Những điều tuyệt vời chỉ có tại Tây Nguyên

19/03/2014

Mảnh đất nắng và gió này có rất nhiều điều tuyệt vời để bạn khám phá, nhất là trong dịp tháng 3 về, khi cả đất trời bừng nở trắng mùa hoa café.

Bài: Sơn Nguyễn

Tham gia lễ hội với ánh lửa và tiếng cồng chiêng

Cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Tây Nguyên. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Cồng chiêng thường được biểu diễn vào các dịp: Lễ hội cồng chiêng (được tổ chức luân phiên hàng năm, chưa theo định kỳ tại 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng); Hội đua voi ở Buôn Đôn (thường được tổ chức vào tháng 3 các năm lẻ tại Buôn Đôn – Buôn Ma Thuột); Hội Xuân Tây Nguyên: kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 ở các buôn làng Tây Nguyên.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất cao nguyên này. Trong lễ hội này, bạn sẽ được nếm thử rất nhiều loại cà phê thơm ngon của mảnh đất Tây Nguyên.

Thăm Buôn Ako Dhong

Ako Dhong hay Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật - thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Hiện tại đây là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Đến với buôn làng, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người dân vùng đất Tây Nguyên quanh năm nắng gió và sống trong không khí núi rừng đặc trưng.

Cưỡi voi ở Buôn Đôn

Cưỡi voi băng rừng quốc gia YokDon, hay chèo thuyền độc mộc trên hồ Đăk Min là một trải nghiệm đặc biệt. Những căn nhà gỗ, những đôi mắt của người dân tộc, những đàn bò dê thong dong, dòng Sêrepok tang tình... sẽ không làm uổng phí chuyến đi đến Đắc Lắk của bạn.

Chinh phục ngã ba Đông Dương

Cửa khẩu Bờ Y, nơi “một con gà cất tiếng gáy cả ba nước cùng nghe” là địa chỉ không nên bỏ qua nếu bạn có dịp đến với vùng đất này. Là ngã ba biên giới giữa Việt Nam – Lào – Campuchia, đây là cột mốc lãnh thổ quan trọng của quốc gia.

Tây Nguyên - những mùa hoa

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Từ đầu tháng 1, cả Tây Nguyên chuyển mình trong màu lá của những cánh rừng cao su. Loài cây kinh tế của mảnh đất này trong suốt chín tháng vươn mình và sản sinh ra dòng nhựa trắng đến quãng thời gian nghỉ lấy sức. Mùa cao su không cho mủ, không có những vết cứa mới trên thân cây, không có những dòng mủ trắng nóng hổi chạy quanh thân. Cao su trút lá, rũ những mệt mỏi của mình một lần cuối trong năm, đốt nốt những tàn dư của mình thành màu vàng màu đỏ rực rỡ trên cành, trước khi rời mình xuống đất mẹ.

Đến tháng 3, những rẫy hoa cà phê tuyệt đẹp bắt đầu nở. Mỗi vụ hoa thường nở 2 – 3 đợt cho đến cuối mùa xuân. Vụ hoa nở nhanh rồi tàn nhanh, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả xinh xinh trên cành. Dịp này cũng là thời điểm thu hút đông khách nhất trong năm của Buôn Ma Thuột.

Thưởng thức ly cà phê Ban Mê thơm phức

Không ở đâu thưởng thức cà phê ngon như khi ngồi lại ở Tây Nguyên. Có lẽ bởi vì ngồi trong không gian của mảnh đất đỏ bazan giữa cái nắng cái gió, giữa không khí tuyệt vời của đất trời này, ly cà phê được pha từ chính cà phê của mảnh đất này mới thực sự nồng đượm. Hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây Nguyên như quán Pơ Lang, Thung lũng hồng, Đá Xanh, Chuông đá…

Rượu cần, men cay núi rừng

Đi Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa tới Tây Nguyên. Nhưng thú vị hơn là còn được khám phá cách làm rượu, cách thưởng thức rượu của từng dân tộc. Rượu cần ở Tây Nguyên là một thức uống không thể thiếu trong lễ hội. Ngoài uống trong các nghi lễ, người ta còn mời nhau lúc vui chơi giải trí, anh em bạn bè lâu ngày gặp mặt.

Ðể có được ché rượu thơm ngon phải làm khá nhiều công việc như chuẩn bị men, vò sành, vật liệu làm rượu... Men rượu họ thường tự làm lấy. Người ta dùng một loại cây (lá, vỏ, rễ ) phơi khô, sau đó giã nhuyễn ra như bột, đem trộn với bột gạo, cho một ít nước rồi gói lại thành một nắm lớn bằng cái bát, ủ cho đến khi mốc trắng là được.

