Cao Bằng - phía đông thần thoại, phía tây triền đồi

24/01/2020

Hành trình Cao Bằng vào những ngày cuối năm của tôi vốn chỉ là một chuyến đi về miền biên viễn để thư giãn sau những mệt mỏi căng thẳng ở thành phố ồn ào bụi bặm, nhưng không ngờ, nó đã mang lại cho tôi những kỷ niệm êm đềm khó quên.

Phía đông: Đường dẫn đến xứ sở thần tiên

Nói đến du lịch Cao Bằng, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất ở đây: thác Bản Giốc. Bởi vậy, tôi chọn đây là điểm dừng chân đầu tiên của mình trong hành trình khám phá non nước Cao Bằng.

0063-0065-HDR

Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thác Bản Giốc cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng hơn 80 km. Đây là một trong những thác đẹp nhất và hùng vĩ nhất thế giới nằm ở biên giới giữa các quốc gia, sánh ngang với thác Iguazu, thác Victoria và thác Niagara. Ở giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, khiến dòng nước bị xẻ thành ba luồng chính và chia thác thành hai phần dễ nhận thấy với tổng chiều rộng khoảng 300 m. Phần thác phụ hoàn toàn thuộc địa phận Việt Nam có lượng nước không lớn. Phần thác chính, có lượng nước lớn, nằm giữa biên giới Việt - Trung. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn êm đềm trôi, hai bên bờ là những vạt cỏ xanh mướt, ngoài xa là bóng rừng thấp thoáng nên thơ. Thật may mắn, tôi đã ghé thăm thác Bản Giốc vào một ngày nắng đẹp, ánh nắng chiếu rọi qua những bọt nước trắng xóa tạo thành hiệu ứng cầu vồng rực rỡ kỳ ảo tựa như ở một xứ sở thần tiên.

0333-0035-HDR SS YI-4

Cách thác Bản Giốc khoảng 3 km là động Ngườm Ngao. Ngườm Ngao có nghĩa là “Động Hổ” trong tiếng Tày. Dòng suối ngầm trong động chảy rì rầm ngày đêm, phát ra tiếng vọng như tiếng hổ gầm, vì vậy mà thành tên. Động đá vôi này có chiều dài hơn 2 km, chia thành nhiều buồng, tầng, bậc thang, hành lang đủ mọi kích cỡ, có những khúc rộng mênh mông như một đại sảnh, có những lối nhỏ hẹp phải khom người đi bằng đầu gối mới qua được. Trong động có nhiều nhũ đá, măng đá hình dạng kỳ lạ, tạo thành những ruộng bậc thang, ngọn thác, con tàu, đài sen, cột tháp...

0480-0482-HDR SS YI

Đặc biệt hơn, các nhà khoa học đã tìm thấy trong động Ngườm Ngao có hóa thạch san hô, huệ biển được tạo thành ở vùng biển cổ đại, cách đây hàng trăm triệu năm. Ngẩng đầu nhìn lên những mái vòm đá vôi rủ xuống thành hình những con sứa biển khổng lồ, tôi không khỏi tưởng tượng về một quá khứ xa xôi, khi hang động thần bí trên miền non nước cao vời vợi này đã từng là một thủy cung tráng lệ với bao nhiêu binh tôm tướng cá...

Trên đường đến điểm tham quan tiếp theo là Mắt Thần Núi, tôi ghé qua một số làng nghề của bà con dân tộc thiểu số.

3048

Đó là làng hương Phia Thắp và làng rèn Pắc Rằng của người Nùng An. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, ngoại trừ làm nương rẫy ra thì làm nghề thủ công là nguồn thu nhập duy nhất của họ. Ấy thế nhưng các sản phẩm họ làm ra có thể khiến mọi du khách phải trầm trồ vì... khéo quá, chất lượng quá mà lại... rẻ quá! Một ngôi làng khác nằm rất gần thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao là làng đá Khuổi Ky của người Tày. Làng Phia Thắp làm hương, làng Pắc Rằng rèn kim khí, nhưng làng đá Khuổi Ky thì lại không khai thác và chế tạo đá. Khuổi Ky được gọi là làng đá nhờ những nếp nhà sàn bằng đá, dựa lưng vào núi đá, nhìn ra suối Khuổi Ky. Hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò... cũng đều được làm bằng đá, tạo nên một vẻ đơn sơ mà cổ kính như một pháo đài nhuốm màu huyền thoại miền biên ải.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Tôi dừng chân tại Mắt Thần Núi vào lúc hoàng hôn. Thật không sai khi chọn thời điểm này, tôi vừa kịp nhìn thấy những tia nắng chiều lộng lẫy chiếu thẳng vào con mắt của thần núi. Đây thực ra là một lỗ thủng trên núi, có hình tròn, đường kính hơn 50 m. Người Tày gọi nơi đây là Phia Piót, có nghĩa là “Núi Thủng”. Ngay bên dưới Mắt Thần Núi cao vút đầy ngạo nghễ là đồng lúa, ruộng ngô xanh mướt thanh bình, đây đó lác đác những bóng người đang lùa trâu lùa ngựa về chuồng. Một chị gái người Tày nói với tôi rằng, nếu tôi đến thăm nơi này vào mùa mưa thì sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng đẹp hơn nữa, khi thung lũng dưới chân núi kia ngập trong làn nước xanh biếc in bóng ngọn núi thần giữa trời mây...

Phía tây: Vùng núi của những đổi thay

Một buổi sáng thức dậy trên núi cao, phóng tầm mắt nhìn ra những đồi chè xanh bát ngát, tôi hít một hơi thật sâu không khí trong lành buổi sớm mai. Chỉ cần vậy thôi là đủ biết, chè ở đây được vun trồng sạch sẽ và không có một chút hóa chất độc hại nào. Nhấm nháp một miếng bánh khảo thơm dịu, nhâm nhi một ngụm chè xanh ở khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái Phia Đén này, tôi tưởng như mình vẫn đang ở trong miền đất thơ mộng, chỉ cần với tay là có thể bắt được nắng vàng và sương mây trắng muốt.

0073-0096-HDR-Pano SS YI

Cao Bằng là thế đó, bốn phương tám hướng chỉ là núi non trùng điệp mà thôi, nhưng cảnh vật không nơi nào giống nơi nào. Một miền Phia Oắc rêu phong hùng vĩ chìm trong biển sương mù mênh mông, ẩn giấu những nếp nhà bé nhỏ yên bình của người Tày, Nùng, Dao... Thung lũng treo Tĩnh Túc dựng đứng như đóng khung dấu vết băng hà triệu năm giữa dòng thời gian. Núi Lưng Rồng lởm chởm những “gai” đá vôi, uốn lượn giữa rừng và sông suối, tưởng như trong khoảnh khắc tôi có thể thấy thần thú cổ đại cựa mình mà bay vút lên giữa ngàn tầng mây. Hay khiêm nhường hơn là núi Mào Gà đan xen những dãy đá vôi gồ ghề với đá phiến sét thoai thoải, mang vẻ đẹp bình dị nhưng không kém phần rực rỡ của những thửa ruộng bậc thang tỏa ánh vàng mỗi độ thu về.

2103
Empty
Empty

Những vẻ đẹp ấy là do thiên nhiên ưu ái mà ban tặng cho Cao Bằng. Để rồi từ đó, bao nhiêu thế hệ những con người đã xẻ núi mở rừng, đã đan cài vào đó những ruộng bậc thang, đồn điền chè, trang trại cá hồi, những làng bản và hợp tác xã.

ok1

Tôi đã có dịp ghé thăm đồn điền chè Kolia như đã nói ở phần trên và trang trại cá hồi Sunny, đều nằm trên núi Phia Đén. Thành thật khuyên các bạn rằng nếu có thể thì hãy dành chút thời gian ghé qua nơi này.

Cây chè và con cá được nuôi trên cao hàng ngàn mét như đã được không khí núi rừng lọc qua một lần, vừa sạch vừa thơm, nếm thử một chút đã thấy khác hẳn đồ ăn đồ uống ở miền xuôi. Hay như xưởng thêu của người Dao Tiền ở huyện Nguyên Bình cũng là một điểm đến rất đáng ghé thăm. “Đặc sản” đồ thêu ở đây thì không nếm thử được, nhưng chỉ ngắm nhìn bàn tay các cô, các chị thoăn thoắt thêu thổ cẩm và in hoa văn sáp ong cũng đủ “no con mắt” rồi!

Phía bắc: Hành trình về nguồn cội

Không chỉ sở hữu non nước hữu tình với bản sắc văn hóa phong phú và đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, Cao Bằng còn là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, gắn với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Nhân dân Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong đó, nổi bật nhất chính là Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó. Bạn có thể thong dong thả bộ theo tuyến đường Hồ Chí Minh hoặc thuê hướng dẫn viên, không phải vì đường quá khó đi nên sẽ cần hướng dẫn, mà là để được lắng nghe những câu chuyện, những truyền thuyết địa phương về một thời lịch sử cách mạng hào hùng.

ok2

Ven lề đường là những phụ nữ người Tày, người Nùng bày bán những món quà vặt địa phương thơm phức. Tôi mua một túi hạt dẻ ngào đường nóng hổi, rồi vừa đi vừa ngắm nhìn dòng suối Lê Nin trong xanh như ngọc, mềm mại uốn lượn dưới chân núi Các Mác sừng sững như một bức tường thành. Những cây sung già la đà sát mặt nước che khuất con đường nhỏ kéo dài khoảng 30-50 bậc dẫn đến hang Cốc Bó. Hang nhỏ, khô ráo và khá kín đáo, có lối thông ra cửa hang thứ hai. Cửa hang chính không còn nguyên vẹn sau chiến tranh nhưng nay đã được phục dựng lại, còn bên trong hang, những nhũ đá vôi cũng như chiếc giường giản dị, cái bếp đơn sơ vẫn còn nguyên, gợi nhớ một thời “sáng ra bờ suối, tối vào hang” của Bác. Ra khỏi hang, bạn sẽ thấy ngay đầu nguồn của suối Lê Nin, nước chảy mạnh và khá trong, từ đây mà hang có tên “Cốc Bó”, có nghĩa là “đầu nguồn” trong tiếng Nùng. Ngay cạnh đó là chiếc “bàn đá chông chênh”, nơi Bác đã “dịch sử Đảng” trong những ngày tháng hoạt động bí mật ở đây.

ok1

Càng đi về phía cuối đường, núi rừng âm u càng thu hẹp lại, những thửa ruộng bậc thang, những cánh đồng cỏ, đồng ngô càng mở rộng ra, mênh mông trong sự yên bình tĩnh lặng của buổi chiều tà. Một vài em bé người Tày, người Nùng mặc áo đỏ áo hoa đứng ven đường, trên tay cầm củ khoai củ sắn đang cắn dở, miệng cười mà mắt cũng cười tít với tôi. Tối hôm đó, dừng chân tại một homestay ở lưng chừng núi, tôi cũng được tận hưởng một chút không khí “ăn nhà dân, ngủ nhà dân”. Bác chủ nhà người Tày vô cùng niềm nở và hiếu khách. Món chân giò hầm hạt dẻ, thịt trâu gác bếp, măng trúc xào... ngon đến mức mà giờ chỉ nhắc lại thôi tôi cũng thấy thèm rồi!

Ba ngày đi trốn khỏi thành phố phồn hoa và ồn ã, về lại đây nơi đầu nguồn nước chảy để ngắm mây trời bay, tôi thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm đến lạ lùng...

THÔNG TIN THÊM

  • Hành trình: Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 280 km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo quốc lộ 3, qua Thái Nguyên, Bắc Kạn để tới Cao Bằng hoặc đi theo lộ trình QL1 - Lạng Sơn - QL4 - Thất Khê, Đông Khê - Cao Bằng. Du khách cũng có thể mua vé xe ô tô khách đi Cao Bằng tại bến xe ở các tỉnh trên. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô), bạn cần chú ý đảm bảo an toàn: phanh, lốp, xích… và mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết. Bạn nên mang theo một số dụng cụ sửa xe thông dụng do đoạn đường từ thành phố Cao Bằng vào Bản Giốc khá khó đi.
  • Thời gian: Vào mỗi mùa, Cao Bằng mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đẹp nhất để ghé thăm Cao Bằng là tháng 8, tháng 9 khi thác Bản Giốc tuôn trào dòng nước trong xanh, cũng là độ lúa chín vàng và vào tháng 11, tháng 12 - khi hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nở khắp núi rừng.
  • Lưu trú: Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và resort ở Cao Bằng khá đa dạng. Bạn có thể chọn đặt phòng ở các homestay, nhà nghỉ hoặc khách sạn bình dân với giá 200.000 - 600.000 VND/đêm hoặc Bản Giốc Riverside Resort với giá từ 1.000.000 VND/đêm.
  • Ẩm thực: Vịt quay, lợn quay lá móc mật, lạp xưởng hun khói, thịt bò gác bếp, cá chiên sông Gâm, cá trầm hương Bản Giốc, rau dớn, măng trúc, xôi trám, phở chua, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh trứng kiến, bánh cuốn, bánh khảo... là những món ăn không nên bỏ qua.

Các tuyến đường tham khảo:

  • Tuyến đường phía Đông: Đèo Mã Phục - Mắt Thần Núi - Làng hương Phia Thắp - Làng rèn Pắc Rằng - Di tích đại dương cổ và lục địa cổ - Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao - Làng đá Khuổi Ky
  • Tuyến đường phía Tây: Di tích san hô cổ Lang Môn - Xưởng thêu của người Dao Tiền - Núi Mào Gà - Lưng Rồng - Thung lũng treo Tĩnh Túc - Phia Oắc - Trang trại cá hồi - Đồn điền chè Kolia
  • Tuyến đường phía Bắc: Vườn Đá - Xưởng thêu Lũng Nọi - Điểm hóa thạch cúc đá - Tuyến đường Hồ Chí Minh - Khu di tích Pác Bó
Hương Thảo - Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES