NHỮNG CHUYỆN KỂ XUNG QUANH CUNG NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU
Bài và ảnh: Khắc Dũng
Mới đây, chúng tôi tình cờ gặp nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân ngay trong cung Nam Phương hoàng hậu và đã được ông kể cho nghe nhiều điều về ngôi biệt thự sang trọng này, trong đó có chuyện về cuộc đời hoàng hậu Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
“Nhận lời mời của chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vừa đến Đà Lạt để giúp Bảo tàng Lâm Đồng trong việc tổ chức trưng bày một số tư liệu, hình ảnh… và cả ý kiến khoa học về Nam Phương hoàng hậu và cung Nam Phương hoàng hậu tại Đà Lạt. Hiện tại, ở mô hình mới – mô hình trưng bày các hiện vật, hình ảnh… gắn với chủ nhân đầu tiên của dinh thự Nguyễn Hữu Hào (tên gọi khác của cung Nam Phương hoàng hậu) – vẫn còn nhiều việc phải làm lắm!” – ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, cho biết.
MỘT DINH THỰ SANG TRỌNG
Vừa đưa chúng tôi đi tham quan qua các phòng trưng bày, Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng, bà Đoàn Bích Ngọ, vừa giới thiệu: “Cung Nam Phương hoàng hậu là một dinh thự cổ, được xây dựng theo kiến trúc Pháp những năm 30 của thế kỷ trước. Đây là dinh thự do ông Nguyễn Hữu Hào - đại điền chủ giàu có của xứ Gò Công (nay là Tiền Giang) xây để tặng cho con gái của mình là Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương hoàng hậu – hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Bởi thế, dinh thự này có đến hai tên: Dinh Nguyễn Hữu Hào và cung Nam Phương hoàng hậu. Đây là một tòa nhà không lớn nhưng lại nằm ở một vị thế khá đắc địa và được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp có cách tân nên được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu về kiến trúc”.
Thú thật, nhiều lần đi ngang qua và cũng rất nhiều lần đi vào bên trong công trình kiến trúc này nhưng mãi đến khi nghe bà Đoàn Bích Ngọ nói đến công trình dinh thự Nguyễn Hữu Hào “được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp có cách tân”, chúng tôi mới thực sự lưu tâm đến “hình dáng” của ngôi nhà này. Tuy gọi là “cung” nhưng cung Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt không quá rộng rãi và cầu kỳ. Nó chỉ khoảng 500m2 diện tích sử dụng, gồm một tầng hầm, một tầng trệt và một tầng lầu. Tuy nhiên, theo suy nghĩ thiển cận của chúng tôi, điều quan trọng hơn đó là phong cách kiến trúc của công trình do nhà đại điền chủ (sau này là quận công) Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình là một hoàng hậu theo đạo Công giáo làm dâu một dòng tộc theo Phật giáo truyền thống là hoàng tộc Nguyễn (vua Bảo Đại). Có lẽ đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào phải mất nhiều đêm suy nghĩ để chọn phong cách kiến trúc Art Deco để xây dinh thự tặng cho con gái mình ở xứ hoàng triều cương thổ Đà Lạt – Tây Nguyên.
Bà Đoàn Bích Ngọ nói tiếp: “Nếu không kể tầng hầm chìm trong lòng đất thì dinh thự Nguyễn Hữu Hào gồm hai tầng lầu tuy nhỏ nhưng được xây dựng khá kiên cố và khá đẹp với kiến trúc thể khối, có các cửa mở ra bốn hướng. Điều đáng quan tâm, tuy đây là công trình kiến trúc hình khối nhưng bên trong được thiết kế khá thoáng về mặt không gian, và nội thất tuân thủ kiểu “cửa vòm, ô kính màu” nên cả công trình này vẫn toát lên sự sang trọng và không quá thực dụng”. Bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng nhận ra tổng thể của công trình kiến trúc cung Nam Phương hoàng hậu là một hình khối theo kiểu vừa kinh điển và vừa hiện đại trong bố cục không gian của phong cách kiến trúc lúc bấy giờ - phong cách tân cổ điển có hình khối làm chủ đạo nhưng đồng thời đã được mềm hóa bằng các họa tiết trang trí vừa mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu vừa mang dáng dấp kiến trúc của phương Đông. Theo suy nghĩ chủ quan, chúng tôi cho rằng Art Deco là sự lựa chọn về phong cách kiến trúc trong xây dựng công trình cung Nam Phương hoàng hậu để tặng riêng cho con gái mình là sự lựa chọn đúng của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào lúc bấy giờ (những năm đầu 30).
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU VÀ ĐÀ LẠT
Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân sau một vòng tham quan cung Nam Phương hoàng hậu đã phát biểu: “Biết Bảo tàng Lâm Đồng đưa ngôi nhà này vào trưng bày với kỳ vọng phục dựng để giới thiệu với du khách đời sống sinh hoạt của một gia đình quý tộc vương triều Nguyễn – gia đình Nam Phương hoàng hậu, tôi rất cảm kích. Ngoài kinh đô triều Nguyễn ở Huế ra thì Đà Lạt là nơi ghi lại nhiều dấu ấn nhất của vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam này. Bởi vậy, việc làm của Bảo tàng Lâm Đồng là đưa cung Nam Phương hoàng hậu vào khai thác du lịch dước góc độ văn hóa – lịch sử như thế này là một việc làm cần được sự ủng hộ”.
Chúng tôi đặt câu hỏi cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về bà Nam Phương trong lịch sử Việt Nam ở giai đoạn cuối của chế độ phong kiến. Có người còn nói rằng, bà Nam Phương là người của Pháp, ông nghĩ sao?”. Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân trả lời: “Không phải mới đây mà những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, về bà Nam Phương hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam đã có từ rất lâu. Nhưng có điều, với riêng mảnh đất Đà Lạt hoàng triều cương thổ, chúng ta cần lưu ý là bà Nam Phương có một giai đoạn gắn bó rất mật thiết; và tại đây, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã biểu lộ một cách rõ ràng nhất”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, bà Nam Phương khi vừa là một nữ sinh tú tài ở Pháp về, người Pháp đã “cài cắm” vào triều Nguyễn với mục đích “nắm” được vua Bảo Đại. “Tuy nhiên, theo tôi, người Pháp đã không “nắm” được hoàng hậu Nam Phương và cũng không “nắm” được nhiều thứ khác” – ông Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh. Theo tư liệu của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, sau khi gặp nhau trên chuyến tàu thủy của hãng Messagerie Maritime từ Pháp về Việt Nam, vị vua hồi loan Bảo Đại lại một lần nữa gặp lại con gái của nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào – nữ tú tài Nguyễn Hữu Thị Lan (tên của Nam Phương hoàng hậu) – tại Đà Lạt. Và từ đây, mối tình của họ đã nảy nở. Khi trở thành con dâu của triều Nguyễn, hoàng hậu Nam Phương được người đời cảm phục nhiều bởi một trong những việc mà bà đã cố gắng thực hiện là mang lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên chúa với hoàng tộc nhà Nguyễn vốn theo đạo Phật. Về sau, bà còn là người được nhắc đến nhiều bởi một lá thư vừa được công bố: “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ… Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do…”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Rồi những ngày ở Đà Lạt của vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam còn được nhắc nhiều đến việc xây lăng mộ cho bố mình – quận công Nguyễn Hữu Hào – và tự tay đề hai cặp câu đối ngay lối vào nhất chính đạo (lăng Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên một đồi thông gần thác Cam Ly, Đà Lạt): “Dữ quốc đồng hưu thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh/Dưỡng thân dục đãi bách niên phong thụ đỉnh chung bi/Chất giáng trụ thiên phảng phất anh linh quy thổ lạc/Chung trừ túc địa uất thông vượng khí hộ giai thành”; có nghĩa là “Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước/Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh/Chót vót chống trời, phảng phất khí thiên về nơi an lạc/Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành”.
Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại
“Những người làm bảo tàng chúng tôi không quá cầu toàn trong việc phục dựng nguyên trạng đời sống sinh hoạt của chủ nhân cung Nam Phương hoàng hậu nhưng với những gì đã làm được và sẽ được bổ sung từ các chuyên gia như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, dinh Nguyễn Hữu Hào – cung Nam Phương hoàng hậu – ở Đà Lạt sẽ là một “điểm nhấn” của một giai đoạn lịch sử Việt Nam được nhiều người quan tâm” – ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, đặt kỳ vọng.