Diwali, còn được gọi là Deepavali, là một trong những lễ hội quan trọng trong năm không chỉ của Ấn Độ mà còn ở Nepal, Malaysia, Singapore và các quốc gia khác có cộng đồng người Nam Á. Lễ hội được tổ chức bởi những người theo đạo Hindu, đạo Jain, đạo Phật và đạo Sikh trên khắp thế giới.
Diwali ra đời với ý nghĩa tượng trưng cho những khởi đầu mới và chiến thắng của cái tốt trước cái xấu, của ánh sáng trước bóng tối. Không chỉ thế, Diwali còn là dịp để người dân trên miền đất Ấn cảm nhận không khí lễ hội ấm áp, rũ bỏ hiềm khích, cùng nhau hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp. Cũng trong dịp lễ này, những gia đình tụ họp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà.
Tại Ấn Độ, Diwali là ngày lễ quốc gia. Vào đêm Diwali, người Hindu mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thắp sáng đèn nến bên trong và ngoài nhà. Các thành viên gia đình và bạn bè thân thuộc thường giao lưu, tặng quà nhau trong ngày này. Vào buổi tối, họ sẽ tổ chức lễ cầu nguyện riêng cho nữ thần Hindu Lakshmi, biểu tượng của may mắn và thịnh vượng.
Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali - đêm được coi là trăng tối nhất trong năm, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi. Nhưng ngày nay, những chiếc đèn dầu bằng đất sét được thay thế những chuỗi dây đèn màu nhấp nháy bằng điện, treo khắp xung quanh nhà. Lễ hội Diwali không thể thiếu nến và pháo hoa để xua đuổi linh hồn của quỷ và đón chào Thần Ram trở về sau nhiều năm bị lưu đày.
Lễ hội Diwali kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau với rất nhiều sự kiện được diễn ra.
Ngày đầu tiên của lễ hội được gọi là ngày Dhanatrayodashi (hoặc Dhan Teras), là ngày của sự thịnh vượng và giàu có. Đây là ngày 13 kỳ trăng khuyết của tháng Kartika. Vào ngày này, người dân thường đến các khu chợ để mua một vài món nữ trang may mắn nào đó, bởi họ tin rằng việc này sẽ đem lại thịnh vượng và tài lộc cho suốt một năm tới. Những chiếc đèn dầu làm bằng đất được thắp suốt ngày đêm. Vào buổi tối trong suốt dịp tết, lúc những chiếc diyas (đèn và nến) được thắp sáng với mục đích xua đuổi bóng tối – nơi quỷ dữ trú ẩn, cũng là lúc các gia đình Ấn làm lễ cúng Lakshmi. Người ta ca tụng nữ thần Lakshmi bằng bài ca “Bhajan” và dâng lên ngài món bánh ngọt “Navedya”. Ở phía nam Ấn Độ, người ta tin hoá thân của nữ thân Lakshmi là những chú bò nên chúng cũng được trang điểm đẹp đẽ và thờ phụng trong dịp lễ hội này.
Ngày thứ hai - Naraka Chaturdashi hay Choti Diwali, là ngày con quỷ Narakasura bị giết chết, mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối. Theo truyền thống, người ta sẽ tắm vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa ló dạng vào ngày Choti Diwali. Trong khi trẻ nhỏ tắm, họ sẽ đốt pháo hoa và pháo nổ để tạo bầu không khí náo nhiệt, vui vẻ. Tắm xong, mọi người thưởng thức món mỳ hấp với đường và sữa hoặc ăn món bánh gạo với sữa đông. Trong ngày tết thứ hai này, người dân Ấn thắp đèn và cầu nguyện cả ngày. Họ tin rằng ánh sáng từ những chiếc đèn diyas không chỉ xua tan bóng tối của sự ngu dốt mà còn là điềm báo về một ngày mai đầy tươi sáng và niềm vui.
Ngày thứ ba là ngày Diwali, ngày của nữ thần Lakshmi Puja - vị thần của những khởi đầu tốt lành. Đây là ngày quan trọng và may mắn nhất trong dịp lễ hội. Vào đêm Diwali, người Ấn Độ giáo sẽ mặc những bộ quần áo mới nhất hay tốt nhất. Những người phụ nữ sẽ mang trên mình trang phục sarry cổ truyền được thiết kế cầu kỳ tỉ mỉ, tôn lên vẻ đẹp bí ẩn và nét đẹp quyến rũ vốn có. Họ thắp sáng diyas cả bên trong và bên ngoài nhà để thể hiện cho chính nghĩa, tham gia puja gia đình (cầu nguyện).
Sau lễ cầu nguyện Puja, người dân đua nhau bắn pháo hoa trong khoảng hai giờ, khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ đêm và cả miền đất Ấn bừng sáng trong ánh sáng lung linh tuyệt đẹp. Sau đó, họ cùng nhau tham gia bữa tiệc gia đình và trao quà tặng cho nhau. Trong ngày Diwali, mọi người còn cùng nhau vui vẻ đánh bạc vì theo truyền thuyết Shiva-Parvati, bất cứ ai đánh bài vào ngày Diwali sẽ đều phát đạt cả năm.
Ngày thứ tư của lễ hội là Govardhan Puja (còn gọi là Annakut), là ngày Krishna đánh bại Indra. Trong ngày này, tượng các vị thần ở các đền thờ được tắm bằng sữa và khoác lên mình những trang phục thật đẹp, đeo những trang sức quý giá. Sau khi cúng xong, người ta dâng các loại bánh ngọt và kẹo lên cho các thần.
Còn các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn núi mà Krishma đã phải vượt qua. Cũng vào ngày này trong lễ hội Diwali ở Ấn Độ, nhiều gia đình còn tổ chức lễ Gudi Padwa tượng trưng cho tình cảm vợ chồng mặn nồng, sâu sắc. Người vợ bôi lên trán chấm đỏ tilak, đeo hoa và cầu thọ cho chồng, trong khi người chồng sẽ tặng cho vợ những món quà.
Ngày thứ năm gọi là Bhaiya Duj trong tiếng Hindi hoặc Bhau Beej trong cộng đồng nói tiếng Marathi, là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và tình cảm cho nhau.
Trong ánh sáng rực rỡ, lung linh huyền ảo, không khí Lễ hội Diwali thêm nhộn nhịp với điệu múa truyền thống Ấn Độ mê hoặc lòng người, cùng bài hát nổi tiếng Bollywood và cả những tiếc mục xiếc đặc sắc. Vui hơn trong không khí nhộn nhịp là khi mọi người được thưởng thức các món đặc sản truyền thống của người Ấn Độ như cà ri dê hay cánh gà tẩm ướp. Ngoài ra, còn có các gian hàng vui chơi cho trẻ em như lâu đài nhảy múa, tranh cát tô tượng…
Dưới ánh sáng rực rỡ lung linh huyền ảo, không khí nhộn nhịp của lễ hội kết hợp cùng với những điệu múa truyền thống của người Ấn Độ trong nền nhạc Bollywood nổi tiếng đã làm cho lễ hội trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy tại lễ hội Diwali mọi người còn được thưởng thức những món ăn được xem là đặc sản truyền thống của người Ấn Độ.