Rồng bay ở điện Thái Hòa

13/09/2012

Trong hàng chục cung điện ở khu vực Hoàng thành (còn gọi là Đại Nội) – Kinh thành Huế, điện Thái Hòa là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất, chiếm lĩnh vị trí trang trọng nhất. Nếu Ngọ Môn được coi là gương mặt của Hoàng thành, điện Thái Hòa là trái tim, bởi nơi đó đặt ngai vàng – ghế rồng của vua, biểu tượng của quyền lực vương triều phong kiến. Điện Thái Hòa là giang sơn của rồng, là không gian rồng bay lượn.

RỒNG BAY Ở ĐIỆN THÁI HÒA

Bài và ảnh: Hà Thành

Chứng tích lịch sử vương triều Nguyễn

Nằm sau Ngọ Môn - cổng chính vào Hoàng thành - trên trục thần đạo, điện Thái Hòa là điểm nhấn nổi bật, chế ngự một không gian rộng lớn trong Hoàng thành. Vị trí trung tâm Hoàng thành của điện Thái Hòa đã được các nhà quy hoạch và thiết kế thời Nguyễn tính toán và định vị ngay từ khi xây dựng kinh thành Phú Xuân từ đầu thế kỷ 19. Đó là một trong những công trình kiến trúc lâu nhất ở Kinh thành Huế, là công trình quan trọng nhất xét trên nhiều phương diện: vị trí, chức năng, giá trị kiến trúc - nghệ thuật, giá trị văn hóa lịch sử…

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi vua với niên hiệu Gia Long và lập nên vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cũng như thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, vua Gia Long định đô ở Phú Xuân (Huế) và bắt tay vào công cuộc quy hoạch, xây dựng Kinh thành. Sau một thời gian khảo sát và nghiên cứu thực tế cũng như lập đồ án, việc xây dựng Kinh thành bắt đầu vào năm 1805 và kéo dài tới năm 1832 thì cơ bản hoàn thành dưới thời vua Minh Mạng. Tuy nhiên các hạnh mục công trình kiến trúc trên khắp địa bàn Kinh thành cũng như trong khu vực Hoàng thành được xây dựng tiếp nối nhiều đời vua sau đó. Riêng điện Thái Hòa có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng nên được xây dựng rất sớm, cùng với thời gian khởi dựng Kinh thành. Với sự kiện vua Gia Long chính thức đăng quang ở đây, điện Thái Hòa đã trở thành nơi chốn vô cùng ý nghĩa với sự khởi nguồn của vương triều nhà Nguyễn. Và tất nhiên, tất cả các vị vua về sau này đều lên ngôi ở điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa là nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, thường kỳ hoặc bất thường, như lễ Đăng quang (lên ngôi), lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), lễ Hưng quốc khánh niệm (Quốc khánh)… Điện Thái Hòa cũng là nơi tiếp đón chính thức sứ thần các nước, là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao.

Từ đó trở đi cho tới những triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa là nơi thiết triều của vua cùng bá quan văn võ. Điện Thái Hòa cũng là nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, thường kỳ hoặc bất thường như lễ Đăng quang (lên ngôi), lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), lễ Hưng quốc khánh niệm (Quốc khánh)… Điện Thái Hòa cũng là nơi tiếp đón chính thức sứ thần các nước, là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao… Hầu như tất cả mọi sự kiện quan trọng nhất của hoàng tộc, vương triều và đất nước đều bắt nguồn từ ngôi điện này. Có thể nói, hơn hai trăm năm tồn tại cùng những thăng trầm của kinh đô, điện Thái Hòa là nơi ghi dấu ấn, là chứng nhân lịch sử của bao sự kiện, cả vinh quang và cay đắng của đất nước Việt Nam suốt 13 triều vua nhà Nguyễn từ Gia Long - người sáng lập vương triều cho tới Bảo Đại - vị vua cuối cùng.

Đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế

Từ Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành ở phía nam, qua cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch, qua 3 cấp sân Đại Triều là tới điện Thái Hòa. Đó là công trình đầu tiên trong hệ thống các công trình trong Hoàng thành xét về mặt vị trí. Từ khi được khởi dựng và trong suốt hơn hai trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa đã có nhiều thay đổi, nhiều lần được trùng tu, nâng cấp. Trong đó có những lần quan trọng như sau:

- Thời Gia Long (1802-1819): Điện Thái Hòa được xây dựng (1805), và trở thành kiến trúc trung tâm, quan trọng của Hoàng thành. Vị trí xây dựng điện Thái Hòa nguyên thủy được xác định là tại vị trí Đại Cung Môn (cửa chính vào Tử Cấm thành) ngày nay, tức là cách vị trí điện Thái Hòa hiện nay khoảng 50m về phía bắc (phía sau) Hoàng thành; và nằm trên trục thần đạo của Kinh thành

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

- Thời Minh Mạng (1820-1840): Năm 1833, trong khi nâng cấp một loạt các công trình kiến trúc ở khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành, vua đã cho “dời điện Thái Hòa hơi dé về phía nam, đồ sộ và rộng lớn” (Sách Đại Nam thực lục - Quốc sử quán triều Nguyễn). Như vậy, ngoài việc di chuyển vị trí thì điện Thái Hòa đã được cải tạo, nâng cấp về cả quy mô.

- Thời Thành Thái (1889 - 1907): Năm 1891, vua cho trùng tu ngôi điện, tiếp theo tới năm 1899, nền điện được lát gạch hoa thay thế cho gạch Bát Tràng phủ men trước đó.

- Thời Khải Định (1916 - 1925): Năm 1923, vua cho tu sửa lớn điện Thái Hòa chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” (mừng thọ vua 40 tuổi) vào năm sau (1924). Trong lần tu sửa này đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều bộ phận, cấu kiện kiến trúc được thay đổi, làm mới. Đó là việc lắp thêm hai dãy cửa kính (một loại vật liệu mới du nhập từ châu Âu) ở mặt trước và sau điện; trổ cửa sổ lớn hình tròn có gắn chữ “thọ” ở mảng tường gạch xây hai chái phía mặt tiền; làm mới cái bửu tán (lọng che phía trên ngai vàng) bằng pháp lam và diềm gỗ chạm lộng thếp vàng, thay cho cái bửu tán cũ bằng nỉ thêu; sơn son thếp vàng lại tất cả các bộ phận bằng gỗ trong nội thất.

- Dưới thời Bảo Đại (1926 - 1945), điện Thái Hòa cũng đã được trùng tu, và sau khi chấm dứt chế độ phong kiến (1945), công trình này cùng hệ thống sân vườn xung quanh cũng được tu bổ nhiều lần vào các năm 1960, 1970, 1973, 1981, 1985, 1992…

Tuy qua nhiều lần thay đổi nhưng về cơ bản, kiến trúc, cấu trúc và hình thái, cốt cách công trình điện Thái Hòa vẫn được bảo lưu, đặc biệt là kết cấu và nghệ thuật trang trí. Về mặt bằng tổng thể, các công trình có quy mô lớn ở miền bắc thường được xây dựng theo các kiểu bố cục chữ nhất - nhị - tam, chữ “công”, chữ “đinh”, hay kiểu “nội công ngoại quốc”. Lý do là sự giới hạn của loại vật liệu - kết cấu gỗ. Còn điện Thái Hòa được xây dựng theo lối “trùng thiềm trùng lương”, một lối kiến trúc điển hình ở Phú Xuân. Đó là việc hợp nhất hai nhà trước sau trên một mặt bằng để tạo một không gian rộng lớn, liên hoàn. Hai khối nhà trước – sau đều có 7 gian hai chái; từ trước đến sau có 7 bước cột (không kể cột hiên), trong đó có một bước cột chung giữa hai nhà. Nhà trước (tiền điện) có 3 bước cột; nhà sau (chính điện) có mái cao hơn và lòng sâu hơn nhà trước với 5 bước cột (bao gồm cả bước cột chung). Hai chái nhà được xây gạch bao phía ngoài, ngăn cách với không gian bảy gian giữa bằng hệ thống vách - cửa bằng gỗ.

Nhà trước và sau của điện Thái Hòa được nối liền trên một mặt nền, với hệ thống vì kèo phụ thứ ba ở bước cột chung, đỡ một hệ thống trần gỗ uốn cong lên, được gọi là “trần vỏ cua”. Bên trên hệ thống trần này không có mái mà là một máng đồng rất lớn để hứng nước mưa thu từ mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau. Máng đồng này nhận và dẫn nước chảy về hai đầu hồi và thoát ra ngoài qua hai cửa thoát nước hình miệng rồng đắp nổi.

Hệ thống vì kèo của nhà trước được làm kiểu “chồng rường - giả thủ”, có cấu trúc và chạm trổ tinh xảo. Ngoài việc có vai trò kết cấu đỡ toàn bộ hệ mái ngói thì hệ vì kèo này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên giá trị thẩm mỹ của không gian nội thất. Hệ vì kèo nhà sau được làm theo kiểu “vì kèo cánh ác” đơn giản hơn. Và gần như toàn bộ hệ vì kèo nhà sau được che bằng trần gỗ sơn vàng (trừ bước cột cuối cùng sát vách cửa sau). Việc xử lý bằng trần ở phía sau vừa nhấn mạnh cho không gian phía trước rộng lớn với hệ vì kèo tinh tế, thẩm mỹ; vừa tạo nên tỷ lệ và chiều cao hợp lý cho vị trí đặt ngai vàng, thuận tiện cho việc trang trí ở khu vực này.

Mái điện Thái Hòa được chia làm ba tầng. Đó là một thủ pháp của những nhà kiến trúc thời Nguyễn nhằm làm giảm độ lớn, sự đồ sộ của mái; tạo nên yếu tố nhẹ nhàng và duyên dáng cho công trình. Tầng trên cùng (ở cả nhà trước và nhà sau) là mái thượng, có hai diện mái trước - sau; tiếp đến là mái hạ có bốn diện mái bốn phía; cuối cùng là tầng mái hiên có một diện mái, và chỉ chạy ở 7 gian giữa, không kéo dài đến hai chái. Trước kia, toàn bộ mái điện Thái Hòa được lợp ngói hoàng lưu ly (ngói ống men vàng), hiện nay nhiều phần mái được thay bằng ngói loại khác. Bờ nóc trên đỉnh mái và khoảng ngăn cách giữa mái thượng và mái hạ - gọi là dải cổ diêm được chia ra nhiều ô hộc trang trí những hình vẽ và thơ văn. Cứ một ô hình vẽ lại có một ô đề thơ, đây là lối trang trí “nhất thi nhất họa” rất độc đáo của điện Thái Hòa. Lối trang trí này cũng có trong nội thất điện, nhưng khác ở chỗ là thay vì các hình vẽ khác nhau giữa các ô đề thơ, là các hình trang trí hoa văn lặp lại.

Nội thất điện Thái Hòa rộng thênh thang được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngai vàng được đặt trên bục gỗ ba tầng, thuộc khu vực chính giữa của chính điện. Phía sau ngai vàng là một hệ thống đố bản ngăn cách với phía sau, có các cửa đi ở giữa và hai bên.

Điện Thái Hòa, cũng như nhiều công trình kiến trúc cung đình ở Huế, vừa có vẻ uy nghiêm trầm mặc bởi hình dáng kiến trúc, nhưng không u tịch buồn bã bởi màu sắc tươi tắn. Công trình luôn được kết hợp hài hòa các yếu tố trong phương thức tổ hợp tạo hình: tỉ lệ, nhịp điệu, đặc rỗng, tương phản… cùng màu sắc, trang trí trên công trình; và trong cả mối quan hệ với không gian ngoại thất, cây xanh cùng thiên nhiên.

Điện Thái Hòa là một công trình tiêu biểu trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế cũng như các kiến trúc cung điện nói riêng của Hoàng thành. Ở đây hội tụ gần như tất cả những tinh hoa về nghệ thuật kiến trúc – trang trí, kỹ thuật xây dựng của thời Nguyễn, tạo nên một phong cách rất đặc trưng của Huế. Có thể nói điện Thái Hòa là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Không gian rồng bay

Thái Hòa là điện chính của Hoàng thành, là nơi đặt ngai vàng của vua, là nơi thể hiện quyền uy của đấng thiên tử. Vì vậy ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo thì hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương - là chủ đề chính trong các trang trí ở ngôi điện này.

Hình rồng được thể hiện trên nhiều vị trí bằng nhiều chất liệu, với nhiều tư thế, hình dáng, nhiều góc độ. Từ bên sân Đại Triều cho tới thềm điện, rồng chầu được chạm khắc trên những lan can bậc đá. Ở ngoài hiên, rồng được chạm quấn xung quanh cột hiên, rồng được cách điệu trên những con-son gỗ của hệ kết cấu đỡ mái hiên. Trên mái, rồng được đắp ở đỉnh mái, trên bờ nóc, bờ quyết của các tầng mái với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế. Hai cửa thoát nước mái phía đầu hồi được đắp hình mặt rồng há miệng. Các chi tiết trang trí rồng trên mái có tính nghệ thuật rất cao, thể hiện tài năng của những nhà thiết kế và những nghệ nhân xây dựng công trình. Hình rồng trên mái đẹp và thanh thoát, tôn giá trị bộ mái và toàn bộ công trình lên với dáng vẻ kiêu hãnh vươn lên trời xanh.

Thái Hòa là điện chính của Hoàng thành, là nơi đặt ngai vàng của vua, là nơi thể hiện quyền uy của đấng thiên tử. Vì vậy ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo thì hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương - là chủ đề chính trong các trang trí ở ngôi điện này.

Nội thất điện cũng được trang trí rồng ở nhiều nơi. 80 cột gỗ lim trong điện được sơn son thếp vàng với hình rồng vờn mây trên sóng nước. Diềm trang trí quanh tấm biển “Thái Hòa Điện” đặt phía trước là hình rồng. Trên các ô hộc ở vách sau ngai vàng cũng chạm hình rồng. Và ngai vàng - vị trí quan trọng và thiêng liêng nhất của điện, hình tượng rồng được trang trí với mật độ dày đặc. Rồng được chạm ở 4 phía bục 3 cấp kê ngai vàng. Rồng được chạm trên diềm gỗ quanh bửu tán, được vẽ trên nóc bửu tán, được vẽ trên cánh cửa phía sau ngai. Những chi tiết của chiếc ghế - ngai vàng cũng làm những hình rồng cách điệu…

Có thể nói điện Thái Hòa là giang sơn của rồng, là không gian rồng bay lượn. Đây là một phần của Kinh thành Huế và cùng các di tích khác thuộc cụm Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993.

RELATED ARTICLES