Nhiều lần ghé qua Bình Thuận ở Lagi – Phan Thiết – Mũi Né, nhưng cứ hễ chạy đến Bàu Trắng, tôi lại dừng chân và chưa một lần ghé qua vùng đất mang tên Ninh Thuận nằm ở Nam Trung Bộ. Thế là một ngày đẹp trời cuối tuần, tôi chỉ quẳng balo lên vai, kéo người yêu đi về nơi này với mong muốn giản đơn là được ngắm nhìn đất nước mình thật rõ và ôm Việt Nam mình vào lòng thêm nhiều lần nữa.
Tới Ninh Thuận, đến thành phố Phan Rang, tôi chẳng hy vọng nhiều, chỉ nghĩ rằng đây sẽ chuyến đi trốn Sài Gòn dịp cuối tuần mà không suy nghĩ nhiều. Tới Ninh Thuận, tôi chợt thấy việc “dốc hết trái tim” để tâm trí hoàn toàn trống rỗng trước khi đi du lịch là một lời khuyên đúng đắn. Những tưởng tượng, phán xét, những gì đã đọc và xem trước về điểm đến chỉ đóng khung khả năng “thấm hút” của mọi giác quan khi thực sự được có mặt tại đây. Ninh Thuận thực sự đã đón tiếp tôi bằng những bất ngờ qua nhiều giác quan kỳ diệu. Đúng là chỉ khi ta đặt ít kỳ vọng, thất vọng sẽ không đuổi bám ta. Và tôi được dịp gọi “Ninh Thuận ơi…” đầy bất ngờ và trìu mến.
Làng gốm Bàu Trúc
Điều độc đáo tại làng nghề Bàu Trúc chính là nghệ thuật thủ công của những tác phẩm được nhào nặn bằng tay chứ không sử dụng bàn xoay để nặn gốm. Chất liệu cũng là một điều thú vị khi đất sét được lấy từ dòng sông Quao gần đó, cát được trộn vào đất sét tuỳ theo mục đích sử dụng của gốm chứ không trộn theo công thức.
Các hoa văn trên gốm Bàu Trúc được lấy cảm hứng từ dòng sông, chấm vỏ sò và cây cỏ tạo. Ngày nay, Bàu Trúc được phát triển hơn về thẩm mỹ và nở rộ nhiều loại hoa văn mới tinh xảo.
Làng dệt Mỹ Nghiệp
Đối diện làng gốm Bàu Trúc là một nét đẹp văn hoá nữa mà tôi được dịp khám phá. Nơi đây vừa được trùng tu lại, những ngôi nhà có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn có nét Chăm với kiến trúc mái vòm đặc trưng. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp từ lâu đã là một nét văn hóa rất riêng của người Chăm. Các hoạ tiết với nhiều màu sắc và hoa văn đã tạo nên vẻ đẹp riêng. Đặc biệt, các sản phẩm đều do những nghệ nhân người Chăm thực hiện hoàn toàn thủ công khiến ta thêm trân quý những sản phẩm được tạo ra.
Tháp Pô Klông-Garai
Nằm ở phía bắc thành phố Phan Rang, Pô Klông-Garai là một quần thể di tích tháp Chăm nổi tiếng tại Ninh Thuận. Tôi đến đây khi trời còn hửng nắng và trời chiều đã tà, thế nhưng vẻ đẹp của tháp đến từ xa. Nếu tới gần nơi đây sẽ thật nhỏ bé đối với những quần thể tháp Chăm khác mà bạn từng ghé ở gần Nha Trang, nhưng từ xa, nhìn quần thể ấy hùng vỹ nằm trên ngọn đồi cao, cảm giác thật khó tả.
Đồi cát Nam Cương
Có lẽ, nghe đến cát, mọi người sẽ nghĩ đến những đụn cát khổng lồ ở Mũi Né, thế nhưng Ninh Thuận cũng có điều đó, và còn đẹp đẽ không hề thua kém. Một màu cát vàng chảy dài đến chân trời và những đụn cát dư cho bạn trượt lên trên và điều quan trọng là không có một bóng người. Nơi đây yên bình, dù cho gió có bay mạnh mẽ đến đâu, sự yên bình vẫn ở đó.
Hang Rái
Những mảng đá với đủ hình thù và màu sắc, và những mảng nước xanh trong tuyệt đẹp. Nơi đây sở dĩ có cái tên Hang Rái là vì từng có nhiều rái cá đến đây làm tổ, nhưng tiếc rằng ngày nay đã chẳng còn. Khi nước biển rút từ hàng thế kỷ trước, mỏm đá san hô tại đây hiện lên, tạo nên một bề mặt như đang đi trên Sao Hoả.
Vịnh Vĩnh Hy
Rời khỏi Hang Rái, tôi lên đường về phía bắc để đến với vịnh Vĩnh Hy. Đã nghe danh nơi này từ lâu nên tôi vô cùng háo hức và đặt nhiều kỳ vọng. Nếu được quay lại, tôi sẽ ghé qua nơi này một ngày đầy nắng để thưởng thức quang cảnh vùng vịnh trọn vẹn hơn.
Ẩm thực
Tôi yêu Ninh Thuận nhiều nhất không phải vì đi qua những nơi tuyệt đẹp (tất nhiên đó là một phần) nhưng phần to bự nhất chính là qua đường bao tử với những món ngon tuyệt trần. Và đừng hỏi vì sao, hãy thử đi vì tôi thật kém cỏi khi diễn tả những phong vị của mảnh đất này qua con chữ.