Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên sân bay Điện Biên đón thành công một dòng máy bay thuộc nhóm phản lực, trọng tải lớn, có tốc độ tiếp cận cao, ứng dụng phương thức bay hiện đại.
Đây là bước ngoặt tiền đề để Bamboo Airways chính thức đưa vào khai thác thương mại đường bay thẳng kết nối Hà Nội - Điện Biên từ tháng 9 tới. Từ đó, tiến tới nâng tầm vị thế của xứ sở "Mường Trời" trên bản đồ hàng không nội địa, với chuỗi mạng bay thẳng trực tiếp kết nối tỉnh với các trung tâm văn hóa - kinh tế trọng điểm trên cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc...
“Chuyến bay QH018 đánh dấu sự khởi đầu, một trang sử mới trong ngành hàng không ở tỉnh Điện Biên, và có lẽ là cả vùng Tây Bắc cũng như trên toàn quốc” - ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
Máy bay phản lực Embraer được sử dụng để khai thác đường bay này cũng từng được Bamboo Airways sử dụng trên nhiều đường bay ngách thẳng như Côn Đảo, Rạch Giá....
Trên thực tế, sân bay Điện Biên là sân bay có các điều kiện hạ tầng, đặc điểm địa chính trị, khí tượng đều đặc thù và phức tạp. Những đặc tính này từng gây trở ngại cho không ít các đề án nghiên cứu để tiếp nhận tàu bay CAT C (tàu bay có tốc độ tiếp cận lớn) trước đây. Do đó, việc thiết kế được phương thức bay khả thi cho tàu bay như Embraer được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất ngay từ khi lên kế hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho hay: “Sự kiện bay thử nghiệm thành công này, cùng với hoạt động khai thác chính thức đường bay đến Điện Biên trước thềm Quốc khánh 2/9, Bamboo Airways kỳ vọng đáp ứng hiệu quả nhu cầu đi lại, mang tới cho nhân dân tỉnh nhà và hành khách đi/đến địa phương thêm đa dạng cơ hội bay thẳng với dịch vụ bay định hướng năm sao”.
Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng trong năm 2021, đặc biệt chú trọng các tuyến bay ngách thẳng đi/đến các địa phương như Điện Biên, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá… mà chưa hãng bay nào khai thác bằng dòng máy bay phản lực thương mại hiện đại.