Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long 20 năm góp nhặt khoảnh khắc “Chợ trên Đá”

08/10/2022

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long, ảnh đời sống quan trọng nhất là tính chân thực. Mỗi bức ảnh trong triển lãm “Chợ trên Đá” là một lát cắt sống động về cuộc sống mộc mạc của bà con Cao Nguyên Đá Hà Giang.

Mùa hè năm 2021, nằm ở bệnh viện dã chiến giữa thời điểm TP HCM trở thành tâm dịch, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Cao Bảo Long nghĩ, nếu còn sống, anh sẽ dùng kho ảnh đã chụp để giúp những đứa trẻ trên Cao Nguyên Đá.

Dịch bệnh qua đi, ý nghĩ ấy vẫn đau đáu trong lòng nhiếp ảnh gia suốt những tháng ngày sau đó. Nửa đầu năm 2022, anh đã dành hàng trăm ngày chọn ra những tấm ảnh tâm đắc nhất từ 2000 tấm ảnh đã chụp trong 20 năm qua để thực hiện triển lãm về chợ phiên vùng cao.

Việc chọn những tác phẩm ưng ý nhất từ 2.000 tấm ảnh là không hề dễ dàng, bởi mỗi khoảnh khắc là một câu chuyện, là sự rung cảm khác nhau đối với con người, cuộc đời; chẳng thể so sánh tấm nào đẹp hơn, nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long trải lòng. “Việc này khiến tôi mất ăn mất ngủ. Khuya nọ, tôi chợt nhớ ra tấm ảnh một cô ngủ ngon lành giữa ngôi chợ cổ nhộn nhịp, thế là phải lọ mọ cả đêm tìm cho ra tấm ảnh ấy để mang vào bộ sưu tập”.

NSNA Trần Cao Bảo Long.

NSNA Trần Cao Bảo Long.

Hạnh phúc của người cầm máy là được ghi lại được những khoảnh khắc đẹp trong dòng chảy cuộc đời. Với anh Trần Cao Bảo Long, hạnh phúc sẽ lớn hơn nếu được trao đi. Anh muốn bằng những tấm ảnh mang niềm vui đến với bà con trên Cao Nguyên Đá. Không xem việc này là thành tích gì lớn lao, tác giả chỉ muốn triển lãm ảnh sẽ là “cánh tay nối dài” giúp cuộc sống của các em bé, cụ già vùng cao tốt hơn.

Chợ phiên - Kho tàng văn hóa Hà Giang

Bộ ảnh “Chợ trên Đá” mô tả chân thực cuộc sống bà con vùng cao tại những phiên chợ ở Hà Giang như Đồng Văn, Mèo Vạc, Phố Cáo, Sà Phìn, Lũng Cú, Ma Lé… Một số phiên chợ lùi ở Hà Giang họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi một ngày so với tuần trước thay vì 7 ngày mới diễn ra. Vì thế, ngày nào ở Hà Giang cũng có chợ phiên ở những địa phương khác nhau.

 Chợ phản ánh đời sống mộc mạc của bà con vùng Cao Nguyên Đá.

Chợ phản ánh đời sống mộc mạc của bà con vùng Cao Nguyên Đá.

Chợ phiên thường bắt đầu đông đúc từ 6 giờ. Thế nên, khi còn tờ mờ sáng, trên khắp những con đường đèo vắt vẻo sườn núi, người dắt ngựa, kẻ cắp nách một con gà, trên vai là những gùi hàng. Để đến được chợ, bà con nhiều nơi phải vượt một quãng đường rất xa, thậm chí đi xuyên đêm.

Để ghi nhận khoảnh khắc người đi chợ ở cả ba thời điểm - lúc đến chợ, lúc chợ diễn ra và ra về - nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long cho biết phải bắt đầu di chuyển đến địa điểm khi mặt trời còn chưa ló dạng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Chợ phiên là nơi bà con vùng cao trao đổi, mua bán sản vật địa phương.

Chợ phiên là nơi bà con vùng cao trao đổi, mua bán sản vật địa phương.

Người xuống chợ đa dạng độ tuổi - từ trẻ con đến người già, từ nhiều dân tộc - Giáy, Lô Lô, H'Mông, Dao... Họ mang đến chợ các sản vật địa phương như gia súc, đồ thủ công, thổ cẩm, thuốc, dụng cụ… để trao đổi, mua bán. Tiếng hò hét, gọi nhau í ới, tiếng lợn, gà, dê kêu inh ỏi.

Đi chợ phiên, phụ nữ ai cũng mặc những chiếc váy, choàng những chiếc khăn rực rỡ nhất. Đàn ông gặp bạn uống rượu ngô đến say khướt. Trẻ con má đỏ hây đi theo nô đùa, tíu tít. Khu ẩm thực nắng lọt xuống từ kẽ hở trên mái tôn vàng như mật xiên vào làn khói tỏa lên từ những nồi phở, thắng cố. Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán mà còn là địa điểm bà con vùng cao sinh hoạt văn hóa, hội họp, tâm tình, giao lưu. Chợ cũng là nơi nhiều nam nữ thanh niên gặp gỡ, tìm bạn đời.

Vì vậy, chợ được xem như một “bảo tàng sống" không lẫn vào đâu được về văn hóa, ẩm thực, lối sống của con người Hà Giang.

