Sững sờ ở Istanbul

13/09/2019

Sững sờ - bởi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nổi lên là địa danh "phải tới" với khách du lịch Việt vài năm gần đây, thông tin và hình ảnh tràn ngập, và dù đã nhiều, rất ấn tượng nhưng vẫn chẳng thể so sánh được với việc thực sự đặt chân lên vùng đất này.  

Amazing Tour

là chuỗi chương trình quảng bá điểm đến cho du khách Việt do tạp chí Travellive khởi xưởng. “Thổ Nhĩ Kỳ - Huyền thoại có thật” là hành trình Amazing Tour thứ 4 khám phá bốn thành phố huyền thoại của Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức với sự tài trợ của Nokia và hãng hàng không Turkish Airlines.

Istanbul là điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Thổ Nhĩ Kỳ của Amazing Tour. Vùng đất huyền thoại này đã "đáp lại" bằng cách cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời, với sự choáng váng không hề nhẹ khi tận mắt ngắm nhìn bao nét đặc thù với lịch sử lâu đời, đa dạng, nhịp sống hối hả nơi trung chuyển giao thương... Tìm hiểu địa lý và lịch sử Istanbul rất dễ bị rối bời bởi lượng thông tin khổng lồ, nhiều thời kỳ phát triển rực rỡ với dấu ấn riêng về chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo. Hãy chuẩn bị tinh thần, bởi dường như hơi thở ngàn năm của Istanbul sẽ phủ lên bạn ngay khi bạn đặt chân đến thành phố với những thành quách, phố cổ, những nhà thờ cổ kính, và khu chợ Grand Bazaar sầm uất suốt 4 thế kỷ qua.

Istanbul - điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Thổ Nhĩ Kỳ của Amazing Tour

Istanbul - điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Thổ Nhĩ Kỳ của Amazing Tour

Những công trình kỳ bí

Quảng trường Sultan Ahmed là nơi đầu tiên cần tới ở Istanbul, bởi từ đây, du khách có thể đi bộ chỉ vài phút là tới rất nhiều di tích cổ như thánh đường Hồi giáo Blue Mosque và Hagia Sophia, bể chứa nước ngầm Basilica Cistern, cung điện Topkapi… Quảng trường và khu vực xung quanh lúc nào cũng tràn ngập du khách và cả người địa phương. Trong lúc chờ trưởng đoàn mua vé tham quan nhà thờ Hagia Sophia, chúng tôi vây quanh vài quầy hàng rong nhỏ ven đường bán các loại bánh chiên thân thuộc như ở Việt Nam.

Nhà thờ Hagia Sophia được xây dựng từ thời Hoàng đế Justinian của vương quốc Byzantine, là nhà thờ Thiên chúa giáo từ năm 537 (kéo dài 916 năm), trở thành giáo đường Hồi giáo trong 482 năm sau đó. Đến năm 1935, Tổng thống Ataturk biến nơi đây thành bảo tàng - một viện bảo tàng mà không du khách nào có thể bỏ qua khi tới Istanbul. Hagia Sophia đang được trùng tu, nhiều góc bảo tàng được quây kín. Từng đoàn du khách vẫn kéo về đây, chăm chú ngắm nhìn tuyệt tác kiến trúc này, bất kể tầm nhìn hay góc máy thường xuyên bị hệ thống dây an toàn “làm phiền”.

Nhà thờ Hagia Sophia

Nhà thờ Hagia Sophia

Do sự thay đổi về tôn giáo, trong Hagia Sophia có những bức tranh mosaic của Chúa Jesus Toàn Năng, tranh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng từ thế kỷ 9, tranh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cùng Hoàng đế John Comnenus II và Hoàng hậu Eirene (hoàng đế và hoàng hậu có công góp tiền xây dựng Hagia Sophia). Ở cuối đoạn dốc để đi lên tầng 2 của bảo tàng có một cây cột phủ đồng, trên đó có một lỗ nhỏ. Truyền thuyết kể rằng bất kỳ ai mang theo những nỗi sầu bi mà đưa ngón tay vào lỗ nhỏ đó mà thấy ngón tay ẩm ướt, thì người đó sẽ được giải thoát khỏi khổ đau. Cuộc trùng tu Hagia Sophia dự kiến kết thúc trong năm 2019 và trên các diễn đàn du lịch, du khách đã nhắc nhau trở lại vào năm sau để được ngắm Hagia Sophia trọn vẹn.

Bên trong Nhà thờ Hagia Sophia

Bên trong Nhà thờ Hagia Sophia

Nếu bạn yêu mến kiến trúc của các thánh đường thì ngoài Hagia Sophia, hãy dành thời gian tham quan Blue Mosque (nơi đây cũng đang trong giai đoạn trùng tu) nằm ngay đối diện với Hagia Sophia và nhà thờ Suleymaniye cũng không kém phần lộng lẫy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một trong những điểm tham quan tôi vô cùng mong chờ là ngầm bể chứa nước Basilica Cistern, bởi đây và nhiều địa danh quanh quảng trường Sultan Ahmed là phim trường của bộ phim “Hoả ngục”, do Tom Hanks đóng vai chính. Basilica Cistern là một công trình trữ nước ngọt rộng tới 100.000 m2, trữ được tới 80.000 m3 nước, được xây dựng từ thế kỷ thứ 6. Nơi đây có thể khiến du khách ồ lên bất ngờ cả về diện tích và sự bề thế với 336 cây cột đá cẩm thạch được chạm trổ cực kỳ công phu. Cảm giác đầu tiên khi bước chân vào khu vực tham quan là... mát lạnh, không có quá nhiều hơi nước như tôi hình dung. Lối đi rộng và được chiếu sáng vừa đủ để du khách an toàn khám phá từng khu vực những vẫn tạo cảm giác huyền bí. Điểm cuối của Basilica Cistern là “Cây cột than khóc” với bệ đỡ là hai bức điêu khắc đầu nữ thần tóc rắn Medusa: một đầu lộn ngược, một đầu nằm nghiêng. Cây cột được xây để tưởng nhớ những nô lệ bỏ mạng khi xây dựng công trình. Hướng dẫn viên cho biết cây cột này luôn luôn ẩm ướt giống như nước mắt của hàng trăm, hàng nghìn người nhỏ xuống đây quanh năm. Tôi cũng nhận thấy đây là cột đá duy nhất… ướt trong khu vực tôi tham quan, còn tất cả cột khác đều khô ráo.

Ngầm bể chứa nước Basilica Cistern - một trong nhiều bối cảnh của bộ phim “Hoả ngục”

Ngầm bể chứa nước Basilica Cistern - một trong nhiều bối cảnh của bộ phim “Hoả ngục”

Nằm bên eo biển Bosphorus, Cung điện Dolmabahce với kiến trúc có phần hiện đại hơn lại hé mở cho du khách một góc lịch sử của thành phố Istanbul kỳ diệu. Dolmabahce có gần 300 căn phòng, bao gồm phòng khánh tiết, phòng sinh hoạt của hoàng gia được trang trí lộng lẫy và tinh tế được trang trí bằng 14 tấn vàng, 40 tấn bạc và 4.500 m2 thảm dệt thủ công. Nhưng vài tiếng đồng hồ tham quan chỉ đủ cho chúng tôi tìm hiểu một góc nhỏ trong cung điện này. Phòng trưng bày bảo vật không cho phép chụp hình nên chỉ bằng cách tới đây, du khách mới có thể được nhìn thấy những vương miện, trang sức, đồ dùng quý giá và vật dụng hàng ngày của 6 vị sultan của triều đại Ottoman cùng hậu cung của họ, đi trên cầu thang khảm pha lê khiến bất kỳ ai cũng phải nín thở, ngắm cây đèn chùm pha lê lớn nhất thế giới với 750 bóng đèn và nặng 4,5 tấn do Nữ hoàng Anh Victoria gửi tặng…

Cung điện Dolmabahce

Cung điện Dolmabahce

Đi chợ ở Istanbul

Đến Istanbul, dù có nhiều thời gian hay chỉ ghé qua chớp nhoáng, chợ Grand Bazaar hẳn là nơi bất kỳ ai cũng tìm tới. Tôi thuộc tuýp người chuộng siêu thị hơn chợ, bởi chợ đối với tôi thường ngột ngạt, nóng nực, người người chen nhau “đông như kiến cỏ”. Vậy mà tôi lại phải một lần nữa “wow” khi bước chân vào Grand Bazaar nằm trong khu phố cổ Istanbul (khu vực được công nhân là Di sản văn hoá của UNESCO). Đây là khu chợ có mái che rộng và lâu đời nhất thế giới, hoàn thành vào nửa đầu thế kỷ 18, mỗi ngày hiện đón hàng chục nghìn du khách.

Khu chợ tấp nập giữa thành phố

Khu chợ tấp nập giữa thành phố

Với hơn 4.000 gian hàng bày bán những mặt hàng đa dạng tới mức khó có thể kể hết, Grand Bazaar khiến phụ nữ ngất ngây với những gian hàng bánh kẹo, trà, gia vị, đèn, thảm, ly cốc thuỷ tinh, gốm sứ, trang sức… và nam giới thì mê mẩn với những gian hàng đồ cổ, đồ giả cổ, đồ da…

Hơn 4.000 gian hàng bày bán những mặt hàng đa dạng

Hơn 4.000 gian hàng bày bán những mặt hàng đa dạng

Người bán hàng ở Grand Bazaar (cũng như tất cả người làm dịch vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ) đều là nam giới, vô cùng lịch sự và khéo léo, khéo tới mức có thể khiến khách mua hàng với giá trên trời lúc nào không hay biết. Các diễn đàn du lịch khuyên khách tới đây chỉ trả giá bằng 1/3 mức giá người bán nói, sau đó nâng dần lên. Một bí kíp nữa là đừng bao giờ tỏ ra thích mê món đồ nào, bởi bạn dễ bị “chém đứt cổ” với sự khéo léo và tinh tường của những người bán hàng.

Tôi gọi việc mua sắm và mặc cả ở Grand Bazaar là cuộc đấu trí cân não, rất thú vị và căng thẳng, mỗi lần nghĩ lại vẫn còn thấy đầy hấp dẫn. Tôi đã ra về với hàng kí kẹo Turkish Delight, trà lựu, trà táo, ly cốc thuỷ tinh… Đó là tôi đã kiên quyết ép mình phải bỏ qua khăn quàng cổ, hay những món đồ lưu niệm khác, cũng chưa có thời gian sang tới khu vực bán đồ da vốn rất nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Empty
Empty
Empty

Mua sắm ở Grand Bazaar không có khái niệm đắt hay rẻ, hớ hay lời, bởi món đồ đã được mua bằng khả năng mặc cả cũng như sức chịu đựng của từng người trong mỗi cuộc mặc cả dường như có thể kéo dài bất tận. Hãy dành ít nhất nửa ngày, hay 3 tiếng đồng hồ ở đây, bạn sẽ thấy dường như thời gian chỉ mới trôi qua trong chớp mắt.

Nếu muốn hít thở một Istanbul hiện đại hơn, quảng trường và phố mua sắm Taksim là một điểm đến lý tưởng với cửa hàng của các hãng thời trang, mỹ phẩm quốc tế, các tiệm trà, café, bánh ngọt... vô cùng nhộn nhịp.

Một số hình ảnh khác về Istanbul

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Thông tin thêm

Visa: Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong khối EU nên du khách cần xin visa Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian chờ cấp visa là 15 ngày nếu xin trực tiếp tại Đại sứ quán. Nếu bạn có visa châu Âu, Mỹ hoặc Ireland còn thời hạn, bạn có thể xin E-visa với thủ tục rất nhanh gọn, chỉ sau 2 tiếng là nhận được E-visa.

Hành trình: Từ Hà Nội/ TP.HCM, có chuyến bay thẳng tới Istanbul. Bạn nên sử dụng dịch vụ của Turkish Airlines - hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ để không phải bận rộn chuyển hành lý khi transit tại Istanbul. Hơn thế nữa, Turkish Airlines là hãng hàng không chất lượng cao và có giờ bay lý tưởng từ Việt Nam đi châu Âu, cất cánh vào buổi tối tại Việt Nam và hạ cánh vào buổi sáng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm: Tháng 4-6 là thời điểm lý tưởng để khám phá Istanbul

Lưu trú: Istanbul có rất nhiều loại hình khách sạn cho du khách lựa chọn

Ẩm thực: Simit, kahvalti, dolma và sarma, manti, maraş dondurma, pide, cá trống rán (hamsi), rượu raki, sandwich cá là những món mà bạn nên thưởng thức.

Phương tiện di chuyển: Du khách có thể dễ dàng đi thăm thú khắp nơi với xe buýt hoặc taxi.

Tiền tệ: Thổ Nhĩ Kỳ dùng đồng lira, 1 lira có giá trị xấp xỉ 4.000 đồng.

Trang phục: Hãy mặc trang phục kín đáo. Nữ giới nên có một chiếc khăn để che nắng, và trùm đầu khi tham quan một số nhà thờ Hồi giáo.

Empty
Empty

Lưu ý khác:

- Hãy dành thời gian cho một chuyến du thuyền trên eo biển Bosphorus để ngắm hai bờ Á – Âu của Istanbul.

- Những món quà đáng mua ở Istanbul là các loại Turkish Delight đầy màu sắc và nhiều hương vị, khăn lụa Kashmir, bình và ly pha trà/ cà phê, trà đen, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, các loại trà trái cây, đèn mosaic, thảm…

- Hàng hoá trong chợ Grand Bazaar không giống nhau hàng loạt, vì vậy đừng mang tâm lý không mua ở hàng này thì có thể mua hàng khác. Vì vậy, nếu có món đồ nào “lọt mắt xanh”, bạn hãy áp dụng chiêu tỏ ra không quan tâm lắm, và kiên nhẫn với “cuộc chiến mặc cả” để mua với giá bạn chấp nhận được.

- Hãy lưu ý bảo vệ tư trang để không bị mất cắp chỉ trong 1/10… nốt nhạc.

Mỹ An - Ảnh: nhiều tác giả
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES