Những điểm hành hương hấp dẫn nhất miền Bắc

27/02/2018

Mỗi dịp đầu xuân năm mới, người Việt thường có phong tục đi lễ chùa cầu bình an và xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh. Dưới đây là một số điểm du lịch tâm linh thu hút du khách đến cầu tài lộc, may mắn tại miền Bắc.

Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Phủ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, cách trung tâm thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Nơi này thờ Bà chúa Liễu Hạnh, được coi là một trong những chốn linh thiêng trong hệ thống đình chùa Hà Nội. Không chỉ đầu xuân năm mới mà mỗi dịp Rằm, Mùng Một, phủ Tây Hồ đông kín khách đến cầu tài lộc. Rôi đến dịp cuối năm, phủ lại đông như trẩy hội với dòng người hành hương trả lễ từ khắp mọi miền.

Ngoài việc dâng hương, lễ tạ, du khách đến với phủ Tây Hồ còn có thể kết hợp tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình của non nước mênh mông.

Chùa Hương (Hà Nội)

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy.

Hội chùa Hương diễn ra vào ngày mùng 6 tháng giêng và kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Vào dịp này, hàng triệu du khách hành hương từ khắp mọi miền lại nô nức kéo nhau về tham dự lễ hội.

Theo tương truyền, đây là nơi Quan Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện tu hành. Bên cạnh đó, Chùa Hương hay Hương Sơn là điểm hành hương nổi tiếng cũng bởi cảnh sắc hữu tình. Du khách sẽ có dịp lênh đênh trên những con đò qua dòng suối Yến thơ mộng, ngắm nhìn núi non trùng điệp với sắc xuân ngập tràn trong từng tán cây, ngọn cỏ.

Bái Đính (Ninh Bình)

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An.

Chùa Bái Đính là nơi cầu may đầu năm yêu thích của nhiều người. Khi đi làm lễ cầu may đầu năm tại ngôi chùa này nhiều doanh nhân thường kết hợp với việc đi du lịch tại khu danh thắng Tràng An.

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh là nơi tưởng niệm người phụ nữ Việt Nam có công giúp triều đình trông voi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã mất trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Đây không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương về đây xin lộc rơi lộc vãi, và để tỏ lòng thành kính năm nào người dân cũng đến tạ lễ Bà.

Theo dân gian truyền miệng thì, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới để có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi.

Đền Trần ( Nam Định)

Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.

Ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thành phố Nam Định lại tổ chức lễ khai ấn đền Trần. Đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn bởi nhiều người tin rằng có ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.

Ngoài xin ấn, dâng hương, khách đến đền ngày khai hội còn được trải nghiệm các hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo như chọi gà, diễn võ, hát văn... Để tránh đông đúc, nhiều du khách chọn đi lễ trước một ngày.

Yên Tử (Quảng Ninh)

Khi nói đến những điểm hành hương quen thuộc và hấp dẫn nhất miền Bắc thì không thể không kể đến chùa Yên Tử. Chùa Yên Tử nằm trên ngọn núi Yên Tử, độ cao 1.068m, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Dưới thời vua Trần Nhân Tông vào khoảng thế kỷ XIII nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên, với pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngày nay, chùa Yên Tử trở thành địa chỉ hành hương của nhiều Phật tử và những người theo tín ngưỡng đạo Phật, dịp đầu xuân năm mới du khách về đây để vãn cảnh và cầu may.

Ngọc Anh (TH)

RELATED ARTICLES