Sương ảnh trên cổ trấn Phượng Hoàng

04/02/2013

Dòng Đà Giang dịu dàng trôi giữa đôi bờ thành xưa, soi bóng cổ trấn với những mái cong rêu phong lợp ngói cổ âm dương và hàng chục cây cầu bắc qua ngang dọc.

Bài: Yutaka  Ảnh: Cô Giang

Đầu xuân, chúng tôi lên một chuyến tàu dài, đi ngược về phía Bắc, sang Trung Hoa khi vẫn còn lạnh giá bởi tuyết tan muộn, tìm về với Phượng Hoàng cổ trấn. Khi chiếc ôtô lăn bánh vào đến thành cổ, trời đã về khuya. Không khí ẩm ướt và lạnh cóng. Những dãy nhà u tịch nằm im lìm soi bóng xuống dòng sông xiết chảy. Nơi chúng tôi ở nằm về phía bên này của cổ trấn, phía được xem là hiện đại hơn với nhiều ngôi nhà cao tầng hơn. Từ cửa sổ của căn phòng, có thể nhìn thấy được toàn cảnh cổ trấn phía bên kia sông.

Những người phụ nữ Thổ Gia của mảnh đất này vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng Đà Giang mỗi sáng, bất kể thời tiết và bất kể đông hay hè, xuân hay thu. Tiếng đập quần áo mỗi sáng giống như tiếng gà gáy gọi mặt trời mỗi sáng, đánh thức cả cổ trấn thức dậy, đón chào một ngày mới.

Cổ trấn thức dậy từ rất sớm. 6h sáng, khi mặt trời vẫn còn đang ngủ vùi, đã có tiếng đập nước giặt giũ từ phía bên kia sông. Những người phụ nữ Thổ Gia của mảnh đất này vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng Đà Giang mỗi sáng, bất kể thời tiết và bất kể đông hay hè, xuân hay thu. Tiếng đập quần áo mỗi sáng giống như tiếng gà gáy gọi mặt trời mỗi sáng, đánh thức cả cổ trấn thức dậy, đón chào một ngày mới. Và để rồi không lâu sau đó là tiếng bước chân của những người bán hàng buổi sớm, tiếng kéo cửa mở hàng, tiếng quét sân, tiếng lũ trẻ gọi nhau đến trường, tiếng hát khe khẽ của một chiếc loa rè nào đó sau khung cửa sổ hé mở.

Trong con phố cổ kính uốn lượn dọc theo dòng sông, mọi việc diễn ra đều tăm tắp và theo một trật tự bất thành văn và ngày nào cũng như ngày nào như thế. Đứng giữa những con phố cổ kính ấy, tôi có cảm giác như mình đang trở lại với cổ trấn của vài trăm năm trước, đơn giản, u tịch và không vội vã.

Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trước đây, nơi này vốn chỉ là một thị trấn nhỏ, xinh xắn nằm về một phía của bờ Đà Giang. Theo thời gian, người địa phương dần chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ sông. Những cây cầu được xây nối hai bờ của dòng sông là nét đặc biệt của thị trấn này. Có đến cả chục cây cầu bắc qua con sông nhỏ với đủ mọi vật liệu trong một chiều dài chưa đến một km. Nổi bật nhất là những cây cầu đá có tuổi đời bằng với khu thành cổ, cây cầu gỗ hình gấp khúc dành cho những người đi bộ. Cây cầu sắt và cây cầu bêtông lớn dành cho xe cơ giới qua lại. Hai bên bờ sông là hai hình ảnh khác nhau của khu trấn. Phía bên này sông là cổ trấn thâm trầm với tuổi đời ngót nghét 1300 năm cũ kĩ, còn phía bên kia là trấn mới với những ngôi nhà mới xây cao tầng, những dãy quán ăn nằm dọc bờ sông. Nếu bạn muốn một buổi sáng thức dậy trong không khí phố cổ, đừng ngại ngần chọn một ngôi nhà trọ trong những con đường dích dắc, còn nếu muốn ngắm nhìn dòng sông Đà Giang và toàn cảnh trấn, hãy chọn một căn phòng ở phía bên kia sông.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Dù đã là thành phố du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng dường như mọi tác động của cuộc sống bên ngoài không làm ảnh hưởng đến khu trấn cổ. Lang thang cả ngày trong cổ trấn, tôi không gặp một vị khách nước ngoài nào, ngoài chúng tôi. Khác với thành cổ Lệ Giang nhộn nhịp và huyên náo suốt cả ngày lẫn đêm, Phượng Hoàng cổ trấn mang dáng vẻ trầm mặc và ưu tư, tựa dáng vẻ một thiếu nữ đang ngồi soi bóng mình bên dòng Đà Giang.