Cách uống hoàn toàn phụ thuộc vào hình thức của nghi lễ. Nếu là lễ cúng, người ta thường dùng một cần, rồi lần lượt hút, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông, nối tiếp nhau liên tục. Người uống trước không được buông cần khi chưa có người thay thế. Ðiều này có ý nghĩa như là một sự kế tục của gia đình, dòng họ từ đời này qua đời khác. Trường hợp uống vui, bạn hữu lâu ngày gặp nhau, thì có thể cùng lúc sử dụng nhiều cần.

Ðiều nên tránh trong khi uống rượu là làm vỡ ché, gãy cần. Vì điều đó được coi là sẽ đem lại sự xui xẻo. Ðặc biệt không được buông tay cầm cần khi chưa có người thay thế. Lên Tây Nguyên, nhất là dịp đầu năm, bạn sẽ chứng kiến từng đoàn người tấp nập đi trảy hội, bạn sẽ được nghe âm thanh của cồng chiêng vang khắp buôn rẫy và chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức hương vị rượu cần thơm ngọt, cay nồng của núi rừng Tây Nguyên.

Gỏi lá ngon tuyệt

Nếu một lần đến phố núi nằm ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.

Một "rừng" lá với đủ các loại từ quen đến lạ như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Mỗi loại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau. Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.

Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.

Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.

Chinh phục những dòng thác hùng vĩ

Có vô vàn những ngọn thác tuyệt đẹp trên mảnh đất Tây Nguyên. Thác Yaly nằm trên địa bàn xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là dòng thác đẹp thuộc con sông Sê San. Thác có vị trí lí tưởng với nhiều hồ nước rộng, nhiều ốc đảo. Do cảnh quan ngoạn mục và các điều kiện tự nhiên lí tưởng mà thác Yaly đã được chọn làm điểm khởi đầu cho nhiều tour trong chương trình du lịch Tây Nguyên.

Thác Thuỷ Tiên cách thị xã Tam Giang, huyện Krông Năng, ĐăkLăk khoảng 7km. Thác có nhiều bậc, nước đổ xuống tung bọt trắng xoá. Thác gồm ba tầng với rất nhiều tảng đá gối chồng lên nhau. Tầng thứ nhất có độ dốc thấp với những bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy êm, lòng thác nhỏ. Tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, có những chỗ nước chảy xiết, tung bọt trắng xoá một vùng, tạo nên những hồ nông, nơi ngâm mình lí tưởng của du khách. Tầng thứ 3, nước đổ thẳng dốc từ trên cao tạo thành những hồ khá sâu để rồi hoà mình voà dòng chảy hiền hoà giữa đại ngàn.

Thác Diệu Thanh nằm trên dòng suối Đăk Tít, vắt mình qua hai xã Nhân Cơ và Quảng Tân, huyện Dak R’ Lấp, Đăk Nông. Thác Diệu Thanh gồm có một dòng thác lớn đổ xuống từ độ cao khoảng 30m và nhiều thác nhỏ. Dòng thác ngày đêm ầm ào như một bản hùng ca của rừng già.

Thác Ba Tầng thuộc huyện Đăk Glong, Đăk Nông, cách tỉnh lỵ Gia Nghĩa khoảng 8km ngược về Buôn Mê Thuột. Dòng thác này là một điểm du lịch dã ngoại đầy thú vị ở phía nam Đăk Lăk. Được gọi là Thác Ba Tầng vì dòng thác này phải chảy qua ba tầng mới tới được lòng suối phía dưới. Các tầng thác nối tiếp nhau với độ cao khoảng 40m. Lòng suối khá rộng, ven bờ có nhiều cây cổ thụ và có bãi đất trống bằng phẳng rất thích hợp cho việc cắm trại để hưởng cái thú thư giãn giữa thiên nhiên.

Ngoài ra, Đăk Nông và Đăk Lăk cùng chia sẻ 3 ngọn thác hùng vĩ, nổi tiếng là thác Dray Sap, Dray Nur và thác Gia Long. Quanh thác Dray Sáp (Đăk Nông) vẫn còn một khu rừng tự nhiên xanh mát, vẳng tiếng chim hót véo von. Nghỉ chân bên thác, bạn sẽ nghe người bản địa kể về chuyện tình của nàng H’Mi xinh đẹp và thỏa thuê ngắm cảnh núi rừng, nghe thác ru ầm ào và khói tỏa cuồn cuộn quanh mình. Cách Dray Sap chừng 3 km là thác Gia Long, cũng thuộc tỉnh Đắc Nông. Đường băng rừng ở đây có thể kể vào hàng một trong những còn đường đẹp nhất nước với hai bên rừng xanh mượt và dây leo phủ dầy lên những thân gỗ quý. Thác Gia Long nằm khá lặng lẽ giữa rừng già. Ở đây có hồ tắm tiên rộng cả trăm mét vuông với làn nước trong lành chảy ra từ khe núi.

