Âm nhạc từ thiên nhiên
Tiếng vang giòn tan bắt chước âm thanh chũm choẹ, những nốt nhạc vang trầm gợi nhớ đến chiếc trống kim loại..., đó là những âm thanh đáng kinh ngạc mà Ethnobeat, một nhóm nhạc đến từ Siberia, tạo ra từ băng trên mặt hồ Baikal của Nga vào năm 2012. Đoạn video ghi lại màn trình diễn này sau đó đã được lan truyền rộng rãi, và thu hút vô số người trên thế giới đến với môn nghệ thuật "nhạc băng".
Những giai điệu kỳ diệu từ băng đó cũng từng xuất hiện trong những đêm đen thẳm, trên khắp vùng lãnh thổ Na Uy và Thuỵ Điển thuộc Bắc Cực nhiều năm trước. Năm 2000, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ người Na Uy - Terje Isungset - đã biểu diễn buổi hoà nhạc bằng băng đầu tiên trên thế giới, bên trong một thác nước đóng băng ở Lillehammer.
Sáu năm sau đó, Isungset thành lập Lễ hội Âm nhạc trên băng (Ice Music Festival Norway), cuốn hút những nhà thám hiểm hiếu kỳ sẵn sàng chấp nhận cái lạnh âm độ C, để trải nghiệm sự kết nối độc đáo với thiên nhiên thông qua âm nhạc. Lễ hội dự định vào mùa đông năm nay đã bị huỷ bỏ do đại dịch Covid-19, nhưng vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức từ ngày 4/2 đến ngày 6/2 năm 2022.
Đối với Isungset, một nghệ sĩ từng có kinh nghiệm sử dụng các món quà từ thiên nhiên như gỗ và đá để sáng tác, dùng băng là một bước đột phá trong hành trình làm âm nhạc. "Lần đầu tiên khi chơi nhạc trên bề mặt băng trong suốt, tôi ngạc nhiên trước âm thanh thuần khiết, ấm áp và nhẹ nhàng ấy. Một âm thanh khác hẳn so với tiếng băng vỡ vụn, lạnh lẽo dưới chân chúng ta" - anh nói.
Đến nay, Isungset đã biểu diễn hàng trăm buổi hoà nhạc bằng băng, trong đó có cả buổi diễn ở Nobel Banquet năm 2017. Anh đã thu âm 8 album dưới cái tên All Ice Records, và hoàn toàn coi loại hình nghệ thuật này là công việc của đời mình.
Vậy, làm nhạc từ băng cụ thể là gì? Đó là khi các nghệ sĩ dùng băng để gõ nhịp, hoặc chơi các nhạc cụ được chế tác từ băng. Nhiều nhạc cụ có vẻ quen thuộc với chúng ta, nhưng khi được làm bằng băng, chúng tôn lên vẻ đẹp của thiên nhiên, và mang tới nhiều nốt nhạc khó đoán định. Cả việc chế tạo và sử dụng các nhạc cụ này đều là những quá trình không thể kiểm soát được một cách chính xác. Điều ấy làm tăng thêm sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này.
Chế tạo nhạc cụ
Các loại nhạc cụ chạm khắc có thể được làm hoàn toàn bằng băng, ví dụ như tù và hay bộ gõ, hoặc kết hợp giữa băng và các vật liệu khác, như đàn hạc có phần thân làm từ băng có gắn thêm dây kim loại. Isungset hợp tác với nhà điêu khắc băng Bill Covitz, một nghệ sĩ đến từ Hoa Kỳ nhưng luôn đến thăm các điểm hoà nhạc trên khắp thế giới, để chế tạo nhạc cụ mang sắc thái riêng của chính địa phương đó.
Một nghệ sĩ người Mỹ khác, Tim Linhart, thì tập trung vào các tác phẩm điêu khắc bằng băng và tuyết ở Mỹ, trước khi chuyển đến châu Âu và nổi tiếng với việc chế tác các nhạc cụ băng. Sau 36 năm sáng tạo, ông đã tạo ra hàng trăm bộ nhạc cụ, biểu diễn trong 19 dàn nhạc trên băng và tham dự 11 buổi hòa nhạc theo phong cách lều tuyết ở nhiều nơi, từ Luleå (Thụy Điển), đến dãy núi Alps của Ý.
Bằng cách nghiên cứu và pha trộn các vật liệu lạnh giá - chẳng hạn như nước đá trong và nước có ga tự làm, cùng với núi tuyết - Linhart có thể tạo ra các nhạc cụ phức tạp như đàn vĩ cầm, và hoà âm chúng một cách hoàn hảo nhất có thể. Đó là một quá trình mà ông gọi là “kỹ thuật chế tác băng”.
Nhiều năm điêu khắc băng giúp ông học được ưu điểm và khuyết điểm của loại vật liệu đặc biệt này. "Khi đạt được điểm giới hạn giữa độ căng của dây và độ dày của vật liệu, thì đó là lúc âm nhạc thực sự xuất hiện" - Linhart đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm, sai sót, và thậm chí làm vỡ tan nhạc cụ, để đi đến kết luận như vậy.
Hiện tại, vị nghệ sĩ này đang sinh sống và làm việc tại Ý. Ông đã xây dựng hẳn một dàn nhạc chuyên nghiệp có thể chơi hầu như mọi thể loại âm nhạc, từ rock-and-roll đến nhạc cổ điển, với các dụng cụ chế tạo từ băng.
Điêu khắc nhạc cụ băng thường mất tối thiểu từ ba ngày đến vài tuần, vì việc thu hoạch vật liệu và đảm bảo chất lượng của chúng đều phụ thuộc vào thời tiết. Giống như rượu vang, có những năm sản lượng thật tuyệt vời. Có những năm, mẹ thiên nhiên lựa chọn không cất lời ca.
Chơi sao cho đúng
Khi buổi biểu diễn bắt đầu, những vấn đề phức tạp khác lại nảy sinh. "Băng luôn luôn chuyển động" - Linhart nói, "Nhiệt độ cơ thể dần làm tan chảy các nhạc cụ. Nhiệt động không khí tăng cao vì hơi thở của khán giả. Khi ấy, những nhạc cụ khác nhau cần được điều chỉnh theo những cách khác nhau. Phải xuống âm ở cái này, tăng âm ở cái kia". Để giảm thiểu điều này nhiều nhất có thể, ông đã thiết kế các địa điểm hoà nhạc có mái vòm, để ngăn độ ấm tập trung vào dàn nhạc.
Một mối nguy hiểm khác? Khi thổi kèn, môi của người chơi có thể bị dính vào nhạc cụ, vì nó làm bằng băng! Và trong hầu hết mọi trường hợp, các nghệ sĩ không thể luyện tập trước trên nhạc cụ, vì vậy họ thường sáng tác nhạc trực tiếp một cách ngẫu hứng trước khán giả. Do đó, buổi diễn nào cũng là độc nhất vô nhị.
"Tôi thấy âm thanh sắc nét của nhạc cụ băng thật hấp dẫn và đặc biệt. Nhưng khả năng của chúng bị hạn chế rất nhiều, vì không có bàn đạp hoặc cần gạt để điều chỉnh trong lúc chơi, hoặc trong thời gian nghỉ giữa các bản nhạc" - Anna-Maria Hefele, một nhạc sĩ người Đức đang thử sức với đàn hạc làm từ băng, cho biết.
Điều đó cũng có nghĩa là, phải chơi sao cho đúng để tránh việc toàn bộ buổi biểu diễn chỉ có một giai điệu lặp đi lặp lại.
Các nghệ sĩ chơi đàn hạc truyền thống vẫn được mọi người ngưỡng mộ vì khả năng gảy đàn một cách khéo léo, và tạo ra những giai điệu thanh nhã. Nhưng với đàn hạc làm từ băng, nhiệt độ từ ngón tay sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của chiếc đàn. Hefele cảm thán: "Rắc rối một điều là, nghệ sĩ đàn hạc cần đôi bàn tay ấm áp để có thể di chuyển một cách nhanh chóng và chính xác. Nếu tay bị lạnh cóng thì không thể kiểm soát nhịp điệu được, mà tay ấm nóng thì đàn lại tan ra".
Sáng tạo âm nhạc từ băng đi kèm với rất nhiều điều trái khoáy, nhưng nhiều nghệ sĩ coi đó là cơ hội để tinh chỉnh kỹ năng và bồi dưỡng khả năng sáng tạo của bản thân.
"Tôi luôn thích những thử thách mới và khám phá các thể loại âm nhạc khác nhau" - Viktor Reuter, tay chơi bass đôi người Thuỵ Điển từng lưu diễn ở Na Uy, Đức và Trung Quốc cùng Isungset, chia sẻ, "Khi chơi bass đôi bằng gỗ, cơ thể luôn tiếp xúc với mặt gỗ, và ta có thể cảm nhận được rung động của nó". Nhưng băng dày và nặng hơn, âm bass trở nên hoàn toàn khác biệt. Các bản hoà âm phải được đơn giản hoá và chơi chậm hơn, đòi hỏi sự ứng biến và trạng thái tinh thần luôn sẵn sàng thay đổi của người nghệ sĩ.
Âm nhạc và thông điệp từ băng
Chế tạo và bảo trì các loại nhạc cụ, chuẩn bị địa điểm và thu hút khán giả đến với không gian lạnh giá là những thử thách cần rất nhiều nỗ lực. Đối với những nghệ sĩ đặc biệt này, công việc của họ là thích nghi với những điều không thể lường trước. Họ thường xuyên phải biến tấu âm nhạc của mình trực tiếp khi biểu diễn mà không được tập dượt.
Ngoài việc lưu diễn ở Trung Quốc, mỗi năm, Isungset và nhóm nhạc của anh còn tổ chức khoảng 70 buổi hoà nhạc ở nhiều nơi trên thế giới, từ Úc, Nhật Bản đến Ấn Độ và Hoa Kỳ. Thường thì họ không thể biểu diễn ngoài trời, và phải sử dụng tủ động lạnh để bảo quản nhạc cụ. Trong khi đó, Linhart đang cố gắng mang loại hình nghệ thuật huyền diệu này đến Thế vận hội Mùa đông 2026 được dự kiến tổ chức ở Ý.
Đối với Isungset, đây không chỉ là chuyện về âm nhạc, mà còn là hành động bảo vệ môi trường. Anh hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Bjerknes có trụ sở tại Bergen, để tổ chức các cuộc thảo luận, sắp đặt nghệ thuật về tác động của biến đổi khí hậu đối với băng tuyết tại chính Lễ hội Âm nhạc trên băng của mình.
"Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là sự trừu tượng trong biểu diễn nghệ thuật. Thay vì lý luận suông với mọi người về những gì không nên làm, chúng tôi chia sẻ thông điệp theo cách tinh tế" -Isungset nói. Bản thân dàn nhạc cụ cũng là một ẩn dụ về hiện tượng nóng lên toàn cầu, vì chúng sẽ tan hết vào mỗi mùa xuân, khi khán giả đã thưởng thức hết âm nhạc và rời đi.
Dù sao thì, "làm nhạc từ băng không phải một điều nhân tạo, mà là sự trình diễn do thiên nhiên chỉ đạo hoàn toàn".