Mỹ
Không như những nước khác, tại Mỹ năm 1907 sau khi ban lệnh cấm bắn pháo hoa thì ở ở đây có một truyền thống mới đó là vào đúng thời khắc giao thừa sẽ hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy ở Quảng trường Thời đại. Khác với những gì chúng ta thấy ngày nay quả cầu ban đầu nặng 700 pound (hơn 300 kg), có 100 bóng đèn được thắp sáng. Còn hiện giờ nó được bao quanh bởi 2.688 viên pha lê, thắp sáng bởi 32.000 bóng đèn LED, nặng tới 11.875 pound (hơn 5 tấn) và có đường kính 12 feet (khoảng 3,5m). Và vào ngày đặc biệt nhất của năm đó, sẽ có rất nhiều người cùng bật nắp chai sâm panh theo ước tính người Mỹ đã uống hết 360 triệu ly rượu vào thời điểm này.
Đức
Trong thời gian mừng đón Tết Dương lịch, người Đức đều đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm len, vừa để báo hiệu tiết xuân phủ khắp đất trời vừa mang ý sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống ghế và vội vã ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ, tiến nhanh vào năm mới.
Anh
Một ngày trước Tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Vào đêm Giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè, tuy nhiên, những người khách sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong. Khi đến làm khách ở nhà người Anh trong đêm Giao thừa, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa "khai môn đại cát".
Ba Tư
Họ tin rằng tặng trứng cho nhau vào dịp năm mới chính là biểu tượng cho sự sinh sôi và phát triển. Vì vậy trứng ở đất nước Ba Tư được người dân rất coi trọng.
Italy
Nếu như tại một số nước trên thế giới họ tin rằng mặc quần áo đỏ sẽ khiến cả năm may mắn thì tại Ý có một tục lệ thú vị xuất phát từ thời Trung Cổ là mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ mang lại sự hoan hỉ, may mắn cho người mặc nó.
Đan Mạch
Một phong tục rất độc đáo của đất nước Đan Mạch là ném bát đĩa trước cửa nhà trong đêm giao thừa. Những bát đĩa không được dùng đến sẽ được trữ lại suốt 1 năm để phục vụ cho phong tục này đêm giao thừa.
Những người hàng xóm sẽ đến trước cửa nhà nhau và ném bát đĩa chan chát rất vui vẻ. Sáng sớm thức dậy, nhà nào có nhiều bát đĩa vỡ nhiều thì nhà đó sẽ gặp rất nhiều may mắn.
Nhật
Do ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón Tết theo thời gian Âm lịch như một số nước châu Á khác. Trong ngày này, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới (Oshogatsu). Trên mâm cỗ của người Nhật, các món ăn vô cùng phong phú, được bày trí tỉ mỉ, đẹp mắt. Giống như ngày Tết của Việt Nam, người Nhật vẫn lưu giữ tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè sau lễ đón Giao thừa năm mới.
Scotland
Đêm trước ngày Tết Dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm Giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc.
THU TRÀ