Pù Luông mùa lúa chín

24/10/2012

Sau đúng một năm, chúng tôi trở lại nơi bạn tôi vẫn gọi là “mảnh đất ấm áp tình người”. Pù Luông – tên gọi đã trở nên thân quen trong ký ức của nhiều người “đi phượt”, với hình ảnh bình yên của bản làng, đồng ruộng và những cung đường “offroad” khét tiếng sau cơn mưa.

Bài: Black - Ảnh: Black, NVC

Mùa lúa chín năm 2011, đường 15C từ Co Lương xuyên khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã mở gần như xong, một vài đoạn chưa trải nhựa, tất nhiên nếu trời mưa thì sẽ trở thành một thử thách đáng gờm cho các tay lái. Con đường qua Đông Điểng đã không còn đá cuội xen vào với cỏ nữa, cũng không còn thấy những lối mòn nho nhỏ xinh xinh chạy ngoằn nghèo trên trảng cỏ như hồi nào. Đường thênh thang đến độ, chỉ sau chưa đầy một giờ, xe chúng tôi đã đến ngã ba bản Pà Khà, con đường mà mới chỉ một năm trước đây thôi, chúng tôi đã phải mất tới 5 giờ đồng hồ vì trời mưa và xe hỏng.

Từ chối lời rủ rê của một nhóm “phượt” khác đang có chương trình leo đỉnh Pù Luông, chúng tôi tiếp tục hành trình đi về phía Kho Mường. Con đường lúc này không trải nhựa thênh thang nữa, nó trở nên dốc ngược, đầy sỏi đá, chật hẹp và khiến cho kẻ lãng khách phải nhiều phen giật mình, dù đã rất tập trung.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bản Kho Mường nằm trong một thung lũng khá rộng và được bao quanh bởi các dãy núi như giăng thành. Những mái nhà sàn của người Thái lợp cọ đơn sơ nằm rải rác hai bên lòng suối, đi dọc theo con suối là sẽ tới cánh đồng Kho Mường, nơi lúa đang chuyển sang màu xanh cốm, độ 2 tuần nữa là sẽ chín vàng rộm, bà con sẽ lại tíu tít ra đồng đi gặt và gánh gồng. Cuối lối mòn căng ngang qua cánh đồng lúa là Hang Dơi, một địa điểm khám phá còn khá hoang sơ với nhiều du khách. Từ Hang Dơi có thể phóng tầm mắt bao quát cả cánh đồng Kho Mường bát ngát giữa màu xanh trập trùng của núi non. Nếu bạn có ý định thám hiểm Hang Dơi hãy chuẩn bị thật kỹ các đồ đạc chuyên dụng. Theo thông tin từ Ban Quản Lý rừng Pù Luông, Hang Dơi được hình thành bởi các khối đá vôi có tuổi đời phát triển từ 250 triệu năm về trước, trong hang có ít nhất 4 loài Dơi đã từng cư ngụ.

Với nhiều du khách nước ngoài, Kho Mường là điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến trekking xuyên Pù Luông. Chúng tôi lang thang trên cánh đồng, nô đùa và hít thở bầu không khí trong trẻo thoang thoảng hương lúa chín và rời đi trước khi một cơn mưa ập đến, cơn mưa sầm sập chạy đuổi từ Đông Điểng qua Kho Mường và bắt kịp cả nhóm ngay trên lối mòn rời bản. Một cơn mưa rừng Pù Luông.

Con đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi – Phố Đoàn dài chừng 7km đã lấy của chúng tôi gần ba giờ đồng hồ vất vả do mặt đường sau cơn mưa trở nên nhầy nhụa và trơn trượt. Mưa tạnh từ lúc nào chúng tôi cũng không biết. Các bạn tôi chỉ ồ lên khi từ trên cao nhìn xuống cánh đồng bản Quắn, những thảm lúa mềm mượt như nhung, bồng bềnh như cánh sóng, những ngôi nhà bình yên đến lạ, khói lam chiều vơ vẩn trên mái tranh.

Chiều dần tắt nắng. Những dải núi cao trở nên sẫm màu u ẩn. Cánh đồng lúa bản Ươi vàng ruộm, một màu vàng của sự trù phú và đủ đầy. Chúng tôi đi như phiêu giữa biển lúa vàng, thật sự thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc và bình yên. Gió chiều sau cơn mưa mát rượi, những mái nhà lấp ló sau cau cọ, và hoàng hôn đang đổ màu trên nền trời, hồng rực, tím ngát. Làm sao tôi có thể quên những giây phút ấy, khi bạn bè tôi dừng xe và cùng nhau đun một bình café ấm sực trong lúc chờ hoàng hôn. Những câu chuyện, những nụ cười, những gương mặt … Khoảnh khắc ấy, phút giây ấy đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ tôi quên …

Thông tin:

  • Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, là một điểm đến du lịch được ưa thích của nhiều du khách ưa khám phá và trải nghiệm.
  • Cách phổ biến nhất để đến với Pù Luông là đi xe máy và thực hiện những chuyến trekking ngắn tùy thuộc vào thời gian và lịch trình của du khách.
  • Đặc sản của Pù Luông là “lúa”và “bản làng”. Thời gian thích hợp nhất để tham quan Pù Luông là vào trung tuần tháng 6 và tháng 10 hàng năm vào thời điểm lúa chín, cuộc sống hòa quyện với thiên nhiên tạo nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc về Pù Luông.
  • Các tuyến trekking: Bản Đuổm – Bản Hang – Eo Kén – Pả Ban – Đông Điểng – Kho Mường. Từ Kho Mường có thể đi theo tuyến 4 bản người Mường là Bản Pốn – Thành Công – Cao Hoong – Bản Kịt. Từ Bản Nủa (Bá Thước) có thể đi các tuyến bản Cao, Bản Trình, bản Hin, bản Bố, từ các bản này có tuyến trekking đi Son – Bá – Mười. Từ Đông Điểng leo đỉnh Pù Luông cao trên 1700 mét
  • Nhà nghỉ: Ngủ nhà sàn sinh thái của người Thái, Mường ở Mai Châu ( Bản Lác, bản Com Poọng), trong vùng lõi Pù Luông có thể nghỉ tại các bản như Đông Điểng, Kho Mường, bản Nủa, Cao Hoong hay bản Kịt. Chi phí 40.000-50.000đ/ 1 khách
  • Ăn uống: Người Thái ở Pù Luông thích các món nướng để đảm bảo chất lượng và hương vị của món ăn. Bạn nhớ thưởng thức gà, vịt, thịt lợn nướng với măng chua, măng đắng, canh rau ngót rừng, cơm lam.
  • Thời gian dự kiến: 2,5 ngày (cuối tuần). Chi phí trên, dưới 500.000đ /1 người.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES