Chuyện ở bảo tàng: Cứ selfie đi, đừng sợ

07/11/2021

Khi bước vào một không gian bảo tàng-triển lãm, ta cần mặc gì, đi đứng - nói năng như thế nào, âm lượng ở mức bao nhiêu, chụp ảnh ra sao… để không bị đánh giá là kém văn minh? Và rút cục, có bộ quy tắc ứng xử cụ thể cho những người tham dự một buổi triển lãm-trưng bày nghệ thuật hay không? Dưới đây là một góc nhìn.

Còn nhớ một “sự cố” văn hóa vào khoảng tháng 11 năm 2020, truyền thông đồng loạt dậy sóng trước hiện trạng “một số người Việt xấu xí” khi đi xem một buổi triển lãm nghệ thuật đương đại tại Hà Nội, đã “không biết” nên xâm hại không gian của những tác phẩm triển lãm, thậm chí, còn “phá nát” một số tác phẩm sắp đặt. Báo chí, mạng xã hội đồng loạt lên tiếng dữ dội. Từ những con gió, ngọn lửa nhỏ góp ý dễ chịu và văn minh, chúng ta thi nhau truyền lửa rồi thành gắp lửa bỏ tay nhau. Cả một tập thể “bỏng” văn hóa nặng. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại, thay vì xây dựng thành công một thói quen văn hóa tốt đẹp, chúng ta làm tổn thương nhau. Và đích đến là những nhà làm văn hóa-triển lãm, lại càng trở nên xa vời.

Tôi Google “người xem phá nát tác phẩm nghệ thuật”, ngạc nhiên thay, trước khi hiện lên bài “bêu xấu” sự kiện triển lãm một năm về trước, thì khắp thế giới, hiện trạng “vô tình” hay “không biết” làm tổn hại đến các tác phẩm nghệ thuật hóa ra xảy ra nhiều hơn ta tưởng.

Vậy, trước khi trở lại với những triển lãm ở Việt Nam, chúng ta cùng nhau ghé qua vài bảo tàng lớn thuộc những quốc gia phát triển, liệu người ta có gì hay ho để ta tham khảo không?

Một ví dụ nho nhỏ, London

London là thủ đô của xứ sở sương mù, một thành phố hiện đại song lại có những công viên xanh rậm rạp như những khu rừng nhỏ trú ngụ giữa trung tâm, nơi vô vàn các thể loại chim sóc ngỗng trời tự do bay nhảy, chúng ta thảnh thơi đi dạo chạy bộ đạp xe rồi tiện thể ngồi ăn sáng với trà chiều với lũ muông thú, đáng yêu vô cùng.

London có vô vàn những bảo tàng-trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại, hầu hết là miễn phí. Tương tự như thực trạng bar club ở London, các trung tâm nghệ thuật đông vui tấp nập khách khứa mọi ngày trong tuần. Tôi, dân châu Á đặc trưng ám ảnh đời sống mạng "ảo", vốn ngại đông đúc, cản trở cho quá trình chụp ảnh, nên cố tình chọn ngày Chủ nhật cuối tuần để thăm thú. Học thói kĩ lưỡng đúng giờ kiểu Nhật, tôi đi sớm trước hẳn 45 phút mở cửa. 10 giờ nhà triển lãm mới làm việc, 9 giờ 15 phút sáng tôi đã có mặt, và… ngạc nhiên. Hóa ra, người ta đã rồng rắn xếp hàng trước tôi đến cả vài chục mét. Dân châu Âu vào cuối tuần thường “lười biếng” đóng sạch các hàng quán dịch vụ, tuy nhiên, riêng hoạt động văn hóa này lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi ngó nghiêng xem các thành phần cuối tuần không chịu ngủ nướng, lục đục dậy sớm đi xem văn hóa “chùa” gồm những ai, và ngạc nhiên lần nữa: những gia đình trẻ gồm bố mẹ và lũ nhóc cấp một hớn hở ríu rít, những người già điềm nhiên thảnh thơi đọc báo đợi đến giờ tham quan, những đôi cùng giới-khác giới nắm tay nhau ngập tràn hạnh phúc… và cả những nhân vật mũi tẹt da vàng như tôi tranh thủ đi hấp thụ nền văn minh phương Tây miễn phí. Những người xếp hàng ăn mặc sành điệu fashionista có, ăn mặc nghiêm trang như những học giả có, mà đông nhất vẫn là những con người ăn mặc tươm tất giản dị. Bên đây, viện bảo tàng là cho tất cả, không phân biệt giới tính, địa vị, học thức, khả năng tài chính hay tuổi tác. Bố mẹ “di truyền” cho con cái nhỏ của mình thói quen đi xem văn hóa từ khi các con còn rất nhỏ. Những gì cần lưu ý hay giữ ý, dân châu Âu cơ bản đã thuộc nằm lòng từ bao đời nay.

Vậy, viện tảo bàng có gì hay ho đáng để họ đánh đổi buổi sớm cuối tuần êm ái trên giường?

Họ có thể sờ thoải mái trong các viện bảo tàng-triển lãm. Từ một cái răng của con voi ma mút cổ đại cho đến nguyên khung xương rất xịn của một loài khủng long. Xuyên suốt viện bảo tàng, cưỡi ngựa xem hoa có khi cũng phải mất không dưới 6 tiếng đồng hồ, mọi người được chạm-sờ đủ các loại gỗ cây hóa thạch, rồi cột kèo gỗ đá Roma xa xưa, hay thậm chí là những chiếc… toilet hoàng gia thời cổ đại (nếu bạn dám). Quanh viện bảo tàng, khắp nơi nơi cắm chi chít những tấm biển nhỏ: “Please Touch!” - làm ơn hãy sờ!

Chúng ta của hiện tại

Đầu tháng 11, tôi quay lại chính địa điểm văn hóa triển lãm một năm trước từng “dậy sóng mạng”, mục đích, tất nhiên, như hầu hết người trẻ châu Á đến các khu bảo tàng hay triển lãm, để chụp ảnh khoe Facebook. Không gian trưng bày nơi đây vừa vặn, vuông vức, tinh tế, cởi mở. Những tác phẩm điêu khắc im lìm chỉ đợi có khách đến để giao lưu.

Chúng ta có thể kết nối với một tác phẩm bằng nhiều cách, không nhất thiết phải trầm tư suy ngẫm im lìm rồi tỏ ra “nguy hiểm”. Ngày hôm đó, tôi bất ngờ nhận ra các bạn trẻ thế hệ mới có cách giao tiếp với nghệ thuật đương đại thật thú vị. Họ không câm lặng, cũng không già cỗi. Họ không ồn ào, cũng không bo bo cất giữ tích trữ. Họ vô tư rủ rê chúng ta đến với những hoạt động nghệ thuật đương đại một cách tích cực và giàu sức sống.

Empty
Triển lãm điêu khắc đá

Triển lãm điêu khắc đá "Biến chuyển | Transforming" đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội - Nguồn: FB/Thái Nhật Minh)

Chẳng phải cách chúng ta lựa chọn trang phục cho phù hợp một nơi chốn chính là phương thức - thái độ của chúng ta đối đãi với nơi chốn đó hay sao? Và mức độ chúng ta cảm thấy thoải mái hay chill cùng những vật thể của nơi chốn ấy, có khác gì những phản chiếu của vật thể lên chính chúng ta, và ngược lại? Tất cả những điều này tôi đều tìm thấy được trên những tấm hình các bạn trẻ chụp đăng khoe Facebook, Instagram.

Thật may mắn, không phải chỉ riêng tôi nhận ra hiện tượng thú vị này. Chính những nghệ sĩ - chủ nhân của những tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng đã nhận ra điều đó. Họ hạnh phúc khi thấy tác phẩm của mình đến gần hơn thật hơn với người xem. Người xem chủ động kết nối và tự nhiên bộc lộ cảm xúc - bản năng - nhân sinh quan của mình qua những tấm hình chụp cùng tác phẩm. Người nghệ sĩ ngắm nhìn những bức hình - lát cắt mới mẻ, lại càng hiểu rõ đứa con tinh thần của chính mình. Từ đó, họ hiểu bản thân hơn, và hiểu thêm cả thế giới.

Empty
Một bạn trẻ tương tác cùng tác phẩm tại triển lãm

Một bạn trẻ tương tác cùng tác phẩm tại triển lãm "Biến chuyển" (Nguồn: FB/Thái Nhật Minh)

Ngày rồi, tôi đăng hình chụp mình đi triển lãm rồi giao tiếp với những tác phẩm điêu khắc lên khoe Facebook. Bạn bè tôi có người quan ngại tôi chụp vậy sẽ xui khiến và làm hư những người trẻ, họ sẽ “bắt chước” và gần gũi với những tác phẩm mất. E rằng, lo vậy là lo quá xa rồi, bởi chính tôi mới là người cần cảm ơn những người trẻ của buổi triển lãm ngày hôm ấy. Chính họ đã dạy tôi thêm về cách giao tiếp mới mẻ với nghệ thuật, vừa thảnh thơi rộng mở, lại vừa giàu thẩm mỹ và không phán xét.

Empty

Về tác giả

Với những tín đồ mùi hương, có lẽ không ai còn lạ lẫm ChQcQ - một người 8x gốc Hà Nội, nổi tiếng bởi những bài viết "thơm tho", sắc sảo trên các tờ tạp chí hàng đầu Việt Nam gần 10 năm nay.

2021, ChQcQ đến với Travellive, cùng với trải nghiệm tích lũy từ những quốc gia Âu-Á anh đã đến, những nền văn hóa-kiến thức anh đã học hỏi, ChQcQ lúc này không chỉ viết về mùi hương, mà tiếp tục chinh phục độc giả bởi những bài viết về ẩm thực, phong cách sống và văn hóa.

ChQcQ
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES