Bị thôi thúc và tò mò vô hạn bởi những tấm hình hàng chục chú chuột ngoan ngoãn uống sữa ngon lành, tôi quyết đi cho bằng được đến đền thờ Chuột dù tôi là người sợ chuột. Nhóm có 8 người thì có đến một nửa không muốn tới vì “một con chuột chạy qua chân đã hét ầm ĩ lên rồi, huống chi lại cả ngàn con chuột”. Nhưng rồi sự tò mò cũng đã chiến thắng. Sau gần nửa tiếng chạy xe tuk tuk từ New Dehli, cả nhóm có mặt tại cửa đền kỳ lạ nằm ở miền tây bắc Ấn Độ.
Deshnoke - thành phố nổi tiếng với ngôi đền Karni Mata (hay vẫn được gọi với cái tên đơn giản là Đền Chuột) - có vẻ ngoài giống như tất cả các ngôi đền trên khắp đất nước Ấn Độ, nhưng nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt từ cánh cổng. Karni Mata không đông khách du lịch, khách đi theo tour chắc sẽ không được đưa đến đây. Chỉ có những người dân đến dâng hương và những vị khách hiếu kỳ như chúng tôi lúc này, rải rác vào mọi thời gian trong ngày. Ngôi đền không thu bất cứ loại phí nào, nhưng khách vào thăm buộc phải đi chân trần vào bên trong. Tôi bỏ lại giày bên ngoài nơi để giày, bước đôi chân có tất vào trong đền, trong khi những người bạn cùng đoàn bọc ngoài lớp tất một lớp bọc giày mà chúng tôi mang theo để vào các nơi. Vậy là đành phải hy sinh một đôi tất rồi, may là tôi có mang theo tất dự phòng sẵn trong balô.
Một khoảnh sân ngay phía trước đền hiện ra hàng chục chú chim bồ câu đang ăn. Thấy tiếng bước chân của các vị khách lạ, chúng dường như đã quen, không buồn nhấc cánh bay lên. Cánh cổng vào đền dường như đã khác. Thay vì những hình voi, hình chim chóc, là những chú chuột.
Một khoảnh sân ngay phía trước đền hiện ra hàng chục chú chim bồ câu đang ăn. Thấy tiếng bước chân của các vị khách lạ, chúng dường như đã quen, không buồn nhấc cánh bay lên. Cánh cổng vào đền dường như đã khác. Thay vì những hình voi, hình chim chóc, là những chú chuột. |
Rút hết can đảm, tôi bước chân qua cánh cửa, vào đền. Nào có phải là cánh cửa không có chuột, một vài chú cứ chạy ngang cái vèo qua qua lại lại giữa hai cánh cửa, khiến cho tôi vừa vội nhấc chân, vừa chạy tọt vào bên trong.
Một mùi hôi nồng nặc bốc lên ngay từ khi tôi bước qua cánh cửa. Trên cao, một giàn lưới bảo vệ bu đặc những chú chim bồ câu. Người ta phải làm lưới như thế này để tránh các chú chim rình mồi không nhao xuống với những chú chuột đang nhởn nhơ chạy ngang dọc trong đền. Giờ đã là hơn 9h sáng. Theo như những người trông đền thì tầm giờ này các chú chuột đã đi ngủ sau khi ăn no vào lúc 7h sáng. Nếu bạn đến vào giờ đó, sẽ thấy hàng nghìn chú chuột nhung nhúc trong sân, lúc đấy chắc bạn chẳng dám vào. Mặc dù là giờ ngủ của các chú chuột, nhưng vẫn có không ít chú đang ngoan ngoãn uống sữa trong hai chiếc chậu to để ở góc sân. Vậy là thỏa lòng mong ước với hình ảnh chuột uống sữa mà bấy lâu nay ngắm mãi trên báo mạng, tôi lao ngay ra góc sân, chụp lấy chụp để các chú chuột đáng yêu đang liếm sữa, vừa chụp vừa liên tục đảo mắt xuống chân xem có chú nào đang chạy lại đâm sầm vào chân mình hay không. Trong khi với những người dân đến làm lễ, việc được những chú chuột chạy qua chân là một may mắn, với những vị khách du lịch, dù cố gắng để không tỏ ra mất lịch sự khi có chú chuột nào vô tình đi qua vẫn cứ rón rén tự động lánh xa cho nhanh.
Hai chậu sữa bu kín đến hàng chục chú chuột đầu đen, mải mê uống sữa. Các chú chuột trong đền đã quá quen với hình ảnh hàng chục đôi mắt ngắm nhìn, thản nhiên uống sữa, liếm râu rồi chậm rãi đi về hang, nơi được bao kín dành riêng cho chúng. Một số chú gà gật ngủ trên các thanh sắt uốn. Một số chú khác nằm ngay trên bậc tam cấp, vừa sưởi nắng vừa cuộn tròn ngủ ngon lành. Chuột có mặt ở khắp mọi nơi, chúng leo tuốt lên tận trên cao, chạy qua chạy lại trên những khung cửa sổ, nơi bồn rửa, nép mình bên bậc thềm và trong sân. Nơi ít chuột chạy qua nhất là giữa sân, nơi ánh nắng hiếm hoi chiếu rọi.
Theo truyền thuyết, đền Karni Mata, được xây dựng vào những năm 1900 bởi Maharaja Ganga Singh, và nhận được sự bảo vệ của nữ thần Durga. Truyền thuyết kể rằng trong những năm 1400, khi một đứa trẻ con của một thành viên trong thị tộc của nữ thần Durga chết, bà đã cầu xin thần Yama - vị thần chết -đưa đứa trẻ trở lại sự sống nhưng tiếc rằng vị thần này đã từ chối. Bà vẫn tiếp tục van xin và cuối cùng thần chết cũng đồng ý, nhưng chỉ có một cách để cậu bé tái sinh trở lại là đầu thai sống kiếp chuột, bà đã thỏa thuận với thần Yama rằng tất cả các thành viên đã chết trong thị tộc của bà sẽ sống kiếp chuột cho đến khi họ được đầu thai thành người. Nếu một ai đó vô tình giẫm chết một con chuột khi bước vào ngôi đền thì họ phải mua lại một con rắn vàng hay một con chuột bạc đặt trong đền thờ để chuộc lỗi với con chuột đã chết.
Nếu một ai đó vô tình giẫm chết một con chuột khi bước vào ngôi đền thì họ phải mua lại một con rắn vàng hay một con chuột bạc đặt trong đền thờ để chuộc lỗi với con chuột đã chết. |
Trong đền lúc này đang có một buổi lễ nên khách không được phép vào tận bên trong. Rất đông người và chuột đứng chung với nhau. Một cô bé đang được bố cho nếm thử món sữa trong chính chiếc chậu mà các chú chuột đang uống. Với họ, đó là một điều may mắn. Còn với các vị khách, điều này quá dũng cảm. Người dân địa phương tin rằng, nếu ai được một chú chuột chạy qua chân hay nhìn thấy chú chuột trắng, nghĩa là bạn sẽ được ban phước lành. Các chú chuột trắng được coi là những vị thần đặc biệt, là hiện thân của nữ thần Karni Mata và dòng họ của bà. Thậm chí nếu bạn ăn đồ ăn của chuột, điều này sẽ còn tốt hơn nữa. Nhưng chỉ nhìn chuột thôi đã đủ kinh, chú nào loạng quạng chạy qua chân, dù cố gắng hết sức, tôi vẫn tránh phắt ngay sang chỗ khác. Góc bên kia, các cô nàng yếu vía nhanh chóng lượn vào, chụp ảnh rồi chạy bổ ra ngoài.
Là một trong những ngôi đền kỳ lạ nhất trên thế giới, đền Chuột hàng ngày đều đón không ít những vị khách tò mò ghé thăm. Nhưng không phải ai cũng có đủ dũng cảm để bước chân vào ngôi đền và thăm những chú chuột đặc biệt trong ngôi đền linh thiêng. Đền Karni Mata nằm ở Deshnok, cách Bikaner khoàng 30 km. Thành phố này liên kết với các thành phố khác như New Delhi, Jaipur, Jodhpur … thông qua một trong những tuyến đường cao tốc hiện nay của Ấn Độ.