Nỗi nhục máy bay, khoe khoang xe lửa và câu chuyện du lịch bền vững

25/10/2019

Người Thụy Điển là bậc thầy về sáng tạo. Và mới đây, cả thế giới lại phải một lần nữa ngả mũ trước trào lưu “flygskam” (nỗi nhục máy bay) và “tågskryt” (khoe khoang xe lửa) khởi nguồn từ xứ sở tóc vàng hoe.

“Flygskam” hay nỗi xấu hổ khi… sử dụng máy bay

Khái niệm “flygskam”, tiếng Anh là “flight shame” hoặc “flight shaming” - nỗi nhục nhã khi sử dụng máy bay, là một khái niệm khởi nguồn từ vận động viên Olympic Björn Ferry. Tuy nhiên, “flygskam” chỉ thực sự trở thành trào lưu khi được ca sĩ opera Malena Ernman (mẹ của nhà hoạt động môi trường nhỏ tuổi nhất hiện nay người Thụy Điển Greta Thunberg) cùng với rất nhiều nghệ sĩ người Thụy Điển khác chính thức phát ngôn trước công chúng về việc họ sẽ không bao giờ sử dụng máy bay khi di chuyển. Việc làm này nhằm góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành hàng không dân dụng vốn đang góp 2,5% vào tổng lượng khí thải CO2 hiện nay trên toàn thế giới.

Empty
Empty

Chính phát ngôn này của Malena, cùng với những bài diễn thuyết, các buổi biểu tình đồng loạt “Skolstrejk för Klimatet” (Trường học đình công vì môi trường), các cuộc diễu hành do Greta Thunberg phát động trên khắp Thụy Điển trong vòng một năm trở lại đây đã khiến “flygskam” không chỉ đơn thuần là một trào lưu nhất thời hay loạt hashtag thời thượng trên khắp các mặt trận mạng xã hội. Lần cuối cùng Greta sử dụng máy bay là vào năm 2015. Từ đó đến nay, em luôn sử dụng xe lửa hoặc các phương tiện thay thế khác để di chuyển, thậm chí là đi du lịch khắp châu Âu. Lượng người ủng hộ trào lưu này không ngừng tăng lên, khiến đã có lúc, đồng loạt các hãng hàng không lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ đều phải lên tiếng cam kết về mức khí thải CO2 cho từng chuyến bay của hãng, đồng thời không ngừng “thề non hẹn biển" về những cam kết trách nhiệm của họ với môi trường để “đền bù thiệt hại" cho Mẹ Thiên nhiên.

Empty

Theo thống kê từ Forbes, số lượng hành khách tại 10 sân bay lớn nhất Thụy Điển đã giảm 5% so với thời điểm mùa hè năm ngoái. Một thống kê khác cho rằng trào lưu này đã thuyết phục được khoảng 15.000 người dân Thụy Điển từ bỏ thói quen sử dụng máy bay khi di chuyển và du lịch của họ. Thậm chí, dân tình Thụy Điển còn “sáng chế" ra từ ghép “smygflyga" có nghĩa là… bay trong bí mật, để ám chỉ những ai vẫn còn… “ngoan cố” sử dụng máy bay, mặc cho toàn dân đang hăm he đi xe lửa hoặc sử dụng các phương tiện giao thông thay thế khác. Thỉnh thoảng trên báo đài cũng hay xuất hiện những câu chuyện kiểu “tấm gương sáng" về những gia đình Thụy Điển với con nhỏ đi xe lửa vài tiếng đồng hồ thay vì sử dụng máy bay với thời gian chưa tới một tiếng để góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dù cho cả thế giới đang sốt hừng hực với “flygskam" thì ở ngay bên cạnh Thụy Điển, người anh em Na Uy lại hoàn toàn không nghĩ vậy.

Empty

Do địa hình cực kỳ đặc biệt với toàn bộ phần bờ biển phía Tây bị cắt xén lởm chởm bởi hơn 1.000 vịnh hẹp fjord ăn sâu vào đất liền, cùng với vùng bờ biển phía Tây Bắc quanh năm gió táp và mưa lớn, hệ thống giao thông công cộng ở miền tây bắc Na Uy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay. Một chuyến bay kéo dài 75 phút từ thủ đô Oslo đến quần đảo Bodø sẽ biến thành một hành trình xe lửa dài 16 tiếng đồng hồ kèm theo ít nhất một lần đổi xe giữa đường. Thậm chí, ở vùng cực Bắc Na Uy, khi khí hậu trở nên cực kỳ khắc nghiệt vào mùa đông thì ngoài máy bay ra, có lẽ người dân địa phương sẽ không còn cách nào khác để đi đến những vùng khác ngoài tầm lái của xe hơi hoặc xe bus. Vì vậy, hãng hàng không nội địa Widerøe của Na Uy chuyên khai thác các chuyến bay này vẫn “bình chân như vại” giữa cơn bão “flygskam" - vốn đang khiến nhiều hãng hàng không tụt giảm doanh số một cách chóng mặt.

Empty

Dân Na Uy, cũng do ảnh hưởng từ thời tiết và sự chia cắt địa lý, có tính cá nhân rất cao mà theo quan điểm chủ quan của tôi thì tính cá nhân của dân Na Uy cao ngang ngửa với dân Phần Lan gần đó, và cao hơn hẳn dân Thụy Điển sát bên cạnh. Có lẽ vì vậy mà trong cuộc bầu cử địa phương đang diễn ra tại xứ fjord này, Đảng Trung gian (Centre Party) là một trong số ít những đảng phái chính trị ở Na Uy đưa ra gợi ý về việc làm sao để các chuyến bay rẻ hơn và người ta có thể bay được nhiều hơn. Ngài Trygve Slagsvold, lãnh đạo của đảng, cho rằng cách tốt nhất để giảm lượng khí thải là đầu tư vào các máy bay hiện đại và nhiên liệu thân thiện với môi trường, thay vì cắt giảm việc sử dụng máy bay. Thậm chí, sắp tới đây, một sân bay mới sát biên giới Na Uy - Thụy Điển sẽ được mở nhằm giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận với một trong những khu trượt tuyết nổi tiếng nhất ở Na Uy là Trysil.

Hãy khoe khoang nếu bạn đi xe lửa!

Nếu không đi du lịch bằng máy bay, dân Thụy Điển nói riêng và các nước châu Âu cùng hưởng ứng phong trào “flygskam” này sẽ sử dụng phương tiện vận chuyển nào? Câu trả lời hẳn bạn cũng đã biết: Xe lửa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Chỉ trong vòng một năm kể từ khi Greta khởi xướng “flygskam”, Tổng cục Đường sắt Thụy Điển SJ cho biết số vé bán ra tại nước này trong năm 2018 đã tăng hơn 1,5 triệu vé so với năm trước. Tương tự, InterRail - trang bán vé xe lửa xuyên châu Âu - cũng ghi nhận doanh số bán vé tại đây tăng 150% so với năm 2017, và bỗng nhiên trở thành một hiện tượng du lịch toàn châu Âu. Thậm chí, một hãng xe lửa nhỏ ở Thụy Điển chuyên khai thác tuyến Malmö - Berlin vốn có năm năm trời (2012 - 2017) hoạt động cầm chừng không một đồng lời lãi bỗng doanh số tăng vọt 20% chỉ trong nửa đầu năm 2019. Hãng này còn dự định mở thêm nhiều tuyến nữa để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Người dân bắt đầu chuyển dần sang việc du lịch và dịch chuyển bằng phương tiện ít gây ô nhiễm môi trường này hơn. Và một làn sóng hashtag mới lại xuất hiện trên mạng xã hội: “Tågskryt” - tạm dịch là… sự khoe khoang khi bạn đi xe lửa.

Empty

Hàng loạt những tấm hình lung linh trong không gian các toa xe lửa hiện lên tràn ngập trên Instagram. Những dòng tweet ngắn ngủi thông báo (một cách… khoe mẽ) rằng chủ nhân của tài khoản đang trên một chuyến xe lửa để ngao du sơn thủy. Người đi cứ việc… khoe, còn người ở nhà thì… vừa ganh tỵ vừa hết lòng ủng hộ! Thậm chí, fanpage của Hiệp hội Du lịch bằng Xe lửa của Thụy Điển Tågsemester đã tăng một lượng fan kỷ lục, từ vỏn vẹn 3.000 lượt likes và followers ở thời điểm cuối năm 2017 đến hơn 100.000 lượt yêu thích chỉ trong vòng chưa tới một năm! Vậy là, còn hơn cả một sự khoe khoang vật chất đơn thuần, trào lưu “tågskryt” đã thực sự có một tác động cực kỳ mạnh mẽ đến nhận thức của cư dân cựu lục địa.

shutterstock_294655361_huge

Những quốc gia châu Âu lục địa như Pháp, Đức, Thụy Sỹ… hưởng lợi rất lớn từ trào lưu này, chủ yếu thông qua việc bán vé xe lửa cho khách du lịch, cũng như tăng cường khai thác các tuyến xe lửa đi qua những địa danh và thắng cảnh đẹp nhất nhì ở xứ họ, đặc biệt là Đức và Thụy Sĩ. Các hãng xe lửa, thuộc sở hữu của cả quốc gia lẫn tư nhân, đều tranh thủ tung ra những khuyến mãi hấp dẫn, các loại vé tháng, vé năm, vé cho cả gia đình, rồi nào là vé giảm giá, vé kích cầu đủ mọi thể loại, nhằm kêu gọi người dân và du khách ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển vừa rẻ, vừa tiện lợi (vì nhà ga chính thường nằm ở ngay trung tâm thành phố, so với sân bay nằm ở ngoại ô), lại vừa được “tågskryt” với những kẻ đang phải ở nhà. Đúng là nhất cử… nhiều tiện!

shutterstock_1090869155_huge

Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ vốn kém cạnh hơn hẳn về mặt giao thông đường bộ bằng xe lửa, một mặt không ngớt lời ca ngợi sự thành công của “tågskryt”, mặt khác cũng không thể giấu khéo đi được sự ganh tỵ, thèm thuồng và ngưỡng mộ về một hệ thống xe lửa xuyên biên giới ở châu Âu. Nếu như việc di chuyển giữa các bang ở Mỹ có thể lấy đi của người dân vài tiếng, thậm chí mười mấy tiếng đồng hồ lái xe băng qua những con đường xuyên bang thẳng tắp, hoặc đơn giản hơn là đáp một chuyến máy bay nối đôi bờ Đông - Tây của xứ cờ hoa, thì ở châu Âu, những chuyến xe lửa xuyên biên giới các nước khiến việc du lịch, thậm chí là cuộc sống của người dân ở đây dễ dàng hơn hẳn.

Empty

Tôi có một cô bạn, hiện tại là luật sư và sống tại thủ đô Stockholm. Từ thuở còn là cô sinh viên trường luật ở Lund, một thành phố phía nam Thụy Điển, gần với Đan Mạch, cô bạn đã có mấy tháng trời làm thực tập sinh ở Copenhagen với lịch sinh hoạt thú vị như sau: Buổi sáng, đón xe lửa từ Thụy Điển, băng qua cây cầu Öresund đến thủ đô của Đan Mạch để làm việc; đến chiều lại đón xe lửa đi ngược về Thụy Điển. Cứ thế đều đặn năm ngày một tuần, ròng rã suốt thời gian thực tập. Một số đồng nghiệp người Đan Mạch của cô thì tranh thủ cuối tuần lại đón xe lửa đi Thụy Điển để tụ tập ăn chơi và mua sắm, vì vật giá Thụy Điển rẻ hơn hẳn so với Đan Mạch. Hẳn nhiên, cô bạn của tôi không phải là ngoại lệ, khi hằng ngày, những chuyến xe lửa như thế đã nối hai thành phố và hai đất nước này với nhau chỉ trong vòng chưa đến… nửa tiếng!

Sự lên ngôi của InterRail, Eurail và du lịch bền vững

Tỉ lệ nghịch với doanh số bán vé của các hãng hàng không hẳn nhiên là doanh thu của các hãng xe lửa ở châu Âu, trong đó không thể không kể đến hai “ông lớn” là InterRail và Eurail. Mặc dù không phải là công ty vận tải hành khách nhưng InterRail và Eurail là hai dịch vụ bán vé xe lửa nổi tiếng nhất ở lục địa già, với tổng số quốc gia tham gia vào hệ thống này lên tới con số 31.

Empty

InterRail và Eurail thực chất không khác nhau nhiều về cách thức sử dụng, các tuyến đường và thậm chí là giá cả cho các loại thẻ. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là ở chỗ InterRail dành riêng cho công dân có quốc tịch châu Âu hoặc người đang thường trú hợp pháp tại châu Âu; trong khi đó, Eurail chỉ dành cho khách du lịch đến từ ngoài châu Âu mà thôi. Khác biệt này tuy không ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố vừa nêu trên như giá cả, tuyến đường, v.v… nhưng lại rất quan trọng. Nếu mua sai loại thẻ, hành khách sẽ bị phạt tiền rất nặng. Đã có nhiều trường hợp hành khách “than trời” trên các forum và trên web của hãng về việc nhầm lẫn, âu cũng bởi… cái tên. InterRail dễ khiến người ta liên tưởng đến từ “international” - quốc tế, còn Eurail lại khiến những kẻ tay mơ nhầm lẫn thành “Europe” - châu Âu. Bởi thế, đã có không ít hành khách từ châu Âu lại đi mua Eurail, trong khi khách Mỹ lại hăm hở bắt đầu chuyến hành trình xe lửa xuyên châu Âu của mình bằng thẻ InterRail!

Empty

Ở thời điểm trước năm 2017, đây là hai loại thẻ xe lửa phổ biến trong giới du lịch chuyên nghiệp. Chỉ đó điều, dù giúp người sử dụng tiết kiệm được một khoản tiền vé đáng kể cũng như hoàn toàn chủ động được về thời gian nhưng việc “động não” để sử dụng nó sao cho tối ưu nhất lại khá… khó hiểu và rắc rối, đủ để khiến những tay du lịch nghiệp dư có thể chép miệng cho qua một món hời như thế này mà chuyển sang sử dụng những loại vé chặng thông thường khác, tuy có “mắc” hơn và ràng buộc về mặt thời gian, nhưng lại không phải vắt óc suy nghĩ nhiều!

nha ga 2

Nhưng may mắn thay, “flygskam” và “tågskryt” có lẽ đã phần nào tác động lên cơ cấu tổ chức và hoạt động của InterRail và Eurail, để rồi từ năm 2018 đến nay, hai loại thẻ này đã có nhiều thay đổi đáng ngạc nhiên về cách thức và hướng dẫn sử dụng, trở thành những “thẻ bài” du lịch châu Âu bằng xe lửa vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, lại vừa rất dễ hiểu và dễ sử dụng cho tất cả mọi người. Những con số ấn tượng về mặt doanh số liên tục xuất hiện trên khắp các mặt báo ở mọi quốc gia khiến người dân lại càng có thêm động lực để chuyển dần từ sử dụng máy bay sang xe lửa hoặc các loại phương tiện vận chuyển khác thân thiện với môi trường hơn.

Empty

Khái niệm “du lịch bền vững” tuy đã xuất hiện từ khá lâu rồi, nhưng phải cho đến tận khi dân Thụy Điển làm dậy sóng thế giới với “nỗi nhục máy bay” và “khoe khoang xe lửa” thì “du lịch bền vững” mới lại trở thành chủ đề được cả giới đi du lịch và làm du lịch quan tâm thêm nữa. Bây giờ, khái niệm “bền vững” trong du lịch không chỉ đơn thuần là việc không xả rác xuống biển, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa, ủng hộ các doanh nghiệp và dịch vụ địa phương, trải nghiệm cuộc sống ở nơi bạn đến nữa, mà còn là để đến được địa điểm du lịch, bạn đã “thải” ra bao nhiêu CO2 và các khí thải độc hại khác vào bầu khí quyển! Thoạt nghe thì có vẻ vĩ mô, nhưng thực chất bạn có thể bắt đầu bằng những điều rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày: sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng thang máy nếu chỉ đi một vài tầng, phân loại rác thải… Hành trình vạn dặm nào cũng bắt đầu bằng những bước đi rất nhỏ.

Quyên Lê
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES