Phơi mình giữa trời đêm Bắc Cực

13/11/2017

Nhận được hơn 113.000 lượt bầu chọn trên toàn thế giới, Hoàng Lê Giang đã trở thành đại diện duy nhất cho Việt Nam tham gia hành trình chinh phục Bắc cực (Fjallraven Polar) vào hồi tháng 4 năm nay. Khi trả lời phỏng vấn một kênh truyền thông nói về cảm xúc trước chuyến đi, anh đã hào hứng nói: “Không khí ở đây rộn ràng như Giáng sinh giữa tháng 4!”. Không khí đó sẽ được phóng viên Travellive tái hiện lại qua lời kể của Hoàng Lê Giang về hành trình đặc biệt này.

Tôi tin rằng, đời người là một hành trình dài để khám phá thế giới, thiên nhiên và vũ trụ bao la. Với người coi việc khám phá thế giới như một sứ mạng thì những chuyến đi càng khắc nghiệt, tôi lại càng thấy hứng thú. Tôi muốn nói đến hành trình chinh phục Bắc Cực bằng xe chó kéo và phần thưởng là cơ hội trải nghiệm Bắc Cực quang kỳ thú hơn bất cứ điều gì khác tôi có được trong đời.

Đi theo “Tiếng gọi nơi hoang dã”

Khi bắt đầu cho chuyến đi lần này, tôi đã tự hỏi, đó có phải do sức hấp dẫn kỳ lạ của vùng đất băng giá đối với chàng trai trái mùa, ngược thời tiết. Hay đôi khi chỉ là nhân duyên của tôi với các quốc gia lạnh giá mà hầu như các chuyến đi của mình, quanh đi quẩn lại cũng là dãy Himalaya, Moskva và lần này là Bắc Cực. Tôi cảm tưởng như có một tiếng gọi từ rất xa thôi thúc tôi lên đường.

Ngày đầu tiên, tôi chưa bắt đầu cuộc hành trình ngay. Tôi được đưa đến Thụy Điển, gặp một chuyên gia từng huấn luyện nhiều năm trong quân đội. Chúng tôi được chỉ dạy những kiến thức để tồn tại trong suốt hành trình của mình. Tôi có hai ngày để gặp gỡ và làm quen với các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Bỉ, Hà Lan, Đức, Mỹ, Hàn Quốc…

Chúng tôi xuất phát từ vịnh Signaldalen (Na Uy), phía Đông Bắc Treriksroset, sau đó tiến về phía Nam qua Thụy Điển, và kết thúc bên dòng sông Vakkarajarvi. Bắc Cực là vùng đất băng tuyết quanh năm, những lớp tuyết cứ dày lên thỉnh thoảng sẽ tan ra nhưng không bao giờ tan hết. Mặc dù đã quen với nhiệt độ -30°C nhưng tôi cũng phải mất vài ngày để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể mình. Có thể càng ở lâu bạn sẽ càng quen dần với cái lạnh giá ở đây, nhưng không vì quen mà sức chịu đựng sẽ tốt hơn. Càng ở lâu trong cái lạnh cơ thể của một chàng trai nhiệt đới như tôi càng tỏ ra chống đối. Da tôi trở nên nứt nẻ, phỏng rát và đỏ rộp kiểu như vừa cháy nắng vừa phỏng lạnh khiến cho bản thân rất đau và khó chịu. Cứ mỗi một đợt gió rét thổi qua đều khiến toàn thân tôi tê buốt như hóa đá. Nhưng dù thế thì có hề gì so với khung cảnh tuyệt đẹp đang diễn ra trước mắt.

Chặng đường 4 ngày 300km

Vào mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên của tôi là chuẩn bị thức ăn cho 6 anh bạn Husky. Thái độ của chúng trong suốt ngày hôm đó được thể hiện qua cách bạn chăm sóc chúng có chu đáo, tận tình hay không. Bởi thế, việc làm bữa sáng cho các anh bạn này là vô cùng quan trọng. Sau bữa sáng của chúng mới đến bữa sáng của tôi. Rồi tiếp đó là những công việc như sắp xếp hành lý, gỡ lều, dọn dẹp vệ sinh, mọi thứ đều phải gọn gàng và nhanh chóng.

Di chuyển bằng xe chó kéo là một trải nghiệm hiếm có. Tôi vừa phải giữ chắc sợ dây vừa phải điều khiển chiếc xe chạy đúng trên cung đường và việc đứng liên tục 7-8 giờ mỗi ngày dưới cái lạnh cắt da thịt là trải nghiệm chưa từng thử qua.

Để đền bù cho sự chịu đựng và kiên nhẫn của bản thân, chúng tôi được thiên nhiên đáp trả bằng những cảnh vật đẹp đến nao lòng. Tôi đi qua những lãnh nguyên cằn cỗi, băng qua các dòng sông băng, những cánh rừng phủ đầy tuyết trắng, trượt trên những khối tuyết dày. Cảnh vật xung quanh tôi liên tục thay đổi như những thước phim đẹp mắt và lạ lẫm. Có những lúc mặt trời đem ánh nắng chiếu sáng cả một vùng trắng muốt, bầu trời lúc này trở nên xanh và trong vắt, tôi cảm tưởng như mình lọt thỏm giữa trời và đất. Cảnh vật chỉ gói gọn trong màu xanh của trời và màu trắng của tuyết. Và đoàn người chúng tôi chả khác nào đàn kiến nối đuôi nhau đi mãi đi mãi vào thế giới băng giá.

Ở những cung đường khác, bầu trời chợt trở nên trắng xóa, những cơn gió kéo theo tuyết, mang theo cái lạnh cóng và những cái va chạm rát người. Nhìn trên dưới bốn bề là một màu trắng muốt. Nếu không có đàn chó dẫn đường, đôi khi tôi chẳng biết mình đang đi về đâu, vì chẳng có một màu sắc nào hiện lên để chỉ cho tôi thấy đó là đường đi cả. Trong đầu lúc bấy giờ chỉ có một suy nghĩ là tin tưởng vào sự đánh hơi của đàn chó.

Tôi cảm thấy chuyến đi trở nên phiêu lưu và mạo hiểm hơn bao giờ hết. Chiếc xe cứ thế trượt đi trong sự im lặng và tê buốt. Tất cả âm thanh tôi có được là tiếng xe kéo kêu nhè nhẹ và tiếng thở phì phò của đàn chó. Thời tiết ở đây là thế, bạn chẳng thể đoán trước được, có thể vài tiếng trước bầu trời còn xanh không gợn mây nhưng ngay sau đó đã được tô phủ bởi tuyết trắng. Dù vậy, chúng tôi vẫn xé xuyên không gian trắng xóa để đi cho kịp đến địa điểm dừng chân tiếp theo. Khi trời sập tối, chúng tôi mới dừng lại để đóng trại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sức lực của chúng tôi khi ấy cũng chỉ đủ để dựng xong cái lều và ăn vội bữa tối. Vì thế giấc ngủ bấy giờ trở nên rất ngon lành và chẳng khác nào một bài thuốc hồi sức tự nhiên. Bốn ngày đêm của chúng tôi luôn diễn ra như thế, nhịp nhàng và đều đặn. Và rồi, đêm cuối cùng tại dòng sông băng và cánh đồng tuyết cũng đã đến!

Chiêm ngắm vũ điệu ánh sáng Bắc Cực quang

Đó là một buổi tối vô cùng ý nghĩa với đoàn thám hiểm. Vì chuyến đi diễn ra khá chặt chẽ và đúng lịch trình nên thời gian dành cho những buổi trò chuyện và những cuộc tán gẫu hầu như không có. Trong suốt hành trình, người mà tôi nói chuyện nhiều nhất cũng chỉ là anh bạn Hy Lạp chung lều. Vì thế, buổi tối được quây quần bên nhau, không phải ăn thức ăn đông lạnh là vô cùng quý giá. Chúng tôi nướng thịt tuần lộc ăn kèm với bánh mì Thụy Điển, một loại bánh mì không bị đông cứng dưới nhiệt độ -30°C, loại bánh được làm từ những loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, lúa mạch rất giàu dinh dưỡng và đảm bảo đủ chất xơ cho người dùng.

Sau bữa ăn tối ấy là một thử thách nhỏ vô cùng thú vị - ngủ không lều trại. Lúc này, chúng tôi phải tự xây những bức tường chắn nhằm cản đi những lớp tuyết có thể che phủ chúng tôi vào sáng hôm sau. Vì tuyết khá mềm và xốp nên chúng tôi phải mất nhiều giờ để nén chặt chúng lại, sau đó mới cưa thành từng khối tròn méo khác nhau. Cuối cùng mới dùng những khối tuyết ấy chồng lên tạo ra bức tường chắn cao tầm 1m đủ để chặn những cơn gió tuyết. Đối với những người mới làm lần đầu như tôi, bức tường của tôi lồi lõm trông vô cùng hài hước. Lần đầu tiên trong đời, tôi ngủ giữa trời tuyết giá lạnh. Tất cả những gì chúng tôi có là bức tường băng tuyết vừa đắp xong, túi ngủ và bầu trời đêm Bắc Cực.

Càng về khuya, bầu trời càng quang đãng. Có cả tỉ ngôi sao cùng xuất hiện trên nền trời lúc này, chúng bắt đầu sáng hơn và rõ hơn.  Theo tôi, mỗi ngôi sao đang phát sáng theo một cách riêng của chúng. Vì là đêm cuối nên hầu như chúng tôi không ai ngủ ngay, cứ nằm đấy ngắm nhìn bầu trời đầy sao như chẳng có ý định rời khỏi nơi này. Khung cảnh đẹp lung linh ấy như một tấm màn bao trùm lấy tất cả chúng tôi - những con người bé nhỏ trước thiên nhiên.

Trong bóng đêm lạnh buốt ấy , các dải ánh sáng kỳ lạ chợt xuất hiện trên bầu trời. Chúng liên tục chuyển động và thay đổi hình dáng. Đôi khi như những dải lụa màu, đôi khi như những đợt sóng, có lúc lại mang hình dáng của những vòng xoắn ốc, có lúc lại như những vệt khói. Không phải ai trong chúng tôi cũng nhận ra hiện tượng kỳ lạ này là gì cho đến khi những tiếng gọi vang lên: “Bắc cực quang”, “Bắc cực quang”. Sự phấn khích của chúng tôi khi đó như xé tan đi sự tĩnh lặng và màn đêm lạnh lẽo.

Bạn biết không, Bắc cực quang là một trong những điều kỳ diệu của thiên nhiên mà không phải ai cũng may mắn ngắm được. Đối với những quốc gia gần xích đạo, những quốc gia nhiệt đới thì đó là chuyện mà cả đời người không dễ gì có. Còn đối với những đất nước gần Bắc Cực hay ở chính Bắc Cực thì việc nhìn thấy Bắc cực quang cũng đã là một chuyện hiếm hoi. Đó là lý do mà tôi cảm thấy chuyến đi càng thêm trọn vẹn và ý nghĩa.

Bắc cực quang hay còn gọi là ánh sáng phương Bắc. Đây là hiện tượng quang học, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên trái đất, tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp lúc về đêm. Những dải sáng ấy được những người lữ khách đặt cho một cái tên vô cùng tượng hình là “Vũ điệu ánh sáng” bởi sự chuyển động và biến đổi màu sắc liên tục của chúng.

Tôi phải công nhận chúng đẹp một cách vô cùng huyền bí và ma mị. Chúng kích thích trí tưởng tượng, óc khám phá của một con người và hơn hết chúng thỏa mãn những ước mơ chinh phục bầu trời, chinh phục vùng đất mới của riêng tôi. Có lẽ dành cả đời người tôi cũng chẳng thể lý giải được hết những điều phi thường của vũ trụ.

Thông tin thêm

Những bài học trong suốt hành trình

Trở thành người dẫn đầu của đàn chó

Mỗi một thành viên tham gia hành trình Fjallraven Polar được giao cho 6 con chó để kéo chiếc xe của họ. Vì thế việc đầu tiên là phải làm quen với những anh bạn đồng hành mới này. Ngay từ đầu, chúng không thật sự tin tưởng vào bạn. Nên bạn phải học cách khiến chúng tin rằng mình sẽ chăm sóc chúng tốt. Mỗi con chó có một cá tính riêng, có con thì cục cằn, có con thì khó chịu, có con mập, có con gầy. Bạn cần học cách để chăm sóc chúng khác nhau. Đặc biệt, khi chúng gặp vấn đế trên đường đi, nếu bạn giúp đỡ chúng, chúng sẽ tin tưởng bạn hơn. Ví dụ như ở những đoạn đường đang xuống dốc, với bản tính hoang dã chúng sẽ lao đi rất nhanh, bạn cần hãm chúng lại. Ở những đoạn dốc cao, khi sức chúng không kéo nổi chiếc xe, bạn cần xuống đẩy phụ chúng. Hãy tập để trở thành người dẫn đầu của đàn chó.

Hàn gắn các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn

Vào một buổi sáng như thường lệ, chúng tôi bật bếp để nấu nước và thức ăn thì cái bếp bị trục trặc. Sau một hồi cố gắng, chúng tôi đã bỏ nó qua một bên và mượn tạm chiếc bếp của lều bên cạnh. Khi người hướng dẫn của chúng tối biết được điều đó, anh ấy đã nói với tôi rằng: “Mối quan hệ giữa chúng ta với cái bếp cũng giống với mối quan hệ của chúng ta với cuộc sống. Nếu bạn gặp vấn đề với chúng hãy cố gắng và sửa chúng. Thông thường chúng ta có thói quen không sửa chữa chúng khi chúng có vấn đề, bởi chúng ta có quá nhiều lựa chọn khác”. Đó là bài học lớn trong chuyến đi của tôi.

Cách tạo ra lửa

Vào đêm cuối cùng của hành trình, chúng tôi được giao nhiệm vụ tạo ra lửa từ vỏ cây. Đó là một trong những bài học quan trọng cho những ai ưa thám hiểm ở các vùng đất khắc nghiệt. Chúng tôi được hướng dẫn và giao cho những món đồ cần thiết là 1 con dao và đồ đánh lửa. Sau đấy, chúng tôi phải tìm vỏ cây bạch dương - loại cây có lớp vỏ mỏng và học cách làm thế nào để tạo ra lửa. Ngoài vỏ cây, bạn có thể dùng bông gòn- một trong những thứ dễ bắt lửa. Bạn biết đấy, ở đâu có lửa và nước, ở đó có sự sống.

Bảo vệ thế giới của chúng ta

Đoàn thám hiểm của chúng tôi có 35 thành viên kể cả đội huấn luyện và có tổng cộng 210 chú chó kéo. Vì thế, rác thải cá nhân hay rác thải của những chú chó là vô cùng lớn. Dù vậy ở mỗi điểm dừng chân hoặc sau khi gỡ lều, chúng tôi đều gom toàn bộ những rác thải ấy đem về để xử lý. Ở xứ sở băng tuyết quanh năm dù là cây tăm hay sợi chỉ thì chúng đều rất khó phân hủy. Bởi thế, chúng tôi không để bất kỳ một dấu tích nào ở lại mảnh đất trắng xóa này. Đó là cách chúng ta bảo vệ những điều tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Và cũng là cách chúng ta giữ nguyên vẹn vẻ đẹp này dành cho những đoàn thám hiểm khác.

Hoàng Lê Giang           

Từng học ngành marketing tại ĐH Jonkoping (Thụy Điển). Điều khá thú vị là chàng trai có thân hình rắn rỏi này từng có tuổi thơ bị hen suyễn, béo phì… nhưng lại gắn bó với môn leo núi từ năm 2011. Tính đến nay, anh đã 8 lần chinh phục dãy Himalaya và đặt chân đến 30 quốc gia trên thế giới. Nói về hành trình chinh phục Bắc Cực bằng xe chó kéo, anh là người đầu tiên của Việt Nam có tên trong đoàn thám hiểm Fjallraven Polar.

Bài: Bảo Khuyên / Ảnh: Hoàng Lê Giang, Fjallraven Polar

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES