Sự bùng nổ của NFT trong giới nghệ thuật
Cách đây hơn một năm, ngày 11/3/2021, họa sĩ Mike Winkelmann (nghệ danh Beeple) bán thành công một bức hoạ số với mức giá kỷ lục 69,3 triệu USD, chỉ vì nó được đính kèm với một chứng nhận quyền sở hữu gọi là NFT. Số tiền khổng lồ này đã tạo ra một cuộc chạy đua điên cuồng giữa những nghệ sĩ thuộc đủ mọi lĩnh vực - họa sĩ minh hoạ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia... để tham gia cơn sốt vàng NFT.
Trong vòng 12 tháng kể từ đó, hơn 44 tỷ USD đã được chi cho khoảng 6 triệu sản phẩm NFT - hầu hết là các sáng tạo kỹ thuật số, một vài trong số đó là tranh vẽ thực và tác phẩm điêu khắc.
Ra đời từ năm 2017 nhưng chỉ phổ biến và bùng nổ trong khoảng gần một năm nay, NFT - viết tắt của "non-fungible tokens" (mã thông báo không thể thay thế) - là các vật phẩm kỹ thuật số có các chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên chuỗi khối (blockchain), công nghệ đứng sau sự phát triển của tiền điện tử.
Tác phẩm nghệ thuật NFT có chữ ký số của người sở hữu và có thể đại diện cho bất cứ vật gì - từ thẻ cầu thủ, vật phẩm trong game, tranh, ảnh, các tác phẩm âm nhạc cho đến các bài đăng Twitter... Rất nhiều nghệ sĩ đã tìm được hướng đi mới nhờ chuyển đổi tác phẩm của mình lên sàn NFT, nhiều người thậm chí còn cho rằng đây là "thị trường lý tưởng" của sản phẩm nghệ thuật.
Nhưng cơn sóng khổng lồ NFT này có thực sự mang lại bất kỳ thay đổi nào cho lĩnh vực nghệ thuật hay không? Và nếu có, cho dù ít, thì NFT phải chăng sẽ là “người bảo vệ” cho các nghệ sĩ, hay trở thành “kẻ phản bội” đâm sau lưng họ?
NFT mang đến cơ hội khẳng định giá trị nghệ thuật
Thị trường giao dịch tác phẩm NFT nhộn nhịp nhờ sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ sĩ. Từ các nước phương Tây, làn sóng mua bán NFT nhanh chóng ảnh hưởng đến cả các nước châu Á. Thậm chí, công nghệ NFT có thể giới thiệu đến người xem những tác phẩm nghệ thuật chưa từng được trưng bày, ví dụ như bức tranh vẽ trên hai mặt toan của họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Thành Chương.
Từ đầu năm 2021, giới nghệ thuật Việt Nam cũng bắt đầu tham gia “cơn sốt” tác phẩm NFT.
Tháng 8/2021, họa sĩ nhí Xèo Chu thu về gần 23.000 USD (tương đương 500 triệu VND) cho bức tranh NFT đầu tiên của mình trên sàn giao dịch điện tử Binance NFT. Đây là bức tranh NFT có giá cao nhất đến từ Việt Nam.
Trước Xèo Chu, hai đại diện khác của Việt Nam tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT là Phong Lương và Tú Na. Ở triển lãm của mình, Tú Na thu về hơn 31.000 USD, bức tranh có giá cao nhất lên đến hơn 5.000 USD. Trong khi đó, triển lãm của Phong Lương thu về gần 7.000 USD, bức tranh có giá cao nhất của nghệ sĩ này là 3.000 USD.
Ngoài hội hoạ, lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam cũng đang rục rịch xuất hiện trên các sàn NFT. Mới đây, một bộ sưu tập (BST) mang tên “Binz - DBMH [Tuniver]” được phát hiện niêm yết trên chợ NFT của Binance. Thông tin ghi rõ đây là BST NFT đầu tay của Binz - rapper kiêm nhạc sĩ nổi tiếng tại Việt Nam - dành cho người hâm mộ.
Ba rapper “đắt giá” nhất Việt Nam là LK, Datmaniac và B Ray cũng có những động thái tham gia thế giới blockchain. Ngoài ra, nhiều tên tuổi lớn khác của làng nhạc Việt đã có những đàm phán, hợp tác để phát hành NFT trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực phim ảnh, tấm hình đặc biệt có sự góp mặt của 6 đạo diễn "trăm tỷ" đến từ Việt Nam đã được chuyển đổi thành một tác phẩm NFT, và được đạo diễn Võ Thanh Hoà rao bán ở mức giá gần 400 USD. Tuy nhiên, sau đó bức ảnh đã được bán lại với giá hơn 2.000 USD.
Cũng như những lĩnh vực khác, các sản phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT có giá trị từ vài chục đến vài chục triệu USD, tùy thuộc vào độ hiếm và độc đáo của tác phẩm, hoặc độ nổi tiếng của nghệ sĩ. Tác phẩm NFT không thể bị phá huỷ hay sao chép, và yếu tố này cho phép chủ sở hữu có thể thu được lợi nhuận từ sản phẩm mà mình nắm giữ.
Nhưng chính NFT lại đang làm mất lòng người làm nghệ thuật?
Khi mới xuất hiện, NFT được kỳ vọng sẽ đem đến “kỷ nguyên tương lai” cho lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng sau 5 năm tồn tại và một năm bùng nổ, chính những người làm nghệ thuật lại đang có xu hướng quay lưng với loại hình lưu trữ và kinh doanh tác phẩm số này. Lý do đầu tiên là NFT hoàn toàn đi ngược lại với “tiềm năng” bảo vệ quyền tác giả mà đáng lẽ, vốn là vai trò của nó.
Một trong những giá trị của NFT là đem đến cho các tác phẩm nghệ thuật số hoá quyền lợi mà xưa nay chỉ có tác phẩm truyền thống mới có, chính là “sự sở hữu”. Tuy nhiên, sự sở hữu này chỉ có trên danh nghĩa, khi bất kì ai cũng có thể lấy các tác phẩm của người khác, dù là công khai hay riêng tư, để bán lại dưới dạng NFT - vì không có công nghệ nào chứng minh được sản phẩm bạn đăng lên có phải kết quả sáng tạo của chính bạn hay không.
Thực trạng trên về việc ăn cắp chất xám và mạo danh tác giả trở thành một trong những lý do khiến không ít người làm nghệ thuật có cái nhìn thiếu thiện cảm về NFT.
Lý do thứ hai khiến nhiều nghệ sĩ lo ngại là những tác hại đến... môi trường mà NFT gây ra.
Hầu hết các NFT hiện đang được giao dịch trên nền tảng Ethereum. Ở đây, cách tạo ra các token chứng nhận mã hóa tác phẩm kỹ thuật số dựa trên những thuật toán phức tạp và tiêu hao nhiều năng lượng. Theo công ty theo dõi thị trường Digicomist ước tính, nền tảng này sử dụng lượng điện tương đương cả nước Hà Lan, với lượng carbon thải ra tương đương cả nước Singapore. Cũng chính những quan ngại về khí hậu là điều khiến ngày càng nhiều người phản đối NFT.
Lý do thứ ba, ngoại trừ bản quyền thì vấn đề của NFT còn nằm ở sự mất giá của nghệ thuật. NFT, một phần nào đó, đang trở thành “cái nôi” cho những phi vụ rửa tiền phi pháp, hoặc nhân danh nghệ thuật để tạo danh tiếng. Thêm vào đó, có những tác phẩm được tạo ra theo kiểu “dây chuyền hàng loạt”, được xào nấu bởi một con robot có khả năng tạo ra cả triệu bản vẽ tương tự như nhau.
“Nếu nghệ thuật bị sản xuất hàng loạt theo dây chuyền thì liệu giá trị cốt lõi là cảm xúc còn ở đó hay không?” - Khánh Toàn, một nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam, bày tỏ sự quan ngại.
Cuối cùng, chính cơ hội khẳng định giá trị nghệ thuật cũng có thể là… giả. Những người làm nghệ thuật chân chính, tham gia vào NFT thật sự vì muốn kiếm tiền, thường sẽ phải chấp nhận sự thật rằng phần lớn các tác phẩm đều rất khó bán, và họ cần rất nhiều tiền để “đúc” một NFT (mỗi tác phẩm riêng lẻ mất từ 70-100 USD để đúc). Điều này có nghĩa, nếu một nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm trên sàn NFT nhưng không bán được, họ sẽ mất trắng khoản tiền bỏ ra ban đầu để tạo NFT, và đồng thời cũng không ai biết đến sự tồn tại của tác phẩm ấy.
Tạm kết
"NFT không phải là một phương tiện mới, một cách thức sáng tạo nghệ thuật mới, một chủ đề hay phong cách mới. Nó chỉ đơn giản là một phương thức để mua bán nghệ thuật số. Khi chúng ta cắt đi phương diện kiếm tiền, NFT không thực sự thay đổi nghệ thuật theo chiều hướng nào cả" - Cat Graffam, một hoạ sĩ đang sống tại Mỹ, nói trên video cô đăng tải với chủ đề "góc nhìn của giới nghệ sĩ về NFT".
Có lẽ NFT sẽ mang đến những thay đổi, thậm chí là cách mạng, đối với lĩnh vực nghệ thuật sau một thời gian dài. Nhưng hiện tại, vẫn còn quá sớm để nhận định tốt-xấu về thị trường số hoá này.
Suy cho cùng, nghệ thuật là vùng đất của sáng tạo và trao truyền cảm xúc. Một khi hai yếu tố này bị mờ nhạt đi, nghệ thuật có lẽ sẽ không còn là nghệ thuật chân chính.