“Nhà gia tiên” tâm huyết đưa văn hoá truyền thống Việt đến gần với giới trẻ

20/02/2025

Bộ phim điện ảnh "Nhà gia tiên" của Huỳnh Lập không chỉ là một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình mà còn là một "bảo tàng" thu nhỏ, nơi những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam được tái hiện một cách chân thực và sống động.

Huỳnh Lập bày tỏ tâm huyết của anh ở dự án điện ảnh thứ hai muốn đưa những nét văn hoá truyền thống của dân tộc đến gần hơn với các bạn gen Z. "Nhà gia tiên" là một bộ phim để anh tự hối thúc bản thân phải có nhiệm vụ lan tỏa những gì mình biết về văn hóa tâm linh, thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Bài liên quan

Hành trình đưa tinh hoa đất Việt lên màn ảnh rộng

"Nhà gia tiên" là câu chuyện xoay quanh gia đình Gia Minh (Huỳnh Lập) và Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi), đặc biệt là nhân vật Mỹ Tiên, một cô gái trẻ chưa thật sự quan tâm đến thờ cúng tổ tiên và các phong tục truyền thống.

Câu chuyện mở ra khi Mỹ Tiên nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của việc tổ chức giỗ tổ, từ đó trải qua một hành trình thay đổi quan điểm, khám phá và gìn giữ những phong tục quý giá của dân tộc.

Trong bộ phim "Nhà gia tiên", tiệm bánh xèo Hai Thế không chỉ là một địa điểm kinh doanh, đó còn là biểu tượng của truyền thống gia đình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt. Tiệm bánh xèo Hai Thế là nghề gia truyền của gia đình Gia Minh và Mỹ Tiên, một nghề đã gắn bó với gia đình họ qua nhiều thế hệ.

Qua các tình tiết về nghi thức thờ cúng tổ tiên, tác phẩm gửi gắm tình thương, sự biết ơn mỗi người dành cho tiền nhân

Qua các tình tiết về nghi thức thờ cúng tổ tiên, tác phẩm gửi gắm tình thương, sự biết ơn mỗi người dành cho tiền nhân

Huỳnh Lập đã rất tâm đắc khi chọn bánh xèo làm "nhân vật" đặc biệt trong bộ phim của mình. Bánh xèo không chỉ là món ăn quen thuộc, gần gũi với tuổi thơ của nhiều người mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn viên, sung túc. Hình ảnh gia đình quây quần bên chảo bánh xèo nóng hổi, cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh giòn tan đã trở thành một phần ký ức đẹp của nhiều người Việt Nam.

Đặc biệt, Huỳnh Lập đã chia sẻ một câu chuyện xúc động về nghề bánh xèo của gia đình mình. Nghề đổ bánh xèo đã giúp bà ngoại anh nuôi lớn 9 người con, một điều khiến anh vô cùng tự hào và trân trọng.

Nghề đổ bánh xèo, nghệ thuật tranh kiếng, tục lệ làm đám giỗ đều được Huỳnh Lập đưa vào phim điện ảnh của mình

Nghề đổ bánh xèo, nghệ thuật tranh kiếng, tục lệ làm đám giỗ đều được Huỳnh Lập đưa vào phim điện ảnh của mình

Thêm vào đó, những diễn viên quần chúng là họ hàng của Huỳnh Lập, làm bánh xèo theo công thức do bà ngoại để lại, giúp phim trở nên chân thực. Bộ phim “Nhà Gia Tiên” cũng có một cảnh quay đặc sắc mô tả cận cảnh các bước đổ bánh xèo truyền thống được thực hiện bởi chính Huỳnh Lập và Phương Mỹ Chi, qua đó, giới thiệu một cách chi tiết và hấp dẫn về món ăn này cho người xem.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong văn hóa người Việt, giỗ không chỉ là một buổi lễ đơn thuần mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống, có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh và tình cảm. Giỗ là dịp để con cháu tưởng nhớ đến những người đã khuất, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của các thế hệ đi trước.

Phim lấy cảnh đám giỗ truyền thống của người Việt Nam để làm nút thắt quan trọng, giúp đẩy mâu thuẫn lên cao trào và tiết lộ những vấn đề, thông điệp chủ đạo của phim

Phim lấy cảnh đám giỗ truyền thống của người Việt Nam để làm nút thắt quan trọng, giúp đẩy mâu thuẫn lên cao trào và tiết lộ những vấn đề, thông điệp chủ đạo của phim

Đám giỗ còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, về gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, với guồng quay bận rộn, áp lực công việc, nhiều người trẻ đôi khi không còn quá "mặn mà" với những lễ nghi truyền thống. Việc tụ họp gia đình trong ngày giỗ đôi khi trở thành áp lực, các lễ nghi truyền thống có thể bị coi nhẹ.

Hành trình của nhân vật Mỹ Tiên trong bộ phim "Nhà gia tiên" như một "hành trình tìm về", từ sự "hờ hững" đến sự "thấu hiểu" ý nghĩa thực sự của đám giỗ. Đó không chỉ là tưởng nhớ người đã khuất, đó còn là "chất keo" kết dính các thành viên trong gia đình, là "ngọn lửa" sưởi ấm những trái tim.

Đạo diễn chia sẻ xung đột trong lúc đám giỗ ở phim của anh là để hóa giải những hiểu lầm, những khuất mắt tâm lý giữa các thành viên

Đạo diễn chia sẻ xung đột trong lúc đám giỗ ở phim của anh là để hóa giải những hiểu lầm, những khuất mắt tâm lý giữa các thành viên

Huỳnh Lập tiết lộ, ở đại cảnh đám giỗ trong “Nhà Gia Tiên”, anh quyết định trang điểm màu trắng đen cho toàn bộ dàn diễn viên đảm nhận vai ông bà tổ tiên trở về ăn giỗ với con cháu. “Nếu mọi người ở nhà có hình ông bà hồi xưa thì sẽ thấy hình càng cũ càng bạc màu, cho đến lúc chỉ còn màu trắng đen. Lập mới nghĩ tại sao mình không thể hiện điều này trên các nhân vật là ông bà tổ tiên? Khi trang điểm tất cả các diễn viên màu đen trắng ngồi một dàn như vậy, Lập nghĩ nếu khán giả mà thấy được nguyên “hội đồng gia tiên” màu trắng đen như vậy thì sẽ đem lại cảm xúc bất ngờ, mong rằng đó sẽ là một phân cảnh ấn tượng ở khúc cuối của bộ phim”.

Tái hiện nghệ thuật tranh kiếng đang dần mai một

Tranh kiếng, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ. Từ những bức tranh thờ cúng trang nghiêm trong đình chùa, miếu mạo đến những bức tranh trang trí rực rỡ trong nhà ở, cung điện, tranh kiếng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt.

Ngày xưa, bước vào bất kỳ căn nhà nào ở vùng quê Nam Bộ không khó để bắt gặp những bộ tranh kiếng treo trang trọng trong mặt tiền nhà.

Ngày xưa, bước vào bất kỳ căn nhà nào ở vùng quê Nam Bộ không khó để bắt gặp những bộ tranh kiếng treo trang trọng trong mặt tiền nhà.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước có thể coi là "thời kỳ vàng son" của tranh kiếng Việt Nam. Các làng nghề tranh kiếng nổi tiếng như làng tranh kiếng Bà Vệ (An Giang), làng tranh kiếng Chợ Lớn (TP.HCM) hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Những người nghệ nhân tài hoa đã tạo ra những tác phẩm tranh kiếng tuyệt đẹp, không chỉ phục vụ nhu cầu trang trí, thờ cúng mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ, nhưng hiện nay, tranh kiếng thủ công đang dần mai một trước sự cạnh tranh của các dòng tranh trang trí khác và công nghệ in ấn hiện đại. Sự xuất hiện của các loại tranh in, tranh dán với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ đã khiến cho tranh kiếng thủ công gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Tranh kiếng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của văn hóa tín ngưỡng, gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ

Tranh kiếng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của văn hóa tín ngưỡng, gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ

Để tái hiện một cách chân thực nhất những bức tranh kiếng vẽ tay theo phong cách Nam Bộ xưa cũ trên màn ảnh, ê-kíp "Nhà Gia Tiên" đã thực hiện một hành trình kỳ công và đầy tâm huyết. Họ đã lặn lội tìm về làng tranh kiếng Bà Vệ, một trong những cái nôi lâu đời của dòng tranh này, với mong muốn thu thập và phục chế những tác phẩm đang dần mục nát, thậm chí có nguy cơ bị bỏ đi.

Hành trình này không hề dễ dàng, bởi lẽ những bức tranh kiếng cổ thường đã trải qua nhiều năm tháng, bị thời gian bào mòn và hư hại. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và tâm huyết với di sản văn hóa, ê-kíp đã kiên trì tìm kiếm, lựa chọn những bức tranh còn sót lại, dù chỉ là những mảnh vỡ.

Sau khi thu thập được những bức tranh quý giá, ê-kíp đã bắt tay vào công đoạn phục chế. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiến thức chuyên sâu về tranh kiếng. Từng nét vẽ, từng màu sắc được phục hồi một cách cẩn thận, để những bức tranh cổ có thể "sống lại" trên màn ảnh, mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực nhất về vẻ đẹp của dòng tranh kiếng Nam Bộ xưa.

Để đưa nghệ thuật này lên màn ảnh rộng, đoàn phim đã dành rất nhiều tâm huyết

Để đưa nghệ thuật này lên màn ảnh rộng, đoàn phim đã dành rất nhiều tâm huyết

Bên cạnh việc phục chế tranh cổ, ê-kíp "Nhà Gia Tiên" cũng đã đặt hàng các nghệ nhân vẽ một số bức tranh kiếng theo ý tưởng của đạo diễn Huỳnh Lập. Những bức tranh này được sử dụng xuyên suốt quá trình quay phim, góp phần tạo nên không gian cổ kính, đậm chất Nam Bộ cho bộ phim.

Việc sử dụng tranh kiếng thật trong "Nhà Gia Tiên" không chỉ là một nỗ lực tái hiện lịch sử, văn hóa mà còn là cách để ê-kíp tri ân những người nghệ nhân đã góp phần tạo nên di sản văn hóa quý giá này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về giá trị nghệ thuật và văn hóa của tranh kiếng Nam Bộ, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Huỳnh Lập quyết định đưa tranh kiếng trở thành biểu tượng trong bộ phim của mình sau thời gian đi tìm bối cảnh

Huỳnh Lập quyết định đưa tranh kiếng trở thành biểu tượng trong bộ phim của mình sau thời gian đi tìm bối cảnh

“Nhà Gia Tiên” của đạo diễn Huỳnh Lập mang đến một câu chuyện gia đình đầy cảm xúc, pha trộn yếu tố hài hước và tâm linh đặc sắc. Bên cạnh đó, phim còn có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Hạnh Thuý, NS Trung Dân, NSƯT Huỳnh Đông, NS Mạnh Dung, NSƯT Thanh Dậu, NS Thanh Hiền, cùng nhiều gương mặt quen thuộc như Puka, Phương Mỹ Chi, Đào Anh Tuấn…

Phim điện ảnh “Nhà Gia Tiên” có suất chiếu đặc biệt từ ngày 19/2 và chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 21/2/2025.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES