Văn hóa Matinée, hay “đời sống hóa” chuyện nghệ thuật
Matinée, hay Matinee, được hiểu là những sự kiện giải trí-nghệ thuật (phim ảnh, âm nhạc,...) diễn ra vào buổi chiều. Khái niệm này được dùng để tách biệt với những sự kiện thông thường được tổ chức vào buổi tối.
Sự kiện Matinée chính thức đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử là vào ngày 25/12/1843 tại New York, Mỹ. William Mitchell, người điều hành Nhà hát Olympic nằm trên đường Broadway, khi đó đang nỗ lực để cải thiện chuyện kinh doanh cho Nhà hát, trong bối cảnh sự suy thoái kéo dài từ cuộc đại khủng hoảng năm 1837 (diễn ra trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ).
Mitchell đã tính toán một số ngày cụ thể trong năm, những ngày mà lượng khán giả đến Nhà hát chắc chắn sẽ rất ít, trong đó có ngày Giáng sinh - dịp mọi người hoặc đi chơi xa, hoặc dành buổi tối ghé thăm nhà nhau. Để “đối phó” với ngày lễ truyền thống này, Mitchell quyết định mở Nhà hát vào ban ngày, với các vở diễn vào buổi chiều Giáng sinh.
Ý tưởng đó đã thành công. Người dân New York lập tức hào hứng trước việc được rời khỏi nhà, thoát khỏi sự ảm đạm và lạnh lẽo của chiều mùa đông để đi tận hưởng một vở kịch, và trở về nhà trước khi trời chuyển tối. Cho đến năm 1851, việc thưởng thức chương trình nghệ thuật vào buổi chiều, cũng như khái niệm Matinée, chính thức trở thành một phần trong cuộc sống của người dân New York.
Hiện nay, Matinée đã là một văn hóa, nếp sinh hoạt quen thuộc tại các nước phương Tây. Một số nơi vẫn áp dụng Matinée như cách để “đối phó” với các ngày mà họ biết trước là sẽ vắng khách vào buổi tối; với mức giá vé tham dự rẻ hơn, hoặc sẽ có những khuyến mại khác đi kèm.
Sâu xa hơn, sự phổ biến của Matinée đã tạo nên một cách tiếp cận nghệ thuật mới cho khán giả. Thay vì ăn mặc là lượt, xúng xính, thậm chí lên kế hoạch chuẩn bị cho điểm hẹn cả tuần trời, người tham dự Matinée trong trang phục đời thường, uống nhẹ một hai ly vang hay chai bia, tách trà, và thoải mái thư giãn cùng bạn bè trên sân vườn hay khuôn viên nơi diễn ra sự kiện.
Văn hóa Matinée ở Hà Nội
Tại Thủ đô, các sự kiện Matinée thực tế vẫn âm ỉ diễn ra nhiều năm nay. Xung quanh khu vực hồ Tây nơi nhiều người nước ngoài sinh sống, một số quán bar/pub thường có chương trình chiếu phim vào chiều cuối tuần. Tuy nhiên, 90% khách tham dự là những gia đình có người ngoại quốc - những người vốn đã quen thuộc với văn hóa này từ trước khi đến Việt Nam. Một nơi hiếm hoi trong Thủ đô có những sự kiện nghệ thuật vào buổi chiều mà được đón nhận tích cực, bởi cả người nước ngoài lẫn người Việt, là Tadioto.
Trước những thời điểm dịch bệnh, 4 giờ chiều mỗi độ cuối tuần ở Tadioto vẫn thường đông đúc, tấp nập hoặc tĩnh lặng bởi các chương trình biểu diễn nhạc Jazz, Blues, hay chiếu phim miễn phí. Khách tham dự gồm từ người nước ngoài đến người Việt - già, trẻ, nam, nữ, v.v. Không tách biệt, họ chia sẻ chung một sự cởi mở và thư thái trước nghệ thuật.
“Tôi đặt mình vào nhu cầu, thời gian, phong cách sống cũng như những mối ràng buộc của khách” - Nguyễn Quí Đức, chủ Tadioto, nói về ý tưởng tổ chức các sự kiện nghệ thuật vào buổi chiều. “Trước đây, tôi nghĩ chiều Chủ nhật mọi người thường không có việc gì làm, vậy họ có thể đi chơi sớm rồi về nghỉ ngơi, lo đi làm vào thứ Hai. Hoặc những gia đình bận trông con vào buổi tối, những bạn trẻ muốn dành buổi tối cho cuộc hẹn hò riêng tư khác chẳng hạn, những buổi Matinée khi đó sẽ hợp lý”.
“Các sự kiện âm nhạc tại Tadioto được chọn lọc, kết hợp giữa những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và văn hóa quốc tế. Thông qua đó, chúng tôi muốn giới thiệu tới khán giả những câu chuyện quá khứ của người thiểu số, người da màu”, Nguyễn Quí Đức chia sẻ thêm về ý tưởng đằng sau các sự kiện của Tadioto, “Bên cạnh nghệ thuật là lịch sử tranh đấu cho quyền làm người; âm nhạc và văn thơ chuyển tải những trải nghiệm đấy bằng nốt nhạc, lời thơ rất thú vị”.
“Tadioto vẫn không bao giờ là nơi để mọi người ăn diện, mà là không gian thoải mái cho những người thật sự yêu thích âm nhạc, nghệ thuật” - ông nói thêm.
Lý do những câu hỏi “Sao lại đi nghe Jazz vào buổi chiều?” vẫn hay được đặt ra, bởi ở Việt Nam, chúng ta - từ già đến trẻ - hẵng còn coi nghệ thuật như một món ăn, thức quà xa xỉ, để dành cho những dịp “trọng đại”. Dịp trọng đại, có thể là một tối cuối tuần, những ngày lễ, kỉ niệm, hay một buổi gặp gỡ đặc biệt. Nhưng có lẽ, nếu để nghệ thuật được làm đúng chức năng vị nhân sinh - phục vụ đời sống, gắn bó với đời sống, thì những câu hỏi như trên sẽ không còn nữa. Khi đó, tham dự một buổi nhạc Jazz vào 4 giờ chiều, cũng chỉ giống như cách ta ghé mua chiếc bánh rán, cốc xôi chè hay gói cốm xanh bên vỉa hè. Mộc mạc, không câu nệ, và đơn thuần là đem đến niềm vui.
“Tôi từng tham dự một buổi nhạc Blues lúc 5 giờ chiều ở Tadioto, mọi thứ lịch sự, nhẹ nhàng, và thật khó tin là khi bước ra khỏi cửa, trời còn sáng” - Quỳnh Phương, một khán giả trẻ chia sẻ. “Bình thường sau khi nghe nhạc xong là đã đến đêm rồi, nhưng ở Tadioto, trời còn sáng, như thể ta vẫn còn cả ngày”.
Tạm kết
Hiện tại, trước quy định đóng cửa các dịch vụ hàng quán lúc 9 giờ tối, văn hóa Matinée tại Hà Nội càng trở nên hợp lý hơn bao giờ hết. Sớm thôi, những chương trình nghệ thuật vào buổi chiều có thể trở thành một giải pháp cho các hàng, quán, tụ điểm giải trí trong thành phố. Nhưng trước khi chúng ta đưa mô hình này trở nên phổ biến rộng rãi với khán giả Việt, cần hiểu rằng, Matinée không phải là xu hướng hay trào lưu để sớm nở chóng tàn. Matinée tồn tại cùng cách nhìn nhận văn minh, cởi mở với nghệ thuật, vậy nên, đòi hỏi chúng ta “sử dụng” nó cũng bằng một thái độ cởi mở, chân thật trước nghệ thuật.
Thông tin thêm
Sau quãng thời gian dài giãn cách, Thủ đô trở lại với sự kiện Matinée đầu tiên, diễn ra vào cuối tuần này (13/11), tại Tadioto. Đó là một buổi chơi nhạc Jazz của nghệ sĩ Nguyễn Bảo Long, LIVE JAZZ - Bảo Long & Dexter Gordon.
Là nhạc sĩ thường trú của Tadioto, Nguyễn Bảo Long được miêu tả là "một người chơi nhạc giỏi, hay và sâu". Sau khi tốt nghiệp trường Nhạc viện, anh tiếp tục tu luyện và đi lưu diễn khắp từ Bắc vào Nam, từ Á sang Âu. Tại Việt Nam, Bảo Long trở thành người chỉ dạy và nâng đỡ rất nhiều người mới tập nhạc điêu luyện hơn; anh thành lập JumpforJazz trong thập niên qua cũng vì mục đích đó. Hiện tại, JumpforJazz gồm những nghệ sĩ: Thế Anh (piano), Toàn Thắng (double bass) & Hoàng Hà (trống).
Xem thêm về sự kiện LIVE JAZZ - Bảo Long & Dexter Gordon tại đây.