Thành phố “Biển Nhớ” một thời Trịnh Công Sơn

14/06/2022

Người ta đến Quy Nhơn vẫn thấy thấp thoáng dáng hình thành phố thân thương nuôi dưỡng những cảm xúc dạt dào của người nhạc sĩ năm nào, gửi gắm thành những tình khúc buồn thương đầy rung động.

Ngày mai em đi

Biển nhớ tên em gọi về

Gọi hồn liễu rũ lê thê

Gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ca từ cất lên từ bản nhạc buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang theo câu chuyện về một thành phố biển miền Trung dung dị - nơi từng lưu giữ một phần tuổi trẻ, tình yêu, nỗi buồn và những niềm vui nhỏ bé của một tâm hồn nhạy cảm tài hoa những năm tuổi 20. Đó là phố biển Quy Nhơn, cũng là mảnh đất mà Trịnh Công Sơn luôn nhắc đến trong nỗi nhớ mong mòn mỏi và niềm âu yếm thiết tha chân tình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn học tại Trường Sư phạm (Quy Nhơn)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn học tại Trường Sư phạm (Quy Nhơn)

Thành phố mắt đêm đèn vàng

Mối lương duyên giữa Trịnh Công Sơn và thành phố Quy Nhơn bắt đầu từ năm 1962, khi chàng nhạc sĩ trẻ tạm biệt quê hương xứ Huế để đến Quy Nhơn theo học Đại học Sư phạm. Đây là nơi ra đời của những khúc ca nổi tiếng như Biển nhớ, Diễm xưa, Chiều một mình qua phố, Lời mẹ ru, Nắng thủy tinh và Cát bụi. Dù chỉ gắn bó trong hơn hai năm, thành phố miền biển này đã để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa.

Lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn bước vào những năm đầu của lứa tuổi hai mươi mang theo nhiều hoài bão, say sưa với cuộc đời. Ông lang thang trên những con phố thơm mùi nắng gió miền biển, đánh Billard trong những cửa hàng nhỏ đông đúc, nghỉ ngơi tại căn nhà trọ sinh viên chật hẹp và thả mình trong những đêm khuya ngồi ngắm biển cả lung linh ánh đèn vàng phía xa xăm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bãi biển Quy Nhơn những năm 1960

Bãi biển Quy Nhơn những năm 1960

Với một trái tim nhạy cảm, những điều bình yên và giản dị đến thế lại trở thành kỉ niệm khó quên nhất, để sau này, trong tác phẩm "Về một thành phố tôi đã xa", ông xúc động nhắc về Quy Nhơn với niềm mong mỏi được trở về:

"Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động”

Có lẽ, bài hát gắn liền với thành phố biển xinh đẹp này chính là Biển nhớ. Người ta kể lại rằng, đằng sau những ca từ mang đậm nỗi niềm tương tư sầu muộn ấy là câu chuyện tình đẹp của chàng trai 23 tuổi Trịnh Công Sơn và cô gái trẻ Bích Khê.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bạn bè

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bạn bè

Mùa hè năm 1963, Bích Khê phải tạm rời Quy Nhơn vào Nha Trang cùng gia đình. Đêm trước khi từ biệt, Trịnh Công Sơn ngồi bên bờ biển vắng rồi đem niềm lưu luyến và nỗi nhớ của mình đổ vào từng nốt nhạc. Chẳng cần đến những lời đề tựa mỹ miều, hai chữ "sơn khê" trong câu hát "Trời cao níu bước sơn khê" đã đủ để gửi gắm thứ tình ý ngọt ngào kín đáo đến một người.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về Quy Nhơn trong "Về một thành phố tôi đã xa" như sau: "Biển nhớ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. Điều ấy bây giờ đã trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy".

Về Quy Nhơn nghe tình ca trong tiếng sóng vỗ

60 năm trôi qua, Quy Nhơn ngày nay vẫn là một thành phố biển đẹp dịu dàng với bờ biển uốn cong mềm mại, bãi cát vàng mềm mịn trải dài, mặt biển xanh trong đẩy đưa những con sóng rì rào và bầu trời cao mênh mông trải rộng. Lẽ dĩ nhiên, thời gian cũng cuốn theo nhiều đổi thay, những ánh đèn vàng được thay thế bởi đèn LED khiến đêm phố biển không còn tối và buồn man mác như xưa, xe cộ dần tấp nập đưa đón các đoàn khách du lịch, những cơ sở vui chơi cũng xuất hiện nhiều hơn nhưng sự bình yên và giản dị vẫn còn đó trong từng con phố nhỏ, nơi nhịp sống chậm rãi của những con người hồn nhiên vẫn bình thản trôi đi.

Hình ảnh những đường phố sạch sẽ và thoáng đãng chẳng thấy bóng kẹt xe, những khu dân cư ríu rít tiếng trò chuyện vui vẻ của hàng xóm láng giềng hay sự thân thiện niềm nở của người dân bản địa vẫn mãi chẳng đổi thay. Cũng nhờ vậy, người ta đến đây vẫn thấy thấp thoáng dáng hình thành phố thân thương nuôi dưỡng những cảm xúc dạt dào của người nhạc sĩ năm nào, gửi gắm thành những tình khúc buồn thương đầy rung động.

Bãi biển Quy Nhơn ngày nay

Bãi biển Quy Nhơn ngày nay

Quy Nhơn trong kí ức Trịnh Công Sơn thương yêu và trìu mến đến thế, thì thành phố này cũng chẳng khi nào quên được ông. Năm 2018, còn đường mang tên Trịnh Công Sơn chính thức hoạt động, rồi hai năm sau đó, tượng mỹ thuật khắc hình nhạc sĩ được xây dựng và đặt tại công viên ngay sát bên bờ biển. Vẫn dáng hình dong dỏng với chiếc áo sơ mi và cây đàn guitar quen thuộc, ông say mê chìm đắm trong từng thanh âm thâm trầm. Bên cạnh tượng nhạc sĩ là bản phổ nhạc cho ca khúc Biển nhớ - sáng tác nổi bật nhất mà Trịnh Công Sơn từng dành cho thành phố Quy Nhơn.

Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại bờ biển Quy Nhơn

Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại bờ biển Quy Nhơn

Ngày nay, người ta đến Quy Nhơn vẫn có thể tình cờ nghe thấy đâu đó những lời ca của Biển nhớ, Diễm xưa… thiết tha vang lên trong những góc phố phường bình dị, hoặc tìm đến những quán nhỏ cũ kĩ để vừa ngắm biển, vừa nghe trình diễn nhạc sống hàng tuần như tại Cafe quán Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu. Hình bóng Trịnh Công Sơn vẫn còn mãi đó, trở thành một phần hồn của thành phố biển mà ông thương mến, để rồi những người yêu nhạc vẫn không ngừng tìm đến đây với mong muốn sống lại những xúc cảm trong lành mà người nhạc sĩ từng gửi gắm trong mỗi lời ca tiếng hát.

Ngày mai em đi

Thành phố mắt đêm đèn vàng

Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn

Nghe ngoài biển động buồn hơn

Hà Thu - Ảnh: Internet
RELATED ARTICLES