Tà Đùng, Hạ Long trên cạn của Tây Nguyên

14/05/2015

Nằm sâu giữa cao nguyên Đắk Nông và Di Linh có đỉnh cao nhất 1982 m, hồ Tà Đùng với 36 hòn đảo lớn nhỏ kỳ vĩ là tuyệt tác của tạo hóa, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Bài và ảnh: Hải An

 

Đúng 7 giờ tối từ Sài Gòn, sau khi kiểm tra xe cộ, đai phản quang, trang phục bảo hộ an toàn, đoàn chúng tôi với 22 thành viên bắt đầu hành trình khám phá Tà Đùng. Thay vì đi theo quốc lộ 20 như thường lệ, chúng tôi chọn một cung đường vắng và tốt hơn hướng về Long Khánh thẳng lên Đức Linh, băng qua những ngọn đèo hoang liêu xuyên rừng để đến phố núi Bảo Lộc. Đoàn dừng nghỉ chân dưới ánh trăng tuyệt đẹp dưới chân đèo Tà Pứa.

Sau một đêm nghỉ ngơi ở Bảo Lộc, sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm lên cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) rồi từ đây đi thêm 30km là đến bến thuyền Tà Đùng. Đón đoàn là Khanh - “thổ địa Tà Đùng”. Vì ở đây chưa hề khái thác du lịch đại trà nên chúng tôi nhờ Khanh thuê xà lan của người dân cho hành trình khám phá của mình.

 

 

Cùng hướng dẫn đoàn với Khanh là một người dân lớn lên từ chính vùng đất này, người am hiểu từng ngóc ngách nhỏ nhất. Chiếc xà lan nhẹ nhàng tiến sâu vào lòng hồ trong sự phấn khích của những người trẻ tuổi quanh năm sống ở phố thị. Do đoàn quá đông nên chúng tôi phải di chuyển bằng hai chuyến. Để cung đường khám phá được trọn vẹn và không lập lại, xe máy cũng được chuyển theo cùng để dành cho lượt về. Hình ảnh màu áo đỏ của tuổi trẻ nổi bật trong màu xanh mênh mông của núi rừng là một cảm xúc tuyệt vời. 

 

 

Thời gian còn sớm nên chúng tôi không cắm trại ngay mà chinh phục cung đường quốc lộ 27 quanh hồ đang còn thi công dở dang. Đây thật sự là một quyết định thú vị. Những lớp bụi dày hàng chục cm đã tạo ra những cơn bão bụi mù mịt. Cả đoàn nối nhau vượt qua những khúc quanh, những đỉnh cao đến khi dừng chân thì mệt quá đỗi. Kết thúc cung đường gian khổ này, chúng tôi lại lên thuyền rong ruổi ra giữa hồ để tìm điểm hạ trại. Một khung cảnh tuyệt đẹp quyến rũ đến xao lòng mở ra trước mắt. Đất trời, núi xanh và mặt hồ phẳng lặng như gương giao thoa cùng nhau tạo nên một thế giới ba chiều tuyệt đẹp đến sừng sờ. Bao nhiều mệt mỏi tan biến tự lúc nào, tất cả đều lặng người trước vẻ đẹp của tạo hóa. 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một khung cảnh tuyệt đẹp quyến rũ đến xao lòng mở ra trước mắt. Đất trời, núi xanh và mặt hồ phẳng lặng như gương giao thoa cùng nhau tạo nên một thế giới ba chiều tuyệt đẹp đến sừng sờ

Chiếc xà lan từ từ rẽ nước đưa chúng tôi ra giữa hồ. Tất cả cùng nhảy ngay xuống làn nước mát lạnh, màu nước xanh thăm thẳm. Khanh chia sẻ: “Ngày trước bên dưới lòng hồ là những con đường đất đỏ, những cây cầu bắc qua sông, nhưng sau khi tích nước cho hồ thủy điện, mực nước dâng cao đến gần cả trăm mét. Vì hồ quá sâu nên nước hồ luôn xanh biếc đậm màu.”

 

 

Chúng tôi chọn một "hòn đảo" nhỏ để hạ trại. Trên đảo có gia đình anh Tèo cư ngụ để canh vườn cà phê. Thấy chúng tôi ghé chơi, anh vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ vì đón tiếp những người khách lạ. Đêm trên hồ, dưới ánh trăng sáng, bên bếp lửa bập bùng, lời ca tiếng hát cứ tiếp nối. Những con người xa lạ bỗng xích lại gần nhau. Câu hát chân tình cứ vang lên rồi tan trong đất trời bao la. Sáng hôm sau chúng tôi rời đảo để chuẩn bị hành trình về lại Sài Gòn. Tà Đùng lại ban tặng thêm một món quà lãng mạn khác với màn sương ảo mờ giăng giăng đất trời.

 

 

Chia tay Khanh, chúng tôi bắt đầu chạy về Đắk Som, qua Quảng Khê rồi thẳng Bảo Lộc. Sau những con dốc cao, khung cảnh trọn vẹn của cả lòng hồ hiện ra trước mắt. Và giờ đây chúng tôi mới hiểu vì sao hồ gọi là "Hạ Long của Tây nguyên". Những hòn đảo nhỏ trập trùng nối tiếp nhau uốn lượn, khung cảnh trông thật kỳ vĩ. Ấn tượng nhất là cây đa đại thụ sừng sững ven hồ.

 

 

Trên đường về với Sài Gòn phố thị, chúng tôi bỗng thấy nôn nao, chỉ muốn quay lại chốn thần tiên bình yên Tà Đùng. Nơi đó dường như chẳng dành cho những người mãi bon chen với bộn bề cuộc sống.

 

Thông tin thêm:

+ Hành trình: Từ TP.HCM đi tới ngã ba Dầu Giây rẽ trái theo Quốc lộ 20 lên Di Linh. Từ chợ Di Linh rẽ trái đi thẳng tầm 30km đến bến thuyền Tà Đùng. Hiện nay đường đến Tà Đùng đã trải nhựa toàn bộ.

+ Liên hệ anh Khanh (“thổ địa Tà Đùng”) để làm người dẫn đường, thuê thuyền đi lại, liên hệ chỗ cắm trại nghỉ ngơi. Điện thoại Khanh: 0973468012.

+ Ăn uống: Nên mua thức ăn chế biến sẵn tại chợ Di Linh vì gần hồ không có dịch vụ ẩm thực. 

+ Nhớ trang bị thêm áo phao để bơi lội an toàn.

+ Ngủ nghỉ: Nên đem theo lều trại, túi ngủ. Bạn cũng có thể nhờ Khanh thu xếp ngủ ở nhà dân.

+ Điểm tham quan: Từ hồ Tà Đùng, chạy xe vòng quanh hồ, đi thuyền khám khá các đảo hoang, thăm cây si khổng lồ, tham quan bản làng người Mông, chinh phục đỉnh núi Tà Đùng, câu cá trên hồ…

RELATED ARTICLES