thành phố không ngủ
Business Insider nhận định Phú Quốc có nhiều điểm tương đồng như Phuket hay Samui của Thái Lan khi đều phát triển du lịch từ con số 0.
Bài viết miêu tả Phú Quốc là nơi sinh sống của loài rùa xanh quý hiếm làm tổ trên những bãi biển cát trắng trải dài, bên làn nước biển trong như pha lê. Hòn đảo rộng 593 km2 chủ yếu được bao phủ bởi hệ sinh thái rừng phong phú. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả Phú Quốc đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đảo có khoảng 45.000 cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, sản xuất nước mắm, trồng tiêu xanh và nuôi ngọc trai.
Theo biên tập viên của Business Insider, Phú Quốc vốn là một viên kim cương thô, nhưng đến năm 2021, hòn đảo lớn nhất Việt Nam này đã thực sự phát triển và mang trên mình một diện mạo mới. Nếu trước kia, Phú Quốc có thể được nhắc đến cùng với Bali của Indonesia hay Jeju của Hàn Quốc - những hòn đảo thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên văn hóa địa phương, thì giờ đây đảo Ngọc hoàn toàn có thể so sánh với Las Vegas của Mỹ hay Hải Nam của Trung Quốc. Hàng nghìn phòng khách sạn, căn hộ, dãy nhà phố, biệt thự và khu dân cư mọc lên như vũ bão ở trên đảo, hướng đến xây dựng Phú Quốc trở thành “thành phố không ngủ”.
Business Insider cũng đề cập đến tổ hợp du lịch giải trí Phú Quốc United Center với đa dạng các hoạt động thú vị như: các chương trình biểu diễn, khu tái hiện thành phố Venice mộng mơ, chèo thuyền gondola vãn cảnh, các quán bar, câu lạc bộ,... Tất cả hứa hẹn sẽ mang đến không gian giải trí sôi động và lộng lẫy cho du khách.
Bên cạnh đó, VinWonders Phú Quốc - công viên giải trí lớn nhất Việt Nam và Vinpearl Safari Phú Quốc - vườn thú bán hoang dã mở duy nhất của Việt Nam, sân golf, trung tâm hội nghị, bệnh viện cũng là những tiện ích mà Business Insider đánh giá là bước tiến trong đầu tư du lịch tại hòn đảo thiên đường này.
Cũng theo trang tin, sự kiện Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc khai trương vào năm 2012 đã thu hút và phát triển du khách nội địa đến thăm hòn đảo. Năm 2018, Phú Quốc công bố kế hoạch mở rộng đường băng và nhà ga hành khách thứ hai để tăng công suất hiện tại từ 4 triệu khách/năm lên 14 triệu khách/năm vào năm 2030.
Business Insider nhận định hầu hết các dự án này đều hướng đến tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, với mục tiêu tạo ra một "điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế mà du khách không cần phải rời khỏi đất nước".
thực trạng
Bên cạnh những mặt tích cực, Business Insider cũng chỉ ra những điểm bất cập đang tồn tại của Phú Quốc, khi du lịch đã-đang làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một hòn đảo vốn rất hoang sơ và yên bình.
Tờ báo nhận định các chủ đầu tư ở Phú Quốc dường như có niềm đam mê với việc tái tạo các thị trấn và khu nghỉ dưỡng mang phong cách châu Âu. Bởi vậy mà du khách đặt chân đến đây đều có thể cảm nhận như đang ở Venice, bờ biển Amalfi hoặc Paris - hay bất cứ nơi nào khác chứ không phải... Việt Nam.
Những công trình này có thể rất phù hợp và hấp dẫn đối với khách du lịch nội địa, nhưng lại không phải là điều mà du khách quốc tế mong chờ. Dẫn lời của Marco Foerster, Giám đốc cố vấn kinh doanh quốc tế tại TP.HCM, cho biết: "Khách quốc tế đến để trải nghiệm nét độc đáo của riêng Phú Quốc, chứ không phải để thăm thú một thị trấn kiểu châu Âu rực rỡ sắc màu".
Business Insider cho rằng lợi ích trái ngược của du khách trong nước và quốc tế không phải là vấn đề duy nhất mà Phú Quốc đang phải đối mặt. Hòn đảo này cũng đang trong tình trạng báo động dưới sức nặng của chất thải. Nguyễn Quỳnh, Giám đốc dự án của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF), cho biết rác thải nhựa đang gây "choáng ngợp" cho hệ sinh thái trên đảo. "Phú Quốc đang thiếu các bãi tiêu hủy rác trầm trọng" - cô chia sẻ - "Nếu không hành động kịp thời, những núi rác đó sẽ sớm trở thành mối đe dọa cho ngành du lịch đang phát triển của đảo".
Chia sẻ với Business Insider, Phan Thanh Huyền, một người sống và làm việc tại Phú Quốc, đánh giá mặc dù sự phát triển du lịch nhanh chóng mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như phát triển hệ thống giáo dục, bệnh viện ở đây, nhưng quá trình đô thị hóa cũng cho thấy sự gia tăng tội phạm và tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo. "Tôi sợ rằng Phú Quốc không còn được tự nhiên như xưa, không còn không khí trong lành, bãi biển đẹp và rừng cây xanh mát", cô nói.
cần một bức tranh toàn cảnh
Business Insider cho rằng ngay từ đầu cần làm rõ nguyên nhân và mục đích phát triển du lịch tại Phú Quốc. "Có vẻ như không có kế hoạch quy hoạch tổng thể chính xác về việc hòn đảo sẽ trông ra sao trong tương lai, và khi nào việc xây dựng ồ ạt sẽ dừng lại", Jeff Redi, Giám đốc điều hành của một công ty lữ hành tại Việt Nam nhận định.
Trước đó, kế hoạch tổng thể tầm nhìn năm 2030 được phê duyệt vào tháng 5/2010 hướng đến xây dựng Phú Quốc trở thành một điểm đến du lịch sinh thái đẳng cấp thế giới để phù hợp với tình trạng Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Nhưng, trên thực tế, những thay đổi hiện tại ở Phú Quốc lại cho thấy, dường như mọi thứ đang không đi theo đúng kế hoạch.
Một vấn đề quan trọng không kém, theo tờ báo, là việc người dân đã tham gia như thế nào vào quá trình phát triển này. Một nghiên cứu vào tháng 5/2019 của hai giảng viên đại học Vũ Minh Hiếu và Vũ Minh Tới đã chỉ ra, hơn 96% người dân (được khảo sát) cho biết họ không được chính quyền hỏi ý kiến về kế hoạch phát triển du lịch; gần 75% cho biết họ không hiểu khái niệm "phát triển du lịch bền vững" là gì.
"Người dân là linh hồn của một vùng đất. Không có thiên nhiên và văn hóa địa phương, Phú Quốc cũng chỉ giống với nhiều điểm đến thương mại khác mà thôi" - Phan Thanh Huyền, cư dân trên hòn đảo chia sẻ.
Thông tin thêm
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2021, Phú Quốc sẽ là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam thí điểm đón du khách quốc tế thông qua chương trình "Hộ chiếu vaccine". Kế hoạch này dự kiến thực hiện thí điểm trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2021.
Việc triển khai kế hoạch này sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, 3 tháng đầu, Phú Quốc dự kiến đón từ 2.000-3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight), chỉ triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm giới hạn tại một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế. Từ tháng thứ 4, hòn đảo dự tính đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ. Trong vòng 6 tháng, Phú Quốc dự kiến đón từ 25.000-40.000 khách du lịch quốc tế.
Du khách đến Phú Quốc cần có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Du khách cũng phải có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 được Việt Nam công nhận, thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng, đồng thời phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR/RT-LAMP âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Để đến Phú Quốc, du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Kiên Giang lựa chọn.