Những tấm bùa ema được treo trong đại dịch

25/01/2022

Vào dịp lễ hội, đặc biệt là đầu năm mới, những lời cầu nguyện lại tràn về các đền thờ Thần đạo và chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản. Vô số lời ước nguyện, vô số điều thỉnh cầu theo dòng chữ khắc trên lá bùa gỗ ema, mang hy vọng của người dân đến tận trời xanh.

"Hãy tìm em. Yêu em. Lấy em nhé" - đó là một tấm ema được ký tên TXO, gửi tới "Mr. Right", được đặt tại đền Jishu Jinja ở Kyoto, nơi thờ thần Okuninushi-no-mikoto - vị thần mai mối của người Nhật. Theo truyền thuyết, thần Okuninushi-no-mikoto mỗi năm một lần sẽ đến ngôi đền này và ban phước cho những ai còn độc thân.

"Cầu cho gia đình chúng con sẽ sớm đón một bé con khoẻ mạnh, hạnh phúc" - một lời ước nguyện khác của Andy và Suri, được viết trên tấm ema khác tại đền Hozenji ở Osaka. Cặp đôi bày tỏ lòng thành trước Bất Động Minh Vương - một trong 5 vị thần bảo hộ trong Phật giáo - để mong ngài phù hộ cho hai người sớm có em bé.

Đền thờ Jishu Jinja ở Kyoto là nơi mọi người treo những tấm bùa ema, với đủ lời cầu nguyện từ sức khoẻ, vấn đề đại dịch đến chuyện tình cảm - Ảnh: Coward_Lion, Alamy Stock Photo

Đền thờ Jishu Jinja ở Kyoto là nơi mọi người treo những tấm bùa ema, với đủ lời cầu nguyện từ sức khoẻ, vấn đề đại dịch đến chuyện tình cảm - Ảnh: Coward_Lion, Alamy Stock Photo

Trong suốt hơn 1000 năm, người Nhật đã sử dụng những tấm bùa gỗ như vậy để xin thần linh ban cho tình yêu, sự giàu có, sức khoẻ hoặc sự thành công. Và như một lẽ hiển nhiên, trong hai năm qua, có một lời cầu nguyện mới xuất hiện: cầu lấy sự bảo vệ khỏi dịch bệnh Covid-19.

Rất nhiều tấm bùa ema bây giờ được viết lên những lời nhắn nhủ về đại dịch, hoặc khắc hình ảnh của Amabie, một loại quái vật cổ xưa có khả năng xua đuổi dịch bệnh trong văn hoá dân gian Nhật Bản. Thậm chí, đền thờ Kasuga Taisha ở tỉnh Nara còn bán những miếng gỗ ema chống virus corona, được trang trí bởi các nhân vật hoạt hình.

Những chiếc đèn lồng tại đền thờ Kasuga Taisha ở Nara (Nhật Bản) trong lễ hội Chugen Mantoro năm 2020 - Ảnh: The Yomiuri Shimbun, Ap Images

Những chiếc đèn lồng tại đền thờ Kasuga Taisha ở Nara (Nhật Bản) trong lễ hội Chugen Mantoro năm 2020 - Ảnh: The Yomiuri Shimbun, Ap Images

Jennifer Robertson, một nhà nhân chủng học tại Đại học Michigan với công trình nghiên cứu về những lá bùa gỗ này trong suốt 40 năm, cho rằng đại dịch bùng nổ khiến cho vai trò của ema trở nên vô cùng quan trọng. Bùa ema trở thành một lối thoát tất yếu cho nỗi sợ hãi và khủng hoảng, ở một quốc gia mà từ từ tháng 1 năm 2020, đã có hơn 1.7 triệu người nhiễm Covid-19. Chúng làm nhẹ lòng người bằng cách thổi những điều mong ước theo làn gió, với niềm mong mỏi của người cầu nguyện rằng thần Phật, hay trời cao linh thiêng sẽ lắng nghe và biến chúng thành hiện thực. Cùng một niềm tin, một cách ký thác hy vọng giống như những lá cờ cầu nguyện của người Tây Tạng, bài vị thờ cúng của Phật giáo hay tục thả đèn lồng trên sông trong những văn hoá châu Á khác.

Ema - một tín ngưỡng lâu đời

Theo nhà nghiên cứu Robertson, những phiên bản sớm nhất của ema xuất hiện vào thế kỷ 8, trên đó vẽ hình ngựa - đại diện cho những con vật sống từng được hiến tế cho các vị thần và những nhà lãnh đạo đã khuất trong các nghi lễ của Thần đạo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngày nay, những tấm gỗ này còn khắc hình nhiều sinh vật khác, có cả hình hoa lá, geisha, trái tim, cây cối và thác nước. Chúng đu mình trên những giá đỡ bằng gỗ lớn, một giá đỡ có thể treo được hàng nghìn ema. Bạn có thể mua ema đã được khắc hình trước, hoặc ema hai mặt trống không rồi sau đó mới trang trí bằng các hình vẽ tay, rồi viết lời cầu nguyện lên mặt gỗ không có hình.

Những điều ước sẽ được xem xét bởi vị tu sĩ của đền thờ, và ngài sẽ cầu nguyện cho chúng được chấp thuận. Robertson nói: "Hầu hết ema thường được đốt trong các nghi lễ gọi là ema kuyō, người ta cho rằng chỉ như vậy thì ước nguyện mới được phóng thích và được đưa đến vương quốc của các Kami (những linh hồn và vị thần của Nhật Bản). Nếu điều ước thành hiện thực, vài người sẽ viết một ema khác để cảm ơn".

Những tấm ema bằng gỗ được treo trên những giá đỡ to lớn tại đền Kitano Tenmangu 1.000 năm tuổi ở Kyoto - Ảnh: Didier Zylberyng, Alamy Stock Photo

Những tấm ema bằng gỗ được treo trên những giá đỡ to lớn tại đền Kitano Tenmangu 1.000 năm tuổi ở Kyoto - Ảnh: Didier Zylberyng, Alamy Stock Photo

Những tấm emo chứa đựng nhiều lời ước nguyện khác nhau, từ việc mong đạt điểm thi cao đến niềm mong mỏi mang thai thành công - Ảnh: Engelhorn, Laif/Redux

Những tấm emo chứa đựng nhiều lời ước nguyện khác nhau, từ việc mong đạt điểm thi cao đến niềm mong mỏi mang thai thành công - Ảnh: Engelhorn, Laif/Redux

Ema vẫn luôn là trọng tâm trong văn hóa Nhật Bản. Nó thể hiện mối quan hệ sâu sắc của vùng đất này với hai tôn giáo chính là Thần đạo và Phật giáo, vốn gắn bó chặt chẽ với nhau, đến mức nhiều người Nhật theo cả hai tín ngưỡng.

Nhưng những lời khẩn cầu viết trên ema không chỉ hướng đến các vị thần và linh hồn cổ xưa. Nhiều người còn dùng ema như một công cụ khơi gợi sự thương cảm của đồng loại: họ ghi cả tên, tuổi và địa chỉ nhà lên tấm ema, mong rằng những người khác sẽ đồng cảm khi đọc được thông điệp của mình, và khi đó mọi người không còn thấy lẻ loi. Cũng giống như khi ta dùng Internet để gõ ra vấn đề của mình - mâu thuẫn gia đình, rắc rối trong công việc, bệnh tật dày vò, vân vân - và tìm ra hàng nghìn, hàng triệu những kết quả trả về của những người khác cũng có vấn đề tương tự.

Donald Saucier, Giáo sư Tâm lý tại Đại học tiểu bang Kansas cho biết, ema, bài vị thờ cúng hay đèn lồng thả trên sông phần nào đó đều mang lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Những vật này không chỉ là cách thức con người “liên lạc” với thần linh, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng, giữa người với người luôn có những cuộc đời cùng cảnh ngộ và cùng đáng được chia sẻ.

Và tuy rằng trong lịch sử, ema đã từng được người Nhật sử dụng rất phổ biến trong thời kỳ bệnh dịch, nạn đói, thiên tai.., nhưng đại dịch Covid-19 là thảm hoạ gần đây nhất mà người ta phải tìm đến ema nhiều đến vậy.

...và Một nét văn hoá luôn rộng mở với du khách

Phong tục cổ xưa này của Nhật Bản không hề có giới hạn với du khách nước ngoài. Người Nhật luôn hoan nghênh tất cả mọi người vẽ, viết treo ema. Họ còn có những tấm bảng hướng dẫn cách cầu nguyện được viết bằng tiếng Anh, được dựng gần những giá đỡ ema. Khi đến thăm những chốn linh thiêng này, bất kỳ du khách nào cũng có thể mua và treo một tấm bảng gỗ ema chứa đầy hy vọng và hoài bão của riêng mình. Mỗi tấm ema có giá khoảng 458 yen (tương đương 90.000 VND), trở thành một nguồn kinh tế tài trợ cho những ngôi chùa và đền thờ nước Nhật.

Hai cô gái mặc kimono chụp ảnh trước hàng nghìn tấm ema tại đền Kiyomizu-dera ở Kyoto, vào ngày 24 tháng 4 năm 2017 - Ảnh: Benny Marty, Alamy Stock Photo

Hai cô gái mặc kimono chụp ảnh trước hàng nghìn tấm ema tại đền Kiyomizu-dera ở Kyoto, vào ngày 24 tháng 4 năm 2017 - Ảnh: Benny Marty, Alamy Stock Photo

Người nước ngoài đến Nhật Bản thường dùng ema tại đền Meiji Jingu ở Tokyo, đền Shitennoji ở Osaka hay đền Fushimi Inari ở Kyoto. Bạn cũng có thể ghé thăm bất cứ ngôi đền, chùa nào phù hợp với lời nguyện cầu của bản thân. Ví dụ, các bậc cha mẹ đau buồn khi sảy thai, theo truyền thống, sẽ treo ema tại đền Zojoji ở Tokyo, nơi có Vườn của những đứa trẻ chưa sinh. Học sinh, sinh viên thường tới Yushima Tenjin cũng ở Tokyo - đền thờ của các học giả. Những ai đang tìm kiếm tình yêu thì tới đền Ohatsu Tenjin, ngôi đền Thần đạo nhỏ từng có một truyền thuyết lãng mạn bi thương, nơi các cặp đôi đến cầu nguyện cho tình duyên trọn vẹn. Thậm chí, có du khách còn sử dụng ema cho “động cơ chính trị”. Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012, một trong những khách du lịch từ Texas đã đến đền Fushimi Inari và để lại một ema viết ngắn gọn: “No more Obama” (Obama đừng đắc cử).

Đối với hàng triệu người dân Nhật Bản, ema là một tín ngưỡng bén rễ sâu rộng, họ cầu nguyện, và sẵn sàng đặt niềm tin vào lời cầu nguyện đó. Đến hôm nay, giữa cảnh đại dịch còn dai dẳng, nhiều người vẫn viết lên ema với những nguyện ước giống nhau, và những tình cảm giống nhau.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

An - Nguồn: National Geographic
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES