Tây Bắc không chỉ làm choáng ngợp những trái tim phiêu lưu bởi những dãy núi trập trùng, suối thác hùng vĩ, những cánh rừng xanh bạt ngàn, mà còn bởi vẻ đẹp nao lòng của những cánh ruộng bậc thang.
Ruộng bậc thang trải dài tầng tầng lớp lớp nối nhau đến chân trời, phủ khắp những triền đồi, dưới thung lũng, dọc những con đường vắt vẻo. Nếu ai từng ngẩn ngơ trước một Tây Bắc phủ sắc vàng rực rỡ lúc thu sang thì cũng sẽ không khỏi bâng khuâng sắc màu lấp lánh của những ô ruộng bậc thang mùa nước đổ hay còn gọi là mùa đổ ải.
Tầm tháng 5, tháng 6, khi những cơn mưa rào đầu hạ trút xuống, người dân vùng cao bắt đầu xuống ruộng, cày đất, dẫn nước, đắp bờ, cấy mạ để bắt đầu vụ mùa mới. Vào khoảng thời gian này, nước được dẫn từ suối vào, chảy từ thửa ruộng cao xuống thửa ruộng thấp, cứ thế đầy khắp các triền đồi. Trên ruộng bậc thang, không khí đồng áng cũng tất bật như bao vùng trồng lúa khác. Trâu cày đất, người lớn cấy mạ, trẻ em nô đùa.
Những ngày nắng, bầu trời soi bóng xuống mặt nước, những thửa ruộng bậc thang càng trở nên lung linh tựa những mặt gương ghép lại. Những mảng màu khác nhau cứ thế đan xen vào nhau, có màu nâu của đất, xanh non của mạ, có chỗ in cả bầu trời xanh mây trắng.
Những ngày trời mù, ruộng bậc thang ẩn hiện trong lớp mây trắng vẩn đục một cách đầy bí ẩn.
Nói không quá, ruộng bậc thang Tây Bắc là một kiệt tác của thiên nhiên và bàn tay con người. Một tác phẩm nghệ thuật tráng lệ với những mảng màu được phối trộn hài hòa làm thổn thức bao trái tim phiêu bạt. Giữa nơi giao thoa giữa trời và đất, mây trắng bồng bềnh, ruộng bậc thang tựa như những nấc thang lên thiên đường, ẩn hiện trong mây đẹp như tranh vẽ.
Không chỉ vẽ nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, ruộng bậc thang còn là kho tàng tri thức dân gian, văn hóa canh tác lâu đời, thể hiện lối sống hòa hợp với tự nhiên của con người, minh chứng cho sức lao động bền bỉ, cần cù của đồng bào vùng cao.
Địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh bởi những khe suối, vực sâu, đất dễ xói mòn không thuận lợi cho việc canh tác. Người dân từ đời này qua đời khác đã bền bỉ khai khẩn đất hoang, đắp bờ, dẫn nước vào ruộng để biến những vạt đồi sỏi đá thành những thửa ruộng tốt tươi, mang về thóc gạo. Vì địa hình đặc thù, giống lúa được trồng trên ruộng bậc thang cũng phải chịu hạn, chịu sương tốt.
Quy trình làm ruộng bậc thang đã được đồng bào vùng cao được giữ gìn và truyền từ đời này sang đời khác. Để tạo nên những ruộng lúa tốt tươi, người dân đã cần mẫn qua các bước: lựa chọn vùng đất, xác lập quyền khai khẩn, tiến hành khai khẩn và làm bờ ruộng.
Mùa xuân, khí hậu mát mẻ, ít mưa thuận lợi cho việc khai khẩn đất hoang. Người dân tìm đến những quả đồi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước. Sau khi chọn được vạt đồi thích hợp, xác lập quyền khai khẩn, bà con sẽ tiến hành phác quang bụi rậm, san bằng mặt đất, bằng cuốc, xẻng. Tháng 4-5 là thời gian dẫn nước vào ruộng. Để giữ được nước, bờ ruộng phải được đắp lên cao bằng đất và đá. Điều đáng nói, hệ thống dẫn nước được làm hoàn toàn thủ công bằng tre nứa.
Để canh tác được, mặt ruộng phải phẳng, hai thửa ruộng trên dưới cách nhau 1-1,5m, có bờ được đắp để giữ nước và cửa để nước chảy từ ruộng trên xuống ruộng dưới.
Tại Tây Bắc, ruộng bậc thang tập trung nhiều và đẹp nhất ở Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Ruộng bậc thang của Việt Nam cũng thuộc top những ruộng bậc thang đẹp của thế giới. Trong đó, ruộng bậc thang Sa Pa từng lọt top 7 ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới do tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn. Trong khi đó, vùng núi Y Tý được trang thông tin du lịch điện tử Thrillist (Mỹ) nhận định là một trong "kho báu huyền bí và cần được bảo tồn nhất châu Á".
Những bức ảnh trong bài này được tác giả ghi lại tại huyện Bát Xát, Lào Cai vào tháng 5/2022. Những thửa ruộng bậc thang ở Bát Xát hứng nước từ sông Ngòi Phát, suối Lũng Pô, suối Quang Kim. Huyện Bát Xát (Lào Cai) hiện có hơn 3.000 ha ruộng bậc thang, phân bố chủ yếu ở các xã Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Y Tý, Ngải Thầu...