Vườn quốc gia Komondo - Indonesia
Là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới trong lần bầu chọn tháng 11 năm 2011 vừa qua, vườn quốc gia Kodomo sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn của quốc đảo Indonesia trong một tương lai gần. Trải dài trên ba hòn đảo san hô lớn nhất giữa thềm Sunda và Châu Đại Dương, đây hiên là nơi cư trú cùa khoảng 5.700 bò sát có một không hai trên thế giới. Chúng vô cùng hung dữ, vì vậy mà người ta gọi chúng là những con Rồng Kodomo.
Đảo Kodomo, mà người địa phương gọi là đảo Rinca, có địa hình nhiều đồi núi nhấp nhô chạy dọc theo hướng từ bắc xuống nam ở độ cao 600m so với mặt nước biển, đáng kể có ngọn Gunung Toda Klea khô cằn. Đến với đảo Kodomo, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc hành trình ngoạn mục, khi thì đường đi đầy bóng thốt nốt, mọc rời rạc trên khắp địa hình savan đầy cỏ dại và cây gỗ nhỏ, lúc xuống gần bãi biển lại là rừng ngập mặn, còn dưới thung lũng kia là rừng mưa ẩm nhiệt đới gió mùa. Hoa lá, muông thú trên rừng, còn dưới biển là cả một thềm lục địa đầy san hô màu sắc sặc sỡ, vô cùng thích hợp để bạn thoả thuê bơi lặn và chiêm ngưỡng thế giới dưới nước đầy màu sắc.
Dĩ nhiên, điểm hấp dẫn du khách khi đến với đảo Rồng Kodomo, không gì khác ngoài những con rồng hung hãn này. Được biết đến là loài bò sát còn sống lớn nhất trái đất hiện nay, lạ lùng thay chúng lại thích được sống trong các khu rừng nhiệt đới phù du, có khí hậu nóng và khô hạn. Những sinh vật to lớn này, có con dài tới 3m và nặng 70 kg, hoàn toàn làm bá chủ trên các hòn đảo chúng sinh tồn với những móng chân sắc nhọn hoắt. Là loài bò sát ăn thịt chết, thức ăn của chúng là hươu nai, lợn rừng và chim trên đảo. Bạn có thể đến làng Kodomo, cùng dân làng bàn chuyện dân tình thế thái, và đi dạo vài giờ để thưởng ngoạn cuộc sống nơi rồng Kodomo sinh sống mà không hề phải mảy may lo ngại những con vật to lớn, nằm nghỉ ngơi giữa trưa có nắng hanh vàng.
Vương Quốc Rồng - Bhutan
Đến với Vương quốc của Rồng là đến với cuộc hành trình kỳ thú để khám phá một di sản văn hoá thế giới, mang tên gọi Bhutan. Cuộc hành trình này sẽ đưa bạn lên các đỉnh núi thuộc dãy Himalaya nhìn xuống các thung lũng trầm mặc ít bóng người, hay dạo bước qua các ngôi chợ đầy màu sắc địa phương, hoặc chiêm ngưỡng các pháo đài và thiền viện Phật giáo để khám phá nét độc đáo trong kiến trúc Dzong, có dáng dấp bên ngoài rất đồ sộ, có tường tháp bao quanh một khu phức hợp gồm sân, đền, văn phòng chính quyền và cư xá của tu sĩ. Các pháo đài tu viện được sử dụng như là những trung tâm tôn giáo, quân sự, hành chính và xã hội. Đây còn là địa điểm để tổ chức các lễ hội tôn giáo hằng năm. Không gian dành cho công việc hành chính và không gian dành cho tôn giáo, tại Vương quốc Bhuatan, là gần bằng như nhau.
Một trong những điểm tham quan đáng chú ý của cuộc hành trình này là thiền viện Taksang ở độ cao 3100m so với mực nước biển, tại thung lũng Paro. Thiền viện Taktsang tọa lạc trên một chỏm đá cao 900m, hùng vĩ nguy nga. Đây là nơi mà mỗi người Bhutan đều ao ước được đặt chân đến một lần trong đời, là chốn linh thiêng bậc nhất của Bhutan từ trước đến nay.
Trong cùng một ngày, bạn có thể đến thăm pháo đài thiền viện Paro Dzong, trung tâm hành chính của miền tây nam Bhutan, cùng với bảo tàng quốc gia Bhutan, nguyên thủy chính là pháo đài Ta Dzong sừng sững to lớn, chứa đựng hằng hà sa số các hiện vật thể hiện toàn bộ quá trình đổi thay và phát trỉển của vương quốc Bhutan từ thủa sơ khai đến tận ngày nay.
Chuyến du ngoạn đến với vương quốc Bhutan sẽ đầy màu sắc hơn nếu bạn chịu khó du khảo trong vài ngày, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ lần theo các lối mòn lên núi, đi qua các rặng thông xanh rì thuộc vườn quốc gia Bhutan để đến với các pháo đài và tu viện nổi tiếng nằm rải rác khắp các thung lũng, và tu viện Phajoding Goemba, là một chốn hành hương cực kì quan trọng đối với đời sống tâm linh của những Phật tử sùng đạo Bhutan.
Nếu có thêm thời gian, bạn nên tới thăm trung tâm chính trị của Bhutan, để thấy rằng dù là một thủ đô nhỏ bé, như nó luôn sẵn sàng cho những lữ khách đường xa dạo bước tham quan, mà điểm đến đặc sắc nhất là Tashichho Dzong, nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan vừa là trụ sở của tăng đoàn ở một đất nước thấm đẫm niềm tin, tinh thần và văn hoá Phật giáo. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ mang đậm dấu ấn của một Bhutan cổ truyền với nghệ thuật xây dựng không cần đinh hay bất kì vật kim loại nào để nối ghép. Điểm đến còn bao gồm cả tháp mộ Đức Hoàng đế Jimpe Dorji Wangchuk, được coi như là nhà sáng lập ra Vương quốc Bhutan ngày nay. Cùng với chợ thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm dệt thêu, khắc gỗ và hội hoạ, chuyến đi đến vương quốc Rồng Bhutan chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị trong đời.
Long Môn Thạch Quật - Hà Nam, Trung Quốc
Đến với thành cổ Lạc Dương, xứ sở của hoa mẫu đơn, còn gọi là Đông Đô, một trong các cố đô lừng lẫy của Trung Hoa, rồi đi thêm 12 km về phía Nam, bạn sẽ đặt chân đến Long Môn Thạch Quật.
Long Môn Thạch Quật là một trong ba hang động nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Hai hang động còn lại là động Đôn Hoàng ở Mạc Cao - Cam Túc và động Vân Cương ở Đại Đồng - Sơn Tây. Quần thể hang động ở núi Long Môn phía tây, núi Hương Sơn phía đông, nằm sóng đôi giữa đôi bờ Y Hà. Tương truyền rằng các động đá ở đây có dáng dấp đường nét của một cửa (môn) cho rồng (long) nên từ thời Đông Chu, đã được gọi tên là Long Môn.
Long Môn Thạch Quật với hai dãy núi, kéo dài từ đông sang tây có trên 2.100 hang đá, ngót 40 tòa tháp Phật, hơn 3.600 tấm bia đá, cả 100.000 pho tượng Phật. Trong đó, tượng lớn nhất cao 17,14m; tượng nhỏ nhất chỉ cao 2cm. Các động được chú ý nhiều nhất như động Cổ Dương, động Tân Dương, động Y Khuyết còn gọi là động Liên Hoa, Thạch Quật Tự… trong đó động Cổ Dương được đào khoét xây dựng sớm nhất, có nhiều tượng Phật nhất.
Long Môn Thạch Quật trải qua các triều Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Bắc Tề, Tùy, Đường, Ngũ Đại, Bắc Tống, Kim cho đến cuối đời Thanh. Trong đó số tượng tạc vào thời Bắc Ngụy chiếm khoảng 30%, đời Đường 60%, các đời khác khoảng 10%.
Ngày nay Long Môn Thạch Quật đã lừng danh là một Viện bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá. Đây không chỉ là sự thể hiện của văn hóa Phật giáo mà còn phản ảnh nét thời thượng về chính trị, kinh tế, văn hóa thời bấy giờ. Hang động này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 11 năm 2.000, và có thể là điểm đến hấp dẫn nhất trong năm con Rồng này.
Đất Chín Rồng – Cửu Long, Việt Nam
Nằm ở hạ lưu con sông Mêkông, một trong những con sông dài nổi tiếng thế giới, và được kiến tạo bởi phù sa bồi đắp từ dòng sông, đồng bằng này bao phủ một khu vực rộng tới 40.000 m2. Con sông Mêkông chảy qua Vịệt Nam lập tức chia ra làm 9 nhánh sông hiền hoà, và vì thế, đồng bằng trù phú này được gọi là đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất chín Rồng.
Đến tham quan vùng châu thổ sông Cửu Long, bạn sẽ được tận mắt nhìn ngắm và khám phá cuộc sống thôn dã của một vùng đất hiền hoà, giản dị. Chuyến đi thường bắt đầu bằng những con thuyền xuôi theo một trong chín nhánh Cửu Long, rồi rẽ vào những kênh rạch nhỏ len lỏi trong các cồn trên sông, hai bên là hàng dừa nước râm mát, để trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân địa phương như làm kẹo dừa, đổ bánh tráng, uống trà mật ong và thưởng thức trái cây vườn nhà.
Đi xa một chút, chúng ta sẽ được dạo bước trên các vườn cây bonsai công phu, các vườn lan đầy màu sắc, các vườn nhãn, xoài, chôm chôm trù phú, rồi vào tận trong nhà của những điền chủ ngày xưa để sờ tận tay những cột gỗ lên nước láng bóng, những lam chạm khắc tinh xảo, những bàn thờ trong các gian nhà 3 gian 2 chái cân đối, rồi nghỉ lưng trên cánh võng đu đưa chờ bữa cơm trưa có cá chiên xù cuốn bánh tráng, một đặc sản của vùng châu thổ này.
Chằng chịt trên khắp đồng bằng là hàng trăm hàng ngàn con rạch lớn nhỏ nối các dòng sông với nhau, vì vậy hãy chuẩn bị hành trang cho một cuộc du ngoạn trên sông nước lênh đênh, nơi đó có những con người lấy thuyền ghe làm nhà, lấy sông nước làm kế sinh nhai, lấy câu ca điệu hò tìm bạn tri kỷ tri âm, nơi đó họ được sinh ra, lớn lên, được học hành, yêu đương, và sống trọn đời mình qua những cuộc bể dâu.
Mỗi vùng đất trong đồng bằng trù phú này có những đặc trưng hấp dẫn riêng biệt. Đến với Cần Thơ, chúng ta phải theo thuyền đi chợ nổi, họp tại ngã ba sông, từ sáng sớm đã rộn ràng nhộn nhịp thuyền ghe trao đổi hàng hoá. Hay là đến với Châu Đốc, sau khi thăm Miếu Bà Chúa Xứ, bạn không thể không ghé thuyền vào các làng cá bè, rồi đi thăm làng Chăm Châu Đốc, từ xa đã nhìn thấy những ngôi nhà sàn cao lêu nghêu, với những đứa bé da đen nhẻm vẫy tay, cười hớn hở.
Đây cũng là một nơi hội tụ nhiều nền văn hoá, vì vậy trong chuyến đi này, bạn sẽ được tham quan các chùa Bắc Tông ở Mỹ Tho như chùa Vĩnh Tràng, chùa Nam Tông ở Sóc Trăng như chùa Dơi, hoặc đi ngang qua các nhà thờ dọc theo dòng kênh nối liền giữa 2 nhánh sông lớn, sông Tiền và sông Hậu. Trong làng Chăm lại thấy những nhà thờ Hồi giáo sừng sững. Và dù theo tôn giáo nào, người dân nơi đây đều rất hiếu khách, niềm nở và hào sảng, rộng rãi như chính con sông đang cưu mang cuộc sống của họ tự bao đời.
Đất chín Rồng mỗi năm đều vươn mình ra biển, như phù sa nồng nàn đêm ngày chở nặng qua đây. Về với vùng đất chín Rồng, dường như ta đang trẻ lại, khi cái nắng đồng bằng toả khắp ngọn cỏ bờ kinh, khi cái gió đồng bằng làm tung bay mái tóc mượt mà, trong tiếng cười giòn tan của những cô gái đồng bằng sông Cửu Long.
Bài: Phạm Tấn Đức