Từng được xếp hạng là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á (2017), Bhutan tọa lạc trên đỉnh Himalayas, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với dân số khoảng 770.000 người. Quốc gia Đông Á này nằm trên núi đá hiểm trở với các ngôi làng hẻo lánh và thời tiết cực khắc nghiệt, đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với các nhân viên y tế để có thể mang nguồn vaccine phòng Covid-19 đến với người dân.
CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG NHANH CHÓNG
Kế hoạch gấp rút hoàn thành mũi tiêm thứ hai bắt đầu từ ngày 20/7, mất đến hàng tháng để chuẩn bị. Để có thể tiếp cận các khu vực vùng sâu vùng xa của đất nước này, chính quyền quốc gia đã phải sử dụng trực thăng và cần đến hàng ngàn tình nguyện viên vận chuyển vaccine bằng đường bộ dọc vách núi.
Bhutan được Ấn Độ hỗ trợ khoảng 500.000 liều vaccine AstraZeneca vào tháng Ba và tháng Tư. Tuy nhiên khi tình hình sản xuất vaccine ở Ấn Độ bị ngưng trệ, Bhutan đã phải tìm nguồn cung mới để có thể hoàn thành chiến dịch tiêm chủng.
Lời kêu gọi của Bhutan sớm được hồi đáp, quốc gia nhận được 500.000 liều Moderna từ Mỹ thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX. Đan Mạch ủng hộ 250.000 liều AstraZeneca và Trung Quốc quyên góp 50.000 liều Sinopharm. Thêm 100.000 liều AstraZeneca từ Croatia, Bulgaria cũng đã kịp thời được chuyển đến Bhutan.
Tại Bhutan, các công dân trên 18 tuổi đều đủ điều kiện tiêm vaccine. Người tiêm được lựa chọn giữa hai loại Moderna hoặc AstraZeneca. Bên cạnh đó, trẻ em từ 12-17 tuổi thuộc hai quận tiếp giáp với Ấn Độ cũng được tiêm vaccine Pfizer.
Chính quyền quốc gia này cũng đã đặt mua 200.000 liều Pfizer để sớm hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em toàn quốc. Dự kiến số vaccine này sẽ về vào cuối năm nay.
Khâu vận chuyển vaccine gian nan
Nhằm đảm bảo vaccine được chuyển đến người dân kịp thời, Bhutan đã vận động hơn 2.400 nhân viên y tế và 22.000 tình nguyện viên, tiếp cận vùng xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước này.
Các tình nguyện viên nhận vaccine từ trực thăng, sau đó di chuyển dọc những con đường đèo hiểm trở tới các trung tâm tiêm chủng, cùng lúc phải đảm bảo các vaccine được bảo quản đúng nhiệt độ thích hợp.
Việc vận chuyển bằng đường không cũng là một thách thức không nhỏ. Chuyến bay chở nửa triệu liều Moderna được vận hành bởi phi hành đoàn người Indonesia từ Kentucky (Mỹ). Tuy nhiên sân bay quốc tế Paro của Bhutan có địa hình hiểm hóc, là một trong những sân bay khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Chỉ có khoảng 20 phi công đủ năng lực có thể hạ cánh ở sân bay này.
Đến ngày 27/7, có khoảng 480.000 người đã được tiêm phòng đầy đủ trên tổng số 530.000 người lớn. Đại diện UNICEF của Bhutan, Will Parks đánh giá đây có thể là chiến dịch tiêm chủng diễn ra nhanh nhất trong đại dịch này.