Tùng... tùng ... tùng, tiếng trống của trưởng thôn nổi lên như tiếp thêm sức mạnh, mỗi lúc một thôi thúc các chàng trai trước ngọn lửa hồng đang rực cháy. Dường như có một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa. Các động tác lắc lư cũng mạnh dần.
Họ cúi người, nhảy lò cò và tiến đến gần đống lửa, từng đôi một bằng đôi chân không nhảy trên đống than hồng, thậm chí ngọn lửa còn bám theo từng bước chân của họ cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại. Đó là cảnh nhảy lửa trong lễ hội đầu năm của đồng bào Dao Lào Cai mà các dân tộc khác mới xem cũng đã thấy ly kỳ và thán phục.
Theo ông Đặng Tiến Thanh, dân tộc Dao - nguyên là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai, người Dao Lào Cai thường tổ chức lễ nhảy lửa đầu năm mới để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mang lại cho dân bản sự ấm áp, xua đi cái giá lạnh của thời tiết. Ở tỉnh Hà Giang, đồng bào Pà Thẻn cũng có lễ hội nhảy lửa nhưng tổ chức kéo dài hơn, từ 16/10 đến 15 tháng Giêng năm sau.
Có lẽ cũng như người Pà Thẻn Hà Giang, người Dao Lào Cai chung quan niệm rằng, xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh.
Đối với họ, vị thần tối cao nhất là thần Lửa. Núi rừng có hổ là chúa sơn lâm, nhưng chúa sơn lâm là con vật chỉ biết sợ lửa. Ngọn lửa ngoài sức mạnh trừ tà ma yêu quái còn mang lại sự may mắn, mùa màng bội thu và vượt lên mọi thế lực khác trong tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Vì vậy, khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để cổ vũ.
Trong lễ hội, phần lễ có vật cúng tế là 1 chiếc đàn sắt, một chiếc trống, 1 con gà, 1 bát gạo, 10 chén rượu và giấy nến làm từ rơm hoặc nứa (một loại giấy chuyên dùng vào việc cúng tế của người Dao).
Tất cả lễ vật trên được bày cách xa đống lửa lớn khoảng vài ba khối củi. Khi lửa được đốt lên, thầy cúng bắt đầu làm lễ xin thổ công, thổ địa, cúng thần Lửa theo thủ tục.
Bài cúng kéo dài chừng nửa tiếng. Khi đống lửa đã cháy thành than rực hồng, cùng với sự điều khiển của thầy cúng, các thanh niên trai tráng trong thôn bản (mỗi thôn chọn lấy một vài người khỏe mạnh, dũng cảm để đại diện) ra ngồi trước mặt thầy cúng nhận sức mạnh từ thầy.
Thầy Tào (thầy cúng) sẽ ngồi trên chiếc ghế dài thực hiện các bài ca nghi lễ, với nội dung mở đường lên trời tìm “con ma” rồi gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa.
Khi thầy Tào gõ đàn và làm lễ cúng, người ta thấy từng thanh niên một ngồi đối diện với thầy bỗng rung lên mạnh dần theo nhịp trống, đó chính là lúc những thành viên đã được nhập đồng và sẵn sàng nhảy lửa. Đó cũng là sự bí ẩn mà người xem chưa thể hiểu được.
Theo các già làng người Dao, việc nhảy lửa là để truyền dạy lại cho con cháu đời sau các bài cúng, xua đi nỗi sợ hãi và chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng. Cho đến giờ, đó vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút sự tìm hiểu, nghiên cứu của các nhà khoa học.
Nếu nghi lễ Cấp sắc là để công nhận một thanh niên người Dao đã trưởng thành thì tục nhảy lửa là một nét văn hóa đặc sắc của họ. Vì vậy, lễ hội được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật và cầu an khang, thịnh vượng. Lễ hội nhảy lửa vẫn là hoạt động độc đáo, hấp dẫn du khách những ngày đầu Xuân ở Lào Cai.