Sài Gòn, như quen mà lạ

04/05/2018

Câu chuyện của phố Sài Gòn được chắp cánh bởi những hình ảnh được chớp bắt qua cái nhìn lạ lẫm, đúng chất cổ điển của Pierre Semere - nhiếp ảnh gia người Pháp mới bén duyên cùng Việt Nam.

Cảm giác chung khi bước qua những nền gạch hoa trên lối đi vào những tòa nhà cổ như đưa người ta vào một miền ký ức thời Đông Dương hay thi thoảng ta nghĩ mình đang sống giữa thời bao cấp.

Ảnh: Pierre Semere

Ấy là khi ánh đèn neon hoặc ánh nắng của ban ngày không đủ chiếu rọi cả không gian kiến trúc cũ, mặt tiền với dây điện chằng chịt dẫn ta vào những lối đi sâu hun hút đan xen mùi ngai ngái của thời gian trên tường nhà và cầu thang màu vôi vàng nhạt.

Ảnh: Pierre Semere

Hồn xưa áo mới

Những năm gần đây, ai có dịp ghé ngang tòa nhà góc Đồng Khởi - Lý Tự Trọng hay dãy chung cư cũ kéo dài từ góc Đồng Khởi - Công trường Lam Sơn ở quận 1 hẳn sẽ phải trầm trồ khi trước mắt mở ra cả một lối di dài được biến thành gallery nghệ thuật với tranh vẽ đủ thể loại, màu sắc.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Men theo những bậc thang dần lên cao, khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại như gần lại. Người ta nghe thấy âm thanh của đủ loại giày dép trên các tầng lầu vang vọng, tiếng người nói lao xao bằng nhiều thứ ngôn ngữ, lời nhạc của những ca khúc thịnh hành. Và cả tiếng cót két rất nhẹ của những tấm cửa gỗ kéo trước các shop thời trang, quán café, nhà hàng hay spa làm đẹp.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ảnh: Pierre Semere

Lên đến mỗi tầng lầu, khách dừng chân nghỉ mệt có thể thư thả ngắm nhìn đủ thứ bảng hiệu be bé xinh xinh đầy sắc màu đặt dọc lối đi, trên tường hay lan can. Ai đói có thể chọn quán cơm Việt “chuẩn cơm mẹ nấu”, hay cơm Nhật nguyên liệu rau củ quả tươi rói dùng ngay với hải sản sống. Còn ai muốn hàn huyên tâm sự thì có đủ quán theo trường phái ăn bánh uống trà kiểu Tây. Thích thả hồn mênh mang nữa thì ra ban công vừa uống cà phê vừa ngắm phố xá nhộn nhịp người xe tới lui hối hả.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Rồi những lúc buồn vu vơ hay mải đăm chiêu nghĩ ngợi nhiều, người ta cũng có thể trốn vào một góc cầu thang nào đó, gác tay lên thành lan can ngó nghiêng một góc Sài Gòn cũ kỹ. Hướng nhìn lên cao là nhà nhà chọc trời, cửa kính sáng choang.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Khách du lịch ghé thăm Sài Gòn cũng nhất định nên thử ở trọ trong những khu chung cư hay tòa nhà cổ này để có cảm nhận rõ rệt hơn về một Sài Gòn xa mà gần, vừa lạ vừa quen. Ở đấy, chủ nhà đã khéo léo kết hợp những thiết bị hiện đại với nội thất tối giản đặt trong không gian hoài niệm của Sài Gòn hơn 50 năm trước. Nói như anh bạn người Pháp của tôi tới thăm Sài Gòn dịp Tết này thì ở trong những gian nhà như thế thực sự tuyệt vời hơn phố thị Châu Âu. Bởi cả Sài Gòn như thu nhỏ lại qua từng âm thanh của xe cộ, của con người, qua cả những nét màu của vôi, gạch, mái ngói đơn sơ, hay cả đôi đũa, cái bát cơm sành sứ nơi gian bếp “giả bộ” đơn sơ.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Gìn giữ cho tương lai

Cũng đã đôi lần, tôi ngập ngừng nghĩ về tương lai của những tòa nhà cổ góc Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Huệ hay nhiều tòa nhà khác nữa ở khu vực Tôn Thất Đạm, Ngô Đức Kế (cũng thuộc quận 1) sẽ phải nhường chỗ cho những công trình mới. Sớm hay muộn không ai rõ, chỉ biết sẽ thấy bồn chồn, xao động khi một Sài Gòn xưa cũ chỉ còn là ký ức.

Ảnh: Pierre Semere

Nhà sử học Anh quốc Tim Doling, tác giả của rất nhiều đầu sách về khảo cứu Sài Gòn và lịch sử Việt Nam, đã từng chia sẻ rằng, tính nhận diện của Sài Gòn sẽ biến mất khi tất cả những tòa nhà cũ bị phá bỏ, thay vào đó là những dãy nhà phố. “Ai cũng như ai, kể cả người Việt hay người dân ở khắp nơi trên thế giới đều tin rằng bảo tồn di sản sẽ phải nhường chỗ cho vấn đề phát triển đất nước”.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Nhìn ra bên ngoài, các quốc gia tiên tiến như Anh, Ireland hay Mỹ cũng đã từng hy sinh di sản cho phát triển kinh tế. Theo Doling, nếu được viết lại lịch sử thì các quốc gia này sẽ không thực hiện hành động ấy chỉ bởi việc phá bỏ di sản cho lợi ích ngắn hạn cuối cùng rồi sẽ gây tổn thất về tính nhận diện của các thành phố khi chẳng còn lại gì của quá khứ.

Ảnh: Pierre Semere

Ảnh: Pierre Semere

Họa sĩ Bridget March, một người đã sống và làm việc 5 năm tại Việt Nam và luôn trăn trở với vấn đề bảo tồn di sản, cũng đã chia sẻ: “Sẽ không ai biết bạn là ai và hiểu bạn là con người thế nào nếu chúng ta không có bất cứ ký ức hay hình ảnh gì của quá khứ, gia đình, trường học, hay thời đi lính, đi làm việc hay những chuyến du lịch. Chúng ta chẳng là ai, thật sự chẳng là ai cả. Nếu chúng ta làm điều tương tự cho thành phố và phá bỏ hết lịch sử thì thành phố này không còn chút nét riêng nào nữa”.

Nữ họa sĩ người Anh này cũng bày tỏ: “Di sản phải được gìn giữ cho thế hệ mai sau và di sản chính là cái du khách trân trọng, tìm kiếm ở mỗi nơi họ đi qua.”

Kiều Gian
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES