BẮT ĐẦU BẰNG SỰ HOÀI NGHI
Massimo Bucolo (46 tuổi), một nhân viên kinh doanh thiết bị y tế đổi nghề trở thành doanh nhân bán pizza, cá rằng khách hàng chắc chắn sẽ yêu thích. Bucolo đã lắp chiếc máy bán pizza tự động ở một khu phố nhộn nhịp trên đường Catania, gần quảng trường Bologna, Rome. Ông đặt tên nó là Mr. Go, máy có thể tạo ra 100 chiếc pizza trong một lần nạp nguyên liệu. Tại đây có bốn loại pizza khác nhau: pizza Margherita, pizza bốn vị phô mai, pizza xúc xích cay và pizza thịt xông khói. Đặc biệt, Mr. Go chỉ mất ba phút để ra lò một chiếc pizza tươi.
Ông hy vọng chiếc máy này sẽ sớm được người dân ưa chuộng. Đặc biệt là vào sau giờ làm việc khi các cửa hàng pizza truyền thống đóng cửa hoặc có một số quán cóc thì “không được chất lượng cho lắm”. “Không phải tôi cố cạnh tranh với các cửa hàng pizza, chỉ là tôi muốn đưa ra một giải pháp mới” - Bucolo cho biết.
Renzo Panattoni, chủ sở hữu một trong những tiệm bánh pizza lâu đời nhất ở Rome, cho rằng sản phẩm từ những máy bán pizza tự động “chẳng giống pizza truyền thống chút nào”. Ông khẳng định chắc chắn người dân địa phương sẽ vẫn trung thành với phiên bản bánh pizza vỏ mỏng - món bán chạy nhất mà cửa tiệm của ông phục vụ suốt từ năm 1931 cho đến tận bây giờ, mặc dù phiên bản pizza Neapolitan vỏ dày gần đây cũng khá được ưa chuộng trong thành phố.
Thậm chí, nhiều chuyên gia ẩm thực hoặc các food bloggers cũng tỏ ra hoài nghi và chê bai ý tưởng máy bán pizza tự động của ông Bucolo.
"Gây tò mò là một trong những điều tôi hướng đến"
Khách hàng có thể quan sát cách chiếc máy hoạt động qua các ô cửa kính. Các công đoạn bao gồm từ trộn, nhào bột, ép thành dĩa, phủ nhân lên trên cho đến lúc được nướng trong lò hồng ngoại, và cuối cùng là đóng gói vào hộp giấy.
Ông Bucolo nói: “Gây tò mò là một trong những điều mà tôi nhắm đến, khi mọi người thích thú quan sát quá trình hoàn thiện một chiếc bánh. Hơn nữa, vì nó có giá thấp hơn bình thường nên dễ để người dân mua thường xuyên hoặc mua để ăn thử”. Một chiếc pizza Margherita có giá 4,5 EUR, trong khi loại đắt nhất là pizza bốn vị phô mai chỉ có 6 EUR.
Maurizio Pietrangelon, một khách hàng nhận định rằng việc mua pizza bằng máy như vậy khá tiện. “Những chiếc pizza làm từ máy ít nhiều sẽ ngon hơn loại pizza đông lạnh trong siêu thị” - anh nói thêm trước khi chúc ông Bucolo may mắn và rời đi với chiếc pizza trên tay.
Virginia Pitorri, một khách quen của máy bán pizza tự động từ lúc mới ra mắt, chia sẻ rằng cô hay lui tới đây vì đứa con gái nhỏ rất thích thú với trải nghiệm mua bánh như vậy ngay từ lần đầu tiên: “Con bé nó thích quan sát cái máy và thấy rất vui”.
Tuy vậy, Marco Bolasco, một nhà báo ẩm thực nổi tiếng ở Ý, nghiêm khắc hơn trong việc đánh giá mô hình pizza tự động mới này. Ông nói: “Mặc dù cũng thú vị nhưng với người Ý, có lẽ đây không thực sự là pizza”.
Trước những ý kiến trái chiều, ít nhất, chiếc máy bán pizza của ông Bucolo đã đạt được một trong những mục tiêu của nó: thu hút sự tò mò của mọi người. Dù sao, cha đẻ của Mr. Go cũng bày tỏ hy vọng rằng sau khi sự tò mò ban đầu giảm bớt, khách hàng vẫn sẽ quay lại vì chất lượng chiếc bánh. Một điểm cộng khác là máy hoạt động 24/7, ông Bucolo mong muốn nó có thể phục vụ được những người làm ca đêm, ví dụ như những tài xế taxi.
Thông tin thêm
Thực tế, Mr. Go không phải là máy bán pizza tự động duy nhất trên thị trường. Chiếc máy làm bánh pizza đầu tiên là sản phẩm sáng tạo của Claudio Torghele, một doanh nhân miền Bắc nước Ý, ông đã nghiên cứu và kết hợp cùng công ty Let’s Pizza trình làng chiếc máy vào năm 2009.
Ngay cả Torghele cũng khá ngạc nhiên về “nước đi” của ông Bucolo khi lắp một chiếc máy ở thành phố không thiếu gì tiệm pizza nữa. “Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến việc có một chiếc máy làm pizza tự động ở Rome”, Torghele nói.