“Tôi thích hoạt động chợ vì phản ánh đời sống mộc mạc, dung dị như chính tính cách của bà con nơi đây”, anh nói, “Tôi say mê đời thực. Trong không gian chợ, mọi hoạt động thường diễn ra một cách tự nhiên, bầu không khí vui vẻ, bà con ít e dè ống kính máy ảnh. Niềm vui của người cầm máy đôi khi chỉ đơn giản như thế” - Nhiếp ảnh gia chia sẻ thêm.

Chợ Phố Cáo thuộc địa phận Đồng Văn, Hà Giang.

Chợ Phố Cáo thuộc địa phận Đồng Văn, Hà Giang.

Mỗi bức ảnh trong bộ sưu tập của NSNA Trần Cao Bảo Long thể hiện đa dạng hoạt động, sắc thái của người đến chợ, bộc lộ rõ nét biểu cảm trên gương mặt của nhân vật. Để kể hết những câu chuyện đằng sau từng tấm ảnh không thể trong ngày một, ngày hai. Anh Trần Cao Bảo Long nói, có lần anh bắt gặp những người ở xa phải đi xuyên đêm, đến chợ lại ngủ gật, lúc sắp tan chợ mới tỉnh dậy. Có ảnh ghi lại những nụ cười, cái nhìn bẽn lẽn của các em bé đợi bố mẹ; một chú lợn “cười tươi” khi được mua về; hay những người đàn ông H’Mông say rượu sau phiên chợ. Tất cả những lát cắt rất "đời" ấy hiện lên qua ống kính nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long đầy mộc mạc.

Nhiếp ảnh đời sống quan trọng nhất là tính chân thực

Lật lại từng tấm ảnh, anh Trần Cao Bảo Long như giở cuốn nhật ký hành trình hơn 20 năm cầm máy, đặt dấu chân khắp những nẻo đường Đông - Tây Bắc. Trong số những nơi đã từng qua, mảnh đất Hà Giang là một không gian ký ức đặc biệt trong lòng người nghệ sĩ. Mảnh đất địa đầu Tổ quốc khiến nhiều người choáng ngợp bởi núi đồi trập trùng, nhưng cuộc sống bình dị của con người mới là điều để lại ấn tượng sâu sắc hơn cả trong lòng nhiếp ảnh gia đến từ TP HCM. Hà Giang với tác giả thân thuộc đến nỗi “mỗi lần đến Hà Giang như được trở về nhà vậy”, người nghệ sĩ cười hào sảng nói.

Chợ được xem như một

Chợ được xem như một "bảo tàng sống" của con người Hà Giang.

NSNA Trần Cao Bảo Long không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần đến với mảnh đất miền biên viễn này. Chỉ biết, mỗi lần như thế, anh thường ở rất lâu, có khi là một tuần, lúc thì tận 1 đến 2 tháng. Trong những lần “về nhà”, nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long ngày nào cũng lang thang di chuyển khắp những nẻo đường với đam mê mang cuộc sống vào những tấm ảnh. Những lần tác nghiệp, anh phải thức dậy từ rất sớm, men theo những con đường nguy hiểm. Đằng sau những tấm ảnh đẹp là hậu trường không hề lung linh.

“Sau mỗi lần bấm máy, mỗi khoảnh khắc đã thuộc về quá khứ, không bao giờ lặp lại nên rất đáng trân trọng. Nhiều em bé vào ảnh mình lúc còn bé xíu, đến khi lớn lên có gia đình, gặp lại thì “khoe con” với mình. Có trường hợp, mình chụp đám cưới cho cả hai thế hệ”, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cười kể về những niềm vui lấp lánh của người đi "sưu tầm" khoảnh khắc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Chợ phiên bày bán các mặt hàng từ gia súc, gia cầm đến đồ thủ công, vải vóc.

Chợ phiên bày bán các mặt hàng từ gia súc, gia cầm đến đồ thủ công, vải vóc.

Cuộc sống đi vào ảnh của NSNA Trần Cao Bảo Long một cách tự nhiên. Đời thực cũng là chất liệu nhiếp ảnh yêu thích của anh. “Ảnh là cái nhìn đối với cuộc sống. Chụp đời sống quan trọng nhất là phải thực. Khi cái tâm mình thực, chụp bằng gì cũng không quan trọng nữa”, NSNA Trần Cao Bảo Long trải lòng, “Chắc tại tôi lười nên ảnh không set-up (sắp đặt) hay cắt ghép gì.”.

Theo anh Trần Cao Bảo Long, phản ánh “cuộc sống như nó vốn là” tưởng dễ mà không đơn giản. Bởi để bắt được những khoảnh khắc thú vị cần một đôi mắt tinh tế và lòng kiên nhẫn nhìn thấy cái đẹp trong những điều tưởng chừng bình thường. Đời sống vùng cao trong ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long tuy gian khó nhưng không mang màu sắc khắc khổ mà vẫn tràn đầy sự lạc quan, vui tươi và hy vọng.

Một số hình ảnh khác trong triển lãm "Chợ trên Đá":

"Cô hàng ăn" chụp tháng 11/2018.

Chợ phiên cũng là nơi nam nữ gặp gỡ, tìm bạn đời.

Chợ phiên cũng là nơi nam nữ gặp gỡ, tìm bạn đời.

Đi chợ phiên, phụ nữ sẽ mặc những chiếc váy rực rỡ nhất.

Đi chợ phiên, phụ nữ sẽ mặc những chiếc váy rực rỡ nhất.

Bài: Xuân Phương - Ảnh: NSNA Trần Cao Bảo Long
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES