Nếu là một người con của Hà Nội, hẳn bạn đã hơn một lần đi qua con đường Nguyễn Đình Thi ven hồ Tây, khu vực về phía đường Thanh Niên, phía sau ngôi trường THPT Chu Văn An cổ kính. Đoạn đường này không chỉ là một trong những địa điểm đẹp và lãng mạn nhất Hà Nội mà còn ẩn giấu một "viên ngọc" mà nếu không chú ý kĩ, bạn có thể dễ dàng bỏ lỡ. Đó là căn biệt thự cổ với tuổi đời hàng trăm năm hướng mình ra hồ Tây thơ mộng, là một di sản quý giá của lịch sử và niềm tự hào của học sinh ngôi trường Chu Văn An.
Biệt thự 123 tuổi bên hồ Tây lộng gió
Mặc dù nằm trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An, người đi đường qua Nguyễn Đình Thi vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi biệt thự cổ. Với kiến trúc Pháp đặc trưng và hình dáng 8 cạnh ấn tượng, nơi đây ngày nay được gọi với cái tên "Nhà Bát Giác".
Nhà Bát Giác được xây dựng từ năm 1898 để trở thành biệt thự riêng của Henri Schneider - một chủ xưởng giấy người Pháp vào thế kỷ 19. Lúc bấy giờ, nó mang tên La Villa Schneider (Biệt thự Schneider). Khi trường Trung học Bảo hộ (tên gọi cũ của trường Chu Văn An) được thành lập, biệt thự này thuộc sở hữu của hiệu trưởng người Pháp rồi sau lần khôi phục và tu sửa vào năm 1999, chính thức trở thành thư viện nhà trường cho đến ngày nay.
Sức hút của Nhà Bát Giác không chỉ đến từ lịch sử lâu đời của nó mà còn nằm ở nét kiến trúc đặc biệt mang hơi thở của những ngày tháng xa xưa. Từ những họa tiết tinh xảo được chạm khắc cầu kì trên mỗi bức tường, cổng vòm cong cong mềm mại, những cánh cửa lớn ngập tràn ánh sáng hay chiếc cầu thang uốn lượn hài hòa; tất cả tạo nên một hòa quyện của cái đẹp và sự bí ẩn nhưng vẫn rất đỗi thân quen về một Hà Nội xưa tưởng chừng chỉ còn có trên sách vở.
Vị trí sát bên hồ Tây cũng trao tặng cho Nhà Bát Giác một vẻ lãng mạn và dịu êm hiếm thấy. Vào chiều hè hoàng hôn, những sắc màu diệu kì cam, đỏ, hồng, tím xuyên qua những tán lá xanh mà phủ lên từng mảng tường cổ kính, in bóng lên ban công rộng rồi ánh lên lấp lánh trên những khung cửa sổ. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp ấy, biết bao người tìm đến đây, chỉ để ngắm nhìn ngôi biệt thự cổ từ sau chiếc hàng rào, chụp một vài tấm ảnh rồi tận hưởng khoảnh khắc bình yên hoài niệm về một thời quá khứ đã trôi xa.
Nơi in dấu tuổi học trò hồn nhiên
Nhà Bát Giác không chỉ là một địa điểm lịch sử được người Hà Nội yêu mến mà còn là một phần trong tuổi học trò của biết bao thế hệ học sinh trường THPT Chu Văn An. Thư viện tại đây gồm hơn 10.000 đầu sách, trở thành nơi học sinh tới tra cứu, học bài và thư giãn trong mùi thơm của những trang giấy. Ngoài ra, Nhà Bát Giác còn là nơi có phòng tham vấn tâm lý, văn phòng Đoàn trường và văn phòng Hiệu trưởng. Vì vậy mà đây cũng là nơi kết nối thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường.
Theo bạn Linh - đại diện C-Library tại trường Chu Văn An chia sẻ, điều học sinh yêu thích nhất ở khu Nhà Bát Giác là những cánh cửa sổ rộng đón nắng, sân thượng rộng rãi bình yên hướng về phía hồ Tây và những ban công xinh đẹp nhìn ra khuôn viên trường xanh mát. Đặc biệt, ban công lớn của Nhà Bát Giác còn từng được sử dụng để diễn lại vở kịch nổi tiếng Romeo and Juliet; để rồi không biết từ khi nào, các thế hệ học sinh truyền tai nhau rằng nếu thổ lộ cảm xúc với nhau tại đó, tình cảm sẽ mãi mãi bền chặt. Thú vị hơn cả, từng có cặp đôi là cựu sinh viên trường đã chụp tấm ảnh cưới của họ chính trên ban công ấy.
Tại thư viện trong Nhà Bát Giác, đôi khi người ta có thể tìm thấy nhiều bức thư được kẹp trong những cuốn sách. Đó có thể là lời thủ thỉ tâm tình, cũng có thể là những lời nhắn gửi cho chính mình trong tương lai mà những học sinh Chu Văn An vẫn thường lưu giữ lại tại nơi mà họ tin tưởng nhất. Bên cạnh đó, Nhà Bát Giác cũng là nơi nhiều học sinh tìm đến thư giãn, trò chuyện, đàn hát khiến không gian lúc nào cũng đầm ấm và thân thuộc.
"Mình luôn có cảm giác rằng Nhà Bát Giác mang linh hồn rất linh thiêng. Điều mình tâm nguyện là làm sao để lan tỏa tình yêu và niềm đam mê đối với nơi này, để mọi người có thể từ tò mò, đến thích rồi yêu nó sâu đậm, giống như mình vậy. Hy vọng các thế hệ học sinh Chu Văn An sẽ đều được trải nghiệm và lưu giữ nhiều kỉ niệm bên căn biệt thự cổ kính ấy trước khi trưởng thành" - bạn Linh chia sẻ.
Trải qua hơn một thế kỷ, chứng kiến nhiều thăng trầm của thời đại, Nhà Bát Giác đã trở thành một phần không thể thiếu của trường Chu Văn An, của rất nhiều thế hệ học sinh nơi này, và cũng là của Hà Nội. Giữa nhịp đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, viên ngọc cổ kính ấy đã lưu giữ cái hồn mộc mạc, chậm rãi của một Hà Nội xưa - Hà Nội mà chúng ta đều yêu thương và gắn bó.