Đến thăm tu viện Phật Giáo Mật Tông cao nhất thế giới

04/11/2022

Tu viện Tengboche tọa lạc tại miền Đông Nepal, nằm gần đường trekking lên Everest. Đây là tu viện Phật Giáo Mật Tông được nhiều du khách ghé quan cầu nguyện trước khi bắt đầu hành trình chinh phục Everest Base Camp.

Diệu Ly, một du khách tham gia cung đường trekking đến Everest Base Camp (Nepal) chia sẻ trải nghiệm bản thân khi ghé thăm tu viện Tengboche. Vào giữa tháng 10/2022, trong hành trình đến Nepal và trải nghiệm Trekking Everest Base Camp, Diệu Ly tình cờ ghé thăm nơi đây. Theo Diệu Ly, đó là khoảng 5h chiều và khung cảnh trong tu viện vô cùng đẹp đẽ.

"Nắng chiều đang dần tắt, những ngọn núi xa xa vẫn sáng nhẹ lên bởi lớp tuyết phủ trên đó, trong sân tu viện còn có một số quý Thầy đang đá bóng, có quý Thầy thì ngồi một góc thiền, thật sự rất an lạc", Diệu Ly nhớ lại.

Tu viện Tengboche dưới góc nhìn du khách

Sáng ngày hôm sau, Diệu Ly quay lại tu viện Tengboche vào khoảng sáng sớm. Chị miêu tả rằng khung cảnh bình minh chiếu qua tu viện, mang lại sắc sống bình yên. Thời tiết lạnh lẽo như khoác lên thêm màn sương mỏng bên trên những tia nắng ban mai.

"Mũi cũng đau nhức vì khó thở và thở ra thấy khói luôn, tay chân thì cứng đơ lại, nhưng cảnh vật an yên quá nên có lẽ “hơi thở cũng hoá thinh không" - chỉ thấy bình yên, chẳng thấy sợ gì nữa cả", Diệu Ly chia sẻ về trải nghiệm thăm thú tu viện Tengboche vào sáng sớm.

Cổng vào tu viện Tengboche.

Cổng vào tu viện Tengboche.

Tu viện Tengboche lọt thỏm giữa núi rừng.

Tu viện Tengboche lọt thỏm giữa núi rừng.

Bên trong tu viện Tengboche.

Bên trong tu viện Tengboche.

Theo góc nhìn của du khách này, đường đến Tengboche không phải quá khó khăn, nhưng lại cần sức bền và tinh thần tích cực. Chị giải thích rằng là một du khách ở Việt Nam đến, khí hậu, độ cao và thức ăn là những điều khiến Ly cảm thấy hơi vất vả để thích nghi. Là một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, kinh doanh, Ly cũng yêu mến các hoạt động du lịch trải nghiệm, về với thiên nhiên, tìm hiểu thêm văn hoá bản sắc của nhiều vùng miền khác nhau trong và ngoài nước. Vì thế, Diệu Ly mất không quá nhiều thời gian để điều chỉnh bản thân và làm quen với khí hậu khắc nghiệt ở Nepal.

"Ban đầu mình không nhớ ra được rằng trên đoạn đường Trekking của mình sẽ đi ngang qua tu viện Tengboche, lúc đầu mình chỉ đơn thuần nghĩ là sẽ đi qua tu viện đơn thuần thôi, chứ không ngờ Tengboche lại là tu viện nổi tiếng nhất tại đó và mình lại có cơ hội ngồi nghe các thầy trì chú, quả thật rất hữu duyên", Diệu Ly nói.

Theo quan sát của Diệu Ly, kiến trúc của tu viện mang đậm màu sắc Mật tông với các sắc màu đỏ, trắng nổi bật giữa những ngọn núi bao quanh, lại thêm những mảng hoạ tiết đa sắc màu tạo nên một thế giới màu sắc vô cùng đẹp mắt và mang sức sống mãnh liệt. Những mảng màu cũng mang lại cho chị cảm giác rất thảnh thơi an trú trong hiện tại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Không khí khi dạo bên ngoài thì rất an nhiên, khi vào trong chánh điện - nơi các vị Lạt Ma và quý Thầy ngồi trì chú thì lại vô cùng uy nghi và trang nghiêm", Diệu Ly cho biết.

Trời bắt đầu tối dần ở tu viện Tengboche.

Trời bắt đầu tối dần ở tu viện Tengboche.

Khi đến dạo chơi tại tu viện Tengboche, Diệu Ly yêu thích sự bề thế nổi bật giữa thiên nhiên với các ngọn núi bao quanh, bên trên là bầu trời rộng lớn. Trong khi đó, con người thật nhỏ nhắn lọt thỏm nhưng vẫn rất mạnh mẽ và kiên cường tiến lên phía trước.

"Cảm giác này mình rất yêu thích, bởi nhờ vậy mình lại tự nhắc nhớ bản thân sống khiêm tốn, học hỏi và sẻ chia nhiều hơn", Diệu Ly nói.

Về cảm nhận âm thanh, khi Diệu Ly ngồi nghe các vị Lạt Ma và Quý Thầy trì chú, chị đã nhắm mắt và cảm nhận. Âm thanh của tiếng kinh cầu kết hợp cùng các Pháp khí như Chày Kim Cang, Chuông Kim Cang, Pháp Loa (Ốc Pháp) làm Ly cảm thấy rất mới lạ nhưng lại rất thân quen.

"Đừng chỉ mải mê chụp hình bên ngoài Tu Viện, bạn có thể mạnh dạn bước vào khu chánh điện và nguyện cầu những lời yêu thương gửi đến mọi người xung quanh nhé, lắng nghe thêm tiếng tụng kinh, trì chú và tìm hiểu về các Pháp khí cũng thú vị lắm đấy. Và lưu ý và chỉ được chụp hình/quay phim ở những khu vực được phép chụp hình/quay phim thôi nhé. À, nhớ mặc đồ thật ấm để giữ cơ thể không bị nhiễm lạnh nữa nhé", Diệu Ly nói về lời khuyên dành cho du khách khi đến thăm Tengboche.

Cuộc sống bên trong tu viện Tengboche

Trả lời Travellive, Chamba Sherpa, một sư thầy tại tu viện Tengboche chia sẻ rằng tuy đây là khu vực ít người ở, tu viện vẫn rất bận rộn với các buổi lễ cầu nguyện mỗi ngày và hàng tháng. Sư thầy Chamba bắt đầu xuất gia ở Tengboche vào năm 2003. Sau đó 5 năm, thầy Chamba được cho đi học cao đẳng ở miền nam Ấn Độ. Vị trụ trì dành thêm 11 năm để lấy được bằng thạc sĩ và đi dạy học 2 năm ở trường Khumjung. Đến năm 2021, sư thầy Chamba quay về Tengboche và chấp chưởng vai trò trụ trì ở đây.

"Cuộc sống ở đây có phần khó khăn vì không có đường xá thuận lợi và bệnh viện, kể cả dân cư xung quanh cũng cách nhau rất xa", sư thầy Chamba chia sẻ.

Kiến trúc bên trong tu viện Tengboche.

Kiến trúc bên trong tu viện Tengboche.

Mỗi ngày, các sư thầy ở đây đều đặn làm lễ vào 2 buổi sáng và chiều. Nghi lễ được gọi là Puja, tất cả sư thầy ở tu viện sẽ cùng ngồi thiền và trì chú Mật tông. Theo lời thầy Chamba giải thích, nghi lễ Puja vốn có nhiều phiên bản phù hợp với nhiều tôn giáo khác nhau. Ở tu viện này, lễ Puja là lúc các sư thầy niệm kinh cầu nguyện Bồ Tát để mong cầu hòa bình thế giới và sự an tĩnh trong nội tại. Trong suốt buổi lễ, sư thầy sẽ cùng nhau thực hành những hành động như trì chú, đọc kinh, tọa thiền, quỳ lạy và dâng lễ vật.

"Các sư thường dâng hoa cúng dường cho Bồ Tát với ý nghĩa vạn vật vô thường, hoa đẹp nhưng rồi cũng tàn phai", sư thầy Chamba nói.

Bên cạnh đó, trong lễ Puja, các thầy còn sử dụng lễ dâng nến để biểu trưng cho ánh sáng và tri thức khai sáng. Thầy Chamba giải thích rằng những thực hành tôn giáo hàng ngày nhằm giúp Phật tử tập trung vào giáo lý Phật giáo và dần mở lòng với những lời dạy của Phật. Hầu hết Phật tử đều mang theo chuỗi hạt bên mình để có thể thiền định ở mọi nơi, mọi lúc.

Khuôn viên rộng rãi bên trong tu viện.

Khuôn viên rộng rãi bên trong tu viện.

"Nếu không có Phật tử, lễ Puja vẫn tiếp tục như thông thường. Tuy nhiên vào mùa đông, các sư chỉ hành lễ vào buổi sáng", thầy Chamba cho biết.

Tuy nhiên, trong suốt buổi hành lễ hoặc lúc các thầy đang hành thiền, du khách không được phép chụp ảnh và quay phim. Sư thầy Chamba lý giải rằng những hành động ấy sẽ làm các sư không thể tập trung thực hành. Đặc biệt, ở Tengboche, có một căn phòng chứa nhục thân lâu đời của 1 vị Lạt Ma. Chỉ cần xin phép vị sư trụ trì, du khách sẽ được phép vào thăm khu vực này. Đương nhiên, du khách không được phép chụp ảnh và quay phim.

"Thầy yêu quý khách du lịch đến thăm tu viện lắm. Vì thầy được nghe câu chuyện của họ từ khắp mọi nơi trên thế giới, có người cũng đến từ tu viện khác và thầy có thể đàm đạo Phật pháp với họ được. Thầy có thể trả lời phần lớn câu hỏi nhưng có lúc thầy cũng không thể cho họ câu trả lời", thầy Chamba nói với Travellive.

Anh Thi - Nguồn: Ảnh: NVCC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES