Những kiệt tác Phật giáo giấu trong lòng hang động ở Ấn Độ

30/05/2022

Được xây dựng trên một vách đá dựng đứng cách đây gần một nghìn năm, quần thể hang động Ajanta là nơi có không gian Phật giáo linh thiêng, với các tuyệt tác nghệ thuật của Ấn Độ cổ đại. Đáng tiếc thay, kho tàng cổ xưa đó đã từng bị giấu khỏi con mắt thế gian suốt 14 thế kỷ, cho đến một ngày những năm 1800.

Kho tàng tôn giáo giữa rừng cao nguyên

Khi gõ từ khoá “Ajanta” trên Google, kết quả đầu tiên được trả về là: “Hệ thống hang động Ajanta là một quần thể các hang động cắt đá Phật giáo, có lịch sử từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến năm 480 Công nguyên, nằm ở huyện Aurangabad, tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ”.

Tuy nhiên, vào năm 1819 - thời chưa có Internet và con người chỉ có thể truyền tin bằng thư từ, không ai biết đến sự tồn tại của những hang động Ajanta. Năm đó, một nhóm người Anh đi săn dọc theo một vách đá hình móng ngựa phía trên sông Waghora ở miền Trung Ấn Độ. Thay vì tìm thấy thú hoang như mong đợi, họ tình cờ phát hiện ra một loạt các hang động nhân tạo được khoét sâu vào giữa lưng chừng vách đá. Đáng ngạc nhiên hơn, bên trong vẻ đẹp ấn tượng đó là cả một kho tàng nghệ thuật tôn giáo cổ xưa.

Ảnh: Album/Robert Harding/Alex Robinson

Ảnh: Album/Robert Harding/Alex Robinson

Trong những hang đá và trên vách động là các bức bích họa lớn, những tác phẩm điêu khắc được xem như tuyệt tác của nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, các đền thờ (bảo tháp), phòng cầu nguyện, bia khắc… Dày đặc trên các mái vòm ở các vách chùa hang là những bức tranh vẽ bằng màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam trên nền đá cẩm thạch; chúng mô tả sinh động những điển tích Phật giáo, các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Trong chùa hang số 19 có một tác phẩm điêu khắc tạc hình Đức Phật đang đứng và khoác áo cà sa, được xem là khuôn mẫu cổ xưa nhất của hình dáng tượng Phật đứng. Bên cạnh những kiệt tác mang đậm màu sắc Phật giáo thời kỳ đầu, trong các hang động này còn cả những bích họa và điêu khắc đá mô tả đời sống xã hội và những thành tựu sáng tạo của Ấn Độ cổ điển dưới vương triều Gupta.

Sau khi khám phá và tìm hiểu sâu hơn, người ta nhận ra hầu hết các hang động Ajanta đều có cấu trúc như các sảnh cầu nguyện (chaityas) và các tịnh xá (viharas) trong những ngôi chùa cổ. Phía cuối các không gian cầu nguyện vẫn còn tượng Phật ngự; những căn phòng sinh hoạt thì nằm dọc theo hành lang bên ngoài, trong đó không có gì khác ngoại trừ độc một chiếc giường đá. Theo số lượng có thể thấy, vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, nơi đây từng là chỗ cư ngụ của ít nhất hàng trăm nhà sư và nhà tu hành.

Một bức tượng Phật nằm được điêu khắc vào cuối thế kỷ 5 hoặc đầu thế kỷ 6, bên trong hang động số 26. (Ảnh: Mahaux Photography/Getty)

Một bức tượng Phật nằm được điêu khắc vào cuối thế kỷ 5 hoặc đầu thế kỷ 6, bên trong hang động số 26. (Ảnh: Mahaux Photography/Getty)

Bích hoạ các vị Phật và Bồ tát trang trí trên trần hang động số 10, một trong những hang động lâu đời nhất tại Ajanta. (Ảnh: Maurice Joseph/Alamy)

Bích hoạ các vị Phật và Bồ tát trang trí trên trần hang động số 10, một trong những hang động lâu đời nhất tại Ajanta. (Ảnh: Maurice Joseph/Alamy)

Một bức hoạ trên đá của Đức Liên Hoa Thủ Bồ Tát có kích thước như người thật, đặt tại hang động số 1. (Ảnh: Benoy Behl)

Một bức hoạ trên đá của Đức Liên Hoa Thủ Bồ Tát có kích thước như người thật, đặt tại hang động số 1. (Ảnh: Benoy Behl)

Phần lớn không gian kiến trúc đều mang đậm vẻ trang trọng và tôn kính, nhưng các bức tường thì ngược lại - chúng được thiết kế để khai sáng và truyền cảm hứng, chúng phủ đầy các bức tranh nhiều màu sắc, kể lại những câu chuyện hấp dẫn từ ngàn xưa: ngày Đức Phật ra đời và hành trình giác ngộ của Ngài, các vị Bồ tát, hoàng tử, công chúa, thương gia, người ăn xin, nhạc công, người hầu, người tình, binh lính và thánh nhân. Voi, khỉ, trâu, ngỗng, ngựa, và thậm chí cả bầy kiến cũng có mặt, tham gia cùng con người trong các bức hoạ. Cây cối nở hoa, búp sen hé mở, dây leo uốn lượn vươn xa.

Các bức tranh này được vẽ theo phong cách thế kỷ 5, ghi lại nhiều hình ảnh minh hoạ kinh điển trong Phật giáo, được cho là có vai trò đánh thức lòng sùng kính và mở lối tâm linh bằng thị giác. Đối với hầu hết du khách ngày nay, những câu chuyện cổ và các lời răn dạy có vẻ quá mức thần bí và cao xa, nhưng có một điều rằng các bức hoạ trải dài trên vách hang tại đây vẫn mang một sức hút cổ xưa khó lòng giải thích.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Lịch sử hình thành xa xưa

Vì nằm ẩn mình trong rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan, suốt khoảng 14 thế kỷ, quần thể hang động Ajanta chỉ được biết đến bởi những bầy dơi và bộ lạc địa phương sống tại khu vực này. Trong 1.400 năm đó, nơi này đã bị lãng quên khỏi phần còn lại của thế giới. Vậy từ thuở sơ khai, những hang đá kì vĩ này đã được hình thành như thế nào? Tại sao những người thông thái xa xưa lại chọn nơi đây làm điểm tu hành, giác ngộ? Và vì lý do gì, những kiệt tác Phật giáo họ thành kính tạo nên lại bị vùi lấp trong dòng chảy của thời gian?

Đôi voi đá đặt tại lối vào chùa hang số 16 trong quần thể hang động Ajanta, được chạm khắc vào khoảng cuối thế kỷ 5 Công nguyên. (Ảnh: Leonid Andronov/Alamy)

Đôi voi đá đặt tại lối vào chùa hang số 16 trong quần thể hang động Ajanta, được chạm khắc vào khoảng cuối thế kỷ 5 Công nguyên. (Ảnh: Leonid Andronov/Alamy)

Ngược về khoảng 66 triệu năm trước - một trăm nghìn năm hoặc lâu hơn thế trước khi vụ va chạm Chicxulub xảy ra (vụ va chạm giữa Trái Đất với tiểu hành tinh được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long), một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử đã làm ngập cả vùng cao nguyên Deccan của Ấn Độ với khoảng 560.000 km3 dung nham. Khi bụi lắng xuống và dung nham nguội đi, toàn bộ khu vực trên được bao phủ trong một lớp đá bazan.

Nhiều vương triều lớn của Ấn Độ sau này được xây dựng tại chính cao nguyên Deccan. Những tấm bia và bản chữ khắc trên đá còn sót lại tại đây là những bản ghi chép được giữ gìn nguyên vẹn nhất về thời kỳ sơ khai này. Trên đó có nhắc tới khoảng 30 hang động do con người chạm khắc nên trên một mặt đá bazan sẫm màu, gần thị trấn cổ đại Ajanta. Vẻ ngoài của chúng kì vĩ đến không ngờ, với những bức hoạ, cột trụ và hàng nghìn tượng tạc. Hình ảnh của những hang động này khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến thung lũng Petra ở Jordan, hay những bức bích hoạ xa xưa tại thành cổ Pompeii. Đây chính là quần thể hang động Ajanta.

Trên nhiều bức tường trong các hang động Ajanta là tranh vẽ miêu tả kiếp trước của Đức Phật. Trong hang động số 1, có một bức bích hoạ được bảo tồn rất tốt, có thể thấy nội dung trên đó vẽ về một vị vua Ấn Độ đang thực hiện nghi lễ tắm rửa sau khi từ bỏ cuộc sống trần tục để tìm kiếm sự giác ngộ. (Ảnh: Benoy Behl)

Trên nhiều bức tường trong các hang động Ajanta là tranh vẽ miêu tả kiếp trước của Đức Phật. Trong hang động số 1, có một bức bích hoạ được bảo tồn rất tốt, có thể thấy nội dung trên đó vẽ về một vị vua Ấn Độ đang thực hiện nghi lễ tắm rửa sau khi từ bỏ cuộc sống trần tục để tìm kiếm sự giác ngộ. (Ảnh: Benoy Behl)

Xuyên suốt trên trần và vách hang tại quần thể Ajanta còn là các bức bích hoạ vẽ Bản sinh kinh - một bản kinh kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích-ca, nói về các đệ tử và những người chống đối Phật trong các tiền kiếp đó, và chỉ rõ các nghiệp đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này. (Ảnh: Mahaux Photograophy/Getty)

Xuyên suốt trên trần và vách hang tại quần thể Ajanta còn là các bức bích hoạ vẽ Bản sinh kinh - một bản kinh kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích-ca, nói về các đệ tử và những người chống đối Phật trong các tiền kiếp đó, và chỉ rõ các nghiệp đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này. (Ảnh: Mahaux Photograophy/Getty)

Ảnh: Robert Harding Picture Library

Ảnh: Robert Harding Picture Library

Sự xa hoa của những hang động này chứng tỏ nơi đây có sự bảo trợ của hoàng gia. Một số ngôi đền trong hang có niên đại từ thế kỷ 2 và thế kỷ 1 trước Công nguyên, nhưng phần lớn các tác phẩm đá được điêu khắc dưới thời vua Harishena, người cuối cùng cai trị triều đại Vakataka vào giữa thế kỷ 5 Công nguyên. Hệ thống hang đá Ajanta từng là một trung tâm tôn giáo và nghệ thuật vô cùng thịnh vượng, là nơi linh thiêng nhiều nhà tu hành tìm đến và được coi là di sản lớn nhất của hoàng đế Harishena.

Sau khi vương triều Vakataka và Gupta lần lượt sụp đổ, đến thế kỷ 7, các đền thờ bắt đầu vắng bóng người, các hang động bị bỏ hoang, và những bức hoạ tuyệt tác của quần thể Ajanta rơi vào quên lãng. Thời gian đã dần dần kéo Phật giáo ra khỏi Ấn Độ, khỏi chính nơi đã khai sinh ra nó. Cuối cùng, vào cuối thế kỷ 13, hầu hết các thánh địa Phật giáo ở đất nước này đều bị phá huỷ hoặc bỏ hoang sau các cuộc chiến tranh với quân đội Hồi giáo.

Địa điểm du lịch hành hương linh thiêng

Ngày nay, sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn, người ta đã khám phá ra giá trị lịch sử, nghệ thuật, nhân văn và những ảnh hưởng sâu rộng của kho tàng nghệ thuật tại quần thể hang động Ajanta. Tuy nhiều bức bích hoạ bị biến dạng do thời gian và tác động sai cách của con người, nhưng phần lớn các tác phẩm tại đây vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Năm 1983, quần thể hang động Ajanta được UNESCO đã công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Giới chức địa phương và chính quyền Ấn Độ đưa ra các chính sách tôn tạo và khai thác tiềm năng du lịch hành hương của khu vực. Hàng năm, có tới hàng trăm nghìn khách hành hương - bao gồm du khách trong nước và cả du khách quốc tế - tìm về huyện Aurangabad để chiêm ngưỡng công trình cổ vĩ đại này.

Ngày nay, quần thể hang động Ajanta là một trong những Phật tích nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, thu hút hàng trăm nghìn du khách và các nhà tu hành mỗi năm. (Ảnh: Nikreates/Alamy)

Ngày nay, quần thể hang động Ajanta là một trong những Phật tích nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, thu hút hàng trăm nghìn du khách và các nhà tu hành mỗi năm. (Ảnh: Nikreates/Alamy)

Benoy Behl, một nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim Ấn Độ từng ghi lại hình ảnh các hang động trên khắp đất nước trong nhiều thập kỷ, vẫn xúc động trước sự linh thiêng và cổ xưa của các hang động Ajanta.

“Chúng ta nhìn thấy phần thiêng liêng trong chính con người mình, ở tại nơi đây” - Benoy Behl nói.

An - Nguồn: National Geographic
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES