Ông Scott Kirby, CEO của United Airlines cho biết hãng sẽ xử lý linh hoạt với những người có hệ miễn dịch kém hoặc lo ngại về chính sách bỏ khẩu trang, vì bất kỳ lý do nào.
"Chúng tôi đang làm việc với khách hàng để tìm kiếm giải pháp, cho họ được thoải mái chọn lựa. Nếu khách không muốn bay nữa, chúng tôi sẽ hoàn tiền", ông Kirby trả lời NBC.
Một đại diện khác của hãng United Airlines cho biết, hành khách mua vé hạng thường sẽ được phép dời lịch bay bất kì lúc nào mà không cần trả thêm phí. Tuy nhiên, khách hàng hạng thương gia hay khách có tình huống đặc biệt hơn cần liên hệ với bên chăm sóc khách hàng để được giải quyết.
Trong khi đó, ông Robert Isom, CEO của American Airlines cho biết hãng này chưa nhận nhiều yêu cầu đổi chuyến hay hoàn tiền từ khách hàng, sau khi chính sách bỏ khẩu trang có hiệu lực.
"Ở những hoàn cảnh như thế này, quy trình của chúng tôi luôn đảm bảo hành khách liên hệ với bộ phận đặt vé càng sớm càng tốt. Chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo cách hợp lý nhất", ông Isom chia sẻ.
Tuy nhiên, theo afar, chính sách của các hãng hàng không hiện tại vẫn chưa hiệu quả. Để được hoàn tiền, khách hàng phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua vé máy bay - điều này làm giá vé sẽ đội giá lên gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, hành khách mua vé từ đầu tháng 4 sẽ không được hưởng chính sách hoàn tiền này.
Ngày 19/4, một thẩm phán liên bang ở California (Mỹ) vừa bãi bỏ quy định đeo khẩu trang khi đi máy bay, có hiệu lực ngay từ lúc ban hành. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tiếp tục gia hạn luật đeo khẩu trang cho đến ngày 3/5. Tổ chức này muốn có thêm thời gian để nghiên cứu biến chủng BA.2 omicron.
Chính sách về khẩu trang mới gây ra nhiều tranh cãi trái chiều khi các hãng hàng không mong muốn bỏ khẩu trang càng sớm càng tốt. Trong khi đó, hầu hết dịch vụ giao thông công cộng ở New York đều bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.