Thác Dambri của Bảo Lộc, Lâm Đồng theo tiếng K'Ho nghĩa là đợi chờ. Thác gắn với truyền thuyết đẹp về tấm lòng son sắt của người thiếu nữ dành cho chàng trai mình yêu. Đây là ngọn thác cao nhất Lâm Đồng với chiều cao trên 40m, tạo thành 2 dòng chảy cao thấp rất hùng vĩ. Có ba cách để chinh phục thác là đi bộ khoảng 138 bậc thang bộ, đi thang máy hay trải nghiệm cảm giác mạnh với máng trượt dài 1.650m.

Thông tin thêm

Thời điểm:

Ở Tây Nguyên, mùa mưa và mùa khô chia tách rõ rệt. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Vào mùa này, đường sá đi lại khó khăn, nhất là những tuyến đường đất. Đối với khách du lịch, đó không phải là mùa thích hợp để đi du lịch.

Đối với số đông, mùa khô, nhất là những tháng đầu năm, khi nắng còn chưa gắt và không khí chưa khô lắm là thời điểm thích hợp cho một chuyến lên Tây Nguyên ngắn ngày.

Phương tiện:

Buôn Ma Thuột cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350km. Nếu đi xe ôtô mất khoảng 7-8 tiếng, đi máy bay khoảng khoảng một giờ bay. Từ TPHCM bạn có thể đi Buôn Ma Thuột bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Hiện nay có máy bay của hãng Vietnam Airlines từ Hà Nội và TPHCM lên Buôn Ma Thuột, Pleiku và Đà Lạt (sân bay Liên Khương).

Khách sạn:

-          Khách sạn Thiên Mã, 50 – 52 – 54 đường Hai Bà Trưng. Tel: 050.3853963/3850397

-          Khách sạn Đam San, 212 – 214 đường Nguyễn Công Trứ. Tel: 050.3851234/3850123

-          Khách sạn Thắng Lợi, số 1 Phan Chu Trinh. Tel: 050.3857615

-          Khách sạn Cao Nguyên, số 65 Phan Chu Trinh. Tel: 050.3855960

-          Khách sạn Nam Nguyên, 30 Trần Quang Khải. Tel: 050.3.955 255

Ăn uống (tại Buôn Ma Thuột):

- Vườn ẩm thực Hương vị Việt – 135 Nguyễn Tri Phương: không gian đẹp, thoáng mát, món ăn rất ngon, giá cả phải chăng, phục vụ nhiệt tình. Ăn quán này bạn nên gọi các món thịt rừng nướng, món gà hấp mắm, cá cờ nướng tiêu xanh, heo sữa nướng ba rọi nướng.

- Nhà hàng sân vườn Bốn Triệu – đường Nơ Trang Gư: quán này nhỏ hơn quán nói trên, cũng rất xinh, nhưng giá cả hơi đắt, các món ngon là các món um chuối.

- Nhà hàng hộp Đăk Mê – đường Ngô Quyền: thức ăn ngon, giá vừa phải, phục vụ nhiệt tình

- Nhà hàng Tuấn Đạt – đường Trần Nhật Duật: quán ăn khá sang trọng. Quán có món sườn non nướng rất ngon.

Thông tin khác:

Tây Nguyên có nhiều phong tục, tập quán lâu đời, rất riêng biệt của các tộc người. Chỉ riêng những lễ tết đầu năm cũng đủ thu hút du khách hàng tháng trời, vùng này sang vùng khác, từ tháng chạp năm trước đến tháng hai, tháng ba âm lịch năm sau.

Tây Nguyên có nhiều đường dốc đồi núi. Khi đi du lịch, du khách nên mang theo giày thấp, mềm và có nhiều gai để bám chắc khi leo. Khi leo núi, bạn nên đi 2 đôi tất, 1 loại mỏng, thấm mỗ hôi bên trong và 1 đôi tất dài bên ngoài để trùm lên quần tránh muỗi. Sử dụng 2 đôi tất sẽ giảm độ cọ của giày và chân, tránh làm phồng rộp da chân. Du khách cũng nên chọn loại quần áo dễ thấm mồ hôi và thoải mái khi di chuyển.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES