi chơi cùng gia đình, bạn bè sau những ngày làm việc vất vả.
Hành trình khám phá vườn quốc gia Cát Tiên 2 ngày 1 đêm
Rời Sài Gòn từ lúc 8 giờ 30 phút sáng, nhà xe Bé đón chúng tôi tại bến xe Ngã 4 Ga. Sau 5 tiếng đồng hồ vật vã trên xe khách, cuối cùng cả đoàn cũng nhìn thấy cổng vườn.
Điều đầu tiên sau khi xuống cổng là nạp năng lượng cho khỏe, sau đó thì mua vé vào cổng để qua bên kia sông. Hành trình vốn được bắt đầu bằng việc đạp xe đạp ngắm các loài cây cổ thụ, thế nhưng vì đến lúc 2 giờ 30 phút chiều, không còn thời gian mà làm việc đó nên chúng tôi đã thuê xe jeep chở thẳng vào khu Bàu Sấu để trekking 5 km xuyên rừng.
Sau 9 km lái xe băng băng qua những cánh rừng xanh mướt mát, gió thốc vào những khuôn mặt lộ rõ nụ cười sảng khoái. Tài xế thả nhóm chúng tôi tại cổng vào khu Bàu Sấu. Những bước chân đầu tiên thật dễ dàng, cả đoàn người đi qua những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ với nhiều cây cổ thụ đẹp. Những cái tên rất lạ lẫm lần đầu tiên tôi được nghe: cây công chúa lá rộng, cây thị da đen, cây sung Tì Bà, rồi hàng trăm thứ cây khác mà tôi không thể nhớ nỗi tên.
Chúng tôi cứ thế, trekking qua những con đường đã tráng xi măng. Gọi là đi bộ thì đúng hơn, bởi đường đi không có độ dốc nên cũng không tạo ra áp lực cho đoàn. Bỗng chốc một thân cây với gốc thật to xuất hiện. Đó chính là cây Tung.
Cây Tung cổ thụ nằm trên đường vào Bàu Sấu, cây có số tuổi đáng ngưỡng mộ - 400 năm tuổi. Chiều cao 30 m, phần gốc của cây phải gần 20 người ôm mới xuể. Bộ rễ của cây xòe rộng trên nền đất đá khiến nhiều người thích thú. Đây cũng chính là điểm nhấn tuyệt vời trên cung đường khám phá các loài cây cổ thụ ở Nam Cát Tiên.
Chúng tôi chụp ảnh, check in sau đó tiếp tục đi bộ. Đã 1.5 tiếng đồng hồ trôi qua, và việc đi bộ vẫn chưa dừng lại. Người bạn trong đoàn cứ liên tục bảo còn 15 phút nữa là đến, nhưng chúng tôi đã đi qua biết bao nhiêu cái 15 phút đồng hồ rồi mà chẳng nhìn thấy Bàu Sấu đâu.
Hành trình trở nên rực rỡ hơn khi tôi nhìn thấy dòng chữ “Bàu Sấu 1 km/15 phút”. Thật tuyệt vời, sau khi đã đi bộ thêm một cây cầu dài, rồi lê lết thêm một vài con dốc thì chúng tôi đã chính thức đến trạm kiểm lâm Bàu Sấu.
Ôi trời, chốn bồng lai tiên cảnh là đây chứ đâu? Đích thị đây là hồ Bàu Sấu rồi! Mặt trời chiếu rọi xuống mặt nước, phản phất những đường ray le lói khắp mặt hồ. Phía xa xa là những hàng cây xanh mướt, thuyền độc mộc ngay bến cho những vị khách muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt trần của 700 anh em cá sấu sống dưới lòng hồ. Quả thật không phí 2 giờ đồng hồ đi bộ vào đây.
Cả đoàn chúng tôi vào check in ngay phòng nghỉ, thay quần áo đẹp để được chụp ảnh. Chiều tà, chúng tôi đứng đó như những gả khờ dại, bởi khung cảnh hoàng hôn nào mà chẳng làm người lữ khách phải ngẩn ngơ?
Đêm về, chút ánh sáng mờ mờ ảo ảo được nhận từ điện năng lượng mặt trời đã thắp sáng cả căn Bungalow 6. Anh kiểm lâm khu Bàu Sấu hài hước bảo chỉ có khu của chúng tôi là có điện mà sử dụng, những nơi khác trong vườn tối nay đành phải đọc truyện Tắt Đèn của Ngô Tất Tố rồi.
Đêm nay, cả nhóm được thưởng thức những món ăn ngon tuyệt. Đó là canh cua, cá sống, cá nhồi, cá chiên, thịt lợn, rau bắp cải, cà… Những món ăn được nuôi, trồng ngay tại vườn nên cực kỳ sạch sẽ và an toàn.
Anh Khôi – Kiểm lâm vườn ghé nơi chúng tôi đang ăn uống rồi ngồi kể chuyện. Anh vui tính vô cùng, chuyện kể tới đâu là cả nhóm phì cười tới đó. Anh càng kể, chúng tôi càng trân quý thêm cái nghề làm kiểm lâm. Phải yêu rừng lắm, phải thương rừng lắm thì mới dành 24/24 giờ bám rừng để mà bảo vệ mảnh đất này.
Buổi tối hôm đó chúng tôi cũng đã có dịp nhìn ngắm những chú nai rừng, rồi những đôi mắt cá sấu chói lên từ dưới lòng hồ. Mưa đã làm cho khung cảnh vốn đã mỹ miều, lại càng dễ chịu. Khuya rồi, cả nhóm chui về phòng ngủ.
5 giờ sáng, tôi thức dậy từ rất sớm để săn cảnh bình minh. Nhưng thật tiếc bởi hôm nay bầu trời đen kịt. Màn sương dày đậm đặc quấn quanh khắp nơi. Sáng nay tôi hóa thân thành nàng tiên nữ vừa hạ phàm. Vốn đã chuẩn bị rất kỹ cho bài múa giữa lòng hồ, bởi cái khung cảnh đầy chất thi vị này thì người học múa cổ trang nào cũng muốn múa may bay bổng. Thế nhưng, dưới đất quá ẩm ướt, tôi đành đi dạo trên chiếc cầu gỗ.
Bộ váy áo dài thướt tha, đôi chân ngọc ngà lướt nhẹ nhàng trên thành cầu gỗ. Những giọt sương long lanh còn đọng trên cành lá, ngọn cỏ, tôi như đang lạc bước chốn thiên đường. Mỗi khoảnh khắc trôi đi, tôi đều cảm nhận được cái đẹp tuyệt sắc ở Bàu Sấu. Thả hồn theo gió, đong đưa bàn tay nhẹ nhàng theo những điệu múa cổ trang huyền bí.
Cũng đã đi dạo khá lâu, những tấm ảnh đẹp đã được ghi lại. Chúng tôi về nhà hàng ăn sáng với món cháo cá rồi lên đường rời khỏi khu vực Bàu Sấu.
Về lại cổng, cả nhóm thuê xe đạp để đi nốt chặng cuối là khám phá những cây cổ thụ trong vườn. Mỗi người một chiếc xe đạp, cứ thế bon bon trên con đường dài. Chỉ cần đạp xe đạp thong dong trên đường thì mỗi người đều sẽ nhận thấy thêm những điều thú vị. Là ghềnh Bến Cự với cây cổ thụ và làn nước trôi êm ả, là cây gõ Bác Đồng đã được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đến đây thăm, là cây đa Lộc Giao với dây leo chằng chịt.
Hình ảnh cây đa Lộc Giao cũng là chặng cuối cùng kết thúc chuyến tham quan vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Một người em trong nhóm đã phải thốt lên rằng “Ôi kiệt tác của thiên nhiên”. Đúng vậy, những rễ cây nhỏ đan chặt vào nhau, tựa lưng nhau mà sống. Có lẽ vậy mà cây đa này cũng còn được gọi bằng những cái tên khá độc “cây đa bóp cổ”, “cây đa phụ tình”.
Rời vườn, chúng tôi trả lại xe đạp và lên xe khách quay lại Sài Gòn. Tôi mang theo mình nhiều câu chuyện thú vị cùng những hình ảnh, video về Bàu Sấu, về vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Cả nhóm ai nấy đều vui vẻ và hạnh phúc vì chuyến đi trọn vẹn. Tôi cảm nhận được đều đó từ ánh mắt và nụ cười của mỗi người. Tam biệt một nơi cực kỳ thú vị!
Một số lưu ý khi du lịch vườn quốc gia Cát Tiên
Nơi ở
Tại cổng vườn quốc gia Cát Tiên có khu Camping để cắm trại và các phòng nghỉ ngơi cho khách du lịch, bạn có thể đặt phòng thoải mái. Tuy nhiên, nếu có ý định nghỉ ngơi tại Bàu Sấu thì phải đặt trước phòng và đặt cọc sớm bởi vì khu này phòng rất ít và khách có nhu cầu ở lại thì rất đông. Khu Bàu Sấu không cho Camping vì động vật hoang dã thường ghé thăm vào ban đêm.
Các nhà xe đi vườn quốc gia Cát Tiên
Có nhiều nhà xe đưa đến bến xe Nam Cát Tiên, tuy nhiên chỉ có khoảng 2 nhà xe đưa rước đến tận cổng vườn là xe Kim Hoàn với giá vé 100.000 đồng, và xe Bé với mức giá 110.000 đồng.
Có nên mua tour đi Nam Cát Tiên?
Hiện nay rất nhiều nơi bán tour đi Nam Cát Tiên, chủ yếu là đi đoàn đông từ 10 người trở lên. Với những nhóm đi dã ngoại ít người, bạn có thể đến thẳng vườn quốc gia mua vé rồi lựa chọn các hình thức trải nghiệm. Vì cung này không quá khó khăn, chủ yếu là thư giãn, bạn cũng không cần phải thuê hướng dẫn viên cho cung này bởi vì mọi thứ đã được quy hoạch và có bảng chỉ dẫn rõ trong vườn.
Du lịch Nam Cát Tiên cần chuẩn bị gì?
- Thuốc chống vắt: Trong vườn rất nhiều vắt, cần chuẩn bị trước chuyến đi.
- Quần áo kín và giày trekking: Hãy mặc đồ kín và giày trekking sẽ giúp bạn di chuyển dễ dàng.
- Áo mưa bộ: Trong rừng không có quán xá, trời mưa bất chợt sẽ khiến cho hành trình khám phá của bạn khó khăn hơn. Nên mua các loại áo mưa bộ hơn là áo mưa cánh dơi.
- Căn cước công dân: Nếu đi nhóm và lưu trú tại khu Bàu Sấu thì mỗi thành viên phải chuẩn bị mỗi người một căn cước công dân.
- Tiền mặt: Khu vực Bàu Sấu không có sóng điện thoại, wifi, vì vậy không nhận chuyển khoản. Nếu xác định ở lại thì phải rút trước tiền mặt để thanh toán chi phí.