MĂNG ĐEN... LÀ MĂNG ĐEN!
Tôi tìm đến Măng Đen, thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Người ta thường đặt Măng Đen và Đà Lạt trên một bàn cân so sánh, và tất nhiên, sự so sánh này không hề tương xứng. Măng Đen được ví von như “Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên”, nhưng tôi không thấy vậy.
Với những người sinh sống và làm việc tại TPHCM, Đà Lạt là sự lựa chọn tiện lợi, dễ dàng. Muốn đi nghỉ mát, người ta thường tìm đến Đà Lạt. Nơi đây khí hậu ôn hòa, dễ chịu, mà chỉ cách TPHCM khoảng 7 tiếng đi xe khách. Trong khi đó, để tới Măng Đen, thời gian gần như gấp đôi. Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, có vô số những khu nghỉ dưỡng, hàng loạt những hoạt động vui chơi giải trí, và cũng đông đúc chẳng kém gì Sài Gòn. Còn Măng Đen chỉ là thị trấn nhỏ nguyên sơ, vắng vẻ và bình yên hơn rất nhiều so với Đà Lạt. Chỉ nói sơ qua thôi, cũng thấy rõ những sự khập khiễng rất cơ bản giữa Đà Lạt và Măng Đen. Với tôi, Đà Lạt là Đà Lạt. Măng Đen là Măng Đen.
Khi đến Măng Đen, tôi chẳng mang gì ngoài một ba lô hành lý 7 kg cùng với hy vọng sẽ được hòa mình vào thiên nhiên một cách tuyệt đối. Tôi cũng chẳng mang theo “hành trang so sánh” mà người ta gán cho Măng Đen so với Đà Lạt để cảm nhận về vùng đất này.
BẢN GIAO HƯỞNG CỦA THIÊN NHIÊN MĂNG ĐEN
Măng Đen mở ra trước mắt tôi những khu rừng bạt ngàn xanh. Từ đây, tôi được miễn nhiễm với khói bụi, thỏa thích hít hà mùi thơm của cỏ dại mọc ven đường, mùi nhựa sống của cây xanh dọc triền núi. Đâu đó thưa thớt chấm phá những bản làng nằm e ấp dọc đường, nên khi đi lên tới đỉnh đèo, tôi chẳng thấy gì ngoài một màu xanh thuần khiết của đại ngàn.
Tôi băng qua đèo Măng Đen uốn lượn với những khúc cua tay áo, hòa mình vào giữa mảng màu xanh thẳm bất tận của núi rừng. Một luồng khí lạnh phả ra từ xung quanh, ôm trọn lấy tôi, khiến tôi vừa rùng mình vừa cảm thấy sung sướng. Cứ như thế, tôi chẳng nề hà gì với những khúc cua gấp khúc liên tục trên đường đèo, mở to tầm mắt để hướng về phía trước, hào hứng với những cảnh đẹp bất ngờ không lường trước.
Tôi nép vào bên vạt đất trống để thực sự tận hưởng khoảnh khắc này. Mùi cỏ cây hoa lá thơm lừng, chạy xồng xộc lên sống mũi khiến tôi bừng tỉnh. Đã bao lâu rồi, mùi hương này mới lại tìm về nơi khứu giác của kẻ suốt nhiều tháng trời sống nơi đô thị? Tôi chậm rãi bước đến bên mép vực, nhắm mắt lại để ngửi cho đã thứ hương thơm tự nhiên đẹp đẽ vô cùng đó. Cũng có những giây phút, tôi chợt ước rằng, hương thơm này sẽ được “đóng chai” để có thể luôn mang theo bên mình.
Đang tận hưởng mùi hương ngây dại, tiếng hót líu lo liên hồi của lũ chim khiến tôi sực mở mắt. Cảnh đẹp hiện ra trước mặt như một bức tranh, trong sự tĩnh mịch gần như tuyệt đối của rừng già lại bị “phá bĩnh” bởi lũ chim yêu ca nhạc. Tôi “thức nhọn giác quan” để cảm nhận cho bằng hết bản giao hưởng sống động của núi rừng Măng Đen. Một cảm giác hạnh phúc và sung sướng đến tột độ khó có thể diễn đạt bằng lời!
CHỮA LÀNH GIỮA THIÊN NHIÊN VỚI HOẠT ĐỘNG TẮM RỪNG
Dù đi nhóm nhiều người, nhưng tôi vẫn luôn biết cách để dành thời gian cho bản thân. Chính xác hơn, mục đích của tôi trong chuyến đi này là để tìm cách kết nối với thiên nhiên, sạc lại nguồn năng lượng mát lành vào cơ thể. Nên trong lúc những người bạn còn mải mê chụp ảnh, hay say sưa với những trò chơi theo nhóm, thì tôi xắn quần lên, lội xuống suối. Đây rồi! Tảng đá mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu nay.
Tôi nằm trên tảng đá. Một cảm giác mát lạnh chạy dọc sống lưng, lan truyền đến khắp cơ thể, đến tận từng tế bào. Ngước mắt lên, thấy bầu trời xanh ngắt, thấy những tán cây đung đưa trong gió, ánh nắng luồn qua kẽ lá rải xuống mặt đất, lắng nghe dòng suối chảy róc rách ở bên tai… Tất cả mơn trớn và lay động những giác quan của tôi đến tận cội rễ của bản thể.
Trước đây, tôi đã từng "tắm rừng", nhưng gần đây mới biết đến khái niệm này. Hoạt động “tắm rừng” (forest-bathing) đã xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1980, đến nay phổ biến đến hầu hết các nước trên thế giới. Nó được gọi là shinrin-yoku, tạm dịch “đắm chìm trong bầu không khí của rừng”. Khi đặt hết sự chú tâm vào hiện tại, để ý đến từng biến thái tế vi của núi rừng, mọi phiền não, âu lo cùng những dòng suy nghĩ miên man chợt dừng lại. Người thực hành được mở rộng hết các giác quan để cảm nhận xung quanh, thả lỏng tâm trí, tinh thần tự nhiên được thư giãn, nhẹ nhàng. Đây cũng có thể coi là một cách chánh niệm, chữa lành hiệu quả.
Miễn là chúng ta luôn biết cách để lắng nghe bản thân mình, cũng như tìm được sự kết nối với thiên nhiên thì hoạt động "tắm rừng" này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu. Nhưng nếu hỏi rằng, có một nơi nào trên dải đất hình chữ S này có thể giúp bạn được "tắm rừng" thỏa thích nhất, thì câu trả lời của tôi chính là Măng Đen.