Seychelles, quốc đảo của những điều kỳ lạ

15/05/2015

Trong tiềm thức, tôi vẫn yêu những bãi biển của quốc đảo Seychelles hơn bất cứ nơi nào đã đi qua bởi sự hoang dã vốn có của nó. Và một phần còn bởi ở đây lưu truyền nhiều huyền thoại ghi dấu thời hồng hoang của người Phi châu.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

155 hòn đảo lớn nhỏ của quốc đảo này nối đuôi nhau chạy dài trên nền biển xanh biếc tạo thành khung cảnh tuyệt đẹp khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Seychelles nằm trên đảo Mahé. Màu xanh được phủ kín các cung đường quanh co trên đảo luôn mang lại cảm giác mát mắt. Tôi ấn tượng về Seychelles trong ngày đầu tiên đến đây là như thế.

Người Pháp đến Seychelles vào 1756 và người Anh vào năm 1794 mang lại đa sắc màu cho hòn đảo về ngôn ngữ và kiến trúc xây dựng. Người Seychelles có thể sử dụng cùng lúc ba ngôn ngữ hòa lẫn vào nhau khi trò chuyện bao gồm tiếng Pháp, tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa Creole. Tuy nhiên, người bản địa vẫn thích trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp hơn tiếng Anh và tôi yêu sự nhẹ nhàng tinh tế của tiếng Pháp khi nghe những cuộc chuyện trò của ai đó bước vội ngang qua phố. Tôi cũng yêu những dãy nhà cổ xưa theo kiến trúc của Pháp nằm ở một góc nào đó ở thủ đô Victoria với những giàn hoa giấy đủ sắc màu lòa xòa trước cổng.

 

Đảo La Digue & truyền thuyết về những chú rùa biển

 

Tôi đã có những ngày nô đùa trong làn nước xanh biếc ở bãi Anse Aux Pins, nằm đọc sách giữa làn gió mát rượi trong những bụi cây dại mọc dọc theo bãi, hay lang thang tìm những món hải sản nướng mọi được bày bán dọc theo biển với giá rẻ hời… Từ thủ đô Victoria, tôi bắt tàu cao tốc ra đảo La Digue – hòn đảo lớn thứ 3 của Seychelles về dân số - nơi còn những bãi biển hoang sơ và truyền thuyết về những chú rùa biển.

 

Những hàng dừa cao to xanh ngát phủ rợp mát con đường đá cuội chạy dọc ven biển và vòng bánh xe đạp kêu vít vít của du khách là những hình ảnh gây ấn tượng mạnh khi tôi đặt chân đến trung tâm đảo La Digue. Mọi thứ quá yên bình và thích hợp cho kỳ nghỉ dưỡng khi mùa hè đang đến với biển xanh, cát trắng và nắng vàng. Giống như bao du khách khác, tôi và anh bạn người Nhật mới quen thuê mỗi người một chiếc xe đạp với giá 1 USD/ngày để rong ruổi trên mọi nẻo đường hoang sơ khám phá hòn đảo.

 

 

Tôi khá lạ lẫm với những hình thù được tạo thành từ những bãi đá trồi lên ven theo bãi biển Anse Source d'Argent. Trông nó giống như những chú rùa biển khổng lồ đang nằm phơi mình trên bãi cát trắng phau. Trong hương vị ngọt liệm của những trái dừa, tôi lắng nghe anh Shawn, chủ quán nước, giới thiệu cho chúng tôi biết thêm về sự đa dạng sinh thái của hòn đảo. Anh nói: “Hình ảnh đó tạo cho La Digue rất riêng biệt không giống với các hòn đảo khác ở Seychelles. Từ đó, người Seychellian đã có truyền thuyết về những chú rùa biển khổng lồ nhằm nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường sinh thái biển…”

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

La Digue được đặt theo tên đoàn tàu của nhà thám hiểm người Pháp Marc Joseph Marion du Fresne khi ông đến đây vào năm 1768. Hòn đảo khá đa dạng sinh thái về động thực vật và là quê hương của những chú chim tiểu lửa nhiều màu sắc. Những năm gần đây, lượng rùa biển xanh về đây sinh sống rất nhiều mà trước đây chúng chỉ sinh sống ở đảo Aldabra. Như một định mệnh gắn chặt vào nhau khi thiên nhiên ban tặng cho La Digue những bãi đá khổng lồ có hình dáng những chú rùa và những chú rùa biển xanh lại quay về đây sinh sống. Người bản địa tin rằng hòn đảo được tạo ra và dưới sự bảo hộ của rùa giúp họ vượt qua những cơn sóng to lớn của đại dương mênh mông đôi khi hiền hòa nhưng đôi lúc cũng giận dữ không lường trước. Truyền thuyết ấy còn nhắc nhở mọi người cần phải bảo vệ môi trường sinh thái biển tốt hơn để lượng rùa xanh về đây sinh sống ngày càng nhiều hơn.

 

 

Với lượng cá dồi dào từ biển, người bản địa có nhiều cách chế biến để có những món ăn mang nhiều hương vị khác nhau. Tôi thích nhất món cá được ướp bằng tương đen và đem xiên bằng các thanh mía nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, các thanh mía sẽ tiết mật và đường thấm vào các thớ thịt sẽ làm cho cá ngọt hơn. Nhấm nháp miếng cá nướng cháy cạnh cùng với hương vị rượu địa phương được lên men đặc biệt trong những trái dừa, bạn sẽ cảm thấy một mùa hè đang trôi qua quá nhanh.

 

Những quả dừa lạ kỳ có tên Coco de mer

 

Khi nhập cảnh vào Seychelles, tôi thấy mộc hải quan đóng vào hộ chiếu có hình dáng hai quả dừa ghép vào nhau. Ở phần nhạy cảm của hai quả dừa ghép vào nhau ấy bị che khuất bởi một ô hình chữ nhật dành cho việc đóng ngày nhập cảnh. Lúc đó, tôi nghĩ rằng Seychelles là quần đảo của những cây dừa, nên dừa là biểu tượng của đảo quốc này và người ta tạo ra “biểu tượng” bằng cách ghép nghệ thuật 2 trái dừa vào nhau.

 

Lang thang ở thủ đô Victoria trên đảo Mahé, tôi thấy “biểu tượng” ấy được vẽ khắp nơi. Mà biểu tượng ấy được vẽ y như là phần dưới của người phụ nữ không hơn không kém. Cái đảo gì mà sexy, khiêu gợi đến ra mặt như thế! Trong một lần trò chuyện với người bản địa, tôi tá hỏa biết rằng đó là một loại dừa chỉ có ở Seychelles với tên gọi Coco de mer (tiếng Pháp) hay Double Coconut (tiếng Anh), tạm dịch “dừa kép” hay “dừa yêu”. Chúng cũng là biểu tượng của hòn đảo!

 

Các nhà khoa học của Seychelles cho rằng, những quả dừa “sexy” có nguồn gốc từ quần đảo Maldives trôi dạt trên Ấn Độ Dương đến sống tại đây. Coco de mer được tìm thấy tại Seychelles vào khoảng năm 1743 trên hai hòn đảo Chauve Souris và lle Ronde gần đảo Praslin. Tuy nhiên, chúng đã tuyệt chủng trên quê hương của mình. Những cây còn sống sót được di dời về đảo Praslin trồng trong khu vườn quốc gia Vallé de Mai. Tôi muốn thấy hình dáng thật sự của những quả dừa nên quay lại đảo Praslin và mất khoảng 30 phút ngồi tàu. 

 

Tạo hóa có những điều rất lạ kỳ không thể tượng tượng nổi khi tôi bước vào khu vườn quốc gia Vallé de Mai. Trông chúng không giống cây dừa mà giống cây cọ dầu cao to. Chúng gồm có cây cái và cây đực riêng rẽ. Cây đực khi ra hoa trong rất giống bộ phận sinh dục nam (dài 1m). Cây cái ra hoa cũng như thế nhưng ngắn hơn (0.3m) và thể hiện rõ hơn bộ phận sinh dục nam với 2 hòn đảo nhỏ quanh hoa (sau này chúng trở thành 2 cặp đùi). Khi đã thành trái, chúng rất giống phần dưới của cơ thể phụ nữ.

Chúng là loài hoang dã (còn gọi là dừa biển) nên chỉ thụ phấn nhờ gió, chính vì vậy dễ bị tuyệt chủng khi Seychelles chưa có người đến ở. Nhưng khi thụ phấn được, quả cần 6-7 nằm để già (trưởng thành) và mất 2 năm mới có thể nảy mầm cho ra cây con. Coco de mer đang giữ 3 kỷ lục thế giới trong các loài thực vật: quả nặng nhất (42 kg khi còn tươi), hạt nặng nhất thế giới (thịt trái nặng đến 17,6kg) và hoa cái lớn nhất trong họ dừa, cọ.

 

Khi bổ đôi quả dừa, phần thịt trái nằm hai bên đùi trắng tinh y như hai quả thận nằm hai bên đốt sống. Người ta nói rằng, nó nhiều khoáng chất trong đấy và có khả năng trị một số bệnh. Tâm linh về sự “trinh trắng” của tạo hóa nên người Trung Hoa đổ xô săn lùng mua với giá cả trên trời về làm thuốc. Giá cả được đẩy cao một phần vì sự hiếm của nó với thời gian quá dài để chín. Những người địa phương cho biết, một trái dừa giá khoảng 1.000 USD!

 

 

Trăng mười sáu như chiếc đĩa vàng tròn đầy giữa đầu trời đêm đong đầy những vì sao sáng và chiếc gương màn bạc óng ánh vàng của biển luôn bị vỡ tan theo từng con sóng. Tiếng sóng biển vẫn đánh vào những bãi cát trắng phau luôn rì rào tạo thành thứ âm thanh dịu êm trong những cơn gió đêm mát lạnh từ Ấn Độ Dương thổi lên. Những bông hoa Christopher khẽ khàng bị đánh thức trong đêm và tỏa hương thơm nhè nhẹ vào không gian. Tôi sẽ nhớ mãi thanh âm và sắc màu của quốc đảo mà có lẽ người ta chỉ có thể đến một, nhiều lắm là một vài lần trong đời.

 

Thông tin thêm:

+ Khai thác đường bay từ Việt Nam đến Seychelles gồm có hàng không Emirates Airlines và Etihad Airways. Seychelles miễn visa cho công dân Việt Nam lưu lại dưới 30 ngày. Khi nhập cảnh, cần trình cho hải quan vé máy bay lượt về, phiếu đặt khách sạn và lượng tiền mặt đủ chi phí cho số ngày ở Seychelles (mức tối thiểu là 200 USD/ngày).

+ Seychelles sử dụng đồng bản địa Rupee (1SCR = 0,075USD). Tuy nhiên, USD và Euro được sử dụng rộng rãi hơn cả đồng bản địa Rupee.

+ Là hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương nên hầu như khí hậu quanh năm ở Seychelles là nhiệt đới. Từ tháng 4 đến tháng 11 là mùa mát với nhiệt độ dao động từ 24 – 30 độ C. Các tháng còn lại là mùa nóng với nhiệt độ từ 31 – 35 độ C.

+ Cùng với Mauritus, Seychelles đang là điểm đến nghỉ dưỡng mới rất được du khách quốc tế ưa chuộng tại khu vực Đông Phi. Các trò chơi vận động, thể thao nước đều có ở Seychelles.

+ Hệ thống xe buýt hoạt động phủ khắp hòn đảo chính Mahé, hoạt động từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Giá mỗi lượt đi là 5 SCR mà không tính khoảng cách xa hay gần. 

+ Để đến đảo La Digue, du khách mua vé tàu cao tốc đến đảo Praslin từ bến tàu trung tâm (phòng vé nằm cạnh bên hải cảng Victoria) với thời gian ngồi tàu khoảng 2 tiếng và nên mua trước một ngày. Từ đảo Praslin, du khách mua tiếp vé tàu cao tốc đến đảo La Digue. Dọc theo bến tàu La Digue, có rất nhiều quầy cho thuê xe đạp với giá 1 USD/ngày.

+ Giá khách sạn tại thủ đô Victoria khoảng 60 USD/đêm, tại đảo La Digue và Praslin khoảng 30 USD/đêm.

+ Lưu ý: Du khách không được mang bất kỳ các loài thực vật hay động vật từ Seychelles khi xuất cảnh.

RELATED ARTICLES