Nhìn lại từ Cái Chết Đen

13/08/2021

Lịch sử cho thấy bản thân dịch bệnh đã là thảm họa, tuy nhiên những phản ứng thái quá của con người lại là chất xúc tác tạo ra sự hỗn loạn và chết chóc ở tầm mức lớn hơn nhiều. Trên thực tế, Cái Chết Đen chỉ là một trong các ví dụ tiêu biểu về cách thức một bệnh dịch diễn ra trong vòng bốn năm đã thay đổi diện mạo cả thế giới và toàn bộ nền văn minh nhân loại mạnh mẽ đến thế nào.

Vào một ngày ảm đạm tại thành phố London (Anh) tháng 1/1349, bỗng vang lên những tiếng chuông đầu tiên cảnh báo về đại dịch Cái Chết Đen. Tiếng chuông ấy đã nhấn chìm thành London trong bầu không khí của sợ hãi và chết chóc suốt nhiều tháng trời. Người dân London đã được cảnh báo về sứ giả dịch bệch của Chúa càn quét qua các thành phố khác tại châu Âu như Florence - nơi 60% người dân chết vì căn bệnh quái ác ấy một năm trước. Nhưng từng đó dấu hiệu, là chưa đủ. Phải đến khi đối mặt trực tiếp với Cái Chết Đen, những con người trần tục ấy mới biết lưỡi hái thần Chết lạnh lùng và đáng sợ đến mức nào.

Đồ

Đồ "bảo hộ" của các thầy thuốc trong thời Cái Chết Đen (Ảnh: Internet)

Trước đó, mùa hè năm 1348, bệnh dịch hạch xuất hiện tại châu Âu và dần dần xâm lấn vào trung tâm lục địa. Dịch hạch gây ra các triệu chứng đau đớn cho người bệnh bao gồm: sốt, nôn mửa, ho ra máu, mụn mủ đen trên da, sưng hạch lympho và người bệnh thường tử vong trong vòng 3 ngày. Khi phải thực sự mặt đối mặt với Cái Chết Đen, tất cả những gì chính quyền London có thể làm là cho xây nghĩa trang khổng lồ East Smithfield, để chôn càng nhiều người nhiễm bệnh càng tốt trong vùng đất đã được nhà thờ làm phép, giúp Chúa có thể xác định người chết ở đây là những con chiên Kito hữu trong ngày phán xét. Không thể cứu được sự sống, thành phố London chỉ còn có thể tìm cách cứu rỗi lấy các linh hồn.

Dịch hạch không biến mất sau Cái Chết Đen. Nhiều nước như Anh và Ý phải trải qua nhiều đợt bùng phát liên tiếp. Trên thực tế, Cái Chết Đen chỉ là một trong các ví dụ tiêu biểu về cách thức một bệnh dịch diễn ra trong vòng bốn năm đã thay đổi diện mạo cả thế giới và toàn bộ nền văn minh nhân loại mạnh mẽ đến thế nào.

Sự hỗn loạn của xã hội châu Âu trong trận dịch hạch (Tranh: The Triumph of Death, Pieter Bruegel, 1562)

Sự hỗn loạn của xã hội châu Âu trong trận dịch hạch (Tranh: The Triumph of Death, Pieter Bruegel, 1562)

Phép thử dành cho nhân loại

Cái Chết Đen (Black Death hay Bubonic Plague) là tên gọi ám chỉ tới trận dịch hạch lan tràn trên lục địa Á-Âu giữa thế kỷ XIV. Nổi tiếng trên khắp châu Âu với tên gọi Cái Chết Đen, dịch bệnh này được cho là gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên các loài chuột, được vận chuyển qua khắp các tuyến đường giao thương từ đường biển tới đường bộ ở thời bấy giờ. Quy mô của bệnh dịch này cũng tiến hóa theo bước đi của lịch sử nhân loại, gắn liền với ba trận dịch lớn có quy mô toàn cầu, bao gồm:

  1. Trận dịch thời Justinian (541)
  2. Cái chết đen (1348)
  3. Làn sóng dịch thứ ba (1855)

Chúng là những ví dụ cho thấy sự ‘mong manh’ của các cấu trúc chính trị-xã hội của con người, đồng thời phản ánh hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, chiến tranh, thương mại và mở rộng đế chế đã tạo ra các mạng lưới mà theo đó, không chỉ có tơ lụa mà chuột và những mầm mống tai họa (ở đây là dịch bệnh) cũng có cơ hội được di chuyển đến toàn cầu. Vào lúc đỉnh điểm của các trận dịch này, có 800 người chết ở Paris (Pháp) một ngày. Con số này ở Pisa (Ý) là 500 và 600 ở Vienna (Áo). Một nửa dân số của thành phố Siena (Ý) đã chết trong vòng một năm. Tương tự Florence (Ý) mất 50.000 dân trên tổng số 100.000 người.

Không chỉ tơ lụa mà chuột và những mầm mống tai họa/dịch bệnh cũng có cơ hội được di chuyển đến toàn cầu. (Tranh: Two Rats, Vincent van Gogh)

Không chỉ tơ lụa mà chuột và những mầm mống tai họa/dịch bệnh cũng có cơ hội được di chuyển đến toàn cầu. (Tranh: Two Rats, Vincent van Gogh)

Những thống kê khác chỉ ra khoảng 50% dân số thế giới đã trở thành nạn nhân của bệnh dịch, và con số này có thể vào khoảng 75-100 triệu người. Trận dịch hạch lớn cuối cùng là vào năm 1855, bắt đầu ở Trung Quốc, và đã giết chết 10 triệu người chỉ riêng ở Ấn Độ. Chỉ đến năm 1895, bác sĩ Alexandre Yersin mới tìm ra nguyên nhân của dịch này khi nghiên cứu sự bùng phát của nó ở Hong Kong.

Lịch sử cho thấy bản thân dịch bệnh đã là thảm họa, tuy nhiên những phản ứng thái quá của con người lại là chất xúc tác tạo ra sự hỗn loạn và chết chóc ở tầm mức lớn hơn nhiều. Mỗi lần dịch bệnh xuất hiện trong lịch sử loài người, nó như một phép thử hoàn chỉnh cho sự dẻo dai của nhân loại để bảo toàn cho sự sống còn mỏng manh của giống loài.

Bệnh viện thời dịch bệnh (Tranh: Hospital Plague, Francisco de Goya)

Bệnh viện thời dịch bệnh (Tranh: Hospital Plague, Francisco de Goya)

Những lời “tiên tri” đến từ quá khứ

Mặc cho hệ quả kinh khủng của dịch bệnh là thế nhưng có một sự thật mà ít ai trong chúng ta chú ý, đó là: nếu nhìn về lịch sử nhân loại thì số lần dịch bệnh diễn ra cũng nhiều như các cuộc chiến tranh đã từng được ghi lại trong sử sách. Thậm chí, có một triết gia hiện sinh người Pháp đã viết ra một câu chuyện - mà ở giữa tâm đại dịch Covid-19 lại trở nên thân thuộc một cách kỳ lạ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“The Plague” (Bệnh dịch) của Albert Camus ở thời điểm những năm 2020 và 2021 có thể được đọc như một bản tường thuật nhiều hơn là một cuốn sách. Bởi ở đó, người dân trong thị trấn Oran cũng trải qua nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc. Từ việc chối bỏ sự tồn tại của dịch bệnh trong những thời điểm đầu, sau đó là sự chậm trễ của các cơ quan công quyền việc phản hồi, sự thiếu hụt nguồn cung cấp y tế quan trọng, tình trạng quá tải của các bệnh viện… Camus dường như đã nhìn thấy tất cả với sự rõ ràng kỳ lạ. Hơn nữa, Camus còn thể hiện một sự thấu hiểu rằng, đại dịch không chỉ có thể gây hại cho cơ thể mà còn cả tinh thần của những con người giữa tâm dịch nữa.

Nhà văn, nhà báo, triết gia người Pháp - Albert Camus (1913-1960)

Nhà văn, nhà báo, triết gia người Pháp - Albert Camus (1913-1960)

Một trong những đặc điểm tồi tệ nhất trong tâm của bệnh dịch là nó dường như không bao giờ kết thúc. Một người gác đêm trong “The Plague”, trong cơn hoảng sợ, đã ước rằng thành phố bị động đất thay vì bệnh dịch. Anh ta nói:

“Động đất, sóng thần, lở đất và các thảm họa thiên nhiên tương tự khác - cũng khủng khiếp như bệnh dịch - nhưng chúng đều có một ơn cứu độ duy nhất: chúng kết thúc nhanh chóng. Chúng có một cái kết được xác định rõ ràng, từ đó những người sống sót có thể đau buồn và bước tiếp.”

Mặt khác, mỗi ngày bệnh dịch trôi qua lại mang đến một số lượng tử vong mới nhỏ giọt đều đặn. Bệnh dịch cũng gây ra một loại mất mát khác: sự xa cách kéo dài với những người thân yêu khi lệnh cách ly có hiệu lực. Những lo sợ rằng bệnh dịch có thể kéo dài một năm hoặc thậm chí lâu hơn gây ra sự mất kết nối trong cảm xúc và tạo nên những hồ nghi về thời điểm tái hợp với những người thân. Chính bởi thế, con người ở trong tâm dịch thường rất dễ tuyệt vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và quyết định sẽ dễ dàng hơn nếu ngừng nghĩ về nó. Camus miêu tả hoàn cảnh ấy là lúc con người trở nên giống như “những cái bóng lang thang” “trôi qua cuộc đời hơn là sống”, bị giày vò bởi “những ký ức vô định”.

Bệnh dịch cũng cướp đi những niềm vui đơn giản của cuộc sống. Không chỉ cư dân của thị trấn hư cấu Oran (trong “The Plague”) bị cấm đi lại, họ thậm chí không thể đi dạo trên bãi biển gần đó. Để diễn giải rõ ràng thì Camus cho rằng sự bất hạnh của bệnh dịch phần nào đến từ sự đơn điệu tuyệt đối của nó. Ngay cả những thú vui đơn giản nhất cũng bị loại bỏ: một ông già từng thích khạc nhổ vào lũ mèo hoang trên đường không còn làm được việc đấy nữa (vì lo ngại rằng chúng có thể là nguồn truyền bệnh). Camus viết: “Bệnh dịch đã giết chết tất cả các màu sắc, phủ quyết đi tất cả những niềm vui”. Vậy có cách nào để con người vượt qua được cảm giác tiêu cực mà sự tuyệt vọng ấy mang lại hay không?

Camus gợi ý là có.

Camus phân biệt giữa tuyệt vọng và “thói quen tuyệt vọng” - cái khiến mọi người trở nên tê liệt trước nỗi đau của họ. Tuyệt vọng vẫn chưa trở thành thói quen khi sự mất mát vẫn còn đau đớn, bởi vì bạn vẫn tiếp tục hy vọng về sự đoàn tụ: ký ức của bạn về người thân vẫn chưa mất đi “tính kết nối xác thịt”. Cách duy nhất để lưu giữ những ký ức đó, là làm những gì mà người dân trong thị trấn Oran của “The Plague” đã trốn tránh: tưởng tượng về những ngày đoàn tụ với người thân - từ những thứ mà người ta yêu đang làm trong hiện tại, cho tới việc chúng ta sẽ làm gì cùng nhau khi mọi việc trở lại bình thường. Điều này có thể tạm thời… đau đớn hơn, nhưng đó cũng là cách duy nhất để thực sự sống giữa tâm dịch nhiều biến đổi khó lường.

Sức mạnh của trí tưởng tượng để giữ cho tình yêu tồn tại được thể hiện một cách ngoạn mục thông qua nhân vật Raymond Rambert, một nhà báo sống ở Paris, người tình cờ đến điều tra tình trạng vệ sinh trước khi dịch bệnh bùng phát và bị mắc kẹt trong khu cách ly. Rambert thích dành ra 4 tiếng mỗi sáng để “nghĩ về Paris yêu dấu của anh ấy” và “gợi lại những bức ảnh về người phụ nữ mà anh ấy đang chia xa”. Rambert cũng mơ mộng về Paris - như một kiểu giai thoại ngược dành cho người anh yêu nay còn sống trong nơi thành phố phồn hoa.

“Ở đó hiện lên trước mắt anh ấy, khung cảnh một người tình không mảnh vải che thân, những tảng đá cũ và bờ sông, những chú chim bồ câu ở Palais-Royal, ga tàu điện ngầm Gare du Nord, những con phố cổ yên tĩnh quanh Pantheon, và nhiều khung cảnh khác của thành phố mà anh ấy chưa từng biết rằng mình từng yêu nó nhiều như thế.”

Tranh: Starry Night over Rhone, Vincent van Gogh

Tranh: Starry Night over Rhone, Vincent van Gogh

Ngoài trí tưởng tượng, con người cần khả năng nhìn nhận thực tế một cách rõ ràng. Chờ đợi vào sự bình yên trong tương lai thôi là chưa đủ, người ta vẫn phải sống trong hiện tại. Theo Camus, bệnh dịch như là một phép xem xét lại vị trí của loài người trong kế hoạch của vạn vật, bắt đầu bằng việc nhận ra rằng triết gia Protagoras đã sai - con người không phải là thước đo của vạn vật.

Chủ nghĩa phi lý của Camus thừa nhận rằng, vũ trụ không thể đáp ứng khao khát luôn tìm tòi ý nghĩa, tìm tòi tình yêu của con người. Bệnh dịch cũng là một hiện tượng theo chủ nghĩa phi lý: nó có quy mô rộng lớn, giết chết nhiều người đến mức không để lại chút ít chỗ để tôn trọng phẩm giá của họ. (Lời kể của Camus về việc chôn cất hàng loạt mà không có lễ tang thích hợp là một minh chứng đặc biệt nghiệt ngã cho thực tế này). Đồng thời, nguồn lây lan, vi khuẩn, là kẻ thù quá nhỏ để có thể nhìn thấy và chiến đấu. Do đó, ở mọi ngã rẽ, bệnh dịch bất chấp nỗ lực của con người để hiểu về nó. Điều cần thiết để sống trong thực tế lúc này, theo Camus là một sự khiêm tốn hiện sinh, một sự hiểu biết về vị trí thực sự của chúng ta trong trật tự của mọi thứ.

Chủ nghĩa hiện sinh phi lý của Camus cũng tạo ra một loại niềm vui đặc biệt. Gần cuối trận dịch, hai người bạn Tarrou và Rieux lặng lẽ đi ra biển vào ban đêm, nhờ vào thẻ của Chính phủ mà họ có. Khi cả hai người đàn ông chuẩn bị nhảy xuống nước, họ bị lấn át bởi một “niềm hạnh phúc kỳ lạ” rằng: hạnh phúc không đến từ việc trốn tránh hoặc từ chối thực tế.

Điều cần thiết để sống trong thực tế lúc này, là một sự khiêm tốn hiện sinh, một sự hiểu biết về vị trí thực sự của chúng ta trong trật tự của mọi thứ. (Tranh: Rene Magritte)

Điều cần thiết để sống trong thực tế lúc này, là một sự khiêm tốn hiện sinh, một sự hiểu biết về vị trí thực sự của chúng ta trong trật tự của mọi thứ. (Tranh: Rene Magritte)

“The Plague” của Camus hay câu chuyện về Cái Chết Đen không phải lúc nào cũng là những món súp nhẹ nhàng hoặc một câu chuyện tích cực giúp người đọc nâng cao tinh thần. Bóng tối ấp ủ và nỗi tuyệt vọng trống rỗng vang lên từ hầu hết các trang giấy của “The Plague” hay những con số tàn khốc của “cái chết đen”. Nhưng đây chính là điều khiến những lời kêu gọi của Camus về hy vọng và niềm vui trở nên mạnh mẽ. Chúng không được sinh ra từ tưởng tượng mà thay vào đó, bắt nguồn từ thực tế đau khổ và sự đau khổ ấy thúc đẩy nhân loại mạnh mẽ hơn, con người trở nên con người hơn. Chúng ta có thể cho bản thân một phút để cảm nhận những cảm xúc tiêu cực, nhưng một phút đó qua rồi thì phải đứng lên để tiếp tục cố gắng, cùng nhau chung tay vượt qua những ngày tháng khó khăn mà bệnh dịch đang tạo ra.

Trọng Nghĩa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES