Bài và ảnh: Quế Lan
Onsen, đọc theo âm Hán là Ôn tuyền, “Ôn” có nghĩa là ấm, nóng, “Tuyền” có nghĩa là suối, vậy nên onsen có nghĩa là suối nước nóng. Đến Nhật Bản, hầu như ở đâu, du khách cũng có thể tìm được nơi để tắm Onsen, tuy nhiên, không ở đâu có nhiều suối nước nóng như ở Beppu, thành phố thuộc tỉnh Oita, vùng Kyushu, miền Nam Nhật Bản.
Beppu, thành phố suối khoáng nóng đặc trưng với những ống khói cao ngút, xen lẫn những ngôi nhà màu xám
Beppu, ngôi nhà của gần 3000 Onsen
Thoáng nhìn từ xa, phía bên trái tôi là hình ảnh của những ống khói ngút trời, xen lẫn giữa những ngôi nhà màu xám dưới chân núi. Không để cả đoàn chờ đợi lâu, chị Fumiko – Hướng dẫn viên người Nhật cười vui nói rằng bí mật của ngày hôm nay chính là Beppu, thành phố nổi tiếng với gần 3000 suối nước nóng ngày đêm tuôn chảy và các ống khói tỏa ra chính từ các suối nước nóng trong thành phố. Không chỉ từ các ống khói đặt bên ở một số khu vực nhất định, bên cạnh những ngôi nhà, hay ở ven đường, nếu tinh ý, bạn sẽ thấy khói bốc lên từ dưới một số đường ống thoát nước bên đường, nhiều tới mức bạn bắt đầu thấy quen dần với sức “nóng” tại đây.
Khác với vẻ ngoài của những cột khói cao ngút trời, Beppu nhìn ra vịnh Beppu thơ mộng, là một trong những thành phố du lịch yên bình, nguyên sơ với dân số chỉ khoảng 127 ngàn người. Ở đây ước tính tới hơn 2800 suối nước nóng với 9 loại nước nóng khác nhau, mỗi ngày có khoảng 36 triệu galon nước nóng được phun ra từ mặt đất. Điều đó khiến cho Beppu chỉ đứng sau công viên Yellow Stone của Mỹ về trữ lượng khoáng nóng.
Trong hành trình này, tôi sẽ được thăm quan 2 trong số 9 suối nước độc đáo nhất tại Beppu, còn gọi là Jigoku Meguri, được mệnh danh là những địa ngục của thành phố. Đầu tiên là Umi Jigoku, suối nước nóng màu xanh ngọc, có nhiệt độ nóng tới mức có thể luộc chín trứng. Ở một vài góc khuất sau tảng đá, nước nóng sôi lục bục kèm theo khói bốc lên trắng xóa. Nếu đứng gần hàng rào, bạn sẽ cảm nhận rõ hơi nóng bốc lên, lan tỏa xung quanh, phả dần vào làn da thật dễ chịu.
Umi Jigoku, suối nước nóng màu xanh biếc, hay còn gọi là "địa ngục biển"
Sang khu vực kế bên là Chinoike Jigoku, suối nước nóng mệnh đanh là địa ngục máu bởi dòng nước đỏ như máu, được tạo ra bởi các khoáng chất chứa sắt trong nước. Trong 9 địa ngục, "Địa ngục ao máu" là suối nước nóng duy nhất có màu sắc sặc sỡ và thành phần hóa học khác hẳn so với những con suối tự nhiên khác. Sở dĩ nước trong hồ có màu đỏ tươi như máu là do chứa một lượng lớn khoáng chất kim loại màu ở phía dưới hồ.
"Địa ngục ao máu" - Chinoike Jigoku với màu đỏ tươi
Có một điều thú vị nữa dành cho du khách, mặc dù không thể tắm ở đây song bạn hoàn toàn có thể ngâm chân ngay cạnh địa ngục máu này. Ở đây, người ta đã thiết kế một khu nghỉ có mái che, để du khách ngâm chân dưới làn nước nóng gần 50 độ C. Dưới đáy còn có những viên sỏi to để bạn thỏa sức co duỗi, cọ xát cho những ngón chân của mình, thư giãn sau một ngày dài đi bộ thăm quan.
Sau khi thăm quan các địa ngục, đừng quên thưởng thức món trứng luộc từ nguồn suối khoáng nóng tại đây
Thư giãn và nghỉ dưỡng tuyệt vời với tắm khoáng Onsen
Ngoài những suối nước nóng địa ngục nổi tiếng dành cho du khách tham quan, Beppu còn hấp dẫn tới hơn 4 triệu khách du lịch đổ về đây nghỉ lại và tắm suối nước nóng hay còn gọi là tắm khoáng Onsen. Du khách đến đây sẽ được nghỉ đêm tại nhà trọ truyền thống kiểu Nhật – Beppu Ryokan. Ngay sau khi nhận phòng, bạn sẽ được chuẩn bị sẵn bộ Yukata dáng dài, trang phục truyền thống của Ryokan cùng với một chiếc túi vải nhỏ, dùng để đựng 2 chiếc khăn tắm, một to, một nhỏ trước khi tắm Onsen. Tắm xong, bạn sẽ được thưởng thức bữa ăn Ryokan được phục vụ ngay tại phòng khách, trong lúc đó các cô phục vụ phòng sẽ dọn bàn, trải tấm futon, chăn đệm sẵn sàng.
Ở Nhật Bản, cách tắm suối nước nóng cũng là một yếu tố quan trọng nên có rất nhiều kiểu bồn và bể, tùy theo khu vực. Bồn hinoki làm bằng gỗ cây bách, bồn iwaburo làm bằng đá tảng và đá cuội, bồn awaburo sục nước từ đáy bồn. Bồn tắm ngoài trời rotenburo thường được du khách ưa thích nhất bởi sự gần gũi với thiên nhiên. Mỗi khu tắm nam nữ được phân riêng, trước cửa có bảng chữ cùng với tấm rèm che màu đỏ là của nữ, màu xanh là của nam. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước với sự hướng dẫn của chị Fumiko, song tôi vẫn cảm thấy có đôi chút ngại ngùng vì mọi người sẽ không mặc quần áo khi tắm chung. Sau khi tắm gội sạch sẽ, hãy xuống bể từ từ để cơ thể dần thích nghi được với nhiệt độ của nước. Giữa tiết trời mùa đông 10 - 15 độ C song bể nước nóng vẫn duy trì từ 30 đến 60 độ C. Cảm giác ngại ngùng đã thực sự biến mất thay vào đó là cảm giác thích thú khi được trầm mình trong làn nước khoáng ấm áp.
Một khu tắm khoáng công cộng Onsen tại thị trấn Ureshino, tỉnh Saga, thu hút nhiều người bản địa và du khách quốc tế
Tại Nhật Bản, nhiều gia đình dù ngay tại nhà có suối nước nóng nhưng vẫn có thói quen đến tắm ở những phòng tắm công cộng. Đó chính là lý do nhiều khu tắm công cộng Onsen có tên Siboruto (thị trấn Ureshino, tỉnh Saga) ra đời, sau dần trở nên nổi tiếng và được nhiều người dân từ các tỉnh khác cũng như du khách nước ngoài biết tới. Mặc dù là buổi sáng song có khá đông du khách tới tắm khoáng, đa số là người cao tuổi. Theo chủ cơ sở, giá cho mỗi lần tắm chỉ là 400 JPY (hơn 70.000 đồng/ người) nên thu hút khá đông người dân địa phương đến thư giãn, nghỉ ngơi tại đây. Khu tắm khoáng còn có trang thiết bị phục vụ cho những người tàn tật, đi lại bằng xe lăn, với xe đẩy có ròng rọc đưa người xuống bể tắm. Do đó, trong khu phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều cụ già đến đây nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Đối với người cao tuổi, những khu tắm khoáng như thế này là một địa chỉ thư giãn bởi những lợi ích sức khỏe rõ rệt, và tăng cường giao lưu gắn kết cộng đồng.
Thông tin thêm:
Phương tiện di chuyển, đi lại:
- Từ Hà Nội đi Fukuoka: 4 chuyến/tuần bằng máy bay A321 vào các ngày thứ 2,3,6,7. Từ TP.HCM đi Fukuoka: 2 chuyến/ tuần bàng máy bay A321 vào các ngày thứ 5, chủ nhật.
- Từ sân bay Fukuoka, di chuyển bằng ô tô bus khoảng 150 km (trong 2 giờ) để đến thành phố Beppu, tỉnh Oita.
- Phương tiện đi lại trong thành phố: taxi, tuy nhiên không nhiều tài xế nói được tiếng Anh nên bạn cần mang theo danh thiếp của khách sạn hoặc nhớ địa chỉ bạn muốn tới.
Tiền tệ:
Nhật Bản sử dụng chủ yếu là đồng Yên, nên đổi tiền Yên từ Việt Nam. Tỉ giá tham khảo: 1 Yên ~200 VND, 1USD ~106 Yên.
6 bước trong quy trình tắm khoáng Onsen ở Nhật:
- Cởi quần áo trong phòng thay đồ. Chỉ mang theo khăn mặt để vào khu vực tắm khoáng nóng.
- Trước khi bước vào bồn tắm khoáng (trông giống một hồ nước lớn hoặc bồn tắm ngoài trời), bạn cần tráng nước nhẹ nhàng bằng cách lấy nước từ bồn hoặc vòi hoa sen.
- Bước vào bồn tắm khoáng từ từ. Ngay khi nước khoáng nóng ngập đến nửa người, bạn cần đợi đến khi cơ thể nóng lên và sau đó mới tiếp tục để dòng khoáng nóng ngập đến tận vai. Không nên để khăn mặt chạm nước, bạn có thể quấn gọn khăn mặt quanh đầu để sử dụng về sau.
- Ngay khi cơ thể đã đủ ấm, tắm tráng toàn thân và cả tóc lần nữa nếu muốn và sau đó quay lại bồn tắm khoáng nóng ngâm mình.
- Khi bạn ra khỏi bồn tắm khoáng, bạn có thể tắm tráng để dội trôi nước khoáng nóng hoặc không. Nhiều người tin rằng, không tắm tráng sẽ giúp lưu lại những khoáng chất Onsen đặc biệt trên da. Khi bạn ra khỏi bồn tắm khoáng, bạn phải thật cẩn thận để không làm nước trào ra khỏi bồn tắm khoáng, ngay cả khi bạn là người duy nhất trong bồn tắm khoáng.
- Sử dụng các khăn tắm trong phòng thay đồ để lau khô cơ thể, sau đó mặc Yukata nếu cơ sở Onsen bạn ở có cung cấp. Ở nhiều khu tắm khoáng nóng có cung cấp các sản phẩm chăm sóc da cơ bản, máy massage…, bạn có thể sử dụng các tiện ích này để giúp cơ thể thêm thư giãn và khỏe mạnh.
Hiện tại, Vietrantour là một trong những đơn vị tiên phong triển khai tour du lịch đến Kyushu, miền Nam Nhật Bản. Sản phẩm tour Fukuoka – núi lửa Aso – Beppu 5 ngày có giá từ 29,5 triệu đồng/ khách. Từ nay đến 31/3/2015, Vietrantour tặng 2 triệu đồng cho 10 khách đầu tiên của mỗi đoàn đăng ký tour trên.