Khác với thành cổ Lệ Giang nhộn nhịp và huyên náo suốt cả ngày lẫn đêm, Phượng Hoàng cổ trấn mang dáng vẻ trầm mặc và ưu tư, tựa dáng vẻ một thiếu nữ đang ngồi soi bóng mình bên dòng Đà Giang.

Mọi sinh hoạt trong cổ trấn cũng bình lặng như thế. Không có tiếng huyên náo, không có tiếng cãi cọ. Những tác động của kinh doanh du lịch không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của những người dân sống trong cổ trấn.Họ vẫn bán những mặt hàng truyền thống, những sản phẩm thiết yếu hàng ngày, những cửa hàng mì buổi sáng, những chiếc xe đạp lóc cóc chở theo bánh bao và tào phớ. Thi thoảng ở cuối những ngã ba, một vài bà, vài chị người dân tộc Thổ Gia, trên đầu cuốn những vòng hoa kết đủ màu, vui vẻ mời chào những chiếc vòng hoa được tết đơn giản.

Theo sau những nụ cười khúc khích, tôi lạc mình vào sâu trong cổ trấn. Những ngôi nhà với những chiếc sân lát gạch cũng đã sẫm màu theo thời gian. Len lỏi đi bộ luồn lách qua những con ngõ, tôi đi sâu hơn vào cổ trấn. Những mái ngói âm dương mọc đầy cây cỏ dại. Lũ trẻ dắt tay nhau vừa đi vừa đùa nghịch, những cái má đỏ hây hây, nứt nẻ vì lạnh. Nhiều người rất ngại đi du lịch gặp những ngày mưa, nhưng trong những ngày mưa xuân thế này, tôi mới thấy vẻ đẹp của cổ trấn bộc lộ hết “nhan sắc”.Những bức tường rêu phong tốt tươi và hoa đẫm trong cơn mưa nhẹ. Những mái ngói cong, những bức tường lát gạch thẫm màu. Một chú chim vành khuyên lảnh lót dưới mái hên. Leng keng… leng keng… một chiếc xe đạp đi phía sau cất tiếng chuông lanh lảnh cũng đủ phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng của phố. Bà chủ nhà loẹt quẹt đôi dép chạy ra mở cửa, đón nhận lá thư tay từ bác đưa thư già. Trong thời đại thay đổi chóng mặt của Internet và truyền thông, những lá thư tay vẫn hàng ngày đến với từng ngôi nhà trong cổ trấn, mặc cho sự bùng nổ của thông tin. Trong cả cổ trấn này, bạn khó có thể tìm thấy một cửa hàng điện tử máy tính nào nếu không bước sang phía bên kia cầu, sang khu phố mới.

Trong thời đại thay đổi chóng mặt của Internet và truyền thông, những lá thư tay vẫn hàng ngày đến với từng ngôi nhà trong cổ trấn, mặc cho sự bùng nổ của thông tin.

Từ trên bức tường thành, có thể nhìn được toàn cảnh cổ trấn. Con đường chạy dọc theo bức tường thành và dòng sông uốn lượn bên ngoài. Con phố này cũng là trục đường chính của Phượng Hoàng cổ trấn. Trên phố bán đủ thứ mặt hàng cho người dân và khách du lịch. Khu phố chỉ dành cho người đi xe đạp và đi bộ, không ồn ã, không cò cưa níu kéo khách. Bạn có thể tạt ngang tạt bất cứ cửa hàng nào. Nếm thử những món ăn truyền thống ngon miệng hay mua những món quà lưu niệm vui vui cho mình, một vài cửa hàng đồ da, hàng thịt bò khô hay những cửa hàng dụng cụ được nhiều người ghé mua.

Thú vị hơn cả là những bước chân trên cây cầu đá qua sông. Hàng ngày, có không ít khách du lịch và người dân địa phương qua lại trên cây cầu này. Đây cũng là điểm chụp ảnh lý tưởng khi bạn muốn khoe hình Phượng Hoàng cổ trấn. Nhiều du khách còn chọn cách đi thuyền trên sông, để có thể ngắm toàn cảnh cổ trấn lung linh soi bóng xuống dòng sông và len lỏi qua những cây cầu bắc ngang qua sông thơ mộng.

Khi phố về đêm, cả thị trấn lung linh trong ánh sáng đủ màu của những chiếc đèn lồng. Những gian hàng lác đác đóng cửa. Con sông nối giữa khu phố cổ soi bóng những chiếc đèn lồng và cả khúc sông rực rỡ trong ánh đèn. Hồng Kiều, cây cầu cũ đẹp bậc nhất thành cổ, được trang hoàng lộng lẫy. Những chiếc đèn nến được bán quanh khúc sông. Bập bềnh trôi những đóa hoa nến huyền ảo. Tôi ngồi lại trong một quán trà, tự thưởng một ấm trà thơm sực nóng ấm, ngắm nhìn dòng người qua lại mỗi lúc một thưa thớt dần.

23h đêm, những ngôi nhà hai bên bờ cũng đã dần tắt ánh đèn. Tôi đi bộ lang thang qua cây cầu nhỏ vắt mảnh qua sông, vội vàng kéo mũ trùm cho ấm tai và quấn thêm một vòng chiếc khăn len, đôi bàn tay cũng thọc sâu hơn vào túi áo. Trời lất phất mưa bay. Đêm quánh đặc trong tiếng nước chảy không ngừng. Một vài vị khách đi ngược lại, nhường đường cho người bộ hành phía bên này đi qua trước. Những con phố le lói ánh đèn mờ ảo. Con đường thẫm ướt, những ngôi nhà thẫm ướt, chiếc đèn lồng bên ngoài khung cửa cũng thẫm ướt. Chỉ còn một vài ngôi nhà là còn sáng đèn. Một cửa hàng mì bán khuya vẫn mở, mời chào cái bụng đang đói kêu “tung tung” của tôi. Tạt vào quán nhỏ được trang trí đơn giản, tôi xì xụp húp bát mì nóng hổi, bốc khói. Nước tương cay xè cùng vị nóng của nước dùng khiến cả người ấm sực. Người bán hàng đang trò chuyện khe khẽ với một người khách ăn khuya, thi thoảng thấy ánh mắt tôi lại khẽ mĩm cười với tôi. Tay vẫn thoăn thoắt se sợi mì, kéo, kéo, và kéo. Mỗi bát mì đều được làm tỉ mẩn như thế, từ những sợi mì, đến những miếng thịt xá xíu thái trong bát nước dùng trong.

Tôi bước ra khỏi quán cũng là lúc người chủ dọn đồ, đóng cửa, nghỉ ngơi. Phố tĩnh lác đác người qua lại. Dưới gầm cầu le lói ánh nến, một nghệ sĩ đường phố già đang chơi nốt những nốt nhạc dở dang cuối cùng. Vẫn còn đôi ba người đứng lại thưởng thức nhạc như tôi, chưa vội đi ngay. Đã quá khuya. Mọi ánh đèn đều đã tắt. Tĩnh mịch, thâm trầm và bình yên.

Thông tin thêm

+ Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trước đây, nơi này vốn chỉ là một thị trấn nhỏ, xinh xắn nằm về một phía của bờ Đà Giang.

+ Từ Nam Ninh, du khách có thể mua vé tàu để tới ga Cát Thủ. Tại ga luôn có xe buýt chờ sẵn. Từ ga Cát Thủ đến Phượng Hoàng cổ trấn khoảng 55km, giá vé 20 NDT.

+ Nhà nghỉ, khách sạn ở Phượng Hoàng dao động từ 70 – 100 NDT/phòng đôi. Có thể nghỉ trong các nhà nghỉ tại thị trấn hoặc phía bên kia sông.

+ Phượng Hoàng cổ trấn có hai di tích cấp quốc gia là cổng Bắc và bức tường thành phía Nam cùng 85 di tích cấp tỉnh khác. Hãy dành ít nhất từ 2 - 3 ngày để khám phá cổ trấn cấp tỉnh số 1 của Trung Quốc này.

 

RELATED ARTICLES