Những điều kiêng làm trong ngày Tết

31/01/2018

Nhiều du khách nước ngoài lần đầu ăn Tết Việt đã cảm thấy rất bối rối với việc không biết điều nào nên làm và điều nào thì không. Ngay cả với người Việt Nam, người trẻ miền này cũng chưa chắc đã am tường những điều kiêng kỵ ở miền kia. Travellive tạm lược một số điều kiêng quan trọng trong ngày Tết ba miền dành để tip bạn.

 

Ở miền Bắc

Kiêng quét nhà

Kiêng không quét nhà, nói đúng hơn là kiêng không đổ rác. Trong 3 ngày Tết có quét nhà thì phải vun vào góc, không quét rác ra cửa cũng không hốt rác đổ đi.

Phong tục này bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian của người Hoa sau đó lan sang Việt Nam.

Không chỉ ở miền Bắc mà người ba miền nói chung đều có quan niệm rằng, tuyệt đối không quét nhà vào ba ngày Tết. Vì may mắn, tài lộc sẽ theo đó mà đi. Phải đợi qua ngày mùng 4 động thổ, họ mới hốt rác.

 

Tránh đánh vỡ chén bát, đồ đạc

 

Theo quan niệm của người xưa, chén bát tượng trưng cho gia đình. Việc đánh vỡ bát đĩa là điềm báo không tốt cho gia đình trong năm tới. Chén bát bị vỡ hay cãi vã đầu năm thể hiện sự chia lìa, đổ vỡ.

Có nhiều gia đình còn kiêng nói những từ xui xẻo, tang tóc như “Chết rồi”, “Tiêu rồi”, “Nghèo”... Ngày Tết nên tránh những từ tiêu cực, tránh gắt gỏng để gia đình luôn vui vẻ, thuận hòa.

 

Kiêng cho lửa đầu năm

 

Theo tính toán của người Việt, lửa là Hỏa nằm trong ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó Hỏa tượng trưng cho màu đỏ đem lại sự may mắn, có ý nghĩa vui tươi. Đầu năm kiêng cho lửa, vì như thế là cho đi may mắn trong nhà.

Sở dĩ có việc này là ở những vùng quê phía Bắc, mọi nhà đều dùng bếp lò, bếp củi. Dù có nấu nướng hay không thì bếp không được tắt lửa, mà luôn ủ than hồng trong bếp để không phải mồi lại mỗi khi cần nấu nướng. Vì thế đầu năm nhà ai để bếp tắt  họ phải chạy đi xin ngay cục than hồng để mồi lại bếp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Kiêng treo tranh xui xẻo

 

Người miền Bắc kiêng treo tranh ảnh xui xẻo, đặc biệt là những bức tranh đánh ghen, kiện tụng trong ngày Tết. Muốn một năm mới an khang thịnh vượng nên treo những bức tranh mang ý nghĩa tài lộc như tranh gà , lợn, cậu bé. Ngày nay người Việt còn treo những chữ thư pháp, câu đối có ý nghĩa Phúc, Lộc, Thọ.

 

Ở miền Trung

 

Kiêng ăn thịt vịt

 

Kiêng ăn thịt vịt ban đầu có lẽ do thịt vịt độc, không nên ăn vào đầu năm. Phần là vì câu nói “Nước đổ đầu vịt”, ý bảo bao nhiều tiền tài đổ vào đều trôi đi hết. Vì thế người làm ăn buôn bán sẽ không ăn thịt vịt cho tới hết tháng giêng.

Thậm chí trong những ngày đầu năm, người miền Trung không ăn tôm bởi tôm đi thụt lùi, không ăn mực bởi vì tên của nó đem lại sự đen đủi.

Kiêng mặc đồ màu trắng

Đối với người Việt, màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc, chết chóc, thiếu may mắn, nên ngày Tết thường tránh mặc trang phục có màu này. Họ cũng sẽ không mặc cả màu đen và những màu sắc trầm buồn.

 

 

Theo truyền thống, chúng ta thường mặc những màu sắc rực rỡ thể hiện sự vui tươi. Các màu như đỏ, vàng luôn được chọn lựa trong ngày Tết.

Ở miền Nam

Kiêng để cối xay gạo trống

 

Ở một số vùng quê Nam bộ có tục kiêng để cối xay gạo trống vì điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa cho vụ mùa năm tới. Hoặc với những gia đình không trồng trọt cũng tránh để thùng gạo trống, bởi cho rằng năm tới sẽ đói kém, công việc không thuận lợi. Chính vì vậy họ thường bỏ vào cối xay một ít lúa, cầu mong cho vụ mùa năm tới được tràn đầy. Hay sẽ đổ đầy chum gạo, cầu mong một năm không thất thu, đói kém.

 

 

Kiêng làm mất chổi

 

Cất chổi sau khi quét xong, tục này xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Nam. Ở đây người ta kiêng làm mất chổi bởi họ quan niệm rằng, mất chổi ngày Tết nghĩa là cả năm họ sẽ bị trộm quét sạch của cải, tài sản trong nhà.

 

Kiêng từ chối cỗ tiệc

 

Khi đi chúc Tết ngày đầu năm, nếu được mời cỗ tiệc dù không muốn hoặc no cũng nên nhấm nháp một miếng cho gia chủ vui lòng. Người miền Nam vốn hiếu khách nên họ luôn bày sẵn cỗ tiệc để đón khách. Dù ghé vào giờ nào, bạn cũng nên ăn uống chút bánh trái khi họ mời. Đặc biệt, không được chống đũa vào bát ăn, điều đó thể hiện sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán.

Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bởi thế dù cuộc sống có hiện đại và nhiều phong tục tập quán bị mai một theo thời gian thì việc giữ cho những ngày Tết được vui vẻ, thuận hòa, một năm mới nhiều may mắn và tài lộc, những tục kiêng kỵ kể trên vẫn là điều chúng ta nên giữ.

 

Bài: Bảo Khuyên | Tranh: Oldday team

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES