Những khán giả của Tom Waits

17/03/2022

Có thể, bạn không biết Tom Waits là ai. Thì thực là vậy, bài viết này xin dành cả cho những ai không biết về ông già ấy.

Tom Waits, một nghệ sĩ người Mỹ, bắt đầu chơi nhạc từ những năm 11, 12 tuổi, cho đến nay khi ông đã 73. Tom Waits nổi tiếng bởi chơi nhạc Jazz (và Blues, Folk, Rock,...) - nhưng không phải thứ nhạc Jazz mời gọi công chúng xúng xính váy áo, gấm hoa tới thưởng thức. Jazz của ông xám xịt, tối tăm; chất giọng ông thều thào, gầm gừ hoặc gào thét. Ông hát về cái nghèo đói, sự loạn lạc, về từng góc khuất trong xã hội, về từng kiếp người mình được trông.

Nếu cần một câu chuyện cụ thể để minh họa về con người Tom Waits, tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện năm 1976. Khi sự nghiệp âm nhạc vẫn đang suôn sẻ, chàng trai 27 tuổi lúc đó bỗng dọn đến sống cùng bạn trong một căn nhà trọ ở phía tây Hollywood - một căn nhà hai phòng, cực kỳ hỗn độn ngổn ngang. Nhà phê bình âm nhạc Barney Hoskyns đã gọi nơi đó là “một tác phẩm về cái nghèo” (pastiche of poverty). Bản thân Tom Waits sau đó tự giải thích: Nếu muốn viết về chuyện gì, trước tiên, bạn phải tự mình tạo ra - và sống trong - bối cảnh câu chuyện đó. Vậy nên tôi bắt buộc mình sống trong cái nghèo.

Album Closing Time (1973)

Album Closing Time (Tom Waits, 1973)

Hà Nội, thập niên trước

Nghệ thuật trải khắp Việt Nam. Nhưng, chỉ có một thành phố hội tụ đủ những buổi biểu diễn nhạc phẩm của The Beatles, Bob Dylan, B.B. King, Amy Winehouse… với tần suất lớn trong suốt hai thập niên qua, đó là Hà Nội. Cũng chỉ ở Hà Nội, những đêm cover nhạc Tom Waits được mở ra và khiến người ta say sưa đón nhận.

Buổi cover nhạc Tom Waits diễn ra lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2016, tại một không gian văn hóa nhỏ trong khu phố cổ. Người “thủ vai” Tom Waits trên sân khấu là một chàng trai trẻ người Việt. Giọng hát, cách trình diễn, thân thể uyển chuyển của anh, đều rất giống phong cách Tom Waits (đến mức đã có những lúc tôi tin rằng, rất-giống-phong-cách-Tom-Waits hẳn là một loại năng khiếu bẩm sinh của anh).

Nhưng điều tôi nhớ nhất về những buổi trình diễn đó, đến tận bây giờ, là ánh sáng lấp lánh từ chiếc áo sơ-mi trắng anh mặc. Được đèn sân khấu rọi vào, chiếc áo ánh lên như lớp hào quang.

Ánh sáng đó nhắc tôi về sự khác biệt giữa hai nghệ sĩ. Chàng nghệ sĩ trẻ sống trong một xã hội thượng lưu thu nhỏ. Tom Waits, xuất thân từ gia đình trung lưu, lại thường hay “ném” mình vào những nơi tối tăm bụi bã.

Album Mule Variations (Tom Waits, 1999)

Album Mule Variations (Tom Waits, 1999)

Khoảng năm 2018, chàng ca sĩ “phong cách Tom Waits” tạm vắng bóng để đi du học, Hà Nội lúc này lại vào thời điểm tấp nập đón khách quốc tế. Trong số đó, có nhiều du khách lựa chọn ở lại Thủ đô một thời gian dài. Và thế là các đêm nhạc Tom Waits tiếp theo đã đến.

Vẫn trong một không gian văn hóa nhỏ nơi phố cổ, sân khấu lúc này lại thật hỗn độn ngổn ngang. Ban nhạc tập hợp nhiều quốc tịch - Việt, Mỹ, Canada,... Không chỉ micro và nhạc cụ, họ mang mọi thứ khác từ “đời” mình lên sân khấu: những ly whiskey chao đảo trên tay, những điếu thuốc liên tục nhả khói, và thậm chí, ai đó mang lên cả bộ nồi niêu xoong chảo. Dùng dùi trống gõ vào mặt đáy xoong, tạo ra thứ âm nhạc liểng xiểng chát tai, họ quyết phá đi chút sang trọng còn sót lại của dòng Jazz vốn-êm-ái-là-thế.

Từ trên cao, những chiếc đèn vẫn rọi xuống sân khấu. Lần này, chúng không thể rọi sáng chân dung người nghệ sĩ, bởi làn khói thuốc bay trong không trung đã quá dày đặc. Cả gian phòng trở thành một màu nhá nhem.

Đó là sân khấu của đa quốc gia, đa sắc tộc. Đó là sân khấu của những cái tôi rất trẻ, chồng chéo lẫn lộn giao hòa với cái tôi của những người nghe.

Đó là sân khấu của Tom Waits.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Waits, 1999

Waits, 1999

Sự hỗn độn đó đã thành công. Bằng chứng là không khí cuồng nhiệt từ khán giả, kéo theo những buổi diễn được “đặt hàng” từ các quán bar khác trong thành phố.

Nhưng còn một điều thú vị bên cạnh đó, là ban nhạc… không có tên. Họ, có thể là tập hợp của một người Việt trẻ được giáo dục bài bản và đầy tài năng; một công dân New York vì không thể tìm thấy sự tự do mong muốn trong đất nước của mình, nên tìm đến Hà Nội; và những thành viên khác, với những câu chuyện khác tương tự. Như Tom Waits nói, nếu muốn hát về chuyện gì, trước tiên phải tự mình sống trong bối cảnh câu chuyện đó. Những con người trong ban nhạc không tên giống như từng mảnh nhỏ, đóng góp vào nhau, tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh, “pastiche of Tom Waits”.

Hà Nội, 17/3/2022

“Anh Đức, cái ông đó đang hát về cái gì vậy?”, ai đó từng hỏi. Đến nay đã gần 40 năm. Không thể quên được giọng hát đó, cũng không thể quên được cái nóng và ẩm khủng khiếp của Pulau Galang. Và những câu chuyện kinh hãi mà chúng tôi được biết về những con người bị buộc phải sống ở nơi này. “Thuyền nhân” Việt Nam, hay những người Campuchia sống sót sau cuộc diệt chủng. Galang là hòn đảo biệt lập được chọn để dành cho họ - một doanh trại quân đội cũ được dựng sơ sài bằng gỗ, nay là chỗ ở của 10 nghìn người tị nạn. Bằng cách nào đó, những linh hồn khốn khổ này đã gạt bỏ nỗi kinh hoàng của cuộc vượt biên sang một bên, và tiếp tục sống.

Thỉnh thoảng, chúng tôi mời được vài người tới ngồi cùng trong một chiếc lán, để kể cho chúng tôi nghe chút ít về họ - những trại lao động, những chuyến đi đằng đẵng trên các cánh đồng khô cằn trong cơn đói tuyệt vọng. Hoặc hãm hiếp & cướp bóc trên biển, khát khao & tuyệt vọng trên chiếc thuyền nhỏ, trước sự khoan dung của những con sóng hùng vĩ, dưới ánh mặt trời chẳng khoan nhượng. Khi không còn điều gì để nói, chúng tôi trở nên tê tái: đó là cái giọng hát trầm khàn, vang lên trong những giờ giới nghiêm, hát về sự yếu đuối của con người và những khúc rẽ kỳ quái của cuộc đời.

Không lẽ nào đã 40 năm. Nhưng đúng là vậy. Giọng hát chết tiệt đó và những bài hát tối tăm đó, Foreign Affairs, kể lại hoàn toàn cuộc hành trình của chúng tôi.

- nhà văn, nhà báo Nguyễn Quí Đức, khi nói về những năm đầu tiên lắng nghe âm nhạc của Tom Waits.

Album Foreign Affairs (Tom Waits, 1977)

Album Foreign Affairs (Tom Waits, 1977)

Hơn hai năm Hà Nội điêu đứng vì đại dịch, cũng là hơn hai năm không còn đêm nhạc Tom Waits nào vang lên trong thành phố. Những tụ điểm âm nhạc cũ biến mất, những nghệ sĩ ngoại quốc trở về nước, và những khán giả - có thể họ đã lập gia đình, bỏ... thuốc lá, hay đơn giản là đã thay thứ nhạc của Waits bằng những giai điệu tươi sáng, hợp hơn với ngày tháng chống dịch.

Và đó là lúc, thế hệ “già làng” của thành phố này bỗng cất tiếng.

Đó là Nguyễn Quí Đức, người đã tổ chức hàng trăm sự kiện âm nhạc tại Hà Nội trong hơn mười năm qua. Đó là Paul Zetter và David Payne, hai cái tên không mấy người Hà Nội biết, nhưng họ thì biết rất rõ về Hà Nội.

Họ đã tập luyện trong những tháng giãn cách cuối cùng của thành phố. 17/3/2022, ngay sau sự mở cửa trở lại của Hà Nội, ba "ông già" đó, cùng nhau, đem đến đêm nhạc Tom Waits đầu tiên tại căn nhà số 24 Tông Đản.

275261837_10159482469660469_1162784485934131466_n

Không còn khói thuốc, whiskey và sự hỗn độn đặc trưng của sân khấu Tom Waits; thay vào đó là nụ cười, nở trên những nét mặt nhẹ nhõm. Không còn chất nhạc thống thiết, dữ dội hay tối tăm, thay vào đó, Paul Zetter nhặt lấy cái hiền hòa trong Tom Waits, pha trộn cùng sự hiền hòa của chính ông.

Khi những giai điệu cuối cùng đang ngân nga, một vị khán giả nhẹ nhàng gục xuống bên thềm sân khấu. Ông khom mình, cúi đầu, nước mắt nhăn nheo.

Nhìn ra xa hơn, những khán giả còn lại mắt đều đã ướt, trong khi nét mặt họ mỉm cười.

Paul Zetter & David Payne, 2022

Paul Zetter & David Payne, 2022

*

"Tom Waits là ai hả chị?" - cậu nhân viên bỗng xuất hiện và đặt câu hỏi, khi chỉ còn lại mình tôi ngồi trong phòng nhạc, "Em thấy nhiều người vẫn đang nhắc về ông ấy".

"Thì, ông ấy cơ bản là một người chơi Jazz giỏi. Giỏi đến mức, nhạc của ông luôn làm cho những người trẻ muốn hút thuốc, nốc rượu hoặc là tự tử".

"..."

"Nhưng người già nghe nhạc Tom Waits lại cảm thấy tốt đẹp hơn".

"Mâu thuẫn như vậy ạ?".

"Ai mà chẳng phải trải qua một thời muốn hút thuốc, nốc rượu và nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng đợi đến khi vượt qua được nó, chặng đường sau sẽ tốt đẹp thôi. Nhạc Tom Waits đồng hành với từng giai đoạn của con người như vậy".

"À, vậy ông này là... Tom Đợi. Phải biết đợi".

Lâm Oanh (cover image: Linh Phan)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES